Dang dở một dự án phục hồi rừng ngập mặn (kỳ 1)

Tính đến hết tháng 8/2023, 27 địa phương trên cả nước xin trả lại vốn vay từ các nguồn nước ngoài. Theo Cục Quản lý nợ và Cục Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) tổng số tiền các địa phương xin trả lại lên đến 5.000 tỷ đồng. Số lượng địa phương cũng như số tiền không thể giải ngân nhiều hơn so với năm 2022. Đây là vấn đề không mới và do nhiều nguyên nhân. Cuối năm 2023, một dự án được kỳ vọng sẽ đem lại nhiều lợi ích cho cả môi trường lẫn đời sống dân sinh cũng đã phải xin được đóng lại sau nhiều lần giảm quy mô, giảm số tiền đầu tư…
0:00 / 0:00
0:00
Dự án FMCR thực hiện tại thành phố Móng Cái, Quảng Ninh.
Dự án FMCR thực hiện tại thành phố Móng Cái, Quảng Ninh.

Kỳ 1: Mục tiêu không hoàn thành

Dự án hiện đại hóa ngành lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu vùng ven biển được triển khai từ năm 2018 trên địa bàn 8 tỉnh, thành phố với tổng số vốn đầu tư 195 triệu USD. Trong quá trình triển khai, tất cả 8 địa phương đều đã xin giảm vốn đầu tư, giảm diện tích thực hiện dự án. Đến khi ngừng triển khai, tổng số vốn đầu tư đã giảm đáng kể, diện tích trồng mới và phục hồi rừng ngập mặn được thực hiện không đạt mục tiêu đề ra.

Quy mô và ý nghĩa dự án

Việt Nam là quốc gia có đường bờ biển dài, có nhiều lợi thế để phát triển. Tuy nhiên, đường bờ biển dài cũng khiến Việt Nam dễ tổn thương với biến đổi khí hậu và tình trạng nước biển dâng. Tính trung bình, mỗi năm có hàng chục cơn bão từ Biển Đông. Do đó, có được hệ sinh thái rừng ven biển giúp chúng ta tăng khả năng chống chịu trước bất lợi của hiện tượng thời tiết cực đoan và nước biển dâng. Bên cạnh đó, người dân ở khu vực chung quanh có thể phát triển kinh tế từ việc nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản.

Dự án hiện đại hóa ngành lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu vùng ven biển (FMCR) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 548/QĐ-TTg ngày 21/4/2017. Thủ tướng Chính phủ giao trách nhiệm tổ chức thực hiện dự án cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), UBND các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.

Sau đó một năm, ngày 3/8/2018, Chính phủ và Ngân hàng Thế giới (WB) đã ký hiệp định tài trợ dự án số 6079-VN. Tổng vốn đầu tư cho toàn bộ dự án là 195 triệu USD, trong đó vốn vay WB 150 triệu USD, còn lại sẽ sử dụng vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2018-2023, triển khai tại 8 tỉnh, thành phố ven biển gồm Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.

Mục tiêu khi triển khai dự án FMCR là nhằm sử dụng các cách tiếp cận hiện đại để tăng cường công tác quy hoạch không gian rừng ven biển; Tổ chức quản lý hiệu quả nguồn tài nguyên; Áp dụng các biện pháp lâm sinh trong việc trồng, chăm sóc và quản lý rừng hiệu quả để tăng khả năng chống chịu trước các hiện tượng thời tiết cực đoan; Đồng thời tạo cơ chế khuyến khích hộ gia đình, cộng đồng, doanh nghiệp và chính quyền địa phương tham gia quản lý bảo vệ bền vững nguồn tài nguyên hiện có.

Theo đó, 8 địa phương triển khai dự án FMCR có tổng cộng 400 km đường bờ biển (tương ứng 12% tổng chiều dài bờ biển Việt Nam). Khi triển khai dự án, các địa phương có đủ yếu tố đầu vào, tài chính phục hồi rừng ven biển. Đồng thời mở rộng các công trình lâm sinh, tăng tỷ lệ sống của cây rừng. Ngoài ra sinh kế của người dân sống ven các vùng rừng ven biển sẽ được cải thiện.

Ở hai địa phương khu vực đồng bằng sông Hồng là Quảng Ninh và Hải Phòng, rừng phòng hộ ven biển là rừng ngập mặn. Nền đất ít dinh dưỡng, khí hậu phức tạp hạn chế sự sinh trưởng và mức độ phong phú của các loài cây ngập mặn. Cây ngập mặn chủ yếu là: mắm trắng, sú, đâng, vẹt dù, tra, giá, vạng…

Các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh có địa hình bờ biển phức tạp và rất nhiều sông suối. Lưu lượng dòng chảy mùa mưa gấp 3-4 lần mùa khô. Thực vật nước lợ chủ yếu sinh sống ở cách cửa sông từ 100 - 300m. Cây ngập mặn chủ yếu là: đâng, vẹt dù, mắm, trang, sú, giá, tra…

Khu vực cuối cùng gồm các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Đây là dải đất hẹp ven biển, nhiều nơi núi ăn ra gần sát biển. Hệ thống sông ngòi ngắn và dốc nên lượng phù sa ít…

Dang dở một dự án phục hồi rừng ngập mặn (kỳ 1) ảnh 1

Dự án FMCR tại cửa Lạch Trường (Thanh Hóa).

Giảm mục tiêu để... hoàn thành (?)

Dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư từ năm 2017, nhưng đến tháng 12/2019 mới được chính thức khởi động. Các hoạt động đầu tư thực hiện từ năm 2020, chậm gần 3 năm so với thiết kế ban đầu, lại đúng vào thời gian dịch Covid-19 bùng phát.

