Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.
0:00 / 0:00
0:00
Nghệ nhân Lê Kim Tân bên bộ trường kỷ của gia đình.
Nghệ nhân Lê Kim Tân bên bộ trường kỷ của gia đình.

Địa vị xã hội và sự thịnh vượng của chủ nhân

Nghệ nhân Lê Kim Tân (84 tuổi), trú xã Thủy Phù, thị xã Hương Thủy (Thừa Thiên Huế) cho rằng, cách thức đặt hệ thống cột trên các chân đá tán chứ không chôn vào đất sẽ khả thi nhất. Điều đó giúp bộ khung gỗ khi lắp dựng có độ ổn định lâu dài, tránh hiện tượng bị xô lệch.

Các ngôi nhà rường ở Huế vẫn tồn tại hàng trăm năm là nhờ bộ nền móng vững chãi. Phần lớn phần móng nhà rường được người xưa xây bằng gạch hoặc đá hộc. Ngôi nhà rường An Hiên, tọa lạc tại địa chỉ số 58 đường Nguyễn Phúc Nguyên (TP Huế) là minh chứng cho sự trường tồn gần 400 năm qua.

Cất dựng một ngôi nhà rường đúng với nét đẹp truyền thống không hề đơn giản. Công đoạn chuẩn bị nguyên vật liệu, thiết kế bản vẽ đã tiêu tốn nhiều năm trời. Ông Tân kể, khi đi phục dựng nhà ở nhiều nơi, ông nhận thấy nhà rường xứ Huế có một điểm chung thú vị là ở việc “Tam niên tích cốc, ngũ niên tích mộc” - đây là câu nói để hình dung được quá trình chuẩn bị làm nhà của người dân.

“Theo cách bố trí mặt bằng ngôi nhà mà ta có thể chia thành nhà một gian, hai gian, ba gian và năm gian. Tuy nhiên, do nhu cầu sinh hoạt mà kiểu nhà ba gian và một gian hai chái được xây dựng nhiều hơn và còn cho đến ngày hôm nay”, ông Tân phân tích.

Ở mỗi giai đoạn của lịch sử, xứ Huế luôn đẹp theo cách rất giản dị. Niềm tin về tương lai vững chắc của mái nhà, rường cột nên quy luật chọn hướng nam để làm nhà rường cũng từ đó mà ra. Tay nghề người thợ điêu luyện, làm ra hình dáng các bộ phận có độ cong cần thiết, tạo hình chi tiết sắc sảo nên vai trò, tính quyết định của họ được chủ nhà lưu tâm. Bởi vậy, trong suốt 55 năm đi khắp mọi làng quê xứ Huế phục dựng nhà, ông Tân luôn được chủ nhà giao phó nhiệm vụ làm lễ đặt đá tán, lễ thượng trụ…

Những khái niệm rất xa lạ như nóc quyết, đầu đốc, đông phòng rồi tây phòng, rầm thượng, rầm hạ, liên ba… như thể thấm trong máu của nghệ nhân Lê Kim Tân. Riêng khái niệm “rầm thượng” chỉ có trong những ngôi nhà rường sinh hoạt hằng ngày. Đó là nơi gia chủ dùng để cất giữ đồ đạc, tài sản. Một cách nhận diện đúng về nhà rường Huế là phần dạ kèo phải cong. Tay nghề thợ nếu không chuyên sâu, tỉ mẩn thì làm ra dạ kèo không đúng nét người xưa để lại. Đội thợ dựng nhà cần biết vận dụng mẹo và có sự thống nhất chung với gia chủ thì khi hoàn thành, các bộ phận của ngôi nhà mới đẹp.

Có một sự đề cao nhất định về vai trò, tính quan trọng của ngôi nhà rường. Các nhà nghiên cứu văn hóa Huế đều có chung quan điểm rằng, khi nhìn vào cảnh quan ngôi nhà rường sẽ biết được tâm hồn và lối sống của chủ nhân. Họ giản dị, tối giản đến mức độ chỉ bày biện những vật dụng nào thường cần đến. Tuy nhiên, riêng với gian thờ cúng lại được chủ nhà kỳ công bày trí.

Hồn Huế dưới mái rường ảnh 1

Nét cổ kính nhà rường An Hiên.

Gửi thế hệ sau qua nghệ thuật kiến trúc nhà rường

Dạo quanh Thừa Thiên Huế những ngày đầu mùa hè, cái oi bức hắt lên khắp nơi. Tuy nhiên, đặt chân vào trong gian nhà rường, sự chênh lệch nhiệt độ là điều thấy rõ. “Trong một năm, vào mùa hè thì ngôi nhà sẽ mát và đông đến thì ấm áp hơn. Ngày xưa, ông cha mình chỉ dùng vật liệu ngói liệt lợp nhà thôi. Chính thứ vật liệu thú vị đó đã giúp cái oi bức của nắng hè tan biến. Với tôi, một ngôi nhà được gọi là chốn bình yên khi nó giúp cho cuộc sống của chủ nhân thoải mái, nguyên vẹn giá trị xưa”, ông Tân bộc bạch.

