Bảo đảm an toàn và sức khỏe người lao động mùa nắng nóng

Trong những ngày qua, tình trạng nắng nóng, oi bức kéo dài tại các vùng miền trên cả nước khiến nhiều người lao động phải rất vất vả trong công việc mưu sinh. Mới đây, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã khuyến nghị về những tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu đến an toàn và sức khỏe của người lao động.
0:00 / 0:00
0:00
Công nhân làm việc dưới cái nắng gay gắt với nền nhiệt cao. Ảnh: TTXVN
Công nhân làm việc dưới cái nắng gay gắt với nền nhiệt cao. Ảnh: TTXVN

Mưu sinh dưới trời nắng nóng

Những ngày cuối tháng 4, nắng nóng đã bao phủ diện rộng trên khắp các vùng miền cả nước. Một số khu vực ghi nhận nắng nóng đặc biệt gay gắt với nền nhiệt trong ngày vượt ngưỡng 40oC. Thời tiết như vậy, đối với những lao động ngoài trời càng trở nên vất vả hơn khi phải hằng ngày đối diện trực tiếp với sự thách thức của thời tiết.

Với đặc thù công việc cần di chuyển liên tục nhiều khu vực khác nhau để kiểm tra, bảo đảm hệ thống điện cho người dân, anh Hoàng Lê Hải (nhân viên bảo trì điện ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) gặp không ít khó khăn khi làm việc dưới cái nóng lên đến 41oC ở Thủ đô. “Trời nắng nóng, việc duy trì lưới điện an toàn để phục vụ sinh hoạt, sản xuất là rất quan trọng. Công việc của chúng tôi vốn phải di chuyển liên tục, mang vác đồ kỹ thuật nặng nề đến những nơi xảy ra sự cố dưới thời tiết khắc nghiệt khiến cơ thể nhanh chóng mệt mỏi”, anh chia sẻ.

Rất nhiều người lao động làm việc với cường độ cao ở ngoài trời nắng lâu như nghề giao hàng, công nhân công trường, bảo vệ làm việc trong môi trường nóng bức... cũng đang gặp tình trạng tương tự và đối diện với nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, công việc.

Theo ghi nhận của báo Thời Nay trưa 30/4, thời tiết tại Hà Nội oi bức, nắng nóng hơn 40oC. Dù đang trong kỳ nghỉ lễ, đường phố khá vắng vẻ, song, nhiều người dân lao động tự do vẫn phải làm việc giữa buổi trưa. Họ sử dụng nhiều biện pháp, đồ bảo hộ để che chắn, chống nắng, bảo vệ sức khỏe của bản thân. Buổi trưa, họ tìm những tán cây, gầm cầu hay nhà cao tầng làm nơi ăn uống, nghỉ ngơi để phục hồi sức khỏe.

Anh Nguyễn Văn Khải (35 tuổi, quê ở Xuân Trường, Nam Định), phụ trách xây dựng cho một công trình văn phòng tư nhân trên địa bàn quận Tây Hồ cho biết: “Để kịp tiến độ bàn giao, dù trời nắng nóng nhưng đúng ngày đổ trần tầng 3 của công trình nên nhóm thợ chúng tôi vẫn phải lao động bình thường. Tôi động viên anh em chuẩn bị đầy đủ đồ bảo hộ và hậu cần lo nước uống cho tốp thợ. Trời nóng, chúng tôi phải đẩy nhanh công việc từ sáng sớm”.

Dưới gầm cầu vượt đường Hoàng Quốc Việt - Bưởi (quận Cầu Giấy, Hà Nội) mấy ngày nắng nóng có thêm những bình nước mát từ thiện. Những người lao động tự do hay tài xế xe ôm công nghệ hay tập trung tại đây để tránh nắng. Anh Lê Văn Năm (29 tuổi, quê Ngọc Lặc, Thanh Hóa) cho biết: “Nghỉ lễ, tôi cũng không về quê vì vợ đang nằm điều trị tại Bệnh viện Giao thông vận tải. Những ngày này, nhiều nhà cần dọn dẹp vườn tược, sửa sang nội thất nên chúng tôi có thêm việc để làm. Dù nắng nóng nhưng có thu nhập để chi trả viện phí cho vợ , tôi cũng không nề hà”.

