Vực dậy hình ảnh cây chè (kỳ 2)

Kỳ 2: Thương hiệu từ khoa học, đoàn kết, chất lượng
0:00 / 0:00
0:00
Việc thu hoạch chè được tuân thủ kỹ thuật và thời gian để bảo đảm chất lượng.
Việc thu hoạch chè được tuân thủ kỹ thuật và thời gian để bảo đảm chất lượng.

(Tiếp theo và hết)

Bài học cảnh giác trước thủ đoạn bôi lem “chè bẩn” cách đây chục năm đã giúp người dân xứ chè thức tỉnh, đoàn kết sản xuất trong mô hình kinh tế hợp tác xã (HTX). Từ đó, nỗ lực trả lại hình ảnh “sạch” vốn có của một thương hiệu chè nức tiếng.

Hái chè đổi công

Đang ở nhà đọc tư liệu về chè, tôi nhận được điện thoại của chị Nguyễn Thị Xuyên, hội viên HTX chè Thu Huyền ở Ao Rôm, Khe Mo, Đồng Hỷ cho biết: “Em bận không, hôm nay nhà chị hái chè đổi công…”.

Sau 15 phút chạy xe từ thành phố Thái Nguyên hướng về phía bắc theo Quốc lộ 1B qua cầu Linh Nham, những dãy nhà tầng hai bên đường thưa dần, thấp thoáng những bãi chè lai ven đường và xa, sâu vào trong là những quả đồi bát úp xanh mướt những búp chè xuân, tôi có mặt tại bãi chè nhà chị Xuyên. Trước mắt tôi, túm tụm ở đầu bãi là cả chục người, chủ yếu là các chị, các cô tuổi từ 20 đến 50 đứng dàn hàng ngang trên bãi, người thì mang bao tải, người mang thúng, mẹt. Từng búp chè xuân căng mọng với 1 tôm (đọt non mới nhú) và 2 đến 3 lá non mọc sát kề ngay kề bên dưới đọt, bứt ra khỏi ngọn chè.

Mặc dù đã được nghe nhiều, để có cân trà sạch, ngon, thơm theo tiêu chuẩn VietGAP, ngoài chất đất, nguồn nước và phân bón, người làm chè phải tuân thủ quy trình trồng, chăm bón, hái sao “sạch”. Nguồn nước tưới từ giếng khoan, giếng đào được máy bơm nước hút lên phun ẩm ngọn, thân, lá, thấm vào đất bãi. Khi cây chè đâm chồi, nảy lộc, các anh chị xã viên HTX chè cùng bảo nhau đoàn kết hái chè “đổi công” cho nhau chứ không thuê người hái. Nguyên nhân là trước đây chỉ trồng giống chè cổ, chè trung du vốn có nguồn gốc lâu đời, quen thung thổ khí hậu nên khi búp chè đến độ thu hoạch, có thể để kéo dài 4 đến 5 ngày mới hái xong, dẫn đến búp chè già, chế biến ra cọng trà cứng, đắng, không ngọt. Hơn chục năm trở lại đây, Khi Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên giới thiệu với bà con trồng những giống chè lai được Trung tâm nghiên cứu và phát triển chè thuộc Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía bắc ở Phú Thọ nghiên cứu ra thì cách thức hái thay đổi hẳn. Nếu búp chè đến độ cần hái, người nông dân phải tập trung hái nhanh về sao, vò, chế biến ngay mới giữ được tinh chất tự nhiên, tươi giòn của búp chè.

Thời gian đầu, vì hái không kịp, người làm chè thuê thợ hái, theo cách khoán với giá thành hiện nay từ 35 đến 40 nghìn đồng/kg. Vì chạy theo số lượng, thợ hái chè thuê thường vặt, giật, bẻ búp dẫn đến búp chè bầm giập, cả búp non lẫn lá bánh tẻ, thậm chí có cả cậng chè cho nặng cân, nên khi sao ra sản phẩm cánh trà không đều nhau, pha ra nước trà đỏ, uống vào có vị đắng chát. Rút kinh nghiệm, nhiều hộ trồng chè như chị Xuyên và những hộ sản xuất chè trong HTX Thu Huyền bàn nhau cùng đổi công với nguyên tắc không chạy theo số lượng, cân nặng, mỗi thành viên trong nhóm đổi công hái cho nhà nào cũng như hái của nhà mình, không bẻ vặt bầm dập ngọn chè, mỗi búp đều tăm tắp như nhau từ 1 đọt và 2, 3 lá kế tiếp bên dưới.

Búp chè được thu hái trong vòng 1 ngày khô ráo, nắng ấm và khi mang về là cho vào lò quay ngay nên búp chè tươi, giòn gặp hơi nóng lò tôn đã héo dần và xoăn lại vào cánh trà tinh chất nhựa sống. Còn phải qua công đoạn lên hương, đánh mốc cánh trà nữa thì mới ra sản phẩm trà xuân thơm ngậy tựa như là hương cốm.

