Phát triển đồng bộ ngành dịch vụ logistics

Vùng Đông Nam Bộ có nhiều lợi thế để phát triển ngành dịch vụ logistics, tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế đang cản trở quá trình phát triển đó. Trước thực tế này, các địa phương trong vùng đã và đang thực hiện nhiều giải pháp cũng như đầu tư đồng bộ về hạ tầng để sớm đưa ngành dịch vụ này trở thành ngành kinh tế chủ lực của vùng kinh tế trọng điểm phía nam.
0:00 / 0:00
0:00
Tập trung phát triển logistics vùng Đông Nam Bộ.
Tập trung phát triển logistics vùng Đông Nam Bộ.

Vẫn còn nhiều “điểm nghẽn”

Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện vùng Đông Nam Bộ có khoảng 14.800 doanh nghiệp cung ứng dịch vụ logistics, chiếm gần 50% tổng số doanh nghiệp logistics cả nước. Trong đó, tập trung chủ yếu tại TP Hồ Chí Minh với hơn 11.000 doanh nghiệp, tỉnh Bình Dương gần 1.700 doanh nghiệp và Đồng Nai hơn 1.200 doanh nghiệp. Vùng đảm nhận 45% tổng khối lượng hàng hóa và hơn 60% khối lượng hàng container của cả nước thông qua hệ thống Cảng Cát Lái (TP Hồ Chí Minh), Cái Mép - Thị Vải (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).

Tuy nhiên, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho rằng, vùng Đông Nam Bộ cũng bộc lộ một số hạn chế, ảnh hưởng đến quá trình phát triển của ngành dịch vụ logistics. Cụ thể, mạng lưới kết cấu hạ tầng cấp vùng, liên vùng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối nội vùng và liên vùng còn thiếu, yếu, chưa đồng bộ, ảnh hưởng đến sự phát triển và sức lan tỏa của vùng. Trong khi đó, các doanh nghiệp trong ngành logistics đã có sự đầu tư khá tốt về hạ tầng và công nghệ, nhưng doanh nghiệp không thể tự kết nối hạ tầng giữa các tỉnh, thành trong vùng, giữa khu sản xuất chế biến, khu công nghiệp với cảng, sân bay và giữa vùng với các thị trường.

Về hạn chế này, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Chiến lược và phát triển Giao thông vận tải Phạm Hoài Chung chỉ rõ, trên cả 5 phương thức vận tải gồm: Đường bộ, hàng không, đường biển, đường thủy nội địa và đường sắt, vùng Đông Nam Bộ đều bộc lộ “điểm nghẽn”. Theo đó, vận tải đường bộ vẫn là phương thức đảm nhận thị phần và kết nối các phương thức vận tải trong vùng, trong khi đó hạ tầng đường bộ đang bị quá tải, xuống cấp, các phương thức vận tải khác chưa được phát triển.

Trong khi đó, vận tải biển lại bị hạn chế bởi các luồng kết nối với hệ thống cảng biển nằm sâu trong nội địa nên hạn chế tải trọng tàu, hệ thống cảng biển thiếu kết nối đồng bộ với các phương thức vận tải khác. Vận tải thủy nội địa của vùng có năng lực xếp dỡ thấp, sử dụng công nghệ thiết bị bốc xếp lạc hậu, hệ thống cầu bến thô sơ. Vận tải đường sắt quốc gia chỉ mới có một tuyến bắc - nam khai thác trên khổ đường đơn 1.000 mm chạy chung vận chuyển hàng hóa và hành khách, hạn chế vận tải hàng hóa bằng đường sắt, tuyến đường sắt tốc độ cao, các tuyến đường sắt chuyên dùng kết nối đến cảng biển mới dừng ở mức nghiên cứu, đường sắt đô thị chưa phát triển. Do đó, đến nay vùng vẫn thiếu tuyến đường sắt quốc gia nối từ các trung tâm công nghiệp ở Bình Dương, Đồng Nai xuống cụm cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải.

Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Đặng Vũ Thành cũng chỉ rõ, hạ tầng giao thông kết nối giữa các cụm cảng với vùng kinh tế trọng điểm phía nam và vùng đồng bằng sông Cửu Long chưa theo kịp với xu thế phát triển của cảng biển và kinh tế - xã hội của khu vực. Việc điều phối phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía nam chưa hợp lý để khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương.

Đơn cử như đa phần các container xuất nhập khẩu qua cảng Bà Rịa - Vũng Tàu đều sử dụng sà-lan đường thủy nội địa về Thành phố Hồ Chí Minh và các khu vực lân cận để thông quan, chỉ một số ít sử dụng đường bộ và làm thủ tục hải quan tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Điều này vừa gây áp lực lớn lên hệ thống giao thông đường bộ tại Thành phố Hồ Chí Minh, vừa hạn chế nguồn thu ngân sách của các tỉnh.

Về phía địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Công Vinh nhận định trình độ phát triển của các dịch vụ logistics tại địa phương vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của một trung tâm quan trọng ở khu vực Đông Nam Bộ về vận tải biển và cả vận tải đa phương thức.

Theo đó, hệ thống dịch vụ kho bãi, trung tâm logistics sau cảng chưa theo kịp xu thế. Thiếu hụt các dịch vụ logistics như mạng lưới dịch vụ kho hàng hóa tổng hợp, ICD, kho lạnh, dịch vụ về container, đóng gói hàng hóa theo yêu cầu… Đây cũng là một trong những “điểm nghẽn” mà tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu rất mong nhà đầu tư, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics quan tâm nhằm khơi thông ngành dịch vụ được ví như mạch máu của các ngành công nghiệp tại địa phương và khu vực.

