KỶ NIỆM 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (7/5/1954 - 7/5/2024)

Những gương mặt lặng thầm trong “binh chủng báo chí”

Với 33 số báo ra đời trong suốt thời gian chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra, Báo Quân đội nhân dân - tòa soạn tiền phương - đã phản ánh mọi mặt chiến đấu và sinh hoạt về vật chất, tinh thần của bộ đội; sự chỉ đạo và động viên của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ Chỉ huy chiến dịch... Góp sức để 33 số báo ra đời có “binh chủng báo chí” gồm phóng viên Báo Quân đội nhân dân và các cộng tác viên.
0:00 / 0:00
0:00
“Binh chủng báo chí” tại Mặt trận Điện Biên Phủ. Ảnh: Tư liệu của nhà báo Nguyễn Khắc Tiếp.
“Binh chủng báo chí” tại Mặt trận Điện Biên Phủ. Ảnh: Tư liệu của nhà báo Nguyễn Khắc Tiếp.

Trần Kư - người “đầu bếp” số 1

Đảm nhiệm vai trò Thư ký tòa soạn Báo Quân đội nhân dân tại Mặt trận Điện Biên Phủ, nhà báo Trần Kư được đồng nghiệp đánh giá là người “đầu bếp” số 1. Bởi vì ông gần như toàn quyền cho việc duyệt, biên tập, lên ma-két, trình bày, đôn đốc in ấn, phát hành 33 số báo.

Trong hồi ký “Làm báo ở Điện Biên Phủ”, nhà báo Trần Kư chia sẻ quan điểm của mình về việc ra báo như mở cửa hàng ăn, phải có món ngon thu hút khách: Tường thuật trận đánh, Bình luận quân sự, tin tức chiến sự tại mặt trận, tin chiến trường phối hợp, tin thế giới, tin hậu phương, Sinh hoạt trận địa, Sinh hoạt trong hầm hào, Sổ tay kinh nghiệm. Để tờ báo đỡ khô khan, ông pha chút văn nghệ: Tùy bút, bút ký, thơ và ca dao hoặc tranh khôi hài châm biếm...

Tại tòa soạn tiền phương hồi đó, Tổng Biên tập Hoàng Xuân Tùy phụ trách chung, đồng thời còn kiêm nhiệm công tác của Ban Tuyên huấn mặt trận. Hai phóng viên Nguyễn Khắc Tiếp và Phạm Phú Bằng thì biền biệt đi cơ sở. Còn lại một mình Thư ký tòa soạn Trần Kư ở nhà giữ “gôn”, không đi đâu được, bận việc “bếp núc” như bận con mọn... Một mình làm thư ký tòa soạn ông kiêm tất cả mọi việc từ văn thư nhận bài đi, đến, đọc, sửa, xào nấu, khi cần thì làm thêm ca dao, vè, hộp thư, tranh châm biếm… rồi đưa nhà in.

Tờ báo cũng theo nhịp thở của chiến trường. Ban đầu, 4 ngày một số 2 trang. Đến đầu tháng 3/1954, khoảng cách nhịp độ ra báo cứ ngắn lại dần: từ 4 ngày rút xuống 3 ngày rồi 2 ngày. Thậm chí sắp đến ngày mở màn trận Him Lam (13/3), có số ra tiếp luôn ngày hôm sau. “Làm dồn dập như thế thì “vất” vô cùng, râu tóc mọc tua tủa do thức đêm liên tục”, nhà báo Trần Kư kể trong hồi ký.

Bận rộn vì gác “gôn” nhưng ông ham đi và ham viết. Sinh thời, nhà báo Phạm Phú Bằng (1930-2024) tâm sự với lớp phóng viên thế hệ sau của Báo Quân đội nhân dân: “Phải “gác gôn” vất vả nên mỗi khi chúng tôi đi cơ sở về hoặc khi đã làm xong số báo, bác Kư thường nhờ tôi và anh Tiếp trực “giữ gôn” cho 1-2 ngày để bác... lao xuống các đơn vị”.

Từ những chuyến đi tranh thủ như thế, nhà báo Trần Kư đã cho ra đời những bài bút ký như Hoa găng vẫn đỏ (số 121, ra ngày 7/2/1954) bút danh Chiến Kỳ (tên con trai ông), Chiến sĩ chống bom nổ chậm ký tên Trần Kư (số 120, ra ngày 1/2/1954), Đêm nay Bác không ngủ (số 136, ra ngày 24/3/1954) viết chung với Phú Bằng...

