Phục hồi tổng cầu hỗ trợ tăng trưởng

Sự suy giảm của tổng cầu bao gồm đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng từ năm 2023 tiếp tục ảnh hưởng những tháng đầu năm 2024. Nếu như không có giải pháp kịp thời thúc đẩy tổng cầu hiệu quả, nền kinh tế sẽ khó đạt được mục tiêu tăng trưởng của cả năm nay từ 6-6,5%.
0:00 / 0:00
0:00
Khu vực đầu tư tư nhân đang cần các giải pháp hỗ trợ để phát triển. Ảnh: NAM NGUYỄN
Khu vực đầu tư tư nhân đang cần các giải pháp hỗ trợ để phát triển. Ảnh: NAM NGUYỄN

Khi 3 “chân kiềng” đều suy yếu

Trong năm 2023, các thành tố tổng cầu của Việt Nam đều có xu hướng tăng chậm lại và tiếp tục có tác động tiêu cực trong giai đoạn đầu năm nay.

Cụ thể, tiêu dùng cuối cùng và tích lũy tài sản lần lượt tăng 3,52% và tăng 4,09% (giảm mạnh so với mức tăng 7,09% và 5,4% năm 2022). Cả hai chỉ tiêu này đều chưa thể quay trở lại được mức tăng trưởng tương đương như trước khi đại dịch xảy ra. GS, TS Phạm Hồng Chương đánh giá, tăng trưởng GDP năm 2023 chủ yếu đến từ chênh lệch xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ theo giá so sánh, với mức thâm hụt ít hơn năm trước (xuất khẩu giảm 2,54% trong khi nhập khẩu giảm 4,33%). Chênh lệch xuất nhập khẩu chuyển từ thâm hụt năm 2022 sang thặng dư năm 2023. “Tuy nhiên, nhập khẩu suy giảm cũng cho thấy sản xuất đang rất khó khăn, đặc biệt ở chu kỳ sản xuất tiếp theo. Khi đó, tăng trưởng GDP có thể không thật sự phản ánh sức khỏe của nền kinh tế”.

Trong năm 2023, tỷ trọng đầu tư khu vực Nhà nước đã tăng từ 27,85%, so với mức 25,61% năm 2022. Trong khi đó, khu vực ngoài Nhà nước có mức tăng đầu tư còn rất thấp so với các khu vực khác của nền kinh tế (chỉ tăng 3,4%), trong khi ở giai đoạn trước đại dịch, khu vực này đạt mức tăng đạt trung bình 15% (2016-2019). Cụ thể, vốn khu vực tư nhân chỉ tăng 2,7% so với 8,9% năm 2022; vốn đầu tư FDI chỉ tăng 5,4% so với 13,9% năm 2022. Tỷ trọng đầu tư khu vực ngoài Nhà nước giảm từ 58,2% năm 2022 xuống còn 56,1% năm 2023. Điều này phản ánh những khó khăn vẫn còn rất lớn của khu vực kinh tế tư nhân, sau khi chịu tác động nặng nề và dai dẳng từ đại dịch.

TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, theo nghiên cứu thì mặc dù đầu tư công có cải thiện đáng kể song chất lượng đầu tư không được cải thiện và không đồng đều. Có bộ, ngành, địa phương làm tốt, song có chỗ, có nơi vẫn làm rất chậm. Trong khi đó đầu tư tư nhân bị giảm tương đối mạnh trong 3 năm vừa qua. Một phần là do dịch bệnh, một phần do kinh tế thế giới và trong nước có nhiều khó khăn, song có một phần không nhỏ là do cơ chế, chính sách của chúng ta chưa thật sự thông thoáng để thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển. “Quý I/2024, đầu tư từ tư nhân trong nước chỉ tăng khoảng 4,2%, đây là mức thấp nhất chỉ bằng một phần hai của năm ngoái và giai đoạn bình thường trước đây. Đây là một tín hiệu cho thấy chúng ta phải gấp rút thực hiện các giải pháp thúc đẩy hỗ trợ khu vực này”.

Còn theo đánh giá của PGS, TS Vũ Sỹ Cường, chuyên gia của Học viện Tài chính, mặc dù tổng cầu trong năm 2024 có tăng nhẹ vào quý I song rủi ro rất cao. Đặc biệt đối với xuất khẩu của Việt Nam sang các quốc gia là đối tác chính đang có xu hướng chững lại thậm chí còn hơi suy giảm so với tháng 10 năm ngoái như Mỹ, EU. Trong bối cảnh tiêu dùng trong nước cũng vẫn ảm đạm, đặc biệt là khu vực tư nhân.

