Ông Hùng mang máy về quê

Yêu bông lúa gốc rạ quê hương, gần 15 năm qua, ông Nguyễn Thanh Hùng, 63 tuổi, trú xã Đức Nhuận, huyện Mộ Đức (Quảng Ngãi) đã thúc đẩy quá trình cơ giới hóa, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.
0:00 / 0:00
0:00
Ông Hùng (trái) hướng dẫn thợ kiểm tra máy.
Ông Hùng (trái) hướng dẫn thợ kiểm tra máy.

U50 đi khởi nghiệp

Sinh ra và lớn lên ở dải đất miền trung, hạt gạo, bó rơm đã ăn sâu vào tiềm thức của ông Hùng. Thời trẻ, ông đi buôn bán các mặt hàng gia dụng ở nhiều tỉnh, thành phố. Năm 2008, nhận thấy nghề nông nơi xứ người đã ứng dụng máy móc hỗ trợ đem lại hiệu quả vượt trội, ông Hùng quyết định dồn 210 triệu đồng mua chiếc máy gặt phun rơm đầu tiên. Thời điểm đó, người nông dân ở huyện Mộ Đức đều bất ngờ khi chứng kiến cả cánh đồng lúa trở nên bằng thoáng sau khi chiếc máy nhà ông Hùng đi qua. Rơm nằm liệt sau vệt bánh xe, năng suất máy làm gấp nhiều lần sức người.

“Nhìn thấy nhu cầu của bà con rất cần những loại máy này, tôi giới thiệu cho các hộ cùng mua. Chỉ trong một vụ, có năm hộ nông dân quyết định xuống tiền mua máy về dùng. Từ đó, tôi thấy khi số lượng máy móc đã tăng sẽ cần có phụ tùng, ngoài ra cần tạo việc làm cho các thợ máy có tay nghề ở địa phương”, ông Hùng cho biết.

Năm 2010 là dấu mốc quan trọng khi lão nông Thanh Hùng chuyển từ máy gặt phun rơm sang dòng máy gặt đập liên hợp. Kể từ đó, hành trình đi sâu vào kỹ thuật máy móc, đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp đã bắt đầu. Vốn đầu tư dần ổn định, ông Hùng quan tâm đến những chiếc máy có nguồn gốc từ Nhật Bản như máy gặt đập liên hợp Kubota SR45, dòng khác là nhãn hiệu Yanmar CC451. Tiêu chuẩn sản xuất, khả năng hoạt động của máy móc Nhật Bản rất cao. Tuy nhiên, giá mua mới thường đắt sẽ gây khó cho người nông dân.

“Người Nhật họ kỹ tính nên máy móc nông nghiệp chỉ dùng trong thời gian ngắn, họ đã để qua một bên. Bên đó luôn giám định chất lượng, tình trạng cụ thể của máy móc. Mặc dù chẳng hư hại gì nhiều nhưng đó là tiêu chuẩn cao của họ. Tôi thấy chất lượng những máy đó đều trên 80% nên nhập về, nâng cấp thêm và bán cho nông dân ở quê với giá thấp hơn, vừa túi tiền”, ông Hùng nói.

Quy trình từ khi nhập máy về xưởng đến lúc đưa ra đồng trải qua nhiều ngày “khám chữa bệnh”. Có những phụ tùng tìm trên thị trường không thấy nhưng trong kho linh kiện của ông Hùng sẽ có. Theo đó, một chiếc máy liên hợp khi đến tay người nông dân với động cơ mạnh, bền bỉ, hạt lúa đập ra nguyên vẹn chỉ dao động ở mức giá 200-250 triệu đồng. Tiếng lành đồn xa, nông dân toàn tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định… đều tìm mua máy móc từ xưởng của ông Hùng. Kể cả các tỉnh ở khu vực phía bắc, một số vùng trồng lúa cần máy móc nhỏ gọn, dễ linh động đã liên hệ đến ông Hùng nhờ chuyển giao công nghệ, tư vấn máy.

Ông Hùng mang máy về quê ảnh 1

Kỹ thuật viên đánh giá chất lượng máy móc khi nhập về.

Đồng hành cùng bà con

Đưa máy móc cơ giới xuống đồng ruộng, ông Hùng xác định cần phải giúp bà con hiểu cách vận hành và cả việc sửa chữa máy móc. Có đội kỹ thuật sửa chữa gồm tám thành viên, dù vậy, với độ phủ cả tỉnh Quảng Ngãi và vùng lân cận đôi khi sẽ không kịp làm hết việc. Ông Hùng có một quy cách làm việc rõ ràng ở chỗ mùa nào làm việc đó. Ông quan niệm máy móc cũng như con người. Máy móc hoạt động liên tục trong vụ thu hoạch thì đến khi nhàn rỗi sẽ là thời gian bảo trì, bảo dưỡng. Thu nhập từ việc trồng lúa nếu không tính đến sự hao mòn của máy móc sẽ khó đi lâu dài.

