Trong thời gian tới, hoạt động kinh doanh cũng như việc đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) sẽ có thể gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt là với các doanh nghiệp bất động sản không trả được nợ trái phiếu cũng như không được gia hạn. Việc đưa ra các giải pháp giúp ổn định thị trường là điều tập trung ưu tiên.
Ổn định thị trường bất động sản
Trong giai đoạn dịch Covid-19, phần lớn các ngành sản xuất hầu như tê liệt thì thị trường bất động sản lại có những cú bứt tốc nhờ dòng vốn từ dân cư, từ trái phiếu và tín dụng ngân hàng. Khi thị trường có dấu hiệu tăng trưởng nóng, các chính sách điều tiết của Nhà nước được thực thi. Đầu tiên, là việc hạn chế tăng trưởng tín dụng để ngăn dòng tiền chảy thêm vào lĩnh vực bất động sản, vốn đã tiềm ẩn rủi ro. Sau đó là biện pháp quyết liệt của Chính phủ trong việc chấn chỉnh, ban hành các quy định mới cũng như xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong phát hành TPDN, thị trường chứng khoán và đấu giá đất khiến dòng vốn từ phát hành TPDN bị chững lại. Thị trường chứng khoán cũng sụt giảm mạnh khiến việc huy động vốn sẽ khó khăn hơn. Ngoài ra, việc rút vốn của các nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường tài chính, việc điều chỉnh tỷ giá, tăng lãi suất điều hành để giảm bớt áp lực lạm phát và hạn chế tác động ảnh hưởng của đồng USD mạnh lên khiến lãi suất ngân hàng tăng.
Những tác động này cùng một số nhân tố khác đã khiến dòng vốn bị rút khỏi thị trường bất động sản, khiến thị trường rơi vào trạng thái trầm lắng. Với thực tế này, hoạt động kinh doanh cũng như việc đáo hạn trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản trở nên khó khăn.
Giữ niềm tin cho nhà đầu tư
Trước hết, việc đầu tiên là cần làm yên lòng các nhà đầu tư TPDN. Trên thực tế, hàng trăm nghìn nhà đầu tư cá nhân đang mua TPDN nhưng phần lớn trong số họ lại không phải là “nhà đầu tư chuyên nghiệp”. Thông qua sự tư vấn, giới thiệu của các công ty chứng khoán, ngân hàng, họ đã mua trái phiếu để trở thành trái chủ hoặc “hợp tác đầu tư” với bên thứ ba để mua TPDN mà hầu như không nắm rõ quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong việc hoạt động đầu tư này. Đến khi doanh nghiệp gặp vấn đề, không thể thanh toán trái phiếu cho nhà đầu tư (trước hạn hoặc đến hạn như trường hợp các công ty Tân Hoàng Minh, An Đông), khi đó, các nhà đầu tư tìm đến tổ chức phát hành, không những thế còn tìm đến công ty chứng khoán, ngân hàng nơi đã tư vấn, môi giới trái phiếu để đòi quyền lợi.
Xét trên phương diện luật pháp, công ty chứng khoán và ngân hàng phần lớn là đơn vị tư vấn, môi giới (trừ việc ngân hàng đứng ra bảo lãnh thanh toán) còn trách nhiệm trả tiền là của tổ chức phát hành và quyền lợi, nghĩa vụ của nhà đầu tư đã được ghi rõ trong hợp đồng. Tuy nhiên, các đơn vị này cũng có một phần trách nhiệm khi không cung cấp thông tin đầy đủ và giải thích cặn kẽ cho nhà đầu tư quyền và trách nhiệm của họ. Trong trường hợp các nhà đầu tư mất niềm tin vào thị trường trái phiếu, sẽ xảy ra việc rút tiền trên diện rộng tại các tổ chức phát hành, đơn vị tư vấn, môi giới, có thể gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng đến sự an toàn của hệ thống tài chính. Vì thế, việc tuyên truyền, hướng dẫn các nhà đầu tư thực hiện đúng trình tự, thủ tục để bảo đảm quyền lợi của mình là cần thiết, nhằm làm an lòng các nhà đầu tư.
