Phương trình nghiệt ngã

Duy trì tăng trưởng nhờ năng lượng xanh thật sự là một bài toán không dễ giải, ngay cả với một quốc gia phát triển hàng đầu châu Âu và thế giới như Đức. Kể từ chủ nhật 15/4, ba nhà máy điện hạt nhân cuối cùng của nước Đức sẽ không còn hoạt động, bất chấp những bóng mây đen khủng hoảng năng lượng vẫn đang vần vũ.
0:00 / 0:00
0:00

ĐÂY không phải là một câu chuyện mới. Nó chỉ trở lại tâm điểm chú ý, trong một bối cảnh mới, với những khía cạnh mới.

Từ đầu thiên niên kỷ, nước Đức đã tìm cách loại bỏ dần năng lượng hạt nhân. Và đến năm 2011, sau thảm họa kép động đất-sóng thần Fukushima (Nhật Bản), Thủ tướng Angela Merkel lại càng quyết tâm thúc đẩy tiến trình này, khi hiện thực đã chứng minh rằng không có cách nào hoàn toàn kiểm soát được các nguy cơ khủng khiếp, nếu các nhà máy điện hạt nhân xảy ra sự cố.

Ngày 30/5/2011, bà Angela Merkel công bố quyết định: Ngày 31/12/2022, nước Đức sẽ đóng cửa toàn bộ các nhà máy điện hạt nhân còn hoạt động. Và đến tận tháng 11/2021, ở cuối nhiệm kỳ, bà vẫn phản đối các quan điểm trong Liên minh châu Âu (EU) coi năng lượng hạt nhân là "bền vững".

LẬP trường này nhận được sự ủng hộ nồng nhiệt từ đảng Xanh, đối tác trong liên minh cầm quyền hiện tại của Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Chính vì vậy, sau một chặng trì hoãn bất khả kháng, ông quyết định chấm dứt "tuổi thọ" của ba nhà máy điện hạt nhân cuối cùng tại nước Đức (Neckarwestheim 2, Isar 2 và Emsland), vào ngày 15/4.

Tuy nhiên, đảng Dân chủ tự do (FDP) - đối tác còn lại trong liên minh cầm quyền, lại không chia sẻ cách tiếp cận vấn đề ấy. Theo họ, kế hoạch "gỡ" ba nhà máy điện hạt nhân cuối cùng khỏi lưới điện quốc gia là quá sớm, và lẽ ra, nên có thêm một khoảng "thời gian chờ" cần thiết, để lúc nào chúng cũng có thể được tái kích hoạt như một biện pháp phòng ngự với thời cuộc.

Cơ sở lập luận của FDP có thể gói gọn trong một phát biểu của Bộ trưởng Giao thông vận tải Đức, ông Volker Wissing - một đảng viên FDP- hồi tháng 1/2023: "Chúng tôi cần một câu trả lời đầy đủ cho việc: Làm thế nào chúng ta có thể bảo đảm nguồn cung năng lượng ổn định và giá cả phải chăng để đạt được các mục tiêu bảo vệ khí hậu?".

Bởi lẽ, "chặng trì hoãn bất khả kháng" đề cập ở trên có liên quan mật thiết một phương trình hóc búa chưa có lời giải trọn vẹn. Sau khi chiến dịch quân sự đặc biệt của nước Nga bắt đầu tại miền đông Ukraine vào tháng 2/2022, sau khi hệ thống đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 bị cắt đứt (nguyên nhân được cho là do hành động phá hoại), và với việc Berlin kiên quyết "đoạn tuyệt" với năng lượng nhập khẩu từ Nga, không chỉ nước Đức, toàn thế giới lâm vào cảnh thiếu hụt nguồn cung, đồng thời bắt buộc phải chứng kiến giá nhiên liệu "nhảy múa", đẩy chi phí sinh hoạt cùng tình trạng lạm phát tăng chóng mặt.

Trong tình thế ấy, các nhà máy điện hạt nhân còn sót lại đã có những đóng góp đáng giá cho nhu cầu năng lượng của nền kinh tế-xã hội Đức, bởi năng lượng tái tạo cũng mới chỉ đáp ứng được khoảng 46% tỷ trọng chung.

VÀ đến lúc này, trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới (WEO) ngày 11/4, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vẫn nhận định: Một cuộc khủng hoảng năng lượng mới ở châu Âu vẫn có thể xảy ra, theo đà diễn tiến tình hình ở miền đông Ukraine. Trong khi đó, phát biểu trước Nghị viện châu Âu (EP), Ủy viên năng lượng EU Kadri Simson cảnh tỉnh: "Chúng ta không nên ảo tưởng rằng mọi thứ đang trở nên dễ dàng".

Còn trong nội bộ nước Đức, những luồng ý kiến trái chiều lo ngại rằng quyết định đóng cửa hoàn toàn hệ thống điện hạt nhân có thể buộc Đức phải phụ thuộc nhiều hơn vào than đá, nguồn nhiên liệu gây ô nhiễm khí hậu hàng đầu, trên lộ trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo.

Các nghị sĩ thuộc FDP trong Quốc hội Liên bang Đức nói thẳng: "Chúng tôi xem đây là một quyết định sai lầm". Mà, trong sâu thẳm, sự bất đồng ấy có thể cũng sẽ gây ra không ít hệ lụy cho đảng Dân chủ Xã hội (SPD) của Thủ tướng Olaf Scholz, bên cạnh những chặng "trầy trật" chắc chắn sẽ đến, trong việc bảo đảm duy trì các mục tiêu tăng trưởng.