Cùng mẹ sống lại ký ức chiến khu

“Mẹ ơi, năm 16 tuổi của mẹ thế nào?”, Hải Anh, con gái ở Pháp của đạo diễn Việt Linh đặt câu hỏi đơn giản như thế để khởi động cho “Sống” – một dự án truyện tranh đặc biệt. Hải Anh mất 5 năm để hoàn tất “Sống” bằng cách góp nhặt từng mẩu chuyện mà cô ấn tượng trong ký ức của mẹ. Cuốn sách là những tháng ngày khó phai trong suốt 7 năm vào rừng tham gia cách mạng của đạo diễn Việt Linh.
0:00 / 0:00
0:00
Tác giả Hải Anh cùng mẹ là đạo diễn Việt Linh trong một chương trình giao lưu mới đây tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Tác giả Hải Anh cùng mẹ là đạo diễn Việt Linh trong một chương trình giao lưu mới đây tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Bảy năm ở rừng

Ngồi cạnh mẹ trong chương trình giao lưu mới đây tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Anh kể lại hành trình cô tạo ra “Sống”. Từ nhỏ, mỗi khi nghe mẹ kể chuyện ngày xưa ở rừng, mắt Hải Anh lúc nào cũng mở to, vừa ngạc nhiên vừa thán phục. Khi ấy, một cô bé sinh ra và lớn lên trong thời bình tại Pháp như Hải Anh đâu biết chiến tranh ở Việt Nam sẽ như thế nào, vào chiến khu, sống ở rừng sẽ cực khổ, nguy hiểm ra sao. Nhưng trong suy nghĩ của cô bé, mẹ là người đặc biệt và có rất nhiều câu chuyện hay để kể. Ngày tháng trôi qua, những ký ức về thời trẻ của đạo diễn Việt Linh được gieo vào lòng con gái và cứ thế lớn dần. Nhìn gương mặt thích thú, tò mò của bạn bè lúc nghe cô kể chuyện ở chiến khu của mẹ, Hải Anh biết, mẹ đã có một tuổi trẻ đáng tự hào. Những câu chuyện cứ thế tiếp nối, đến một ngày, từ Paris (Pháp), Hải Anh gọi điện thoại về Thành phố Hồ Chí Minh cho mẹ, xin được kể lại những ngày ở chiến khu ấy bằng… truyện tranh. Đạo diễn Việt Linh gật đầu đồng ý.

“Sống” là câu chuyện đan xen giữa quá khứ và hiện tại. Ở đó, Hải Anh góp nhặt những mảnh ký ức đẹp nhất suốt 7 năm sống và làm việc trong chiến khu ở khu vực miền Nam Việt Nam của mẹ mình và kể lại với độc giả bằng câu chữ ngắn gọn cùng hình vẽ sống động của Pauline Guitton - một họa sĩ trẻ người Pháp. Truyện kể lại cách cô thiếu nữ Việt Linh ngày ấy cố gắng thích nghi và hòa mình vào cuộc sống trong rừng với rất nhiều điều chưa từng biết đến. Tuyến thời gian quá khứ lấy bối cảnh là cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc từ năm 1969 tới năm 1975. Trong bảy năm sống tại chiến khu, cô gái thành thị Việt Linh đã làm quen các chiến sĩ cách mạng, những người đưa cô đến với kháng chiến giải phóng dân tộc cũng như đến với điện ảnh.

Hồi mới từ thành thị vào rừng, bữa ăn đầu tiên là thịt chuột, thịt rắn, thiếu nữ Việt Linh bắt đầu lo sợ. Thế nhưng, không muốn quay về, bà chọn cách đốt sạch giấy tờ tùy thân rồi ở lại chiến khu cho đến khi chiến tranh kết thúc. Cái đói, bệnh tật và nguy hiểm bủa vây lắm lúc tưởng chừng khiến bà và nhiều thiếu nữ khác gục ngã. Nhưng rồi họ chọn cách thích nghi, chọn cố gắng mỗi ngày để chiến đấu, đợi đến ngày chiến thắng. Đạo diễn Việt Linh hay kể với con gái rằng, vào chiến khu không nhất thiết ai cũng phải thành anh hùng. Mỗi người một nhiệm vụ, cố gắng làm tốt nhất có thể. Lúc đó, bà nấu bếp, phụ đoàn làm phim. Nhưng thời điểm đó, được góp sức vào ngày thắng lợi bằng những công việc dù là nhỏ nhất cũng đã thấy ấm lòng. Bà học được rất nhiều điều từ những năm tháng gian truân ấy.

