Dang dở một dự án phục hồi rừng ngập mặn (kỳ 2)

Kỳ 2: Giảm rừng trồng nhưng làm hạ tầng
0:00 / 0:00
0:00
Dự án FMCR tại Nghệ An.
Dự án FMCR tại Nghệ An.

Đến thời điểm kết thúc Dự án hiện đại hóa ngành lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu vùng ven biển (FMCR), có thể nói hợp phần chính được đề ra ban đầu đã phải cắt giảm đến mức thấp nhất: Rừng trồng mới buộc phải cắt giảm 85% (7.616 ha/9.000 ha), rừng phục hồi cắt giảm 67% (6.713 ha/10.000 ha) khối lượng so với phê duyệt ban đầu. Diện tích trồng mới dù đã phải cắt giảm nhiều lại được trồng phân tán với diện tích rất nhỏ lẻ…

Giảm diện tích rừng trồng mới và phục hồi

Theo dự toán ban đầu, đối với hoạt động trồng mới và phục hồi rừng của dự án có tổng kinh phí 75,101 triệu USD, ngân sách T.Ư cấp 100% vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB) cho các địa phương tham gia dự án. Đây được coi là hợp phần quan trọng, chiếm phần lớn kinh phí dự toán, nhưng cũng là phần phải cắt bỏ nhiều nhất. Rừng trồng mới buộc phải cắt giảm 7.616 ha/9.000 ha, rừng phục hồi cắt giảm 6.713 ha/10.000 ha.

Duy nhất tỉnh Quảng Trị hoàn thành trồng mới và phục hồi 100% diện tích với 640,52 ha. Các địa phương còn lại đều không thể hoàn thành mục tiêu ban đầu của dự án. Theo Báo cáo số 2045/BC-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kết quả thẩm định điều chỉnh chủ trương dự án FMCR, khối lượng giải ngân tính đến tháng 7/2023 chỉ đạt 6%.

Ông Tô Đình Hà, Phó Giám đốc ban Quản lý các dự án NN&PTNT thành phố Hải Phòng (đơn vị trực tiếp thực hiện dự án) cho biết: Khi lập dự án và phê duyệt năm 2016-2017, diện tích trồng và phục hồi là 3.360 ha. Nhưng khi rà soát bản đồ đầu tư năm 2021, UBND TP Hải Phòng đã phê duyệt bản đồ đầu tư về trồng rừng trên cơ sở trồng rừng, bảo vệ rừng, khoán bảo vệ rừng và cơ sở hạ tầng, đối với rừng ngập mặn trong bản đồ đầu tư theo báo cáo là 2.751 ha trồng mới xuống còn 327 ha (giảm hơn 2.400 ha).

Nguyên nhân giảm nhiều như vậy bởi trùng một số dự án trồng rừng thay thế của thành phố, thí dụ như Dự án phục hồi phát triển rừng ven biển TP Hải Phòng giai đoạn 2015-2020. Đặc biệt, riêng Dự án Đồi Rồng (Đồ Sơn) đã có hơn 1.000 ha trùng vào phần dự án. Chủ trương của Dự án Đồi Rồng (được Thủ tướng phê duyệt) có trước chủ trương dự án FMCR.

Tại tỉnh Nghệ An, phần diện tích phục hồi rừng 5.000 ha thậm chí còn chưa thực hiện được vì chưa được điều chỉnh dự án thành phần. Công tác đóng cọc ven biển cũng chưa thực hiện được. Thời điểm ngày 15/9/2023, ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Ban Quản lý dự án FMCR Nghệ An cho biết, dự án trồng mới rừng được 40,7 ha (trong khi mục tiêu là trồng mới 507 ha). Ban quản lý cũng đã đề xuất UBND tỉnh xin giảm diện tích phục hồi rừng xuống còn 255 ha.

Về phía tỉnh Quảng Ninh, mục tiêu trồng mới rừng ngập mặn là 1.804 ha và phục hồi, nâng cấp rừng kém chất lượng là 3.636 ha rừng phòng hộ ven biển và rừng ngập mặn; bảo vệ 18.994 ha rừng hiện có và một số gói đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng… Song ông Bùi Xuân Hiển, Giám đốc Ban Quản lý rừng Việt Đức (đơn vị thực hiện dự án) cho hay, tổng diện tích trồng rừng ngập mặn của dự án chỉ còn 840,75 ha, tỉnh đã trồng được 696,43 ha, đạt tỷ lệ 82%.

Theo cách lý giải của ông Hiển, không rõ 840,75 ha ở đây được hiểu là rừng trồng mới hay là đã bao gồm cả diện tích phục hồi, nâng cấp rừng kém chất lượng. Mỗi cách hiểu sẽ đem lại những kết quả khác nhau. Vì nếu 840,75 ha chỉ là diện tích trồng mới thì tỉnh Quảng Ninh đã xin cắt giảm xấp xỉ 53,5% mục tiêu đề ra. Nhưng nếu hiểu đây là cả diện tích trồng mới và trồng phục hồi thì con số cắt giảm là quá lớn.

Lý do phải cắt giảm diện tích lớn đến vậy là do khoảng thời gian từ lúc lập khảo sát đến khi thực hiện dự án quá xa. Trong khoảng thời gian đó, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đã có nhiều thay đổi, nên nhiều diện tích ở các dự án của tỉnh trùng vào diện tích đã khảo sát của dự án FMCR. Có thể kể đến như Quy hoạch chung Khu kinh tế Cửa khẩu Móng Cái, hay việc sáp nhập Hạ Long với Hoành Bồ…

Với các địa phương còn lại trong dự án FMCR, diện tích rừng trồng mới và trồng phục hồi cũng đều phải cắt giảm. Lý do phổ biến nhất là do thời gian triển khai dự án quá dài, diện tích rừng trồng trùng lặp với các dự án, quy hoạch triển khai sau. Nếu chưa xét tới hiệu quả của số kinh phí đã được giải ngân, hầu như có thể hiểu dự án không đạt mục tiêu ban đầu về mặt diện tích trồng mới và trồng phục hồi.

