Vực dậy hình ảnh cây chè (kỳ 1)

Tại nhiều vùng ở “xứ chè” Thái Nguyên, nhiều Hợp tác xã (HTX) đã tạo thành sức mạnh, phản lại sự bôi lem, bóp méo hình ảnh và đưa cây chè vươn tầm, khẳng định thương hiệu uy tín chè Việt trên thương trường quốc tế.
0:00 / 0:00
0:00
Nhóm hái chè đổi công tại bãi chè nhà chị Xuyên ở Đồng Hỷ, Thái Nguyên.
Nhóm hái chè đổi công tại bãi chè nhà chị Xuyên ở Đồng Hỷ, Thái Nguyên.

Kỳ 1: Bài học từ vụ “chè bẩn”

Hành động chống phá Việt Nam trong vụ bôi lem “chè bẩn” khiến bao người trồng chè trong các vùng chè trọng điểm ở các tỉnh miền núi phía bắc điêu đứng, thương hiệu chè Việt liêu xiêu. Đó là bài học xương máu, còn nhắc nhở về tinh thần cảnh giác trước âm mưu thủ đoạn hoạt động của đối phương trên lĩnh vực kinh tế.

Mất cảnh giác với thủ đoạn “trà bẩn”

Nỗ lực vươn lên trả lại thương hiệu chè sạch của nhiều HTX như HTX chè Hảo Đạt - một HTX lớn với bề dày chục năm phát triển và con đường đến với kinh tế HTX của người dân làm chè như anh chị Xuyên-Hùng ở HTX chè Minh Huyền- một HTX nhỏ mới thành lập ở Đồng Hỷ, Thái Nguyên đã cho thấy điều này.

Cách đây hơn chục năm, tại những vùng nguyên liệu chè chủ lực ở trung du và miền núi phía bắc như Thái Nguyên, Phú Thọ, Yên Bái, Tuyên Quang… xảy ra hiện tượng bất thường khi có hàng loạt “thương lái lạ” đến thu mua nguyên liệu về chế biến trà theo tiêu chí của họ. Mà cái tiêu chí của “thương lái lạ” cũng đầy bất thường khi họ cung cấp và hướng dẫn người dân trồng chè cách chăm bón, chế biến phải trộn vào những chất phụ gia, phân lân, NPK, bột đá, bùn quặng, chất thải của nhà máy sản xuất mì chính theo yêu cầu của họ với lập luận rằng “Khi vò mỗi mẻ chè cho nửa kg phân lân thì cho ra sản phẩm trông đẹp hơn, vị trà đậm hơn”. Số ít người làm chè mất cảnh giác đã mắc mưu thủ đoạn bôi lem“trà bẩn”.

Mặc dù người làm chè thấy lạ, nhưng với tập quán làm ăn đơn lẻ, nhà nhà trồng chè nên có người thu mua mà họ lại còn bỏ tiền túi đặt cọc trước cho người sản xuất để thu mua với số lượng lớn, nên những người trồng chè suy nghĩ giản đơn “có cầu thì có cung”. Mặc dù biết là loại trà do chính tay mình trồng, hái, sao, vò theo quy trình của “thương lái lạ” đến bản thân người làm ra còn không uống nổi, nhưng vì thấy cái lợi trước mắt, tin vào số tiền đặt cọc nên nhiều người vẫn làm. Trong khi diện tích, sản lượng chè nhiều, còn đang lần mò đầu ra…

Rồi các “thương lái lạ” này tiếp tục đưa ra yêu cầu được quay phim, chụp ảnh người dân chế biến trà theo quy trình “bẩn” nhằm chứng minh với “ông chủ” của họ ở nhà rằng, những sản phẩm trà thu mua về đã sản xuất, chế biến đúng quy trình, tiêu chí của công ty. Người trồng, chế biến trà một lần nữa lại “ngây ngô” đặt niềm tin không đúng chỗ, đồng ý để những “thương lái lạ” này quay phim, chụp ảnh mà chưa ý thức được tác hại của sản phẩm, hình ảnh “trà bẩn”.

Hậu quả nhãn tiền là mặc dù được cảnh báo tính bất thường trong giao dịch kinh tế này, nhưng tiền cọc đã nhận rồi, quy trình chăm, bón, hái, sao trên diện tích chè cho đủ số lượng theo hợp đồng cũng đã thực hiện. Còn những “thương lái lạ” sau khi giăng ra cái bẫy thương trường, “thả” một “cục” tiền cọc và thu được những hình ảnh tưởng như không có giá trị bằng tiền, cũng không còn thấy xuất hiện trên địa bàn. Người trồng chè hoang mang, nhiều người điêu đứng, phá sản bởi diện tích chè chăm bón, hái sao cho đủ yêu cầu đặt ra lớn hơn rất nhiều so số tiền cọc đã nhận. Thương lái không quay lại thu mua như đã “hợp đồng” thì số lượng trà “bẩn” đó biết tiêu thụ đi đâu?

