Giọt nước tràn ly

Kết thúc tại Bỉ hồi đầu tuần, Hội nghị Bộ trưởng Nông nghiệp và Nghề cá Liên minh châu Âu (EU) ra tuyên bố chung nêu rõ: Các Bộ trưởng khẳng định ý chí chính trị cao, nhằm đáp ứng một cách hiệu quả các mối quan tâm của nông dân, đồng thời nhất trí một loạt các biện pháp cụ thể để ứng phó cuộc khủng hoảng hiện tại.
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: SABADO
Biếm họa: SABADO

Phó Thủ tướng Bỉ David Clarinval nhấn mạnh: “Chúng tôi đang lắng nghe nông dân. Chúng tôi cam kết đưa ra các giải pháp cụ thể giúp giảm áp lực họ đang đối mặt. Chúng tôi sẽ nỗ lực cải thiện vị thế của nông dân trong chuỗi cung ứng thực phẩm và bảo đảm tôn trọng cam kết về môi trường”.

Các Bộ trưởng EU gặp nhau trong bối cảnh làn sóng biểu tình của nông dân diễn ra trên khắp châu Âu. Từ Pháp, Bỉ, Đức, Hà Lan đến Ba Lan, Romania, Italia, Hy Lạp và Tây Ban Nha, những người nông dân phẫn nộ, đưa máy kéo vào phố, phong tỏa các tuyến đường, phóng hỏa..., tạo nên cảnh tượng bất ổn ở nhiều thành phố châu Âu. Tại Hội chợ Nông nghiệp lần thứ 60 đang diễn ra ở Paris, người biểu tình xô xát với cảnh sát, tìm cách vượt rào an ninh để tiếp cận giới chức nhằm bày tỏ phẫn nộ...

Các cuộc biểu tình của nông dân hiện nay phản ánh cuộc khủng hoảng trong ngành nông nghiệp châu Âu. Lâu nay, dù chỉ đóng góp khoảng 2% GDP của EU, song ngành nông nghiệp nhận được nhiều ưu đãi và đặc quyền. EU thậm chí dành gần 30% ngân sách chi cho các khoản trợ cấp thông qua Chính sách Nông nghiệp chung (CAP) nhằm hỗ trợ nông dân, tăng sức cạnh tranh của nông sản và bảo đảm an ninh lương thực của châu Âu.

Tuy nhiên, gần đây ngành nông nghiệp châu Âu có xu hướng tụt dốc, cuộc sống của nông dân ngày càng khó khăn, khiến họ cảm thấy bị “bỏ lại phía sau”. Tỷ trọng nông nghiệp trong nền kinh tế EU giảm sút rõ rệt, khi sản xuất lương thực, thực phẩm trong năm 2023 chỉ chiếm 1,4% GDP của EU. Các yếu tố dịch bệnh, xung đột, biến đổi khí hậu, cùng các hiệp định thương mại tự do (FTA) và tiến trình toàn cầu hóa thương mại càng khiến nền nông nghiệp và nông dân châu Âu chưa khi nào gặp khó khăn nhiều và lớn đến vậy.

Trong khi đó, như “giọt nước tràn ly”, các quy tắc xanh EU mới ban hành phục vụ mục tiêu khí hậu lại đặt ra các tiêu chuẩn quá cao. Đi kèm tấm séc trợ cấp là các quy định ngặt nghèo, với nhiều thủ tục, văn bản, biểu mẫu mà người nông dân phải thực hiện, trong khi nông sản của họ phải cạnh tranh khắc nghiệt với hàng hóa nhập khẩu giá rẻ... Đây chính là điều mà các Bộ trưởng EU thảo luận nhiều nhất tại cuộc họp vừa qua.