Phòng bệnh hơn chữa bệnh

Trong nhiệm kỳ Chủ tịch Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) của Italy năm 2024, chương trình nghị sự của nước này ưu tiên nhiều vấn đề, trong đó có trí tuệ nhân tạo (AI).
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: AMEEN ALHABARAH
Biếm họa: AMEEN ALHABARAH

Theo Reuters, các nhà lãnh đạo G7 hiện có quan điểm khá giống nhau về AI, đó là phát triển công nghệ này theo hướng có lợi cho con người song song với việc kiểm soát những nguy cơ do AI tạo ra. Thủ tướng Italy Giorgia Meloni nói rằng, những mối nguy do AI sẽ là vấn đề quan trọng trong chương trình nghị sự của Chủ tịch G7 và bà sẽ dành một phiên thảo luận về chủ đề này trong khuôn khổ hội nghị diễn ra tại Puglia. Chính phủ Italy muốn tập trung vào tác động của AI đối với việc làm và sự bất bình đẳng, trong khi cũng đặt ra những chuẩn mực đạo đức cho hoạt động phát triển công nghệ này. Rome cũng dự kiến đề xuất thành lập một ủy ban chỉ đạo để bảo đảm điều phối G7 tốt hơn về lĩnh vực AI.

Trước đó, sự trỗi dậy của trí tuệ nhân tạo tổng hợp (AGI) là chủ đề được nhắc tới nhiều trong các cuộc thảo luận kín và công khai tại Hội nghị thường niên lần thứ 54 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) 2024 diễn ra tại Davos (Thụy Sĩ). Trong phiên trả lời tại hội nghị, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã đề cập tới những nguy cơ từ công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), cảnh báo những hiểm họa khó lường nếu công nghệ này không được kiểm soát. Ông Guterres nêu rõ: “Mỗi bước tiến mới của công nghệ AI làm gia tăng nguy cơ gây ra những hậu quả nghiêm trọng ngoài ý muốn, như làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng trên thế giới”.

Bộ trưởng Tài chính Anh Jeremy Hunt cảnh báo nguy cơ công nghệ này trở thành công cụ trong cuộc chạy đua siêu cường mới, trong đó phần lớn sức mạnh của công nghệ mới được tập trung vào vũ khí hơn là những thứ có thể giúp thay đổi cuộc sống hằng ngày của con người. Trước đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã công bố bản đánh giá, cho rằng sự phát triển của công nghệ AI có thể ảnh hưởng đến gần 40% việc làm trên toàn thế giới và làm sâu sắc thêm sự bất bình đẳng giữa các quốc gia.

Những nguy cơ và rủi ro từ AI đã khiến chính phủ các nước nhận thức rõ hơn rằng “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, bởi sự tham gia của AI cần được thực hiện một cách toàn diện, có kiểm soát khi tham gia sâu hơn vào đời sống.