Bang Campeche nằm trên bán đảo Yucatan là địa phương có nghề nuôi ong truyền thống kế thừa từ văn hóa Maya cổ xưa. Nuôi ong là một phần không thể thiếu trong văn hóa của người Maya. Ở Campeche có khoảng 25.000 hộ gia đình, trong đó phần lớn là cộng đồng người Maya bản địa với nguồn thu nhập chính phụ thuộc vào sản xuất mật ong. Tuy nhiên những năm gần đây, nạn phá rừng để chuyển đổi đất làm nông nghiệp khiến bang này trở thành một trong những địa phương có tỷ lệ phá rừng cao nhất ở Mexico.
Theo báo cáo, tình trạng phá rừng trở nên nghiêm trọng từ những năm 2000, khi các “ông lớn” về sản xuất nông nghiệp đại trà như Monsanto bắt đầu trồng thử nghiệm đậu nành biến đổi gen ở Mexico. Trong năm 2010 và 2011, các dự án này đã được thí điểm ở bảy địa phương, trong đó có bang Campeche thuộc Yucatan, khiến người dân tìm mọi cách để chuyển đổi đất rừng thành đất nông nghiệp. Đồng thời, việc đưa vào các cây trồng biến đổi gen đã sớm làm ô nhiễm nguồn mật ong ở địa phương.
Vào tháng 6-2012, để phản đối việc trồng đậu nành biến đổi gen, bà Leydy Aracely Pech Martín, người được biết đến là “Quý bà mật ong Maya”, đã đại diện cho cộng đồng những người nuôi ong ở Campeche kêu gọi thành lập tổ chức Sin Transgenicos (Không có biến đổi gen). Leydy Pech (55 tuổi) là một phụ nữ người Maya sống bằng nghề nuôi ong từ nhỏ. Bà sinh ra và lớn lên ở thị trấn Hopelchén thuộc Campeche, một trong những nơi còn lưu giữ nguyên vẹn tập tục nuôi ong theo phương pháp truyền thống của người Maya. Tổ chức của bà đã thu thập các chứng cứ thực địa và luận điểm khoa học để kêu gọi ngừng các hoạt động trồng đậu nành biến đổi gen.
Bà Pech cũng liên hệ các tổ chức học thuật tiến hành nghiên cứu và ghi chép về tác động của việc trồng đậu nành biến đổi gen đối với chất lượng mật ong, môi trường tự nhiên và sức khỏe con người. Theo kết quả nghiên cứu của Trường đại học Autonoma (Mexico), việc sản xuất đậu tương biến đổi gen của Monsanto ở Campeche là nguyên nhân dẫn đến sự xuất hiện của phấn hoa biến đổi gen trong mật ong địa phương. Nghiên cứu cũng tìm ra dấu vết của chất diệt cỏ trong nguồn nước ở địa phương, cho thấy tác động trực tiếp của cây biến đổi gen đến chất lượng mật cũng như sức khỏe người tiêu dùng.
Với dữ liệu khoa học trong tay, “Quý bà mật ong” và nhóm của bà đã tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức về tác động tiêu cực của việc sản xuất đậu nành biến đổi gen. Họ cũng tổ chức một loạt hội thảo cùng các chuyên gia môi trường của LHQ để trao đổi thông tin và nghiên cứu, đưa ra các kiến nghị chính sách phù hợp cho địa phương. Những hoạt động quyết liệt của bà Pech đã được báo chí địa phương ca ngợi là “cuộc chiến bảo vệ mật ong”, đi tiên phong cho các phong trào bảo tồn di sản và bảo vệ rừng khác ở Yucatan.
Năm 2015, bà Pech đã chiến thắng trong vụ kiện với công ty hóa chất Monsanto ở Mexico. Theo đó, tòa án đồng ý rằng các cộng đồng bản địa cần phải có tiếng nói quyết định trước khi trồng sản phẩm biến đổi gen, đồng thời phán quyết hủy bỏ giấy phép của Monsanto và cấm trồng đậu nành biến đổi gen ở Campeche. Vào năm 2017, các địa phương khác ở Mexico cũng lần lượt gỡ giấy phép của Monsanto cho hoạt động này. Tuy vậy, bà Pech vẫn cảnh báo sự lấn át của các “siêu dự án” khai thác tài nguyên rừng, ngành nông nghiệp sản xuất hàng loạt cũng như du lịch thiếu bền vững vẫn còn gây ảnh hưởng tài nguyên thiên nhiên và cuộc sống của người dân địa phương.
Với những đóng góp to lớn của mình, “Quý bà mật ong” Leydy Pech đã được trao giải thưởng danh giá về bảo vệ môi trường Goldman năm 2020. “Giải thưởng cho tôi cơ hội để nói với thế giới rằng cần xem xét lại các mô hình phát triển bền vững, hòa thuận với thiên nhiên và môi trường”, bà chia sẻ. Hiện nay, bà Pech và các gia đình nuôi ong mật truyền thống duy trì nguồn thu ổn định từ việc bán mật ong và các sản phẩm như xà phòng từ mật ong và sữa. Không chỉ bảo đảm sinh kế cho người dân, bảo vệ được nghề nuôi ong truyền thống, mà các khu rừng cũng đang dần được khôi phục.