Hậu quả nữa là bao hộ kinh tế cá thể sản xuất trà nhỏ lẻ, manh mún trên địa bàn, bình thường không thu mua hết nguyên liệu, nhưng giờ lại “khát” nguyên liệu “sạch” bởi toàn bộ diện tích chè trên địa bàn đã được chăm bón, hái, sao theo quy trình “bẩn”. Để cung cấp nguyên liệu “sạch” như trước đây là cả vấn đề thời gian.

Bất ngờ và đau đớn hơn, đó là những thông tin, hình ảnh về quy trình sản xuất “chè bẩn” đã bị các “thương lái lạ” lan tỏa trong làng chè quốc tế. Đau xót khi danh tiếng thương hiệu một vùng chè Việt nức tiếng bị bôi lem khiến bạn hàng cứ lánh dần…

Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghiệp 4.0, không gian mạng ngày càng hiện hữu như không gian thực, mà ở đó sự lan truyền những thông tin xấu độc, tin bẩn, trái chiều, sai sự thật ngày càng bùng phát chóng mặt. Bài học cảnh giác với “thương lái lạ”, âm mưu thủ đoạn hoạt động của “địch” từ vụ “chè bẩn” còn nguyên giá trị.

Nỗ lực trả lại thương hiệu “sạch”

Là người xứ chè, sinh ra, lớn lên, sống chết với cây chè, lại phải chứng kiến những điêu đứng của bà con, bà Đào Thanh Hảo vô cùng đau xót. Gia đình bà có đủ trai, gái, dâu, rể công tác trong lực lượng Công an, luôn cập nhật và cảnh giác với bất thường từ nhóm “thương lái lạ”.

Thời điểm hoạt động của những kẻ bôi lem “chè bẩn” diễn ra ở các tỉnh, bà Hảo đã cảnh báo bạn đồng nghiệp cảnh giác trước hoạt động mua bán bất thường của nhóm “thương lái lạ”. Nhưng cảnh báo vậy thôi, bởi dù sao mỗi gia đình đơn lẻ có một phương châm sản xuất, kinh doanh khác nhau. Vì cái lợi trước mắt, một số người trồng chè cả tin đã phải nhận hậu quả đau đớn, bạn hàng thì xa lánh, cây chè mới đây bón nhiều phân hóa học đất đai trơ lì, chai cứng, lá chè trổ nhanh, rậm rì cũng chẳng ai buồn hái, bởi có hái cũng chẳng để làm gì vì khách hàng sợ hình ảnh “chè bẩn”. Trong khi đó, cơ sở sản xuất trà của gia đình bà Hảo vẫn cung không đủ cầu. Chính “chữ tín” mà cơ sở của bà sản xuất bao năm nay vẫn được các bạn hàng tin tưởng, lựa chọn nên không bị bôi lem, bóp méo bởi hình ảnh “chè bẩn”.

Vực dậy hình ảnh cây chè (kỳ 1) ảnh 1

Bà Đào Thanh Hảo phổ biến kỹ thuật trồng chè theo hướng hữu cơ tại Diễn đàn khuyến nông tháng 11/2020.

Biết rằng cứ hoạt động đơn lẻ, cơ sở sản xuất của bà vẫn nuôi sống gia đình, nhưng trong bà còn đau đáu về danh dự, thương hiệu của cây chè quê hương. Nung nấu ý nghĩ bao ngày, bà Hảo đã kiên trì gặp, vận động, thuyết phục các hộ trồng chè đơn lẻ trên địa bàn đồng lòng, liên kết lại cùng nhau xây dựng HTX chè Hảo Đạt. Nhìn vào hoạt động “cung không đủ cầu” của cơ sở sản xuất chè gia đình bà Hảo, trong khi cơ sở sản xuất của mình đang điêu đứng, có hộ phá sản vì “vụ chè bẩn”, các hộ dân trên địa bàn đã hợp sức thành lập HTX chè Hảo Đạt với 100 % sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP, không hóa chất độc hại, sử dụng nguồn nước sạch, bón phân đúng liều lượng, đúng thời gian, bảo đảm các tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm.

Từ nỗ lực quyết tâm lấy lại hình ảnh, trả lại thương hiệu sạch cho chè, sản phẩm của HTX chè Hảo Đạt không chỉ có tiếng trong nước mà đã xuất khẩu đi nhiều nước, minh chứng sống động cho thương hiệu chè sạch, trà Việt. Đến nay, xứ chè Thái Nguyên có cả trăm HTX chè, nhiều HTX chè mới thành lập như HTX chè Thu Huyền, trong đó có nhiều hộ gia đình nông dân làm chè đơn lẻ đã tham gia mô hình kinh tế HTX.

(Còn nữa)