Qua cơn bĩ cực

Ngày 20/8, Hy Lạp xác nhận đã chính thức chấm dứt giai đoạn 12 năm qua chịu sự giám sát tăng cường về tài chính của Liên minh châu Âu (EU), sau cuộc khủng hoảng nợ công nghiêm trọng, qua đó giúp Athens giờ đây có quyền tự chủ lớn hơn trong đối sách kinh tế của nước này.
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: KAPTEIN
Biếm họa: KAPTEIN

Hy Lạp là nền kinh tế cuối cùng của EU vượt qua giám sát tài chính trong cuộc khủng hoảng nợ công, sau Ireland năm 2013, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha năm 2014 và CH Cyprus năm 2016. Trong một tuyên bố được phát truyền hình, Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis khẳng định, 12 năm vốn mang đến nhiều khó khăn cho người dân, khiến nền kinh tế chững lại cũng như làm gia tăng xung đột xã hội nay đã kết thúc. Theo ông, Hy Lạp giờ đây đang đứng trước chân trời mới, với sự phát triển, đoàn kết và thịnh vượng cho tất cả người dân.

Hy Lạp đã chìm sâu trong khủng hoảng kinh tế và phải thực thi cải cách cùng chính sách siết chặt chi tiêu từ năm 2010 để đổi lấy các gói cứu trợ tài chính trị giá hơn 260 tỷ euro của EU và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) trong giai đoạn 2010-2015. Tháng 8/2018, Cơ chế bình ổn châu Âu đã xác nhận Hy Lạp không còn phụ thuộc vào các gói cứu trợ, nhưng EU vẫn tiếp tục giám sát nhằm tiếp tục thực hiện các biện pháp hỗ trợ Athens thúc đẩy tăng trưởng bền vững.

Theo dự báo của Ủy ban châu Âu (EC), kinh tế Hy Lạp sẽ tăng trưởng khoảng 4% trong năm nay, cao hơn so mức trung bình 2,6% của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Tuy nhiên, những cải cách kinh tế mà Athens phải đáp ứng cho các chủ nợ đã khiến nền kinh tế nước này thiệt hại nặng nề. Hiện, tỷ lệ thất nghiệp của Hy Lạp vẫn ở mức cao nhất trong EU, mức lương tối thiểu cũng thuộc hàng thấp nhất trong khi nợ công của nước này tương đương 180% GDP.

Giới quan sát cho rằng, dù thời kỳ bi đát của Hy Lạp có thể đã qua nhưng việc kết thúc chương trình cứu trợ không có nghĩa là khép lại chặng đường cải tổ kinh tế khốc liệt. Cái giá phải trả để thoát khỏi cảnh nợ nần chồng chất là quá lớn, nên người dân ở “đất nước của những vị thần” nhiều khả năng vẫn phải chịu đựng các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” ngột ngạt để tránh một lần nữa rơi vào vết xe đổ.