Phục hồi “viên ngọc” vùng Caribe

Khu bảo tồn rạn san hô Belize từng nằm trong danh sách cảnh báo nguy hiểm, song sau nhiều nỗ lực bảo tồn, nó đã được khôi phục gần như hoàn toàn và đưa trở lại khai thác du lịch. Việc bảo tồn rạn san hô sống có giá trị nhất ở Tây bán cầu đã được xem là hình mẫu cho những khu vực khác trên thế giới.
0:00 / 0:00
0:00
Lặn biển là hoạt động du lịch được yêu thích ở rạn san hô Belize. Ảnh: GETTY
Lặn biển là hoạt động du lịch được yêu thích ở rạn san hô Belize. Ảnh: GETTY

Belize là một quốc gia vùng Caribe nằm trên bờ biển phía đông bắc của Trung Mỹ. Dù diện tích chưa đầy 23.000km2, song đây được mệnh danh là “viên ngọc” vùng Caribe nhờ sự đa dạng sinh học. Rạn san hô chắn sóng ở Belize dài thứ hai thế giới với hệ sinh vật biển phong phú. Vùng ven biển Belize là một hệ thống tự nhiên bao gồm các đảo san hô ngoài khơi, bãi cát, rừng ngập mặn, đầm phá ven biển và cửa sông. Khi lặn quanh các rạn san hô ở Belize có thể bắt gặp nhiều loài sinh vật như rùa biển, cá mập, lợn biển, cá đuối Tây Ấn, san hô và nhiều loài cá nhiệt đới.

Theo tạp chí World Heritage, ước tính đóng góp kinh tế của rạn san hô thông qua hoạt động đánh bắt cá, du lịch và nghiên cứu khoa học là 15% GDP của Belize, với hơn 50% dân số có thu nhập liên quan ngành du lịch và thủy sản. “Rạn san hô ở Belize là một kho báu quốc gia đối với chúng tôi”, ông Manuel Heredia, Bộ trưởng Du lịch Belize từng phát biểu ý kiến khi nói về việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên làm nền tảng để phát triển kinh tế của Belize.

Mặc dù vậy, sau một thời gian dài đánh bắt cá quá mức, quá trình di dời rừng ngập mặn và xây dựng, nạo vét không được kiểm soát, chủ yếu cho mục đích du lịch, rạn san hô và các khu vực lân cận đã rơi vào tình trạng bị tàn phá nguy hiểm. Cùng với đó là các hiện tượng thời tiết cực đoan gia tăng, quá trình axit hóa và tăng nhiệt độ đại dương, tạo thêm áp lực cho khu bảo tồn. Năm 2006, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của LHQ (UNESCO) đưa rạn san hô Belize vào danh sách nguy cấp và từ năm 2009 được hỗ trợ bảo tồn theo quy chế của Công ước Di sản thế giới.

Sau những nỗ lực kêu gọi phục hồi đa dạng sinh học, Chính phủ Belize đã triển khai kế hoạch hành động quyết liệt để đưa Khu bảo tồn rạn san hô Belize ra khỏi danh sách cảnh báo nguy cấp. Belize cùng các đối tác phát triển đã nhất trí thực hiện mục tiêu khôi phục độ che phủ rừng ngập mặn về ở mức 97% so năm 2009 và phục hồi nguyên trạng rạn san hô. Kế hoạch phục hồi được chia thành ba tiêu chí nhằm tập trung thực hiện các giải pháp tập trung để giải quyết vấn đề.

Theo UNESCO, tiêu chí đầu tiên yêu cầu sửa đổi quy định về rừng ngập mặn ở Belize vào năm 2018 theo hướng tăng cường bảo vệ cho tất cả các loại rừng ngập mặn, đặc biệt là những khu vực nằm trong khu bảo tồn di sản thế giới. Tiêu chí thứ hai đã thực hiện kế hoạch quản lý tổng hợp vùng ven biển quốc gia từ năm 2016, nhằm bảo đảm sự phát triển trong và chung quanh khu vực không ảnh hưởng đến tính đa dạng sinh học tự nhiên. Tiêu chí thứ ba yêu cầu cải thiện hệ thống dự trữ cho rạn san hô Belize, qua đó giữ cho các khu vực lân cận lẫn vùng lõi bảo tồn đều được nguyên trạng.

Thông qua bộ tiêu chí trên, chính quyền Belize đã dần cải thiện tình trạng của rạn san hô, thể hiện qua các hành động mạnh mẽ như cấm vô thời hạn việc thăm dò dầu khí theo luật ban hành vào tháng 12/2017. Dù vẫn còn nhiều việc phải làm song từ năm 2018, rạn san hô Belize đã được rút khỏi danh sách báo động và đưa trở lại khai thác từng phần dưới sự kiểm soát gắt gao của các tổ chức quốc tế. Chính phủ nước này cũng đã soạn thảo luật kiểm soát việc sử dụng thùng xốp và rác thải nhựa dùng một lần, đồng thời sắp thông qua Luật Quản lý thủy sản sửa đổi dự kiến ban hành vào cuối năm nay.

Giới chức Belize đã xác định nhiệm vụ bảo vệ “kho báu quốc gia” không chỉ là tài sản của người dân Belize mà còn cả cho tương lai thế giới. Vai trò của cộng đồng dân cư trong việc khôi phục di sản thiên nhiên rạn san hô cũng đã được đặt làm trung tâm, qua đó trao quyền cho nhiều tổ chức và công chúng Belize tham gia hoạt động phục hồi, bảo tồn và đổi lại sau đó được khai thác dịch vụ khi các hệ sinh thái trở lại nguyên vẹn.