Cần hình thành khu thương mại tự do

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Công Vinh cho biết, tỉnh từ lâu đã là một trong ba cực tăng trưởng quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ. Tỉnh là cửa ngõ ra biển của các tỉnh phía nam, có điều kiện thuận lợi về hệ thống hạ tầng cảng biển, đường vành đai 4, hệ thống giao thông liên cảng Cái Mép - Thị Vải, đường sắt kết nối kinh tế vùng và vươn ra khu vực quốc tế. Đặc biệt, Bà Rịa - Vũng Tàu là tỉnh có nhiều bến cảng nhất khu vực phía nam. Do đó, ngành logistics được xác định là một trong bốn trụ cột kinh tế của tỉnh, là động lực để thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh trong thời gian tới.

Về hạ tầng logistics cảng biển, cụm cảng Cái Mép - Thị Vải là cụm cảng chính của cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu. Hiện đã có 24 dự án đi vào hoạt động với tổng công suất thiết kế 129 triệu tấn/năm, có tiềm năng là cửa ngõ quan trọng không chỉ của Việt Nam mà còn của khu vực Đông Nam Á. Hiện cụm cảng này đã đón được siêu tàu container lớn nhất thế giới có tải trọng 232.000 DWT vào tháng 3 năm nay.

Với những điều kiện nêu trên, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho rằng, việc hình thành phát triển Khu thương mại tự do sẽ giúp vùng Đông Nam Bộ tạo đột phá trong phát triển kinh tế bởi các lợi ích hình thành một hệ sinh thái thương mại và logistics hoàn chỉnh để nâng cao sức cạnh tranh của địa phương và khu vực. Từ đó thu hút các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, thúc đẩy phát triển sản xuất, thương mại, dịch vụ trực tiếp tại nội khu thương mại tự do, tạo ra cơ hội mời gọi các doanh nghiệp hàng đầu thế giới tới tham gia hoạt động và đầu tư.

Cùng quan điểm, Phó Cục trưởng Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) Trần Thanh Hải nhấn mạnh, không nằm ngoài xu hướng chung của các ngành nghề khác, hiện nay doanh nghiệp logistics cần hướng đến xanh hóa, số hóa. Doanh nghiệp đầu tư xây dựng logistics cần chú ý đa tầng tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu suất sử dụng, tự động hóa tối đa xây dựng các kho bãi thông minh… Bên cạnh đó, để thu hút doanh nghiệp đầu tư và tạo nguồn hàng cho cảng cần hình thành Khu thương mại tự do gắn với cảng biển. Theo đó, khu vực địa lý nằm trên một quốc gia hay vùng lãnh thổ, nhưng không áp dụng thuế xuất nhập khẩu và các biện pháp quản lý thương mại. Nếu sớm triển khai hiệu quả, giải pháp này sẽ giúp vùng Đông Nam Bộ tận dụng hiệu quả các tiềm năng và cơ hội trong bối cảnh mới.

Với vai trò là tỉnh cửa ngõ ra biển của các tỉnh phía nam, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ cho biết, tỉnh đã định hướng phát triển khu vực dọc sông Thị Vải - Cái Mép đến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu - đường vành đai 4 thành vùng công nghiệp - dịch vụ - đô thị cảng biển, tập trung các trung tâm logistics, khu thương mại tự do, cảng cạn cung cấp dịch vụ vận tải kho bãi gắn với hệ thống cảng biển Cái Mép - Thị Vải và sân bay quốc tế Long Thành.

Để tháo điểm nghẽn phát triển cho ngành logistics vùng Đông Nam Bộ, PGS, TS Hồ Thị Thu Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển logistics Việt Nam cho hay, việc đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ được xem là yêu cầu cấp thiết. Để có được một hệ thống hạ tầng giao thông kết nối vùng đồng bộ cần phải có những hợp tác liên kết vùng với các địa phương lân cận. Từ đó, tạo ra một mạng lưới giao thông kết nối hoàn chỉnh, giúp dòng hàng hóa lưu thông một cách nhanh chóng. Điều này sẽ giúp cho chuỗi giá trị hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu và các nguyên, phụ liệu nhập khẩu về Việt Nam được thực hiện nhanh chóng hơn, tạo động lực thúc đẩy hoạt động sản xuất trong nước phát triển.

Thực tế, hiện nay, hạn chế về hạ tầng giao thông kết nối đang từng bước được tháo gỡ với nhiều dự án hạ tầng giao thông kết nối vùng Đông Nam Bộ đã và sắp được triển khai thực hiện như đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, các tuyến đường vành đai 3, 4, sân bay Long Thành, mở rộng cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, cao tốc Bến Lức - Long Thành, mở rộng quốc lộ 13… Khi các dự án này hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác sẽ tạo ra sự đột phá phát triển mạnh mẽ cho vùng, trong đó có ngành dịch vụ logistics.

Cùng với hạ tầng giao thông kết nối, các địa phương trong vùng đang triển khai lập quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương. Việc đồng bộ quy hoạch của các địa phương với quy hoạch vùng được kỳ vọng sẽ tạo ra không gian mới, thuận lợi để ngành logistics phát triển. Bởi để phát triển tốt ngành logistics, cần tính toán đến yếu tố liên kết vùng để có thể quy hoạch phát triển các trung tâm logistics phù hợp với từng ngành hàng, nguồn hàng. Từ đó, phát triển một hệ sinh thái logistics tạo sức hấp dẫn thu hút các doanh nghiệp logistics.