Phép tính ngược với công trình xanh

Dù là một chủ đầu tư tiên phong trong việc áp dụng tiêu chí Xanh vào xây dựng các công trình chung cư tại Hà Nội, nhưng đại diện Capital House, Phó Tổng Giám đốc Trần Như Trung vẫn cho rằng, hiện quá khó để có thêm nhiều doanh nghiệp theo đuổi định hướng này. Nếu không có một cộng đồng xanh, thì những nỗ lực đơn lẻ là chưa đủ cho một sự thay đổi lớn về tư duy xây dựng!

Phép tính ngược với công trình xanh

- Thưa ông, điều gì thúc đẩy Capital House đầu tư vào bộ chứng nhận công trình xanh EDGE?

Một nỗ lực tạo khác biệt để thúc đẩy bán hàng, hay một định hướng dài hạn trong chiến lược của công ty? - Tôi nghĩ là cả hai đều có giá trị. Khi mà các chủ đầu tư cùng bung hàng ra, rõ ràng, lợi thế sẽ thuộc về đơn vị có sự khác biệt. Giá trị Xanh là điều mà người mua nhà hẳn sẽ cảm nhận rõ khi họ dọn về sinh sống như giảm được chi phí thường xuyên vào điện nước và được sống trong không gian trong lành. Nhưng trong một thị trường ngồn ngộn thông tin, thì Xanh thế nào cũng cần đến thước đo minh bạch. Đầu tư xanh là xu hướng tất yếu, và trong khi thị trường còn chưa có điều kiện chú trọng đúng mức đến điều này thì chúng tôi xác định, cần mạnh dạn triển khai.

Chiến lược dài hạn của Capital House là đưa ra cho cộng đồng những sản phẩm Xanh, đặc biệt là ở cả phân khúc nhà bình dân. Những gì mà Capital House thu nhận được từ những giá trị Xanh sẽ là động lực cho những chủ đầu tư khác cùng nắm bắt xu hướng này. Và quan trọng hơn, chúng tôi mong muốn giúp người mua nhà hướng đến những lựa chọn có ích cho cộng đồng, qua đó hình thành cộng đồng xanh trong phát triển bền vững đô thị.

- Trong khi đa số doanh nghiệp còn đang lo đến bài toán tối ưu hóa lợi nhuận thì việc áp dụng tiêu chí Xanh với mức chi phí tăng lên thật giống “một phép tính ngược”, thưa ông?

- Đúng là khi áp dụng tiêu chí Xanh chúng tôi sẽ buộc phải cắt giảm mức lợi nhuận vì tăng suất đầu tư do áp dụng những công nghệ mới, vật liệu mới cũng như cách thiết kế mới. Đừng nghĩ, cứ có cây xanh là Xanh, muốn bảo đảm tiêu chí công trình có tiềm năng giảm mức tiêu thụ năng lượng, nước và năng lượng dùng để sản xuất vật liệu ít nhất là 20% so với một công trình điển hình, tại Dự án thương mại Ecolife Capitol hay thậm chí với dự án nhà ở xã hội EcoHome Phúc Lợi, chúng tôi phải đau đầu tính toán lựa chọn thiết kế, giải pháp vật liệu… Có người hỏi sao lại áp dụng cả tiêu chí Xanh cho nhà ở phúc lợi? Câu trả lời đơn giản vì đây chính là phân khúc tiêu tốn nhiều năng lượng nhất và ảnh hưởng tới môi trường nhiều nhất, bởi số lượng các dự án lớn, cư dân đông. Một khi xử lý được bài toán khó này, đồng nghĩa chúng tôi thực hiện được cam kết trở thành nhà phát triển bất động sản chuyên nghiệp trong phân khúc nhà ở giá thấp và trung bình luôn kiên trì theo đuổi mục tiêu phát triển công trình Xanh, góp phần tạo nên lợi ích bền vững và lâu dài bảo vệ môi trường và phát triển cộng đồng dân cư bền vững. Nếu nhìn nhận tổng thể thì chi phí đội lên cho việc Xanh hóa công trình cũng chính là khoản đầu tư đặt nền móng cho xây dựng thương hiệu bền vững.

- Một doanh nghiệp lựa chọn đầu tư xanh, sẽ phải giải quyết những vấn đề gì, thưa ông?

- Lựa chọn xanh là điều không hề đơn giản, ngay từ chính khâu đầu tiên là chọn lựa bộ tiêu chí nào để áp dụng. Chúng tôi đã phải tìm kiếm thông tin từ nhiều bộ tiêu chí để sàng lọc ra đâu là bộ tiêu chí có tính khả thi nhất, mang tính tương tác tốt trong triển khai. Cuối cùng chọn Hệ thống chứng chỉ EDGE của IFC-WB vì nó mang tính toàn cầu, được thiết kế cho các thị trường mới nổi, giúp đưa ra các giải pháp thiết kế kỹ thuật hiệu quả cho các các công trình. Trong khi các hệ chứng chỉ khác như LEED, LOTUS, hay Green Mark với những yêu cầu thiết kế và sử dụng tài nguyên “xanh” đồng bộ và phức tạp thường phù hợp hơn với các công trình cao cấp, EDGE lại đưa ra các yêu cầu không quá cao và chỉ tập trung vào ba chỉ tiêu chính là năng lượng, nước, và sử dụng vật liệu xanh. Do vậy, chứng chỉ này hoàn toàn phù hợp cho giai đoạn đầu tiếp cận và triển khai các công trình sử dụng hiệu quả năng lượng của ngành xây dựng Việt Nam. Với ưu điểm dễ áp dụng và chi phí thấp, EDGE có khả năng cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng của hơn 70% công trình thuộc phân khúc trung cấp trên thị trường xây dựng trong nước. Tôi tin sẽ có nhiều chủ đầu tư thấy quan tâm đến con số trên.

- Với tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ hiện nay, liệu có cần đến quy định bắt buộc áp dụng tiêu chí Xanh cho các chung cư để bảo đảm đô thị phát triển bền vững?

-Đúng là việc chưa tạo được cộng đồng Xanh sẽ gây nên khó khăn trong quy hoạch phát triển đô thị bền vững. Chúng ta thiếu những chủ đầu tư Xanh, thiếu cả những nhà cung ứng giải pháp xây dựng, nguyên vật liệu Xanh. Rõ ràng, sẽ cần đến sự hỗ trợ từ Nhà nước để kiến tạo cộng đồng này, nhưng không phải theo cách can thiệp hành chính. Hãy để thị trường tự điều tiết, vai trò của Nhà nước là kiến tạo nên nhu cầu Xanh trong cộng đồng bắt đầu từ chuyển đổi nhận thức của người dân. Đó mới là điều tạo nên động lực cho một cộng đồng Xanh phát triển mạnh mẽ.

- Xin cảm ơn ông!

Mới đây, Capital House và SGS Việt Nam đã ký Hợp đồng đánh giá chứng nhận công trình Xanh EDGE với hai dự án Ecolife Capitol và EcoHome Phúc Lợi. IFC dự tính, trong 6 năm tới, sẽ có khoảng 70.000 đơn vị nhà được xây mới có chứng chỉ EDGE, mỗi năm giúp giảm 19.000 tấn khí nhà kính phát thải và tiết kiệm 43.500MW/giờ điện, tương đương 8 triệu USD.

Phép tính ngược với công trình xanh ảnh 1

Có thể bạn quan tâm