Phát triển du lịch bền vững

Theo số liệu được Hiệp hội Du lịch châu Á - Thái Bình Dương công bố, trong khi Thailand có tỷ lệ khách quốc tế quay trở lại đạt 80% thì Việt Nam chỉ nằm trong khoảng 10-40%. Làm thế nào để thu hút và giữ chân du khách là một bài toán đang cần lời giải?
0:00 / 0:00
0:00
Tăng cường các hoạt động xúc tiến giới thiệu tua du lịch cho du khách. Ảnh: BẮC HẢI
Tăng cường các hoạt động xúc tiến giới thiệu tua du lịch cho du khách. Ảnh: BẮC HẢI

Còn theo Tổng cục Thống kê, hai tháng đầu năm, khách quốc tế đến Việt Nam đều đạt hơn 1,5 triệu lượt khách/tháng. Con số này xấp xỉ với số lượng khách quốc tế đến Việt Nam cùng kỳ năm 2019. Đây là tín hiệu tích cực, đồng thời là cơ sở để ngành hoàn thành mục tiêu đón 18 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay.

Doanh nghiệp vẫn “đói” khách

Tại cuộc tọa đàm ”Giải pháp để ngành du lịch tạo đột phá” tổ chức mới đây, ông Võ Việt Hòa, Giám đốc Khối du lịch quốc tế, Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist chia sẻ, thời gian qua, dù khách quốc tế đến Việt Nam tăng nhưng thực tế doanh nghiệp vẫn “đói” khách. Theo đó, báo chí Việt Nam và quốc tế thường xuyên nói về khách Hàn Quốc đến Việt Nam tăng cao trong năm 2023 và đầu năm 2024. Nhưng thực tế “Theo thống kê, khách Hàn Quốc đến Việt Nam tăng nhưng doanh nghiệp Việt Nam không có nhiều lợi nhuận do không cung cấp được các dịch vụ trọn gói. Doanh nghiệp chỉ cho thuê xe, là dịch vụ có giá trị gia tăng thấp”. Đáng chú ý, dù các chuyến bay từ Nhật Bản về TP Hồ Chí Minh nhiều, khách đông nhưng chủ yếu là doanh nhân. Trong khi đó, khách quốc tế đến Việt Nam du lịch không tăng do người dân Nhật đang thắt chặt chi tiêu, hạn chế du lịch nước ngoài và Việt Nam chưa phải là điểm đến hấp dẫn khách Nhật như các thị trường Thailand, Australia, châu Âu, Hàn Quốc; còn khách Trung Quốc lại không xem Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung là điểm đến chính.

Về phía địa phương, ông Trần Văn Linh, Trưởng phòng Quản lý du lịch, Sở Du lịch Kiên Giang cho biết, quá trình phục hồi và phát triển du lịch trở lại sau đại dịch, cũng như các địa phương khác, ngành du lịch tỉnh Kiên Giang cũng gặp không ít khó khăn, thách thức và những hạn chế nhất định, như: khách du lịch quốc tế sụt giảm, không ổn định, chi tiêu của người dân trong nước và một số quốc gia thắt chặt hơn; cạnh tranh giữa các điểm đến, khu, điểm du lịch,… trong khu vực, nhất là sau đại dịch diễn ra ngày càng mạnh hơn, đặc biệt là về cơ chế, chính sách ưu đãi thị thực, thời hạn lưu trú, giá trị các gói dịch vụ, sản phẩm du lịch,…

Trong khi đó, giá cả ở thị trường du lịch trong nước có thời điểm tăng cao hơn bình thường, trong đó có giá vé máy bay từ các thị trường du lịch lớn (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ… kể cả các đường bay quốc tế đến Phú Quốc) đều cao hơn các địa phương khác kể cả ngày thường chứ không riêng dịp lễ, Tết. Hiện nay, tuy có phần giảm giá nhưng giá vé máy bay chưa ổn định, vẫn tăng giảm theo giờ, theo thời điểm...

Ngoài ra, công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch cũng chưa thật sự hiệu quả; có tình trạng cạnh tranh trong thu hút khách du lịch giữa các điểm đến trong nước tại cùng thời điểm, thiếu sự liên kết, chia sẻ thông tin, nguồn khách. Sản phẩm dịch vụ du lịch của tỉnh mặc dù có quan tâm đầu tư nhưng chưa thật sự đa dạng, hấp dẫn đối với du khách trong điều kiện mới. Hiện nay, Kiên Giang chỉ mới khai thác giá trị tài nguyên du lịch biển, đảo là chính; việc khai thác giá trị về văn hóa, lịch sử, di tích danh thắng khác phục vụ phát triển du lịch vẫn còn có mặt hạn chế. Công tác vệ sinh môi trường, văn hóa giao tiếp, ứng xử mặc dù được tăng cường, được các cấp, các ngành chỉ đạo thực hiện quyết liệt, nhưng vẫn chưa theo kịp yêu cầu và tạo sự an tâm cho du khách.

