Phòng, chống thảm họa kép: Việc cần làm ngay (Kỳ 3)

Kỳ 3: Giải pháp trước mắt và xa hơn

Bộ đội Biên phòng Nghệ An gặt lúa giúp dân chạy mưa bão số 5.
Bộ đội Biên phòng Nghệ An gặt lúa giúp dân chạy mưa bão số 5.

Theo lãnh đạo nhiều địa phương, thực hiện “mục tiêu kép” trong điều kiện bình thường mới hay trong điều kiện vùng rốn lũ đều phải có tầm nhìn dài hạn để các giải pháp ứng phó của chính quyền và người dân bớt lao đao trong những đận ngặt nghèo. 

Song song: 4 tại chỗ - 5K

Tỉnh Quảng Nam đã có chủ trương bổ sung đề án hỗ trợ xây dựng phòng, chống bão lũ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, có khoảng 10 nghìn hộ sẽ được thụ hưởng ngân sách tỉnh hỗ trợ 10 triệu đồng/hộ. Đây là thông tin ấm lòng cho người dân khi nhìn lại mùa mưa bão 2020 với những ám ảnh mất mát người và của. 

Theo quan sát, trên địa bàn huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) hiện có nhiều điểm có nguy cơ sạt lở trong mùa mưa bão và có 146 hộ dân (533 nhân khẩu) ở các xã Hòa Sơn, Hòa Phú, Hòa Bắc, Hòa Liên thuộc diện di dời. Nhằm bảo đảm tài sản, tính mạng của người dân trong mùa mưa bão, UBND huyện đã chỉ đạo các xã chủ động lên phương án, khi có lệnh là lập tức di dời người dân đến những khu vực kiên cố, an toàn hơn.

Được biết, tỉnh Nghệ An đang chỉ đạo các địa phương rà soát lại phương án phòng, chống lụt bão, kết hợp hoặc bổ sung thêm phương án phòng, chống Covid-19. Theo đó, các địa phương phải rà soát việc tổ chức sơ tán những hộ dân ở vùng ngập úng, vùng có nguy cơ triều cường, nước biển dâng, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét; đồng thời, việc bố trí người dân ở nơi sơ tán phải bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Hoàng Nghĩa Hiếu nhấn mạnh: Không bố trí quá đông người tại một điểm, buộc các địa phương phải tính toán bố trí thêm các điểm sơ tán mới cho người dân, song song 4 tại chỗ với 5K. Ngoài bảo đảm lương thực, thực phẩm, nước uống, nơi ngủ nghỉ, thì nơi sơ tán phải có lực lượng y tế thường xuyên kiểm tra y tế, tầm soát dịch bệnh, để sớm phát hiện, bóc tách F0, F1…

Còn tại Quảng Bình, tỉnh tiếp tục tổ chức thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” trong phòng, chống thiên tai, đặc biệt là ở cơ sở. Yêu cầu chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, trang thiết bị, dụng cụ đáp ứng yêu cầu cứu hộ, cứu nạn cũng như phòng, chống dịch Covid-19. Đặc biệt là các cơ quan chức năng, địa phương phải chuẩn bị đầy đủ các nhu yếu phẩm cần thiết bảo đảm cuộc sống, sinh hoạt trong các tình huống thiên tai. Đáng chú ý, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh đã chỉ đạo ưu tiên tiêm vaccine phòng Covid-19 cho lực lượng tham gia phòng, chống thiên tai. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Đoàn Ngọc Lâm đã giao các địa phương chủ động xây dựng phương án ứng phó từng tình huống thiên tai cụ thể trong bối cảnh phải phòng, chống dịch Covid-19, đặc biệt là tình huống mưa lũ, bão lớn xảy ra đối với các vùng đang thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; và ở các khu cách ly tập trung, bệnh viện, bệnh viện dã chiến đang điều trị bệnh nhân Covid-19. 

Phòng, chống thảm họa kép: Việc cần làm ngay (Kỳ 3) -0
 Di chuyển trong mưa ngập ở TP Vinh.

Sẵn sàng nhiều kịch bản

Các địa phương, cơ quan, đơn vị tại Quảng Bình cũng được yêu cầu phải rà soát, bổ sung phương án ứng phó trong tình huống người dân, cơ quan, tổ chức phải đi lại, chuẩn bị lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, vật tư, dụng cụ để thực hiện chằng chống, gia cố nhà cửa, kho tàng... ứng phó bão đổ bộ ở các khu vực đang thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16. Bên cạnh đó, từng xã, phường, thị trấn, thôn, bản cần thiết lập, công khai số điện thoại của người phụ trách để tiếp nhận thông tin, kịp thời triển khai các phương án ứng phó với mưa lớn, lũ quét và sạt lở đất; kiểm soát, hướng dẫn giao thông tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu; đồng thời rà soát các địa điểm, khu vực sơ tán dân ở khu vực thấp trũng, ven biển, cửa sông, nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất để chủ động thực hiện di dời cùng với tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. 