Đặc biệt, chiều 7/5/1954, trong khí thế chiến thắng, bao việc dồn dập, Trần Kư nôn nao rạo rực, ông “bứt khỏi bài vở”, xông xuống chỗ ông Mạc Ninh - Chính ủy Trung đoàn 141 (Đại đoàn 312) ở đồi E. Tận mắt quan sát lính Pháp ra hàng, đã thôi thúc ông khởi thảo thiên bút ký Ở Mường Thanh địch ra hàng như nước chảy ngay trong hầm tướng De Castries. Sau mấy hôm không cầm bút được vì niềm vui chiến thắng, Báo Quân đội nhân dân tòa soạn tiền phương ra số 148, ngày 16 tháng 5 là số cuối cùng kỷ niệm long trọng lễ chiến thắng, bút ký Ở Mường Thanh địch ra hàng như nước chảy đăng trang trọng.

Giữa chiến trường, Trần Kư còn kiêm luôn công tác bạn đọc. Ông đã khéo léo quy tụ một lực lượng cộng tác viên đông đảo và đắc lực. Đó là những cán bộ tuyên huấn ở các đại đoàn như Hồ Phương (F308), Ngọc Tự, Tạ Hữu Thiện, Ngọc Bằng (F316), Phác Văn, Lê Nguyên (F312).

“Binh chủng Báo chí”

Ngoài 5 cán bộ, phóng viên, biên tập viên, họa sĩ của tòa soạn tiền phương (Tổng Biên tập Hoàng Xuân Tùy, Thư ký tòa soạn Trần Kư, 2 phóng viên Nguyễn Khắc Tiếp và Phạm Phú Bằng, hoạ sĩ Nguyễn Bích), nhân viên in ấn, chiến sĩ phát hành... Báo Quân đội nhân dân tòa soạn tiền phương còn có sự cộng tác tích cực, chủ động của đội ngũ cộng tác viên, cả trong và ngoài quân đội có mặt tại Điện Biên Phủ. “Binh chủng báo chí” đặc biệt này gồm có các nhà báo, nhà văn: Thép Mới (Báo Nhân Dân); Hoàng Tuấn (Việt Nam Thông tấn xã); Nguyễn Văn Nhất (Đài Tiếng nói Việt Nam); Chính Yên, Thái Duy (báo Cứu quốc), nhà văn Nguyễn Đình Thi...

Nguyễn Khắc Tiếp - phóng viên “dao pha chiến trường”

Sinh năm 1923, nhà báo Nguyễn Khắc Tiếp là nhân chứng cuối cùng của Báo Quân đội nhân dân tòa soạn tiền phương. Đã 102 tuổi đời, sức khỏe gần đây có giảm sút song đầu óc ông còn minh mẫn. Nhắc đến kỷ niệm 70 năm trước, ông còn nhớ bài ông viết ký tên Nguyễn Tiếp hoặc chỉ duy nhất một chữ “Tiếp”.

Đồng cam cộng khổ cùng chiến sĩ, kiếm tìm sáng kiến, đã làm nên một Nguyễn Khắc Tiếp chân thực, sâu lắng, với phong cách viết thường rất ngắn gọn. Ông cho biết, những bài viết, những con số không thể phản ánh hết những mất mát trong cuộc chiến, chính những cảm xúc trên chiến trường luôn in đậm trong ký ức của ông. Những cảm xúc ấy đã theo dòng suy nghĩ lan truyền xuống ngòi bút để thành bài viết trên mặt báo. Hôm nay, đọc lại bài ông viết, bạn đọc không thấy các khẩu hiệu hô hào “tăng cường, đẩy mạnh, nâng cao” mà đầy ắp chi tiết: Kinh nghiệm làm hầm sao cho sạch sẽ, ngăn nắp; cách tắm, cách giặt ngoài trận địa sao cho “trong gian khổ vẫn thoải mái”. Riêng chuyện kiếm rau cũng thành 1.001 chuyện: Rau muống mèo, cần rừng, rau má, cải xoong, nõn bông sa nhân, nõn chuối...