Phát triển du lịch bền vững ảnh 1

Thu hút và giữ chân du khách là đòi hỏi cấp thiết hiện nay. Ảnh: NAM ANH

Hoàn tất quy hoạch du lịch

Để du lịch phát triển nhanh, bền vững, ông Linh cho biết, Kiên Giang đang quyết tâm, quyết liệt cải thiện, làm tốt các yếu tố cấu thành sản phẩm du lịch (chất lượng sản phẩm du lịch; công tác bảo vệ môi trường, an ninh - trật tự, an toàn cho du khách, văn hóa ứng xử du lịch...), nhất là đối với các địa bàn du lịch trọng điểm Phú Quốc, Kiên Hải, Hà Tiên. Liên kết hiệu quả, bảo đảm hài hòa giữa ba bên: Nhà nước - doanh nghiệp kinh doanh du lịch, lữ hành - doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển (nhất là ngành hàng không). Đối với Phú Quốc, hơn 80% lượng khách du lịch đến bằng đường hàng không. Vừa qua, Kiên Giang đã làm việc với ba bên để thống nhất giải pháp “làm ngay” và “lâu dài” cho du lịch Phú Quốc.

Phía cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị, chính sách visa cần hấp dẫn hơn nữa. Thailand, Malaysia, Singapore đã miễn visa cho khách Trung Quốc nên cộng đồng doanh nghiệp cũng xin miễn visa cho du khách từ các thị trường trọng điểm.

Về xúc tiến thương mại, Saigontourist sẽ đồng hành Cục Du lịch quốc gia tham gia các sự kiện, tham gia mái nhà chung du lịch Việt Nam - đưa Việt Nam thành điểm đến hấp dẫn. “Chúng tôi mong có văn phòng xúc tiến thương mại du lịch ở châu Âu, Mỹ, ASEAN, Trung Quốc,... Ngoài ra, cần đầu tư hơn nữa nhân lực trẻ, giỏi cho công tác xúc tiến thương mại du lịch”, ông Võ Việt Hòa bày tỏ.

Xét đến giải pháp tổng thể, ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Du lịch quốc gia (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, mới đây Chính phủ có Chỉ thị 08/2024 giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành để phát triển ngành du lịch có định hướng, đạt mục tiêu đề ra. Đó là đón 17 - 18 triệu khách quốc tế, 110 triệu du khách nội địa. Đây là mục tiêu rất tham vọng. Để đạt được những mục tiêu đề ra, ngành du lịch có 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Cụ thể:

Đầu tiên, ngành du lịch đang hoàn tất quy hoạch du lịch giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đang chờ Thủ tướng phê duyệt. Khi quy hoạch ban hành, ngành du lịch xác định hướng đi để tổ chức thực hiện, đồng thời tổ chức các hoạt động liên kết - phát triển điểm đến xanh - bền vững, lấy trải nghiệm của du khách làm trọng tâm.

Cũng không thể bỏ qua đề xuất nội dung, thay đổi phương thức xúc tiến thương mại dựa trên các phân khúc: du lịch cộng đồng, chăm sóc sức khỏe, nông thôn, MICE (du lịch kết hợp hội nghị), golf, du lịch đường sắt; thành lập văn phòng xúc tiến thương mại du lịch ở nước ngoài (trước tiên là mở văn phòng tại Vientian, Lào) - đây là điểm yếu của Việt Nam so với các nước.

Khuyến khích phát triển sản phẩm du lịch dựa trên các lợi thế tiềm năng để thu hút khách trong và ngoài nước cũng như tăng tỷ lệ khách quay lại. Quan trọng là sản phẩm phù hợp giữ chân du khách. Từ thực tế, nghiên cứu đề xuất để tháo gỡ vướng mắc cho các địa phương, doanh nghiệp du lịch, nhất là các vấn đề liên quan đến đầu tư, thuế. Việc phối hợp địa phương quản lý điểm đến bảo đảm an toàn cho du khách phải được tăng cường. Cuối cùng, không thể bỏ qua việc tăng cường chuyển đổi số, phát triển cơ sở dữ liệu để phát triển du lịch.

“Mục tiêu của ngành du lịch trong năm 2024 là đưa các chỉ số bằng trước Covid-19 và hướng đến mục tiêu năm 2030, đón 50 triệu khách quốc tế, trở thành một trong 30 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới. Để làm được điều này cần sự vào cuộc của bộ, ngành, địa phương, các công ty du lịch... ”, ông Khánh kỳ vọng.