Ngồi café và chuyện khởi nghiệp trên xe lăn

“Ngày còn bé xíu, từ tinh mơ, tôi hay nghe mấy chú, mấy bác trong xóm gọi ba “Ra ngồi uống ly cà-phê rồi đi cắt cỏ”. Nghe thân thương lắm. Với lại, người ta bình thường thì đứng khởi nghiệp, tôi khuyết tật nên ngồi khởi nghiệp trên xe lăn. Cái tên Ngồi café ra đời vậy đó”. Bảy năm trước, Nguyễn Trung Hậu (39 tuổi, huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh) đưa một mô hình cà-phê chất lượng cao mới toanh về giới thiệu tại quê nhà. Con đường khởi nghiệp vui lắm buồn nhiều bắt đầu từ đó.
0:00 / 0:00
0:00
Anh Hậu đang trao đổi công việc với Châu, cửa hàng trưởng của Ngồi café tại huyện Củ Chi.
Anh Hậu đang trao đổi công việc với Châu, cửa hàng trưởng của Ngồi café tại huyện Củ Chi.

Tự tin quá rồi thất bại

Hậu kể, tuổi thơ của anh trôi qua bình yên ở làng quê cho đến lúc lên 5, cơn sốt bại liệt kinh hoàng cướp đi mọi ước mơ dù là giản đơn nhất. Từ dạo đó, Hậu gắn đời mình với xe lăn. Học đến lớp 11, Hậu ở nhà, những tháng ngày co ro trong nỗi buồn mở ra quanh bốn bức tường. May sao, hơn một năm sau, ba mẹ sắm cho con trai chiếc máy vi tính để khám phá thế giới. Hậu mở máy, tìm tòi nhiều điều thú vị trên không gian mạng. Thích đọc sách, ham học hỏi, anh nhờ bạn bè dạy nghề sửa máy vi tính và bắt đầu có những khoản thu cho công việc đầu đời. Hậu dành thời gian lên mạng nói chuyện với bạn bè, nghiên cứu tài liệu, học thêm tiếng Anh. Ba mẹ mừng vì thấy con trai tìm được nghề phù hợp, có đồng ra đồng vào. Thế nhưng, Hậu lại ấp ủ những điều to lớn hơn. Năm 2015, nghe bạn bè rủ lên Đà Lạt làm cho một công ty cà-phê chất lượng cao, dù lúc bấy giờ chẳng biết mình có đủ sức để theo không, Hậu vẫn gật đầu. Ngày anh đi, mẹ khóc rất nhiều vì lo.

Vậy mà Hậu làm được, làm tốt là đằng khác. Từ vị trí trực điện thoại chăm sóc khách hàng, không lâu sau, anh trở thành nhân viên nếm cà-phê rồi chuyển sang lĩnh vực quản lý nhân sự. Thời điểm đó, Hậu lúc nào cũng vui vì có cơ hội học thêm nhiều kiến thức mới, được tin tưởng giao những việc khó và có môi trường trải nghiệm. Cũng chính giai đoạn làm việc hăng say ấy giúp anh phát hiện ra bản thân yêu cà-phê, muốn gắn bó thật lâu với loại nông sản này. “Tôi hay nghĩ, nước mình xuất khẩu cà-phê quá chừng mà sao người trồng vẫn chưa khá hơn. Và cà-phê của mình ngon như vậy nhưng nhiều nơi như quê tôi còn uống cà-phê trộn với bắp, bơ. Tôi quyết định khởi nghiệp cùng cà-phê, ngay tại quê hương mình. Tôi quay về Củ Chi, năm 2017, Ngồi café thành hình”, Hậu kể lại hành trình bắt đầu khởi nghiệp.