Còn anh Nguyễn Văn Hùng (32 tuổi, quê ở Thái Thụy, Thái Bình) lái xe ôm công nghệ dừng xe dưới gầm cầu để tránh nắng chia sẻ: “Công việc này phải chấp nhận sự khắc nghiệt của thời tiết dù nắng hay mưa. Từ sáng tới giờ tôi mới chạy được ba cuốc xe quanh khu vực nên đang cố gắng tìm thêm khách rồi mới dám nghỉ trưa”. Đã ba ngày nay, đúng thời điểm Hà Nội nắng nóng gay gắt, anh Hùng đều chạy xe gần 10 giờ đồng hồ. Dù thời tiết nắng nóng, khắc nghiệt, anh vẫn phải cố gắng chạy xe nhiều hơn, kiếm thêm thu nhập để trang trải cuộc sống.

Nhiều ngày gần đây, chị Mai Thị Thanh (39 tuổi, quê ở Nga Sơn, Thanh Hóa), tiểu thương bán hàng rong đều phải cố gắng làm việc ngoài trời, không có ngày nghỉ lễ. “Tôi tranh thủ những ngày này để gánh hàng đi các địa điểm du lịch, nhiều người dân qua lại, mong muốn kiếm thêm chút nào hay chút đó, chứ không dám nghỉ”, chị Thanh cho biết. Nhưng dưới ánh nắng gay gắt, hơi nóng bốc lên từ mặt đường bê-tông khiến chị Thanh cảm thấy mệt mỏi, mất sức khi phải hoạt động liên tục thời gian dài. Mỗi buổi trưa, chị Thanh lại về nhà trọ gần chợ đầu mối Long Biên nghỉ ngơi, lấy sức rồi mới lại rong ruổi quẩy hàng khắp các phổ cổ tới tận tối mịt mới về.

Theo Hướng dẫn chăm sóc sức khỏe mùa nắng nóng cho cộng đồng và người lao động của Cục Quản lý môi trường y tế, vào mùa nắng nóng người dân có thể gặp phải một số vấn đề sức khỏe thường gặp là say nắng, say nóng hoặc đột quỵ do nóng. Nhiệt độ trung bình lý tưởng của cơ thể là 37oC và cơ thể luôn có cơ chế tự điều tiết để thích nghi với nhiệt độ bên ngoài. Khi nhiệt độ bên ngoài tăng cao, ngay lập tức cơ thể sẽ có hiện tượng đổ mồ hôi để làm mát, giảm nhiệt. Tuy nhiên, việc tiếp xúc với môi trường có nhiệt độ cao hơn cơ thể quá nhiều, cơ chế làm mát của cơ thể không đáp ứng kịp có thể dẫn tới những vấn đề nguy hiểm cho sức khỏe.

Bảo đảm an toàn và sức khỏe người lao động mùa nắng nóng ảnh 1

Chăm sóc cây tại hồ Hoàn Kiếm trong những ngày nắng nóng. Ảnh: BẮC SƠN

Bảo đảm an toàn và sức khỏe người lao động

Bà Chihoko Asada-Miyakawa, Giám đốc khu vực châu Á và Thái Bình Dương của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho biết, biến đổi khí hậu đang tác động nghiêm trọng đến an toàn và sức khỏe của người lao động ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Từ những đợt nắng nóng khắc nghiệt đến chất lượng không khí tồi tệ, người lao động phải gánh chịu những hậu quả nặng nề, thường xuyên phải tiếp tục làm việc mà không có sự bảo vệ hoặc biện pháp khắc phục phù hợp, ngay cả khi điều kiện nguy hiểm. Căng thẳng nhiệt có lẽ là thách thức rõ ràng nhất. Khi nhiệt độ tăng cao, những người lao động ngoài trời trong lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng, đánh bắt thủy sản và vận tải đặc biệt dễ bị tổn thương, phải đối mặt với nguy cơ cao mắc các bệnh liên quan đến nhiệt độ như say nắng.