Trong bối cảnh đó, nguồn vốn vay 150 triệu USD từ WB là một nguồn lực không nhỏ. Đặc biệt khi nguồn vốn này được dành cho một dự án lâm nghiệp, có giá trị bền vững cả về môi trường và phát triển đời sống kinh tế cho cư dân vùng ven biển.

Vậy nhưng từ cuối năm 2022, Bộ NN&PTNT đã kiến nghị Chính phủ cho điều chỉnh dự án FMCR từ mức đầu tư 195 triệu USD xuống còn 119,7 triệu USD, điều chỉnh thời gian dự án từ 2018-2026 (tăng thời hạn 3 năm).

Đáng chú ý, Bộ đề nghị điều chỉnh hủy mục tiêu về sử dụng các cách tiếp cận hiện đại để tăng cường công tác quy hoạch không gian rừng ven biển. Rừng trồng mới buộc phải cắt bỏ 85% khối lượng, rừng phục hồi cắt bỏ 67% khối lượng so với phê duyệt ban đầu. Điều chỉnh giảm 500 cộng đồng/900 cộng đồng (19.500 hộ gia đình/27.000 hộ) được hưởng lợi trực tiếp thông qua các cơ chế khuyến khích hộ gia đình, cộng đồng tham gia xuống còn khoảng 7.500 hộ (tương đương giảm 72,2% hộ gia đình được hưởng lợi). Giảm 24 xã có rừng phòng hộ. Điều chỉnh giảm 38/94 gói đầu tư công nghệ phục vụ phát triển sản xuất làm tăng thu nhập của người dân ven biển tham gia quản lý rừng bền vững thành: Cung cấp ít nhất 56 gói đầu tư công nghệ phục vụ phát triển sản xuất là tăng thu nhập của người dân ven biển tham gia quản lý rừng bền vững với giá trị không quá 400.000 USD/gói (tương đương giảm 40,4%).

Đánh giá về mức độ thành công của dự án, cho đến nay vẫn còn nhiều quan điểm trái ngược. Báo cáo thẩm định 2045/BC-BKHĐT-GSTĐĐT ngày 22/3/2023 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, hầu hết các nội dung đầu tư của dự án có tỷ lệ rất thấp. Các mục tiêu chính như trồng mới và trồng phục hồi rừng đều bị cắt bỏ quá nhiều, trong khi hợp phần đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng là các mục tiêu phụ.

Ở thời điểm sắp dừng dự án, ông Đỗ Quang Tùng, Cục trưởng Kiểm lâm (Bộ NN&PTNT) cũng có đánh giá, dự án khởi động từ năm 2013 (theo đề án 2102). Nhưng không ai ngờ một dự án được chuẩn bị từ sớm như vậy lại gặp quá nhiều trắc trở. Các chỉ số ban đầu đặt ra đều phải thay đổi để phù hợp với tình hình.

Theo tìm hiểu thực tế của nhóm phóng viên, các phần việc liên quan đến đầu tư cơ sở hạ tầng (đường vào rừng, kè…) của dự án đều được triển khai thực hiện hoàn thành 100%. Cá biệt có nơi còn đề xuất xin thêm vốn để làm hạ tầng, thậm chí xin thêm vốn để làm các gói hạ tầng (như đường bê-tông) ở những địa điểm không phục vụ đến rừng trồng mới hay rừng phục hồi…

Trong buổi làm việc với nhóm phóng viên Thời Nay, Ban Quản lý dự án FMRC (Bộ NN&PTNT) khẳng định dự án cơ bản đạt các mục tiêu đề ra. Với vai trò là cơ quan quản lý giám sát dự án, bộ đánh giá hầu hết các địa phương đã làm đúng. Thời gian thực tế triển khai chính thức mới chỉ khoảng hơn 20 tháng. Trong khi đó, chu kỳ trồng mới và bảo đảm cây trồng sống sót cũng lên tới 5 năm (1 năm trồng và 4 năm chăm sóc). Các hạng mục đã hoàn thành của dự án, đặc biệt là các hợp phần hạ tầng cơ bản tác động tích cực đến đời sống người dân ven biển. Sinh kế của người dân được cải thiện, bộ mặt của rất nhiều vùng quê ven biển thay đổi rất nhiều…

WB cũng có đánh giá tương tự với Bộ NN&PTNT, đến tháng 9/2023 dự án đã trồng mới và phục hồi được 3.900 ha rừng, hoàn thành 16 tiểu dự án nâng cấp các tuyến đường tuần tra bảo vệ rừng kết hợp dân sinh; 81 công trình nâng cấp cơ sở hạ tầng đường giao thông và đê kè; 27 gói công nghệ phục vụ sản xuất và phát triển kinh tế-xã hội và dân sinh… Báo cáo phân tích hiệu quả kinh tế cho quy mô điều chỉnh do WB tiến hành cho thấy dự án đạt hiệu quả và khả thi về kinh tế.

Việc đánh giá về dự án có sự khác biệt ở mỗi cơ quan không có gì là bất thường. Mỗi cơ quan đều có đánh giá ở góc độ chuyên môn riêng từ góc nhìn quản lý. Tuy nhiên, những ý kiến trái ngược như ở trường hợp này đặt ra đôi điều băn khoăn. Để phần nào có được một cái nhìn toàn cảnh, nhóm phóng viên đã thực hiện khảo sát tại các địa phương nơi triển khai dự án.

(Còn nữa)