Bao nhiêu tiền dành dụm và vay mượn thêm gia đình, bạn bè, Hậu dồn vào chiếc quán mới toanh. Ngồi café lúc ấy chỉ rộng hơn 40 m2 mà tốn hết 450 triệu đồng vốn đầu tư. Không chỉ là người đầu tiên mang máy pha cà-phê, máy làm cà-phê lạnh về Củ Chi, Hậu còn tạo ra không gian trải nghiệm cà-phê chất lượng cao hoàn toàn mới cho người dân quê mình. Thế nhưng, ai nhìn cũng lắc đầu, người ta bảo anh điên. Có điên mới đem số tiền quá lớn như vậy để khởi nghiệp bằng một mô hình lạ lẫm, chưa ai biết đến. Có điên mới hy vọng duy trì tốt mô hình cà-phê sạch, chất lượng cao với giá cả tầm trung tại một huyện ngoại thành. Nghe đủ lời xì xào, Hậu vẫn quyết tâm. Và rồi, anh thắng đậm. Hậu kể, chưa đầy 10 tháng sau, anh hoàn vốn, việc kinh doanh vô cùng phát triển. Khách hàng hào hứng với các dòng sản phẩm độc đáo, khác lạ từ Ngồi café nên giới thiệu nhau ghé đến ngày một nhiều.

Thế rồi, Hậu “ngủ quên trên chiến thắng”, cứ nghĩ, mô hình sẽ mãi ổn định cho đến khi một đối thủ mạnh hơn xuất hiện, anh cầm chắc phần thua, không biết xoay xở thế nào do thiếu kiến thức kinh doanh, vận hành trong trường hợp cạnh tranh khốc liệt. Vài tháng sau đó, doanh thu của Ngồi café liên tục đi xuống, có khi giảm gần 70% mỗi tháng. Tìm đủ cách không thể xoay chuyển tình hình, hơn một năm trời, Hậu bỏ tiền ra “gánh lỗ”. Mỗi tháng bỏ ra hơn 30 triệu đồng cho bài học mang tên “kiên nhẫn”, lắm lúc Hậu tự hỏi có nên tiếp tục mô hình khởi nghiệp này hay không. Dịch Covid-19 ập đến, khó càng thêm khó. Nhìn các nhân viên trẻ đồng hành cùng mình bấy lâu, chưa ai bỏ đi, Hậu tự nhủ phải cố gắng thêm. Rất nhiều chiến lược thay đổi, tái xây dựng mô hình ra đời trong giai đoạn thành phố giãn cách xã hội kéo dài.

Dịch tạm ổn, Hậu thay đổi mô hình kinh doanh, từ chiếc quán có diện tích nhỏ sang không gian rộng hơn 1.200 m2, từ mô hình quán cà-phê sang doanh nghiệp sở hữu phức hợp gồm nhà xưởng, văn phòng, khu lưu trú cho nhân viên. Đó là giai đoạn phát triển ổn định nhất của Ngồi café với 40 nhân viên, việc kinh doanh tại chỗ và rang xay cà-phê nguyên chất cung cấp ra thị trường gặp nhiều thuận lợi. Thế nhưng, không lâu sau, khó khăn lại tiếp tục bủa vây do ảnh hưởng chung của nền kinh tế. Hậu tiếp tục đứng trước bài toán khó. Anh kể: “Tôi nhớ mãi dịp gần Tết năm 2023, sau khi thanh toán hết lương thưởng cho nhân viên về quê, tài khoản trên điện thoại báo còn vỏn vẹn 43 nghìn đồng. Cảm giác đó không dễ chịu chút nào nhưng tôi biết mình phải chấp nhận, thất bại thì hãy làm lại. Sau đó, tôi tinh gọn bộ máy còn gần 10 nhân sự, tạm giảm rang xay cà-phê, tập trung khai thác không gian quán. Tình hình bắt đầu khá hơn, tôi mừng vì giữ được Ngồi café giữa lúc kinh tế vô cùng khó khăn”.