Nhà xưởng bảo trì rộng rãi nhưng ông Hùng lại cho anh em thợ kỹ thuật đến nhà người dân hoặc ra đồng để sửa máy. Việc đó giúp giảm chi phí hàng triệu đồng tiền thuê xe vận chuyển máy gặt, đi lại của nhà nông. Trong lần đầu tiên đi sửa tại đồng ruộng, các thợ kỹ thuật vừa làm vừa hướng dẫn chủ máy cách khắc phục, thay thế linh kiện. Những chiếc máy liên hợp sẽ làm việc theo dây chuyền. Do đó, trong khi sửa chữa, chủ máy ghi chép hoặc quay phim lại những bước quan trọng. Đó là cách truyền đạt kinh nghiệm hiệu quả mà đội kỹ thuật của ông Hùng duy trì trong 15 năm qua.

Vào ngày mùa, mỗi đội sửa máy gồm hai người, sẵn sàng đi khắp các cánh đồng khi người nông dân cần. Giữa ruộng, trên đầu nắng rọi dưới chân bùn nhão, ăn cơm bên bộ cờ-lê, thùng đồ nghề là điều anh Phùng Văn Dân (kỹ thuật sửa chữa) tự hào nhất. Anh Dân hào hứng: “Quê tôi ngoài tỉnh Nam Định. Cũng từ chỗ mua máy móc về dùng rồi có duyên kết nối với ông Hùng. Trước kia đam mê với kỹ thuật máy móc rồi nay tôi lại đồng hành với bà con ở Quảng Ngãi. Mỗi lần đến tại nhà người dân để sửa chữa máy sẽ rút gọn thời gian hơn. Sửa máy thì nghề dạy nghề. Anh em thợ học hỏi lẫn nhau rồi hướng dẫn người nông dân. Sau đó có người làm lại rất đúng cách”.

Nông dân trong thời đại mới

Nghề nông ở Quảng Ngãi từ trước đến nay thường theo hướng sản xuất nhỏ, các vùng trồng lúa tập trung chưa nhiều. Mỗi đội sản xuất do hai đến ba hộ dân cùng làm trên diện tích từ 20-30 mẫu đất. Từ ngày có máy móc gặt đập liên hợp của ông Hùng, nhà nông rút được nhiều công lao động. Từ chỗ hiệu quả lao động được chứng minh rõ, mỗi năm, xưởng máy của ông Hùng cung cấp cho bà con trong tỉnh hơn 20 chiếc máy. Với số lượng máy móc tương đối nhiều, nông dân cả tỉnh có xu hướng làm xong ruộng của mình sẽ qua làm tiếp cho ruộng nhà kế bên. Có những mảnh ruộng rộng hàng sào chỉ cần vài máy gặt thoáng qua đã hoàn thành công việc.

Ông Hùng nghĩ rằng, nghề làm nông dù trong hoàn cảnh, giai đoạn nào thì vẫn luôn tồn tại, phát triển. Từng đi tham gia nhiều hội thảo nông nghiệp, bài học ông rút ra chính là cần tối đa năng suất lao động, giảm dần sức người. Thay vào đó là ứng dụng máy móc hợp lý với từng vùng đất, điều kiện thổ nhưỡng. “Làm nông nghiệp, trong đó nơi nào có chăn nuôi, cần nguồn rơm sau mùa lúa thì họ tìm đến máy móc của tôi. Thú vị ở chỗ đôi khi khách hàng chỉ tìm những loại máy thu được rơm. Tận ở Hòa Bình, Cao Bằng vẫn có khách hàng dùng máy của tôi”, ông Hùng nói.

Đồng hành với nhà nông ở tất cả các giai đoạn sản xuất, ông Hùng nắm bắt rõ suy nghĩ của họ, nhất là ở giai đoạn kinh tế khó khăn như trong ba năm qua. Từng thế chấp nhà để vay tiền ngân hàng đầu tư máy, ông Hùng càng thêm đồng cảm với bà con có nguyện vọng đổi máy gặt cũ lấy máy đời mới nhưng chưa đủ vốn. Có một số hộ nông dân sau khoảng thời gian dùng máy, họ muốn nâng đời hoặc mua máy khác, ông Hùng hỗ trợ việc thu lại máy cũ để bà con dễ dàng bù thêm chi phí sắm thiết bị.

Kinh tế nói chung của người nông dân đang khó khăn nên ông Hùng có những chính sách hỗ trợ như khách hàng mua máy sẽ được trả góp. Ưu tiên có máy sớm nhất, đúng mùa vụ để hiệu quả lao động của người nông dân được tăng lên. Ông chủ Thanh Hùng thường nhắc anh em thợ kỹ thuật cần giúp bà con sửa ngay từ những lỗi hỏng vặt. Khi đó, chi phí thiệt hại còn ít, đỡ được phần nào hay phần đó.

Những cống hiến, đóng góp của ông Nguyễn Thanh Hùng trong lĩnh vực nông nghiệp, cơ giới hóa trong sản xuất đã được công nhận. Bằng khen về thành tích tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015-2020 của UBND tỉnh Quảng Ngãi tặng; danh hiệu Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp Trung ương giai đoạn 2017-2022 hay mới đây là danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023 do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trao tặng.

Nhìn lại những kết quả đáng mừng đó, lão nông ngoài 60 này luôn tâm niệm danh hiệu là một khích lệ quan trọng. Trong tương lai, ông Hùng hướng đến kế hoạch ứng dụng thiết bị máy bay điều khiển phun thuốc và đưa máy cấy về cánh đồng Quảng Ngãi. Tư duy nhạy bén, khát vọng vươn lên của lão nông Thanh Hùng sẽ là tấm gương sáng, củng cố vị trí nhà nông trong thời đại mới.