Dang dở một dự án phục hồi rừng ngập mặn (kỳ 3)

Kỳ 3: Quy trình không đồng nhất
0:00 / 0:00
0:00
 Dự án FMCR tại Hải Phòng.
Dự án FMCR tại Hải Phòng.

(Tiếp theo và hết)

Dự án hiện đại hóa ngành lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu vùng ven biển (FMCR) được Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cùng 8 tỉnh, thành phố thực hiện. Vậy nhưng quy trình thực hiện từ mời thầu, thuê đơn vị tư vấn đến cách chọn cây giống, người trồng cây thì lại mỗi nơi mỗi khác, tiềm ẩn những rủi ro về mặt pháp lý.

Mỗi nơi thực hiện một kiểu

Việc triển khai dự án FMCR đã có sổ tay hướng dẫn chung của Bộ NN&PTNT. Tuy nhiên mỗi địa phương khi thực hiện lại có sự khác biệt. Có nơi như tỉnh Quảng Ninh, cây giống được lấy từ Trung tâm Khoa học và sản xuất nông lâm nghiệp Quảng Ninh (đơn vị được chỉ định). Khi đem ra trồng thì giao cho các nhóm cộng đồng được thành lập theo mô hình người dân đăng ký, xã thành lập. Ban quản lý dự án sẽ tập huấn rồi cung cấp cây giống cho cộng đồng để nhóm tự triển khai, người dân được hưởng nhân công từ công tác trồng rừng.

TP Hải Phòng lại triển khai theo một cách hoàn toàn khác. Toàn bộ cây giống và thực hiện trồng cây được giao hết cho một công ty thông qua đấu thầu công khai. Giai đoạn 1 giao cho Công ty TNHH đầu tư Thanh Nhân và Công ty Công nghệ xanh Trung Hạnh. Giai đoạn 2 được giao cho Công ty TNHH Đầu tư Thanh Nhân liên danh với Viện Thủy lợi.

Cách làm khác nhau dẫn đến các kết quả cũng có sự khác biệt. Có nơi, đơn vị được giao trồng mới mặc dù đã nhận tiền đầy đủ còn muốn trả lại tiền vì cây trồng không sống nổi. Ông Trần Văn Trường, Phó Giám đốc ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Nghi Lộc (Nghệ An) cho biết: Đơn vị vừa cung cấp giống vừa tham gia trồng cây trên địa bàn. Nhưng cây ở đây bị sâu đục thân vỏ cứng cắn khiến 80 - 90% diện tích cây trồng mới bị chết. Có những nơi trồng đi trồng lại đến 4 lần vẫn chết. Ban quản lý chỉ muốn trả lại tiền nhưng không có quy định cho việc đó. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, quy trình ươm sản xuất cây giống phục vụ trồng rừng tại Nghệ An chưa tuân thủ theo hợp đồng đã ký kết, có hiện tượng nhập giống cây trôi nổi.

Tỉnh Nghệ An cũng giao việc trồng cây cho các nhóm cộng đồng. Tuy nhiên việc triển khai gặp nhiều vướng mắc, mặc dù đã thực hiện xong và nghiệm thu. Tại thời điểm nhóm phóng viên khảo sát, địa phương mới trồng rừng được khoảng 40 ha/507 ha (kế hoạch - theo thiết kế ban đầu). Tuy nhiên, diện tích trồng mới tại ba xã Nghi Xuân, Nghi Thái, Phúc Thọ của huyện Nghi Lộc (Nghệ An) đứng trước nguy cơ xóa sổ hoàn toàn gần 20 ha, chỉ còn hơn 20 ha (đạt gần 4% kế hoạch). Cây trồng tại huyện Nghi Lộc đã trồng đi trồng lại 4 lần nhưng vẫn chết hàng loạt. Sâu đục thân cánh cứng xuất hiện tràn ngập. Ngay cả diện tích trồng mới đã được nghiệm thu cũng chưa biết có sống được hay không.

Còn ở xã Diễn Bích, huyện Diễn Châu (Nghệ An), anh Thái Bá Bảy, trưởng một nhóm trồng rừng cho biết, dự án hiện đã thanh toán 230 triệu đồng cho 2 năm. Tuy nhiên, do đặc điểm gần khu dân cư, diện tích rừng trồng của dự án hay bị trâu, bò chạy vào phá khi nước triều xuống. Anh Bảy thậm chí phải bỏ cả tiền riêng ra làm hàng rào dây thép gai chống trâu, bò vào phá. Nhưng việc đầu tư hàng rào lại không có trong dự toán, nên chưa biết quyết toán vào đâu.

Theo ghi nhận của nhóm phóng viên, rất nhiều người dân của xã Diễn Bích được thuê trồng cây, họ đã hoàn thành xong từ lâu nhưng chưa nhận được tiền công. Một người phụ nữ cho biết, cháu chị là Nguyễn Đức Thuận vẫn chưa nhận được tiền công trồng cây từ 2 năm nay. Riêng của cháu Thuận đã mười mấy công, tính ra mỗi công khoảng 300 nghìn đồng. Số tiền này đối với người dân nơi đây không phải là nhỏ, vậy mà không biết bao giờ mới được chi trả.

Việc triển khai các gói thầu không liên quan đến trồng mới cũng như phục hồi rừng cũng có nhiều khác biệt. Trước đó, Ban Quản lý dự án các công trình NN&PTNT Hải Phòng thông báo mở thầu công khai qua mạng các gói thầu xây lắp của dự án FMCR. Nhưng trên thực tế mỗi gói thầu chỉ có một nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu.