Ngồi và truyền cảm hứng

Trong số 9 nhân viên đang gắn bó với Ngồi café, Phạm Thị Ngọc Châu là cô bé hay được Hậu khen vì lanh lẹ, chịu thương chịu khó. Bốn năm trước, khi vừa tốt nghiệp THPT, Châu được nhận vào vị trí bán hàng tại quầy cà-phê mang đi. Quan sát quá trình Châu làm việc được hơn một tháng, Hậu quyết định bố trí nhân viên đi học, chuẩn bị cho quá trình thay đổi vị trí. Anh tạo cơ hội để Châu tham gia nhiều chương trình giới thiệu về cà-phê chất lượng cao, hướng dẫn thêm cho cô nhân viên trẻ các kiến thức về quản lý nhân sự, quản lý mô hình. Châu sáng dạ nên tiếp thu nhanh, Hậu mừng lắm. Hai năm sau, nghe Hậu ngỏ lời “Em làm cửa hàng trưởng giúp anh nhé!”, Châu vẫn giật mình. Châu không tin mình được trao cơ hội lớn đến vậy.

Tiếp đó là quá trình động viên, tạo môi trường cho nhân viên tập làm, sửa sai để hoàn thiện mỗi ngày trong vai trò mới. Nhờ sự đồng hành của giám đốc Hậu, Châu bắt đầu quen việc, vận hành tốt cửa hàng. “Không chỉ tin tưởng nhân viên mà anh Hậu còn giúp những bạn trẻ như em tự tin hơn vào khả năng của mình. Ngay cả khi tụi em không dám nhận, anh vẫn cố gắng thuyết phục, hướng dẫn, đồng hành. Làm việc tại đây, em học được rất nhiều thứ từ anh, trong đó quý nhất là sự quyết tâm, làm gì là tới cùng, không bỏ cuộc”, Châu vui vẻ cho hay.

Hôm ngồi trò chuyện, Hậu khoe, tháng 4 này anh sẽ khai trương thêm Ngồi café tại quận Tân Bình. Đặc biệt, quán cà-phê mới này có nhiều nhân viên là người khuyết tật. Đó là cách anh chọn đồng hành, truyền động lực và chia sẻ một phần gánh nặng kinh tế với người đồng cảnh ngộ. Hậu nói anh sẽ tạo ra một môi trường bình đẳng để người khuyết tật cùng làm việc với người không khuyết tật chứ không đưa ra quá nhiều hỗ trợ. Hậu muốn ứng xử với người khuyết tật một cách công bằng ngay từ khi họ bước vào làm việc. Tiêu chí sử dụng lao động là người khuyết tật của Hậu đơn giản vì nguồn lực đó phù hợp với điều kiện tuyển dụng của doanh nghiệp chứ không tuyển dụng họ bởi vì họ là người khuyết tật.

Hậu cho biết sẽ dành toàn bộ lợi nhuận thu về từ Ngồi café 2 gây quỹ “Hạt cà-phê nhỏ” để giúp đỡ những người khuyết tật muốn nâng cao năng lực, muốn trở thành người pha chế chuyên nghiệp hay học thêm nhiều kiến thức cần thiết khác. Anh đã lên rất nhiều kế hoạch cho các buổi tập huấn, truyền cảm hứng, hướng dẫn các cộng sự đặc biệt trong giai đoạn tới. Xen kẽ với việc kinh doanh, tại mô hình này sẽ thường xuyên diễn ra những workshop hỗ trợ giải quyết những rào cản tâm lý của người khuyết tật khi ra ngoài xã hội làm việc hay các hướng dẫn giúp việc chuẩn bị hành trang bắt đầu đi làm của người khuyết tật trở nên đơn giản hơn. Hậu cũng nói về những thất bại mình đã trải qua và cả bài học nhận về trong quá trình khởi nghiệp như một cách chia sẻ kiến thức với người đồng cảnh ngộ. Hiện tại, mặc dù rất bận do đang vận hành hai mô hình cà-phê và một trung tâm Anh ngữ, nhưng hễ sắp xếp được thời gian, Hậu lại nhận lời mời đến các trường đại học, các doanh nghiệp hay tổ chức xã hội lan tỏa câu chuyện khởi nghiệp với mục tiêu truyền cảm hứng cho mọi người, đồng thời đưa ra những lời khuyên bổ ích từ hành trình vấp ngã, đứng lên của chính mình.