Theo Điều lệ Đảng và các quy định có liên quan, quyền lực tập trung cao nhất ở bí thư cấp ủy các cấp. Bí thư có trách nhiệm chủ trì, định hướng, kết luận mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội, an ninh, công tác xây dựng Đảng, công tác cán bộ... Đặc biệt là, Bí thư trực tiếp phụ trách công tác xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt của địa phương, đơn vị. Riêng về công tác cán bộ có những khâu trọng yếu nhất như quy hoạch, luân chuyển, đánh giá, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật.
Nguyên tắc hàng đầu trong công tác lãnh đạo của Đảng là tập trung dân chủ. Nói cụ thể hơn, mặc dù cấp ủy Đảng hoạt động theo chế độ thiểu số phục tùng đa số, nhưng không thể nào xem nhẹ ý kiến quyết định, "thẩm quyền đặc biệt" của đồng chí bí thư. Khi quyết định về công tác nhân sự, chỉ đạo của bí thư được người đứng đầu các cơ quan trong bộ máy hành chính mang tính định hướng. Trong thực tế những chỉ đạo đó có khi ít chịu ràng buộc về pháp lý hơn so với người đứng đầu các cơ quan hành chính nhà nước. Tuy nhiên, lại bị chịu ràng buộc nhiều hơn bởi Điều lệ và các quy chế, quy định của Đảng. Tiếng nói của cấp ủy và Bí thư cấp ủy có giá trị và quyết định lớn đối với các quyết sách của cơ quan nhà nước, đặc biệt là ở các địa phương, nhưng người phải chịu trách nhiệm pháp lý khi đưa ra các quyết định lại là Chủ tịch ủy ban nhân dân và cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương. Đây là chỗ đòi hỏi Ban cán sự Đảng của Ủy ban nhân dân và người đứng đầu phải thực hiện nghiêm túc chủ trương của cấp ủy, đồng thời hết sức sáng tạo, linh hoạt trong việc xây dựng kế hoạch, chương trình hành động.
Trong công tác cán bộ, dư luận đã từng xôn xao về một số trường hợp người nhà, người thân cận với Bí thư, hoặc một số ủy viên thường vụ, được nắm giữ các trọng trách quan trọng trong cơ quan nhà nước, được quy hoạch sớm, thăng tiến "thần tốc". Báo chí từng đưa tin gây bức xúc trong dư luận về việc trường hợp ông Nguyễn Nhân Chinh, con trai của nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh, chỉ trong vòng 6 tháng đã được bổ nhiệm qua ba vị trí lãnh đạo tại tỉnh Bắc Ninh, trong đó có Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội. Ông Lê Phước Thanh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam trước khi nghỉ hưu đã chủ trì cuộc họp thông qua chủ trương đưa con trai là Lê Phước Hoài Bảo làm Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam và là giám đốc sở trẻ nhất nước khi mới tròn 30 tuổi. Ông Vũ Huy Hoàng, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Bộ trưởng Công thương đã tự ý đề nghị phê duyệt bổ sung quy hoạch chức danh Thứ trưởng Bộ Công thương đối với Trịnh Xuân Thanh. Ông Đậu Minh Ngọc, nguyên Bí thư Huyện ủy Quảng Trạch (Quảng Bình) đã bị xử lý kỷ luật vì lý do tiếp nhận, bổ nhiệm 36 trường hợp (9 trường hợp họ hàng, 27 trường hợp là người cùng thôn), trong đó có 8 trường hợp sai phạm về công tác cán bộ… Đó là trường hợp "hậu duệ", còn "tiền tệ" thì diễn biến tinh vi và dư luận vẫn đồn đoán về mức tiền để "chạy" chức là con số không hề nhỏ.