Theo ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng Giám đốc FiinGroup: “Để xử lý vấn đề TPDN hiện nay, mấu chốt là câu chuyện niềm tin, các giải pháp hướng đến sự minh bạch thông tin sẽ là giải pháp căn cơ về dài hạn cũng như góp phần giải quyết vấn đề trong ngắn hạn”. Cùng quan điểm này, TS Võ Trí Thành cho rằng: “Trước tiên là thông tin minh bạch và nhà hoạch định chính sách phải cam kết rất rõ ràng về trái phiếu”.
Các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Tài chính, NHNN cần chủ trì, phối hợp với các cơ quan truyền thông, tổ chức phát hành, đơn vị tư vấn, môi giới như công ty chứng khoán, ngân hàng... để tuyên truyền, định hướng đúng đắn về thị trường TPDN; giải thích quyền lợi và trách nhiệm của nhà đầu tư và các bên liên quan. Trên cơ sở đó, đề nghị nhà đầu tư và các bên liên quan thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật, bảo đảm hài hòa lợi ích, công bằng, công khai, minh bạch.
Ngày 23/11/2022, Bộ Tài chính đã tổ chức cuộc họp với các công ty chứng khoán và doanh nghiệp phát hành để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường TPDN. Theo đó, Bộ Tài chính khẳng định, để giữ vững niềm tin của các nhà đầu tư, các doanh nghiệp phát hành, các đơn vị bảo lãnh thanh toán phải thực hiện đúng thỏa thuận. Trường hợp khó khăn thanh khoản, lãnh đạo doanh nghiệp phải tính đến phương án bán các tài sản.
Doanh nghiệp phải chủ động
Về phía các doanh nghiệp phát hành, cần chủ động thực hiện các giải pháp tự cứu mình, tránh rơi vào tình huống mất khả năng thanh toán đối với trái phiếu. Cần rà soát lại toàn bộ trái phiếu đã phát hành, cân đối nghĩa vụ nợ và tài sản của doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh, chuẩn bị các kịch bản tài chính để thanh toán trái phiếu trước hạn hoặc đến hạn theo yêu cầu của nhà đầu tư. Trong trường hợp vì những nguyên nhân khách quan, không có sự hỗ trợ nguồn lực từ bên ngoài, cần tận dụng mọi nguồn lực có thể chuyển hóa thành dòng tiền để bảo đảm thanh khoản. Trường hợp trái phiếu đến hạn nhưng không thể thanh toán đầy đủ, cần chủ động phối hợp với các bên liên quan để thỏa thuận với nhà đầu tư tìm các giải pháp phù hợp quy định của pháp luật như gia hạn trái phiếu, chuyển đổi thành trái phiếu mới, chuyển đổi thành các tài sản khác như cổ phần, sản phẩm bất động sản, quyền tài sản liên quan đến sản phẩm của doanh nghiệp... hoặc xử lý tài sản bảo đảm của trái phiếu... nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà đầu tư, doanh nghiệp phát hành, các bên liên quan trên cơ sở quy định của pháp luật.
Hoàn thiện cơ sở pháp lý cho thị trường
Về phía các cơ quan quản lý, qua một số khó khăn, vướng mắc mà các đơn vị đã nêu tại cuộc họp với Bộ Tài chính, các cơ quan quản lý cần nghiên cứu, hỗ trợ các doanh nghiệp phát hành, cụ thể: Đối với hành lang pháp lý, cần hoàn thiện cơ sở pháp lý của thị trường TPDN, của công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, giám sát, công bố thông tin để thị trường TPDN vận hành ổn định, an toàn, là kênh huy động vốn hiệu quả cho nền kinh tế. Đối với thủ tục hành chính, cần nhanh chóng hỗ trợ các doanh nghiệp hoàn tất thủ tục đầu tư dự án để triển khai, đủ điều kiện để bán nhằm tạo dòng tiền cho doanh nghiệp. Đối với việc hỗ trợ tài chính, cần có đánh giá toàn diện và đầy đủ về các doanh nghiệp phát hành, các dự án đang triển khai để phân loại phù hợp. Những doanh nghiệp phát hành lành mạnh, các dự án đã, đang hoàn thiện pháp lý, đang triển khai xây dựng hoặc sắp hoàn thiện, đúng tiến độ... cần được xem xét hỗ trợ tín dụng có điều kiện. Ngoài ra, có thể xem xét các giải pháp hỗ trợ gián tiếp từ phía ngân hàng như nới “room” tín dụng; giảm lãi suất cho vay; điều chỉnh giới hạn tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, điều chỉnh tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn; cho phép cơ cấu nợ giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản nợ liên quan đến bất động sản; điều chỉnh tỷ lệ khấu trừ của tài sản bảo đảm là bất động sản khi phải trích lập dự phòng rủi ro... Những doanh nghiệp yếu kém, không có khả năng trả nợ, không thể tiếp tục hoạt động, thì có thể xem xét xử lý phá sản trên nguyên tắc thị trường.