Đạo diễn Việt Linh cho biết, bảy năm sống trong rừng đã khiến bà thay đổi rất nhiều. Không ít thói quen theo bà đến tận bây giờ. Nhớ năm Hải Anh chưa được 5 tuổi và sống tại Pháp, bà hay đưa cô bé ra công viên gần nhà dạo chơi. “Cứ đi một đoạn tôi lại chỉ vào cái cây hay trái gì đó và nói “Cái này ăn được nè”. Nói xong tôi ngắt rồi bỏ vào miệng. Hải Anh thấy lạ liền phản ứng “Mẹ ơi, sao lại ăn vậy chứ?”. Lúc đó, tôi nhìn con và nói “Ở trong rừng ngày xưa như vậy đó”. Ngày đó còn nướng cả kiến mối trên đèn dầu ăn và thấy rất ngon mà. Tôi cho con bé biết mình đã được các cô chú, anh chị dạy những gì khi mới vào rừng. Bài học nằm lòng lúc đi rừng là cái gì chát chua thì không chết, cái gì đắng đắng hay ngọt là có thể chết. Tôi cứ vậy mà kể, đâu biết con bé giữ những câu chuyện nhỏ ấy trong đầu đến tận sau này. Ngày con nói muốn làm một cuốn truyện về thời tôi ở chiến khu, tôi bất ngờ và vui. Cứ vậy, hai mẹ con ngồi lại với nhau, mẹ kể, con ghi âm…”, đạo diễn Việt Linh nhớ lại.

Lần đầu ra mắt tại Pháp vào đầu năm 2023, chỉ sau một thời gian ngắn, “Sống” đã nhanh chóng gây ấn tượng với 8.000 bản phát hành. Đầu năm 2024, vượt qua rất nhiều tác phẩm sách minh họa Pháp ngữ, “Sống” xuất sắc đoạt giải “Prix du Jury oecuménique de la BD 2024”. Sau những thành công bước đầu tại Pháp, mới đây, Nhà xuất bản Kim Đồng đã giới thiệu “Sống” phiên bản tiếng Việt (dịch giả Hồng Minh) đến độc giả trong nước. Ngay lập tức, câu chuyện trong chiến khu của đạo diễn Việt Linh đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều độc giả, nhất là giới trẻ.

Kết nối thế hệ

Chọn kể câu chuyện của mẹ trong cuốn sách đầu tay xuất bản bằng tiếng Pháp, Hải Anh đã làm điều đặc biệt khiến đạo diễn Việt Linh xúc động. Tác giả giữ nguyên tên sách, tên các chương và từ “mẹ”, “ba” bằng tiếng Việt nguyên bản, có dấu. Hải Anh lý giải: “Ngay từ đầu, tôi nghĩ tất nhiên tựa sách phải là tiếng Việt. Tôi không bao giờ nghĩ đến một tựa sách tiếng Pháp nào cho câu chuyện này. Trong hợp đồng với nhà xuất bản, “Sống” được giữ nguyên, có dấu. Đó là việc không đơn giản nhưng tôi nhất định phải làm được. Và “Sống” xuất hiện tại Pháp với đúng cái tựa tôi cho rằng vô cùng ý nghĩa. Với tôi, những câu chuyện mẹ kể được đặt trong bối cảnh đặc biệt - chiến tranh - nhưng cuối cùng vẫn là một câu chuyện về đời sống. Đó là cuộc sống của mẹ. Tôi thấy “sống” là chữ rất đẹp và mong rằng những câu chuyện như vậy sẽ tiếp tục sống mãi theo thời gian”.