Không thể phủ nhận thực tế các ngôi nhà rường dần bị xuống cấp theo thời gian. Ở Thủy Phù, từ con số hàng chục ngôi nhà rường thì cho đến hiện tại, chỉ còn đúng bốn ngôi nhà giữ được nét nguyên vẹn. Trực tiếp đi nghiên cứu, đánh giá hàng chục ngôi nhà rường bị xuống cấp, ông Tân cho rằng, cần lưu ý đến những nguyên nhân gồm: hư hại do bảo quản và tu bổ không đúng cách, do sức ép kinh tế, do loài vật mối làm suy yếu và lão hóa vật liệu. Cuối cùng là do cảnh quan môi trường bị thay đổi. “Khi gia chủ dành một số tiền lớn để đầu tư phục dựng, các đội thợ tiến hành thi công kỹ lưỡng suốt nhiều tháng thì chỉ là bước đầu cho mục tiêu bảo vệ ngôi nhà. Điều quan trọng nhất nằm ở những công đoạn chăm sóc, tu bổ định kỳ và đột xuất”, nghệ nhân Tân nêu quan điểm.

Thực tế, rất nhiều ngôi nhà rường rơi vào tình trạng phần mái bị thấm dột kéo dài làm hư cấu kiện gỗ, lún nền, thậm chí làm sụt móng nhà. Khí hậu miền trung nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng thường chịu sự tàn phá của bão lũ. Hậu quả để lại là nhà rường bị lung lay, tốc mái, gãy đổ. Do đó, việc tu bổ, rà soát toàn bộ ngôi nhà theo định kỳ mở ra tương lai nhà rường được tồn tại nhiều năm nữa. Cùng sinh sống dưới mái rường xưa sẽ có tam, tứ đại đồng đường. Một truyền thống tốt đẹp của dân tộc tạo ra cơ hội dễ dàng bảo vệ nét đẹp ngôi nhà rường.

Nghệ nhân Lê Kim Tân tự hào rằng: “Ngôi nhà rường của gia đình tôi xây dựng vào năm 1955. Từ đó đến hiện nay, con cháu của tôi đều sống chung với nhau. Những điều tôi dạy về vai trò của ngôi nhà xưa, chúng đều hiểu và dành sự trân trọng nhất định. Linh hồn xứ Huế được quây quần dưới mái rường, hàng cột. Đơn cử là bộ trường kỷ (một bàn hai ghế) cũng cần khoảng 5 năm trời chọn gỗ, chế tác. Quý giá nằm ở công sức của mình”, ông Tân nói.

Kỳ thực, càng đi sâu vào phân tích nét đẹp hàng trăm năm của nhà rường xứ Huế càng khâm phục kiến thức, kỹ năng của người xưa. Khi dựng nhà, mỗi người thợ mộc cần rèn luyện cho bản thân cách nhìn tinh tế, rà soát kỹ từng chi tiết trong bản vẽ. Ông Tân giải thích cặn kẽ từng chi tiết dù nhỏ trong một bản vẽ chi tiết. Sở dĩ, với người Huế, họ luôn đề cao đức tính phải kính cẩn bề trên mà có quy định tạo ra ngạch cửa bước vào nhà. Nếp sống cho đến cách đi đứng cần từ tốn, chậm rãi, lịch sự trở thành những lời răn dạy mà các cụ trong gia đình dành cho con cháu. Hồn xứ Huế, hay hiểu rộng hơn là hồn Việt càng thêm sắc sảo, thâm sâu chính từ những mái nhà rường.

Mỗi người thợ nhà rường khi đạt đến giá trị cao nhất của nghề đều muốn có người tiếp nối. Ngôi nhà rường tại địa chỉ số 7 Lý Bôn, phường Tứ Hạ (thị xã Hương Trà) là bài giảng, nơi thực hành của nghệ nhân Lê Kim Tân. Trong thời gian một năm thi công ngôi nhà, có bốn học trò của ông Tân đã ra nghề, đủ điều kiện đi phục dựng nhà rường xưa.

Qua từng năm, có thêm những ngôi nhà rường do học trò của mình dựng lên, ông Tân xem đó là niềm tự hào lớn nhất của cuộc đời làm nghề. Đối với văn hóa xứ Huế, khi một ngôi nhà rường bị hư hại sẽ để lại những mất mát nặng nề cả về vật chất lẫn tinh thần. Xác định cần lưu giữ chính xác các bản vẽ nhà rường, nghệ nhân Lê Kim Tân phối hợp với chuyên gia Lê Vĩnh An (Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế) vẽ chi tiết trên máy tính mọi đường nét, cách thiết kế hình tượng theo dạng 3D. “Đó là trách nhiệm của một người thợ như tôi. Sau này, lớp kế cận duy trì, sáng tạo thêm trong cách làm nhà thì càng tốt. Dưới mái nhà rường, luôn có sự giao hoà giữa yếu tố văn hóa, thời gian và con người. Cách tốt nhất để chúng ta cùng trao truyền nét đẹp uy nghiêm, cổ kính là đặt trọn tâm huyết vào đây”, ông Tân nói.