Về các giải pháp hỗ trợ, cần tạo thị trường giao dịch TPDN riêng lẻ để tăng tính thanh khoản của trái phiếu. Cũng cần xây dựng một cơ chế hỗ trợ thị trường TPDN nếu có nguy cơ đổ vỡ. Khi đó, Chính phủ và các tổ chức tài chính lớn trong, ngoài nước sẽ đóng vai trò trụ đỡ của thị trường TPDN. Trên cơ sở nguồn vốn được cấp từ Chính phủ và các tổ chức tài chính lớn, Chính phủ có thể để NHNN hoặc Bộ Tài chính chủ trì, thành lập tổ chức hỗ trợ như Quỹ tín thác đầu tư bất động sản, Quỹ đầu tư trái phiếu hoặc Công ty đầu tư trái phiếu như mô hình một số quốc gia trong khu vực đã triển khai. Các đơn vị này sẽ sử dụng nguồn lực hiện có để hỗ trợ tài chính hoặc mua lại các dự án đang dở dang của doanh nghiệp phát hành. Công ty đầu tư cũng có thể phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh để hoán đổi TPDN (mất hoặc có nguy cơ mất khả năng thanh toán cho nhà đầu tư) với tỷ lệ tùy từng loại trái phiếu, trên cơ sở thực trạng tổ chức phát hành, loại trái phiếu, tài sản bảo đảm... Đổi lại, nhà đầu tư phải cam kết nắm giữ trái phiếu trong một khoảng thời gian, khi cần có thể mang cầm cố, thế chấp, vay vốn tại các TCTD nếu đáp ứng một số điều kiện nhất định. Trên cơ sở hoán đổi trái phiếu, Công ty đầu tư trái phiếu sẽ nắm giữ quyền kiểm soát đối với doanh nghiệp phát hành để bảo đảm khả năng thu hồi. Khi doanh nghiệp phục hồi và trả được nợ trái phiếu, Công ty sẽ mua lại trái phiếu từ nhà đầu tư để hoàn tất chu trình hoán đổi. Trường hợp doanh nghiệp phá sản, Công ty sẽ xử lý tài sản để thu hồi nợ, sau đó, mua lại trái phiếu của nhà đầu tư. Tuy nhiên, đây chỉ là những điểm mấu chốt của mô hình này và cần cụ thể hóa bằng những quy định. Mô hình này đã được áp dụng khá thành công tại một số nước trong cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 1997 và 2008.
Việc áp dụng các giải pháp hỗ trợ đặc biệt đối với thị trường tài chính cũng đã được Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, Ban IV đề nghị giải pháp cho phép các ngân hàng thương mại trong nước tham gia mua lại trái phiếu sắp tới hạn và xử lý như một dạng tín dụng đặc biệt ngoài tín dụng thông thường, vì lượng trái phiếu sắp tới hạn có giá trị vượt rất nhiều lần khả năng mua lại của một số doanh nghiệp phát hành. Tuy nhiên, giải pháp này cần được cân nhắc thận trọng trên cơ sở quy định của pháp luật, cũng như sức chịu đựng rủi ro từ hệ thống ngân hàng vì bản chất đây là việc chuyển rủi ro từ các nhà đầu tư về các ngân hàng thương mại.