Tình trạng lạm quyền, lộng quyền, sử dụng quyền lực vì mục đích cá nhân, "lợi ích nhóm", thiếu dân chủ, chưa minh bạch trong các quyết định, thiếu công khai trong công tác cán bộ vẫn còn tồn tại ở không ít nơi. Vẫn có hiện tượng trù dập cá nhân không đồng thuận trong cấp ủy. Trong khi đó, ở một số tổ chức Đảng, Ủy ban kiểm tra vẫn chưa làm tốt chức năng kiểm tra, giám sát đối với cấp ủy, Bí thư; chưa mạnh dạn đề xuất nội dung kiểm tra, giám sát, thẩm quyền còn chưa đủ mạnh. Nhiều vi phạm không được phát hiện qua kiểm tra, giám sát, chỉ đến khi có phản ánh của quần chúng nhân dân, của báo chí thì cơ quan kiểm tra mới vào cuộc. Bản thân ủy viên cấp ủy cũng có hiện tượng không dám đấu tranh phê bình, do nể nang, né tránh, sợ ảnh hưởng đến bản thân. Hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ở một số địa phương còn hình thức, hiệu quả thấp. Cơ chế kiểm soát quyền lực chưa được tối ưu hóa làm cho quyền lực dễ bị lợi dụng, tình trạng "chạy chức, chạy quyền" có cơ hội nảy sinh và diễn biến phức tạp; phân công, phân cấp, phân quyền có nơi, có lúc chưa gắn với ràng buộc trách nhiệm; một số chế tài xử lý khi có hành vi lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực trong công tác cán bộ còn thiếu cụ thể và mạnh mẽ, nên chưa phát huy tác dụng ngăn chặn, răn đe.
Điểm qua một số hạn chế, thiếu sót, thấy rằng, nếu không có cơ chế để kiểm soát tốt quyền lực của cấp ủy nói chung, Bí thư các cấp ủy đảng nói riêng, đặc biệt là trong công tác cán bộ sẽ dẫn tới việc lợi dụng quyền lực để nâng đỡ người nhà, người thân. Đây là mảnh đất dung dưỡng những tiêu cực như "mua bán" chức quyền, hợp lý hóa "quy trình", đưa những người không có đủ phẩm chất, năng lực lên nắm quyền, làm tha hóa đội ngũ cán bộ, giảm hiệu quả quản lý nhà nước, gây mất niềm tin của nhân dân.
Quy định số 205-QĐ/TW của Bộ Chính trị thể hiện sự đổi mới mạnh mẽ về tư duy, nhận thức và hành động của Đảng về vấn đề kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ. Đây là lần đầu tiên Đảng xác định công tác cán bộ có thể hình thành nên một loại quyền lực cần được kiểm soát và các hành vi "chạy chức, chạy quyền" gắn liền với công tác cán bộ được Đảng chỉ rõ trong một quy định của Bộ Chính trị. Thẩm quyền của người đứng đầu chủ yếu là chỉ đạo, điều hành các thủ tục, quy trình công tác cán bộ, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, vận hành theo đúng nguyên tắc của Đảng; người đứng đầu không có quyền quyết định tuyệt đối về nhân sự, vì đó là thẩm quyền của tập thể. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, Đảng đã ban hành nhiều quy định, kết luận quan trọng, tích cực thực hiện việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, góp phần đề cao lòng tự trọng, hình thành văn hóa liêm chính, công minh trong công tác cán bộ. Việc thực hiện thí điểm chủ trương giao quyền cho người đứng đầu được lựa chọn giới thiệu và phải chịu trách nhiệm về việc giới thiệu cán bộ trong quy hoạch để thực hiện quy trình bầu cử, bổ nhiệm cấp phó của mình kỳ vọng sẽ tạo ra bước đột phá trong công tác cán bộ và cũng là một trong những giải pháp kiểm soát quyền lực có hiệu quả.
Để kiểm soát tốt hơn quyền lực của cấp ủy, Bí thư, đặc biệt là trong công tác cán bộ, cần tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp. Trước hết là, tiếp tục hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực đối với cấp ủy và bí thư cấp ủy, thông qua việc hoàn thiện quy chế làm việc, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của cấp ủy theo hướng phân công cụ thể và chịu trách nhiệm rõ ràng. Phân công rõ việc, rõ người, rõ thời gian thực hiện, không để tình trạng đùn đẩy, đổ lỗi cho tập thể. Thực hiện nghiêm chế độ báo cáo, chất vấn và giải trình đối với Bí thư trong hội nghị cấp ủy. Nghiên cứu việc quy định lấy phiếu tín nhiệm hằng năm với Bí thư cấp ủy. Rà soát các quy chế, quy định chống chạy chức, chạy quyền, bổ sung những giải pháp mới khi thực tiễn thay đổi. Cần có chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm của cấp ủy, bí thư cấp ủy các cấp nghiêm khắc hơn. Tăng tính độc lập, thẩm quyền, vai trò của Ủy ban kiểm tra các cấp trong kiểm tra, giám sát việc thực thi quyền lực của cấp ủy, bí thư cấp ủy để ngăn chặn tình trạng buông lỏng dân chủ, dân chủ hình thức dẫn tới lạm quyền, tham nhũng.