Đón xu thế đào tạo các nghề mới

Trong mùa tuyển sinh năm nay, nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, nhiều trường nghề mở thêm mã ngành nghề mới, dự kiến tăng chỉ tiêu tuyển sinh những ngành nghề mới nổi.
0:00 / 0:00
0:00
Đào tạo kỹ thuật công nghệ tại Trường cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội. Ảnh: NAM HẢI
Đào tạo kỹ thuật công nghệ tại Trường cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội. Ảnh: NAM HẢI

Đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp

Năm 2024, ngành giáo dục nghề nghiệp đặt mục tiêu đào tạo hơn 2,4 triệu người có bằng cấp, chứng chỉ nghề. Để đáp ứng nhu cầu nhân lực trong các ngành, lĩnh vực mới nổi, mới đây Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp rà soát, đánh giá thực trạng, năng lực tổ chức đào tạo các ngành, lĩnh vực mới, trong đó có chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi năng lượng, logistics… Bộ cũng yêu cầu các đơn vị trong thời gian tới, cần đẩy mạnh công tác tuyển sinh, tổ chức đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động ở những ngành nghề, kỹ năng mới; từ đó đáp ứng nhu cầu lao động có kỹ năng nghề cho phục hồi và phát triển kinh tế.

Trong mùa tuyển sinh năm nay, nhiều trường cao đẳng, trung cấp nghề dự kiến tăng chỉ tiêu tuyển sinh những ngành nghề được quan tâm nhiều, mở thêm các mã ngành nghề mới đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.

Từ năm 2024, Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 (Đồng Nai) sẽ triển khai chương trình đào tạo tín chỉ carbon từ năm 2024. Đây cũng là cơ sở giáo dục đầu tiên trên cả nước đào tạo ngành tín chỉ carbon, dự kiến sẽ tuyển khoảng 50 học viên trong năm đầu tiên. Chương trình đào tạo tín chỉ carbon được chuyển giao từ tổ chức BTEC Pearson (Vương quốc Anh), sẽ triển khai cho đối tượng theo hệ trung cấp 2 năm và đối tượng đã có bằng cử nhân theo chương trình ngắn hạn trong 6 tháng. TS Nguyễn Khánh Cường, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 chia sẻ, nhu cầu nhân sự trong lĩnh vực tín chỉ carbon trong tương lai sẽ rất lớn. Dự báo để thực hiện cam kết net zero đến năm 2050, Việt Nam cần khoảng 150.000 người tham gia lĩnh vực chuyển đổi năng lượng. Do vậy, cơ hội cho người học sẽ rất lớn.

Năm 2024, Trường cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội là trường đầu tiên trong cả nước chính thức tuyển sinh nghề Kỹ thuật thang máy với 100 chỉ tiêu; nghề tiếng Đức trình độ cao đẳng với 50 chỉ tiêu giúp học sinh có thêm cơ hội trong việc lựa chọn ngành nghề. Với việc kết nối với hơn 400 doanh nghiệp trong và ngoài nước, nhà trường đã giải quyết hiệu quả mục tiêu kép là vừa nâng cao chất lượng đào tạo và bảo đảm việc làm sau tốt nghiệp cho sinh viên. “Sắp tới chúng tôi sẽ mở các ngành mới có nhu cầu sử dụng lao động cao trong xã hội. Thí dụ, ngành về nông nghiệp công nghệ cao, du lịch sinh thái hay một số ngành liên quan đến kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Đặc biệt là ngành liên quan đến công nghiệp bán dẫn như lập trình chíp bán dẫn… dự kiến, nhà trường cũng sẽ mở để đón xu thế thị trường”, ông Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội nói.

Theo ông Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Cơ điện Hà Nội, năm nay, nhà trường dự kiến tuyển sinh 1.900 học sinh, sinh viên, trong đó trình độ cao đẳng, trung cấp là hơn 1.000 chỉ tiêu với các ngành như: Điện công nghiệp, Cơ điện tử, Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, Công nghệ ô-tô, Hàn công nghệ cao, Cắt gọt kim loại, Quản trị mạng máy tính. Đặc biệt có nhiều ngành nghề ở Trường cao đẳng Cơ điện Hà Nội đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp FDI. Nhà trường sẽ tư vấn để các em theo học những ngành này sao cho hiệu quả, phù hợp nhất với năng lực của mình.

TS Bùi Văn Hưng, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Kỹ nghệ II cho biết, trong năm 2024 trường kết hợp với Vietjet đào tạo kỹ thuật viên bảo dưỡng tàu bay mức A. Chương trình được chia thành hai giai đoạn, giai đoạn 1 sẽ học chương trình cao đẳng tại Trường cao đẳng Kỹ nghệ II, học viên có thể chọn nghề công nghệ ô-tô hoặc nghề công nghệ kỹ thuật cơ khí. Giai đoạn 2, học viên sẽ học tại Học viện hãng hàng không Vietjet cho những nội dung chuyên sâu về kỹ thuật bảo dưỡng tàu bay. Theo ông Hưng, việc kết nối giữa doanh nghiệp và nhà trường trong đào tạo giúp tận dụng tối đa nguồn lực về giảng viên, trang thiết bị của cả hai bên, đồng thời rút ngắn thời gian đào tạo. Trong chương trình này, học viên sau khi hoàn thành có thể được làm tại hai dự án hàng không lớn đang được triển khai ở Việt Nam hoặc Lào.