Tuy nhiên, người lao động trong nhà cũng có nguy cơ, đặc biệt là những người tiếp xúc trực tiếp với nguồn nhiệt hoặc làm việc trong không gian với hệ thống thông gió kém. Nhà máy, khu chế biến thực phẩm, lò gạch hoặc kho hàng đều có thể nguy hiểm cho người lao động như việc lao động dưới trời nắng nóng. “Các quy định, thực thi, chiến lược giảm thiểu, đào tạo và nâng cao nhận thức tốt hơn đều có thể tạo ra sự khác biệt. Việc trao quyền cho người lao động, cho phép họ ngừng làm việc do thời tiết quá nóng mà không lo mất lương hoặc mất việc làm, là điều vô cùng quan trọng”, bà Chihoko Asada-Miyakawa khuyến nghị.

Theo Giám đốc ILO khu vực châu Á và Thái Bình Dương, ngoài căng thẳng nhiệt và ô nhiễm không khí, tần suất và cường độ ngày càng tăng của các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt đặt ra những thách thức khác cho an toàn và sức khỏe lao động. Từ lốc xoáy và lũ lụt đến hạn hán và cháy rừng, thiên tai ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động kinh doanh, đe dọa nguồn sinh kế của người lao động và gây thiệt hại kinh tế đáng kể.

Một thí dụ là ngành may mặc, theo một nghiên cứu gần đây của Viện Toàn cầu về Lao động thuộc Đại học Cornell cho thấy, nắng nóng và lũ lụt có thể khiến ngành này thiệt hại 65 tỷ USD tiền xuất khẩu và 950.000 việc làm vào năm 2030. Sau thảm họa, các nỗ lực phục hồi phải ưu tiên an toàn và sức khỏe của người lao động, bảo đảm tiếp cận các dịch vụ thiết yếu, trang bị bảo hộ và hỗ trợ tâm lý xã hội.

Trước những thách thức này, theo bà Chihoko Asada-Miyakawa, chúng ta cần có hành động phối hợp khẩn cấp để bảo vệ an toàn và sức khỏe của người lao động trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Cụ thể, điểm khởi đầu phải là các khuôn khổ pháp lý vững chắc, điều cần thiết để thực thi các tiêu chuẩn an toàn và bảo vệ người lao động khỏi các mối nguy hiểm liên quan đến khí hậu.

Năm 2022, Hội nghị Lao động quốc tế đã nhất trí đưa “môi trường làm việc an toàn và lành mạnh” vào khuôn khổ các nguyên tắc và quyền cơ bản tại nơi làm việc của ILO. Điều này có những tác động sâu sắc đến chính sách và thực tiễn. Hiện nay, có nhiều chính phủ phải ban hành và thực thi các luật pháp yêu cầu thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn và sức khỏe lao động, thời gian nghỉ ngơi hợp lý và tiếp cận với trang bị bảo hộ cá nhân, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp nguy hiểm cao.

Mặc dù một số quốc gia trong khu vực như Trung Quốc, Ấn Độ, Singapore, Thailand và Việt Nam đã ban hành luật và hướng dẫn để giải quyết vấn đề nhiệt độ nóng quá mức tại nơi làm việc, nhưng việc bảo vệ người lao động khỏi các tác động khác của biến đổi khí hậu vẫn còn nhiều hạn chế. “Chúng ta cần có những chính sách toàn diện tích hợp khả năng chống chịu biến đổi khí hậu vào các khuôn khổ an toàn vệ sinh lao động hiện hành, đánh giá rủi ro và các biện pháp phòng ngừa”, bà Chihoko Asada-Miyakawa khuyến nghị.

Giám đốc ILO khu vực châu Á và Thái Bình Dương cũng cho rằng, tổ chức Công đoàn có vai trò then chốt trong quá trình này. Bằng cách đấu tranh cho quyền lợi của người lao động và bảo đảm tiếng nói của họ được lắng nghe, họ có thể giúp thúc đẩy an toàn nơi làm việc và ủng hộ các chính sách công bằng, hợp lý nhằm thúc đẩy những thay đổi tích cực.