Tỉnh Nghệ An thực hiện thuê tư vấn lập hồ sơ mời thầu, đánh giá hồ sơ 9 gói thầu xây lắp không được UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh (KH&ĐT) phê duyệt gói thầu thuê tư vấn. Trong buổi làm việc với phóng viên, đại điện Ban Quản lý dự án khẳng định mọi quy trình đều đúng, nếu cần sẽ cũng cấp bằng văn bản cho phóng viên. Tuy nhiên đến nay, nhóm phóng viên vẫn chưa nhận được bất cứ một văn bản nào thể hiện việc thuê tư vấn lập hồ sơ mời thầu, đánh giá hồ sơ 9 gói thầu xây lắp được UBND tỉnh hay Sở KH&ĐT phê duyệt. Bên cạnh đó, đơn giá cây giống, vật tư phục vụ triển khai dự án cũng cao hơn nhiều so với đơn giá tại Quyết định số 286 về đơn giá cây giống của UBND tỉnh Nghệ An. Cụ thể, theo Quyết định 286 của UBND tỉnh Nghệ An, cây bần chua có giá 30 nghìn đồng/cây nhưng Ban quản lý dự án tỉnh đã ký hợp đồng lên đến 40 nghìn đồng/cây. Tương tự, cây đước có giá quy định là 21 nghìn đồng/cây, Ban quản lý dự án tỉnh đã ký với giá 30 nghìn đồng/cây; giá cây phi lao quy định 5.000 đồng, Ban quản lý dự án tỉnh ký 8.000 đồng/cây... Chưa hết, Nghệ An là tỉnh không thực hiện việc trồng phục hồi rừng, trồng cây phân tán, các gói hỗ trợ công nghệ.

Những bài học rút ra

Ngay từ thời điểm cuối năm 2022 (ngày 24/11/2022), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có văn bản góp ý về việc điều chỉnh Dự án FMCR. Theo đó NHNN nhận định, việc tiếp cận nguồn vốn ODA vay ưu đãi như của dự án FMCR là rất khó khăn và không còn áp dụng cho các khoản vay mới. Đây có thể là dự án cuối cùng có thể tiếp cận nguồn vốn ưu đãi này.

Việc triển khai dự án kéo dài dẫn đến nhiều diện tích của dự án quy hoạch trùng lắp với các dự án khác cũng là điều cần được rút kinh nghiệm. Việc quy hoạch vốn dĩ yêu cầu phải có sự khảo sát, đánh giá cẩn thận. Các điều kiện thực hiện dự án đôi khi có thể thay đổi vì một số lý do khách quan, nhưng dẫu sao sự thay đổi cũng phải có giới hạn. Các mục tiêu chính của dự án được thiết kế ban đầu bị cắt bỏ và giảm đến 85% khối lượng là hoàn toàn không bình thường. Nó cũng phần nào thể hiện công tác quy hoạch làm chưa tốt, cần khắc phục.

Cây trồng nhiều nơi chết hàng loạt, không hoàn toàn đều xuất phát từ các lý do khách quan. Tại tỉnh Hà Tĩnh, nơi được đánh giá trồng mới cũng như trồng phục hồi rừng ngập mặn khá thành công, các địa phương trong vùng dự án đã trồng mới và phục hồi được gần 656 ha trong 2 năm thực hiện. Trong đó trồng mới 264,27 ha. Rừng trên cát là 26 ha, rừng ngập mặn là 40,74 ha, rừng trên núi là 197,51 ha, rừng phục hồi là 391,54 ha.

Ông Lê Minh Hoa, Giám đốc Ban Quản lý dự án FMCR Hà Tĩnh, là cán bộ được đào tạo chuyên sâu trong ngành lâm nghiệp cho hay, để triển khai dự án này tại địa phương ông phải bỏ ra rất nhiều công sức và cũng rút ra được rất nhiều bài học quý báu. Ông đánh giá, ở nhiều địa phương, cây trồng chết hàng loạt một phần do chưa có sự nghiên cứu kỹ càng về thổ nhưỡng cũng như con nước tại nơi trồng. Trong những năm gần đây, điều kiện tự nhiên tại các vùng ven biển, vùng cửa sông có sự biển đổi rất nhanh chóng, nếu không nắm bắt và có phương án phù hợp sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Đối với riêng Hà Tĩnh, ông đánh giá những năm gần đây do nhiều thủy điện vùng thượng nguồn, cộng với mực nước biển dâng cao năm sau cao hơn năm trước… dẫn đến độ mặn ở các cửa sông thay đổi nhanh chóng. Hiện đang có xu hướng các con sông bị nhiễm mặn càng ngày càng sâu vào trong đất liền. Cơ cấu cây trồng cho rừng ngập mặn cũng vì thế mà phải linh động theo.

Việc xác định các mục tiêu chính cũng như mục tiêu phụ của mỗi dự án là hết sức quan trọng. Để đánh giá thành công mỗi dự án cần phải xét đến việc hoàn thành các mục tiêu chính. Đối với dự án FMCR, việc phải cắt bỏ hầu hết các mục tiêu chính nhưng vẫn coi là dự án thành công là điều khiến nhiều người không khỏi bất ngờ. Nếu như ngay từ đầu các cơ quan chức năng, các bộ, ban, ngành chủ quản có sự đầu tư, quan tâm đúng mức vào các mục tiêu chính thì chắc chắn việc hoàn thành dự án như mục tiêu sẽ đem lại nhiều lợi ích hơn cho từng địa phương nói riêng cũng như môi trường ven biển cả nước.

Dang dở một dự án phục hồi rừng ngập mặn (kỳ 2)

Dang dở một dự án phục hồi rừng ngập mặn (kỳ 1)