Các gói xây dựng đều hoàn thành

Với diện tích rừng trồng mới hay rừng trồng phục hồi, các địa phương đều phải cắt giảm nhiều so với kế hoạch ban đầu, nhưng ở phần xây dựng cơ bản của dự án lại đều hoàn thành.

Theo tài liệu hướng dẫn của Bộ NN&PTNT, các địa phương phải hoàn thành các công trình lâm sinh trước, sau đó mới triển khai các công trình hạ tầng để bảo vệ rừng. Tuy nhiên, nhiều địa phương triển khai các gói hạ tầng gần như độc lập, không liên quan đến công trình lâm sinh. Thậm chí ở một số nơi làm các gói hạ tầng sâu trong khu dân cư, gần giống với các gói nông thôn mới vẫn thường làm.

Có thể kể đến như ở xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa, tuyến đường khoảng 2 km với trị giá khoảng 9 tỷ đồng nằm trong hợp phần xây dựng cơ bản của dự án. Con đường bê-tông nằm giữa đồng lúa, cách xa đê và gần như không liên quan đến rừng phòng hộ ven biển Đa Lộc.

Còn Hà Tĩnh đã triển khai các gói hạ tầng rất “mượt mà”. Các công trình ở hợp phần 3 là tái tạo lợi ích bền vững từ rừng ven biển, phần hạ tầng này được phê duyệt năm 2021. Danh sách gồm các công trình thiết yếu như đường, mương… để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Ông Lê Minh Hoa, đại diện Ban Quản lý dự án FMCR Hà Tĩnh cho biết: Đơn vị đã khảo sát sơ bộ, thuê tư vấn đánh giá, đề xuất UBND tỉnh, tỉnh đã thành lập ban đánh giá sau đó gửi xin ý kiến WB thống nhất, phê duyệt. Theo đó, 23 tiểu công trình cho các xã tham gia dự án, giá công trình từ 2-4 tỷ đồng. Các công trình xây dựng hạ tầng phục vụ dự án đến cuối năm 2023 đều hoàn thành.

Khảo sát một số tuyến đường ra rừng ngập mặn ngoài đê tại huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng, những tuyến đường này hầu hết được làm từ bờ đê, đi qua các đầm hải sản của dân, ra đến cánh rừng ngập mặn phía ngoài bờ biển. Trước đây toàn bộ diện tích ngoài đê đều là rừng ngập mặn. Sau này, người dân bắt đầu ra ngoài đê khai hoang, phá một phần rừng ngập mặn đi làm các đầm nuôi hải sản. Ông Tô Đình Hà, Phó Giám đốc ban Quản lý các dự án NN&PTNT Hải Phòng cho biết, hiện nay tình trạng phá rừng đã cơ bản giảm, nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp. Một số hộ dân cố tình quây bờ, kéo nước ngọt vào để làm chết rừng tự nhiên. Sau đó họ lén lút mở rộng thêm diện tích đầm nuôi hải sản.

Những con đường bảo vệ rừng được hoàn thành giúp các lực lượng chức năng có thể đi ra cánh rừng ngập mặn thuận tiện hơn nhưng vô hình trung cũng giúp người dân dễ tiếp cận với cánh rừng đó. Lợi ích của những tuyến đường như vậy đến thời điểm này thật khó có thể đánh giá hết!

Không chỉ hoàn thành “trọn vẹn” phần hạ tầng, TP Hải Phòng còn có những gói hoàn thành vượt định mức. Theo hướng dẫn của Bộ NN&PTNT, dự án hỗ trợ 47 gói nâng cấp cơ sở hạ tầng quan trọng phục vụ sản xuất, chế biến, tiếp thị hàng hóa, dịch vụ từ khu rừng ven biển với giá trị đầu tư không quá 600.000 USD (khoảng 13 tỷ đồng)/gói cho các xã tại 47 huyện thuộc vùng dự án. Riêng Hải Phòng đã triển khai gói thầu Cải tạo, nâng cấp 10 tuyến đường giao thông phục vụ sản xuất, dịch vụ từ rừng ven biển xã Vinh Quang, xã Đông Hưng (huyện Tiên Lãng) trị giá hơn 51,6 tỷ đồng, gói thầu Cải tạo, nâng cấp 7 tuyến đường giao thông phục vụ sản xuất, dịch vụ từ rừng ven biển phường Bàng La (quận Đồ Sơn) trị giá 20,33 tỷ đồng.

Để nhìn nhận một cách khách quan, việc trồng mới và trồng phục hồi rừng ngập mặn trong thực tế có khá nhiều khó khăn. Trong khi đó các gói xây dựng hạ tầng tương đối nhỏ và khá dễ triển khai. Các địa phương lựa chọn phương án dễ và để chừa lại các phương án khó khăn âu cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, đây là một dự án lớn, mang theo rất nhiều kỳ vọng tạo nên một hệ sinh thái bền vững, từ đó tạo lập sinh kế lâu dài cho người dân. Việc cắt giảm các mục tiêu chính (trồng rừng) chạy theo các mục tiêu phụ (xây dựng hạ tầng) khiến cho mục tiêu chính phát triển rừng tạo nên hệ sinh thái bền vững phục vụ cho sinh kế của người dân cũng như bảo vệ môi trường, sinh thái lại chưa đạt được như kỳ vọng.

(Còn nữa)

Dang dở một dự án phục hồi rừng ngập mặn (kỳ 1)