Trong bối cảnh năm 2024, nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng tới tổng cầu đó là đầu tư của Chính phủ sẽ tiếp tục giải ngân. Bên cạnh đó, tăng lương vào tháng 7 có thể tác động không nhỏ. Tuy nhiên, ông Cường cho rằng, đây sẽ là những yếu tố tác động trong ngắn hạn. Về dài hạn, Việt Nam cần phải có chiến lược rõ ràng trong việc thúc đẩy khu vực đầu tư tư nhân bởi đây là nhân tố quan trọng và bền vững để thúc đẩy tổng cầu, qua đó thúc đẩy tăng trưởng.

Nhiều thách thức

Ấn phẩm Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2023 do Trường đại học Kinh tế quốc dân, phối hợp cùng Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội vừa công bố đánh giá, kinh tế thế giới năm 2024 được dự báo sẽ phục hồi yếu và phải đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức lớn do những diễn biến phức tạp sau đại dịch. Bất ổn địa chính trị và cạnh tranh giữa các nước lớn tiếp tục đặt ra những thách thức mới trong ngắn hạn. Điều kiện tài chính thắt chặt hơn, tăng trưởng thương mại yếu và niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng thấp hơn tiếp tục gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu.

Chính sách tiền tệ kiềm chế lạm phát và chính sách tài khóa thắt chặt trong bối cảnh nợ toàn cầu ở mức cao được cho rằng, sẽ gây ảnh hưởng lên tăng trưởng kinh tế năm 2024, dẫn tới suy giảm tăng trưởng tại hầu hết các nền kinh tế trong ngắn hạn và tác động đến nền kinh tế toàn cầu trong cả trung và dài hạn. Tuy nhiên, áp lực lạm phát được dự báo sẽ không lớn, bởi một số nguyên nhân như chính sách tiền tệ thắt chặt tiếp tục được duy trì, các nền kinh tế lớn được dự báo tăng trưởng chậm lại, giá dầu khó tăng mạnh,…

Tác động của các yếu tố bất lợi, bấp bênh từ tình hình kinh tế thế giới khiến những dự báo về tăng trưởng Việt Nam trong năm 2024 đều được điều chỉnh giảm so với năm 2023. Dự báo tăng trưởng kinh tế do các tổ chức quốc tế đưa ra ở mức 5,5-6%, thấp hơn so với kế hoạch 6-6,5% do Quốc hội đề ra.

Nhìn chung năm 2024, kinh tế Việt Nam sẽ đối diện với nhiều tác động bất ổn, khó lường và tiêu cực từ kinh tế thế giới. Tác động từ sự suy giảm và bất ổn của nền kinh tế thế giới dồn nén từ đại dịch Covid-19 cho tới nay nhiều khả năng vẫn sẽ tiếp tục tác động đến nền kinh tế Việt Nam, ít nhất trong nửa đầu năm 2024, trước khi đón nhận những dấu hiệu tích cực, khả quan hơn. Ở trong nước, những động lực truyền thống đến từ tổng cầu (đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu) còn yếu, khu vực doanh nghiệp còn đang đối mặt với nhiều khó khăn, trong khi động lực tăng trưởng mới chưa rõ ràng.

Môi trường tài chính và vĩ mô như hệ thống tài chính tiền tệ, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường vàng và thị trường bất động sản còn chứa đựng nhiều rủi ro. Những thay đổi thể chế để tạo điều kiện cho các động lực tăng trưởng mới còn chậm trễ trong việc ban hành, thực thi công vụ còn chậm do tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm vẫn còn phổ biến. Trong khi đó, chất lượng tăng trưởng còn thấp, mô hình tăng trưởng chưa có nhiều cải thiện. Vì vậy, năm 2024, dự báo kinh tế Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Khả năng tăng trưởng như mục tiêu đề ra là rất khó khăn.

Về lạm phát, trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước tiềm ẩn nhiều diễn biến khó lường, mục tiêu lạm phát của Chính phủ đưa ra là khoảng 4-4,5%. Mục tiêu này tương đối gần với mức dự báo của ADB (4,0%), nhưng cao hơn mức dự báo của IMF (3,4%) hay WB (3%). Trong năm 2024, rủi ro lạm phát do chi phí đẩy là không cao. Trong bối cảnh giảm phát và suy thoái tại Trung Quốc ảnh hưởng tiêu cực đến cầu thế giới về dầu thô và các hàng hóa cơ bản khác, khả năng giá dầu thô trên thị trường thế giới sẽ khó có thể tăng mạnh trong năm 2024. Dù được đánh giá khả quan, lạm phát vẫn còn dai dẳng và đối diện với nhiều yếu tố rủi ro tiềm ẩn.