Suốt mấy năm liền nghe mẹ kể chuyện để lọc tình tiết cho dự án, điều gì với Hải Anh cũng mới mẻ nên đụng đâu, cô hỏi đó. Nhiều câu hỏi khiến đạo diễn Việt Linh bật cười nhưng cũng có lúc hai mẹ con rơm rớm nước mắt vì xúc động. Hải Anh hỏi kỹ về cách ăn uống, sinh hoạt trong chiến khu, cả cách nấu nướng, làm việc vì cô không thể hình dung giữa điều kiện thiếu thốn và nguy hiểm trong rừng, làm sao mọi người có thể hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Nghe chuyện mẹ kể, Hải Anh hiểu ra nhiều điều và tự hào hơn về quê hương, nguồn cội. Ban đầu làm sách vì thương mẹ, muốn lan tỏa câu chuyện của gia đình nhưng càng tìm hiểu sâu, Hải Anh khám phá thêm nhiều điều thú vị về lịch sử, văn hóa Việt Nam. Hải Anh nói, cuốn sách không chỉ là món quà cô dành tặng mẹ mà còn dành tặng chính mình và nhiều bạn trẻ khác để thế hệ sau hiểu phần nào những khó khăn, vất vả mà người đi trước đã trải qua cho hòa bình.

Chịu trách nhiệm về phần hình ảnh của cuốn truyện tranh này là họa sĩ Pauline Guitton, cô bạn thân của Hải Anh. Trải qua thời niên thiếu với nhau, cùng ngắm nghía những bức tranh tuyệt đẹp Pauline thường vẽ, khi chưa trưởng thành, Hải Anh đã mơ ước đến ngày đôi bạn sẽ bắt tay thực hiện một dự án ý nghĩa nào đó. Và “Sống” là sợi dây kết nối cho tình bạn ấy thêm bền chặt. Khi nghe Hải Anh ngỏ lời, Pauline đồng ý ngay dù biết có rất nhiều khó khăn đang chờ mình phía trước. Là người Pháp, không biết rõ về cuộc kháng chiến chống Mỹ Việt Nam, chẳng biết đời sống trong chiến khu sẽ mang những đặc trưng gì, vậy nên, nữ họa sĩ mất rất nhiều thời gian cho việc tìm tòi, nghiên cứu tài liệu và thực địa. Trong quá trình thực hiện “Sống”, Pauline có theo Hải Anh sang Việt Nam sinh sống chín tháng để tìm hiểu sâu hơn các chất liệu cần thiết cho cuốn sách.

Pauline tìm hiểu về lịch sử Việt Nam, về bối cảnh trong câu chuyện Hải Anh kể về mẹ, cả cách ăn mặc của những người tham gia cách mạng ngày ấy để vẽ cho đúng cái hồn của câu chuyện. Khi bắt tay vào thực hiện dự án, Pauline khá lo lắng. Cô sợ mình vẽ chưa đúng về văn hóa, lịch sử Việt Nam hay không phản ánh được trọn vẹn tinh thần của câu chuyện mang tính kết nối thế hệ này. Nhưng Hải Anh và mẹ hoàn toàn tin tưởng giao việc vẽ, phác họa cho Pauline nên nữ họa sĩ được hoàn toàn tự do trong việc sáng tạo dựa trên quá trình tìm hiểu của bản thân. “Hải Anh thuật lại chuyện của mẹ bằng câu chữ còn tôi thuật lại bằng hình ảnh. Tôi và Hải Anh là bạn bè thân thiết nên đã nghe kể chuyện nhiều lần. Khi bắt tay vào vẽ cho tác phẩm này, tôi hoàn toàn không có cảm giác gì đó xa xôi, mà giống như tôi đang vẽ về chính dân tộc, đất nước của tôi”, Pauline Guitton vui vẻ cho hay.