Không chỉ ghi chép tin tức chiến sự, nhà báo Nguyễn Khắc Tiếp với sở trường giỏi tiếng Pháp còn tham gia khai thác tù binh. Số báo đặc biệt 148 - cũng là số báo cuối cùng - ra ngày 16/5/1954, đăng Trận Điện Biên Phủ qua cảm tưởng của một số sĩ quan địch bị bắt làm tù binh do Khắc Tiếp ghi từ lời khai của tướng De Castries tới quan năm Tờ-răng-ca hay quan ba Ca-pây-rông…

Trước đó, trên số báo 133, ra ngày 18/3/1954, chỉ 5 ngày sau khi trận Him Lam mở màn đại thắng, ông đã có bài ghi nhanh lời khai của các sĩ quan địch bị bắt làm tù binh Chưa lần nào chúng tôi bị đánh khủng khiếp như trận này. Đó là sự hoang mang, khiếp hãi của kẻ địch: “Ngay từ phút đầu, trọng pháo của Việt Nam đã rót trúng chỉ huy sở của tiểu đoàn. Quan tư Vê-gốt đứt văng đầu, quan hai Pác-đi, Pun-ghi-ê chết tươi, quan hai Lơ Mô-nơ chỉ huy đại đội 12 cũng tan xác. Đài vô tuyến điện tan tành ra tro bụi... Từ đó, đất trời rung chuyển như sấm sét, bụi cát mịt mù, chúng tôi không còn biết gì nữa”.

Chính ủy Trung đoàn làm cộng tác viên

Chính ủy Trung đoàn 141 - Đại đoàn 312 Mạc Ninh (1921-1983) cũng là một cộng tác viên tích cực của Báo Quân đội nhân dân tại mặt trận. Ra sức khắc phục khó khăn bảo đảm ăn tốt trên số báo 126, ra ngày 1/3/1954 mục Ý kiến bạn đọc; Hai bài học quý trong trận tiêu diệt Him Lam đêm 13/3 là bài viết của ông được đưa vào mục “Sổ tay kinh nghiệm” số 133, ra ngày 18/3/1954. Cùng trên số báo này, Thư ký tòa soạn Trần Kư đã kịp thời động viên trong Hộp thư:“Đồng chí Mạc Ninh - Đã gửi tặng giấy viết của Tòa soạn. Mong bài mới”.

Nhà báo Thép Mới viết tại chỗ về Điện Biên Phủ

Trên Báo Nhân Dân từ ngày 9/4/1954 đến ngày 12/6/1954, nhà báo Thép Mới (sau này là Phó Tổng Biên tập Báo Nhân Dân) đã lần lượt đăng các bài viết tại chỗ về Điện Biên Phủ như sau: Khung cảnh hùng tráng của Điện Biên Phủ; Những chiến sĩ đánh thắng địch; Pháo binh trẻ của ta; Dân công hỏa tuyến; Hậu phương hướng về Điện Biên Phủ; Những giờ phút cuối cùng của địch ở Điện Biên Phủ; Điện Biên Phủ vui mừng ngày giải phóng; Chiến thắng Điện Biên Phủ và đồng bào Tây Bắc.

Những bài viết mang phong cách ngắn gọn mà vẫn ngồn ngộn số liệu, thông tin chính xác về địa danh, về nhân vật, đồng thời đậm tính văn chương trong báo chí. Một phong cách Thép Mới không trộn lẫn được.

Đồng hành ra mặt trận, nhà báo Nguyễn Văn Nhất với nhiều bút danh khác nhau đã có các bài viết đăng Báo Quân đội nhân dân phát hành tại mặt trận: Kế hoạch Na-va đã gặp những thất bại nặng nề (Báo Quân đội nhân dân số 117, ra ngày 3/1/1954, bút danh Chính Nghĩa); Na-va đã thất bại trong âm mưu tập trung binh lực bình định đồng bằng Bắc Bộ (Báo Quân đội nhân dân số 120, ra ngày 1/2/1954, bút danh Chính Nghĩa); Phục các anh công binh quá (Báo Quân đội nhân dân số 118, ra ngày 13/1/1954, bút danh Thân); Bữa rau mát ruột, nồi nước ấm lòng (Báo Quân đội nhân dân số 122, ra ngày 11/2/1954, bút danh Lê Yên); Vê râu bên trái: tù 15 ngày - vê râu bên phải: tù cả tháng (Báo Quân đội nhân dân số 131, ra ngày 14/3/1954, bút danh Thân).

Chẳng chịu kém các đồng nghiệp, nhà thơ Nguyễn Đình Thi không chỉ tiến vào chiến hào trên đồi A1 trong đội hình chiến đấu của Trung đoàn Thủ đô (Đại đoàn 308), ông còn là tác giả bài viết Tiểu đội trưởng Vượng đào đất vượt mức, một ngày 9 thước khối một người (Báo Quân đội nhân dân, số 123, ra ngày 18/2/1954), là điển hình trong phong trào tăng năng suất, phát huy sáng kiến tại mặt trận.