Chủ tịch UBND xã Trà Thủy (Trà Bồng, Quảng Ngãi) Hồ Văn Tự thông tin: “Đường vào thôn, bản mùa mưa đi lại khó, y tế thiếu thốn việc ứng phó dịch bệnh không thể kịp như miền xuôi. Chúng tôi phải tính trước, lo trước”. Phải sẵn sàng ở mức hết sức có thể, là bởi Trà Thủy cách trung tâm huyện Trà Bồng mươi cây số nhưng đường đến thôn 4 của xã cách trở bởi đường đèo dốc. Hơn 140 hộ dân thường xuyên bị chia cắt mỗi mùa mưa. Bão số 5 vừa qua đã gây sạt lở núi nghiêm trọng tại huyện Trà Bồng. Hơn 1.300 khối lượng đất đá từ trên núi cao đổ xuống vùi lấp tuyến đường, cô lập 140 hộ dân các làng, khu dân cư xã Trà Thủy. Khối lượng đất đá quá lớn, nên sau nhiều ngày khắc phục chỉ có lối tạm cho người dân đi lại, các phương tiện giao thông vận chuyển hàng hóa chưa thể vào làng. 

Riêng đối với Nghệ An, để sơ tán cho người dân vùng ven biển khi có bão lớn, siêu bão, nước biển dâng, tỉnh đã lên năm kịch bản. Kịch bản cao nhất là sơ tán khoảng 147 nghìn người dân ở vùng thấp trũng, sát bờ biển đến nơi an toàn. Như vậy sẽ phải tính toán, bố trí thêm nhiều điểm sơ tán mới so với những năm trước, khi các địa phương ven biển đang thực hiện Chỉ thị 15, 16…

Mỗi khi có bão đổ bộ vào là gia đình bà Quế Thị Ngọc ở xóm Ngọc Minh, xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu (Nghệ An) phải di dời đi đầu tiên. Bà Ngọc cho biết: Cứ đến mùa bão là gia đình tôi và hàng xóm luôn có kế hoạch sơ tán đến nơi an toàn. Năm nay, được cán bộ xóm tuyên truyền, khi bão đổ bộ vào, chúng tôi sẽ phải sơ tán sớm hơn, ở nhiều nơi hơn so trước đây để còn lo phòng, chống Covid-19. Còn theo lãnh đạo xã Diễn Ngọc, khi có bão lớn đổ bộ vào, xã phải di dời 30 - 40 hộ dân ở xóm Ngọc Minh lên các trường học trên địa bàn. Chuẩn bị cho tình huống vừa có bão lớn, vừa có dịch bệnh, địa phương sẽ tổ chức di dời sớm lên khu trú ẩn cho từng gia đình một để giảm nguy cơ lây nhiễm.

Cũng như huyện Diễn Châu, các địa phương ven biển khác như các huyện, thị xã: Quỳnh Lưu, Hoàng Mai, Cửa Lò (Nghệ An); Nghi Xuân, Lộc Hà, Kỳ Anh… (Hà Tĩnh) cũng đang rà soát lên phương án “kép” với mục tiêu an toàn cho người dân khi có bão lớn, siêu bão, nước biển dâng và trên địa bàn có dịch bệnh. Ngoài việc chủ động kêu gọi tàu thuyền vào nơi trú ẩn an toàn, phải bố trí người dân đi sơ tán sớm, đi nhỏ lẻ, không ở tập trung đông người. Khu sơ tán phải bảo đảm 5K và bố trí thêm nhiều điểm cách ly mới, đáp ứng được yêu cầu phòng, chống dịch bệnh.

Những ngày gần đây, tình hình dịch bệnh ở một số địa bàn miền trung đã được kiểm soát tốt hơn, số ca nhiễm mới đã giảm, thêm nhiều ca khỏi bệnh, ở một số địa phương, đời sống đang từng bước trở lại trạng thái bình thường, có nơi triển khai hoạt động du lịch. Tuy nhiên, nhìn chung cả nước cũng như các địa bàn này đang bước vào trạng thái thích ứng linh hoạt, an toàn với dịch bệnh, chứ việc thanh toán hẳn Covid-19 vẫn sẽ là viễn tưởng nếu các biện pháp 5K, vaccine bị lơ là, chậm trễ, kém hiệu quả. Cần nhận ra rằng, chính sự tiến công dữ dội của thiên tai nếu xảy ra, sẽ là tác nhân phá hoại nghiêm trọng thành quả chống dịch đã và đang có được. Vì thế, trước nguy cơ thảm họa kép - bão + dịch, luôn cần những biện pháp phòng, chống cụ thể và xử lý tình huống kịp thời.

Ông Trần Xuân Tiến, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình cho biết, theo quy định thì bão cấp 12, 13, lũ trên báo động 3 mới tổ chức di dời người dân ra khỏi vùng xung yếu. Năm nay, công tác di dời phải tuân thủ nghiêm các quy định về phòng dịch. Tỉnh chỉ đạo không di dời, sơ tán đến nơi đông người mà phân tán, chia nhỏ và duy trì khoảng cách từng người trong phạm vi cho phép. Ở xã “vùng đỏ”, trong trường hợp phải di dời khẩn cấp, lực lượng chức năng với trang thiết bị phòng hộ sẽ chủ công thực hiện đến nơi được bố trí riêng để bảo đảm an toàn. 

Bí thư Thành ủy TP Vinh Phan Đức Đồng cho biết: Hiện, chúng tôi đang rà soát, lên phương án phòng, chống lụt bão gắn với phòng, chống dịch; trong đó có việc chủ động sơ tán người dân đến nơi an toàn khi có mưa lũ vừa bảo đảm 5K. Thành phố sẽ tính đến phương án, thêm nhiều điểm sơ tán hơn so những năm trước.