Vực dậy hình ảnh cây chè (kỳ 2) ảnh 1

Sao chè bằng máy tại hộ gia đình.

Hương trà từ chữ tín

Năm 2011, Hội Nông dân Thái Nguyên có dự án hướng dẫn nông dân làm kinh tế, phổ biến cho nông dân làm chè trong Xóm Ao Rôm. Cán bộ Hội khuyến nông đã phổ biến cho nông dân trong vùng giống chè mới, năng suất chất lượng cao, đó là giống chè Kim Tuyên. Đây là giống chè được lai tạo từ Viện Nông nghiệp nghiên cứu chè ở Phú Thọ. Giống chè cổ trước đây nước đỏ, vàng hoặc mầu mật ong nên nhìn sắc đã không ngon. Gặp thời tiết mùa hè, mưa nhiều vị trà nhạt, gặp thời tiết mùa đông sương muối thì chè không ra búp. Từ khi Hội nông dân giới thiệu giống chè lai F1, anh chị Hùng-Xuyên - HTX chè Thu Huyền đón nhận về trồng, thấy cây chè hợp với đất, dễ chăm bón, cây lên khỏe, chống chịu được với khí hậu nóng, kháng được thời tiết và sâu bệnh, nên người nông dân trồng chè Ao Rôm và rất nhiều nông dân xứ chè đều chọn giống chè lai F1.

Chị Nguyễn Thu Hiền, Chủ nhiệm HTX chè Thu Huyền cho biết: Hiện Ao Rôm có khoảng 100 hộ, thành viên của nhiều HTX chè. Các hội viên HTX chủ yếu làm chè đổi công cho nhau, sản xuất theo tiêu chuẩn trà VietGAP. HTX chè Thu Huyền non trẻ được thành lập năm 2017, hiện có chục thành viên. Tuy nhiên, số lượng nông dân cá thể tham gia mô hình kinh tế HTX ngày càng nhiều.

Đang trò chuyện cùng tôi, chị Xuyên nhận điện thoại của khách từ phương xa Vũng Tàu điện đặt gửi cho chục kg trà xuân. Tôi xin chị được trò chuyện với khách, phía đầu bên gọi, một giọng nam pha chút bắc cho biết: Anh tên Quang, vốn người miền nam công tác trong quân đội. Đơn vị anh có nhiều đồng đội là người miền bắc vào đóng quân, sinh sống trong đó, nên anh hay uống chè, lâu ngày thành quen. Đầu xuân rồi, có anh bạn cùng đơn vị, người Thái Nguyên về nghỉ Tết trở lại đơn vị, mang tặng anh gói trà, anh uống thấy thích quá và thấy số điện thoại in trên gói trà đã liên lạc đến chị để mua.

Theo chị Xuyên, hiện anh chị có 4 sào chè, cho mỗi năm khoảng 3,4 tấn búp. Anh chị tự trồng, chăm bón theo tiêu chuẩn trà sạch VietGAP, cho ra khoảng 6 tạ chè khô mỗi năm. Sản phẩm trà chủ yếu bán trên thị trường dao động từ 300 đến 500 nghìn đồng/kg. Như vậy mỗi năm, hộ trồng chè như anh chị trừ chi phí phân bón (khoảng 10 triệu đồng/năm) còn lại thu về 200 triệu đồng.

Chị Xuyên cho biết, có nhiều khách như thế, ban đầu là biết nhau qua gói trà thành người quen. Khi chị đóng trà gửi khách, họ chuyển tiền qua tài khoản và chị cam kết bảo đảm đúng chỉ một loại trà nước xanh, thơm, ngon do chính tay chị làm theo tiêu chuẩn VietGAP. Xây dựng chữ “tín” từ lâu, khiến khách hàng tin tưởng rồi người nọ bảo người kia gọi điện. Trước đây, nhiều lúc chị còn phải nhờ HTX hỗ trợ đầu ra, còn bây giờ, sản phẩm làm ra đến đâu, bán hết đến đó. Là thành viên HTX bây giờ người làm chè chỉ có lợi, được giao lưu, định hướng sản xuất. Chính bởi vậy, số người tham gia HTX chè trên quê chị ngày một nhiều.

Sức xuân của cây chè vươn lên từ mạch nguồn đất trời và bàn tay tảo tần chăm bón trong mô hình kinh tế HTX cho ra những sản phẩm trà sạch thơm ngon. Sức sống bung lên ấy đang được tiếp nối, khởi nguồn, như kết luận của Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải tại Hội nghị tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể tổ chức ngày 26/10/2023. Theo đó, các cấp ủy đảng, chính quyền, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, HTX trong thời gian tới.

Vực dậy hình ảnh cây chè (kỳ 1)