Bà Trần Thu Hà, Phó Hiệu trưởng Trường trung cấp nghề Cơ khí 1 Hà Nội cho biết, các trường nghề đã linh hoạt hơn trong đào tạo để học sinh, sinh viên có được những lựa chọn nghề phù hợp với nhu cầu thị trường và có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp.

“Với xu thế của xã hội, các ngành nghề mới, đặc biệt là logistics, công nghệ 4.0 đang được quan tâm và mở rộng rất nhiều. Để tiếp cận những xu hướng này, với mô hình đào tạo gắn chặt với doanh nghiệp, Trường trung cấp nghề Cơ khí 1 cũng đang “nhập cuộc” tương đối tốt. Học sinh đi thực tập, trải nghiệm ngay trong quá trình học tập. Hiện nay học sinh nhà trường đang được đào tạo một số ngành nghề cơ bản tại các doanh nghiệp như: công nghệ ô-tô, công nghệ kỹ thuật cơ khí, điện công nghiệp… Nhà trường cũng phải thay đổi chương trình đào tạo sao cho phù hợp với các module đào tạo tại doanh nghiệp và đầu tư trang thiết bị máy móc thực hành mới”, bà Hà nói.

Đón xu thế đào tạo các nghề mới ảnh 1

Các cơ sở giáo dục đào tạo mở nhiều ngành nghề cơ khí. Ảnh: PHONG THẾ

Chuẩn hóa kỹ năng nghề

Năm 2024, sẽ có 2,1 triệu học sinh tốt nghiệp ngành giáo dục nghề nghiệp, trong đó, trình độ cao đẳng, trung cấp là 346.000 người; trình độ sơ cấp và đào tạo nghề dưới 3 tháng là 1,8 triệu người. Cũng trong năm nay, ngành giáo dục nghề nghiệp đặt mục tiêu đào tạo 2,4 triệu người có bằng cấp, chứng chỉ.

Ông Đào Trọng Độ, Vụ trưởng Đào tạo thường xuyên, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho rằng, ngoài việc tăng chỉ tiêu đào tạo thì cũng cần chú ý đào tạo và đào tạo lại cho lực lượng lao động đang tham gia thị trường lao động. “Lực lượng đang làm việc trong nền kinh tế chưa được đào tạo còn rất nhiều, rất lớn. Do vậy, nhu cầu giữa đào tạo mới và đào tạo lại, tăng quy mô trình độ trung cấp, cao đẳng theo hình thức tuyển mới từ lực lượng chuẩn bị bước vào thị trường lao động thì sẽ không tăng nhiều, mà đa phần chúng ta phải đào tạo lại, đào tạo thường xuyên, tức là lực lượng đang hiện hữu, đang làm việc trong nền kinh tế và trong các doanh nghiệp, một là để chuẩn hóa, hai là nâng cao trình độ kỹ năng để họ thích ứng được với công việc”, ông Độ cho biết.

Với gần 1.900 cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong cả nước, hiện nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã thay đổi theo hướng ưu tiên đào tạo các ngành nghề đáp ứng nhu cầu thị trường lao động và nhu cầu các doanh nghiệp, nâng cao nhận thức của người học, gia đình, xã hội và doanh nghiệp về các chủ trương, chính sách, xã hội hóa trong giáo dục nghề nghiệp.

Mới đây, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã có Văn bản số 351 gửi các cơ sở giáo dục nghề nghiệp về việc tổ chức đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động ở những ngành nghề mới, kỹ năng mới.

Đây là một trong những nhiệm vụ nhằm triển khai các Nghị quyết, Chương trình, Đề án của Chính phủ về đào tạo nguồn nhân lực trong các ngành, lĩnh vực mới nổi, ngành nghề mới, kỹ năng mới.

Theo đó, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đề nghị các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở có hoạt động giáo dục nghề nghiệp rà soát, đánh giá thực trạng, năng lực tổ chức đào tạo các ngành, lĩnh vực mới nổi, ngành nghề mới, kỹ năng mới, bao gồm: Trí tuệ nhân tạo, chíp bán dẫn, chuyển đổi năng lượng, tín chỉ carbon, năng lượng hydrogen, logistics, đường sắt cao tốc, du lịch halal…

Theo ông Nguyễn Chí Trường, Vụ trưởng Kỹ năng nghề - Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Vụ Kỹ năng nghề không đi sâu vào vấn đề đào tạo mà đi chung vào phát triển và trang bị kỹ năng nghề cho người lao động trong lĩnh vực mới, nghề mới. Vụ Kỹ năng nghề thực hiện chuẩn hóa nghề theo Luật Việc làm. Cơ quan này cũng phối hợp với bộ chủ trì, lĩnh vực thuộc quản lý bộ, ngành để xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề theo nhu cầu thực tế sản xuất của doanh nghiệp. Từ đó, chuẩn hóa, đánh giá và cấp chứng chỉ cho người lao động tự học, tự trang bị; cơ sở đào tạo căn cứ vào đó xây dựng các chương trình đào tạo.

Vụ trưởng Kỹ năng nghề nhấn mạnh, việc chuẩn hóa các kỹ năng nghề không chỉ giúp các trường học mà chính các doanh nghiệp cũng đào tạo được người lao động. “Đặt ra tiêu chuẩn để doanh nghiệp có thể tự phát triển cho người lao động, đúng nhu cầu hoạt động của doanh nghiệp. Nhu cầu đến đâu, chuẩn hóa đến đó. Bản thân người lao động muốn tham gia lao động ở ngành nghề đó thì họ đối chiếu vào kỹ năng nghề, năng lực của bản thân để lựa chọn phương pháp học phù hợp”, ông Trường chia sẻ.