Một số vùng có nước ngầm nhưng bị nhiễm phèn. Còn tại thủ phủ trồng lúa của vùng đất Bình Thuận như Đức Linh, Tánh Linh xuất hiện cây lúa chết, cỏ mọc cao um tùm, ruộng không đạt năng suất. Ở chiều ngược lại, vào mùa mưa, nhiều vùng trồng thanh long lại xảy ra tình trạng ngập úng khiến trái không đạt năng suất cao.
Nhiều địa bàn gặp khó
Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, sản xuất lúa cả năm 2024 ước đạt 1.030 nghìn ha, giảm 3,8 nghìn ha; năng suất ước đạt 60,48 tạ/ha, tăng 0,37 tạ/ha và sản lượng ước 6.229 nghìn tấn, tăng 15,6 nghìn tấn so năm 2023. Thời tiết bất thường xảy ra chủ yếu tại vùng Đông Nam Bộ, duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Trồng trọt cho biết, sản xuất nông nghiệp diễn ra trong thời tiết không thuận lợi. Nắng nóng và hạn hán kéo dài với nền nhiệt độ cao, mưa đến muộn, thiếu nước sản xuất ở khắp nơi, không thuận lợi cho cây trồng sinh trưởng và phát triển. Bên cạnh đó, giá vật tư nông nghiệp có chiều hướng giảm, nhưng giá nhân công lao động đang ở mức cao, nhiều nông sản giá cao.
Biến đổi khí hậu đã làm thay đổi hệ sinh thái nông nghiệp, đồng thời người sản xuất chạy theo thị trường, chuyển đổi cơ cấu cây trồng tự phát, tạo điều kiện cho các đối tượng sinh vật gây hại mới nổi phát sinh, gia tăng gây hại, gây khó khăn cho công tác theo dõi và chỉ đạo phòng trừ. Theo ông Lê Văn Thiệt, Phó Cục trưởng Bảo vệ thực vật, Cục đã phải chỉ đạo các Trung tâm Bảo vệ thực vật vùng, chi cục các tỉnh điều tra phát hiện, dự tính, dự báo để hướng dẫn nông dân phòng trừ sinh vật gây hại.
Không thể lơ là về nguồn nước
Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn Nam Trung Bộ, hiện tượng ENSO đang trong trạng thái trung tính nhưng nghiêng dần về pha lạnh. Dự báo, thời kỳ từ tháng 11/2024 đến tháng 1/2025, ENSO có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina với xác suất 60-70%. Dự báo, thời tiết còn diễn biến khó lường.
Do đó, theo Cục Trồng trọt, tại vùng ổn định nguồn nước cho sản xuất lúa, cần tập trung canh tác đúng lịch thời vụ, tăng cường thâm canh; vùng có nguy cơ hạn hán cần tập trung bố trí chuyển từ cơ cấu sản xuất lúa từ 3 vụ sang 2 vụ, hoặc bố trí lại thời vụ sản xuất phù hợp để né tránh hạn, mặn. Cây màu và cây công nghiệp ngắn ngày cần cơ cấu cây trồng hợp lý tùy theo điều kiện đất đai, điều kiện nước tưới, tình hình thị trường và tập quán canh tác…
Thông tin từ Cục Thủy lợi cũng cho thấy, các khu vực của các hệ thống thủy điện như Vu Gia-Thu Bồn, sông Kôn, sông Ba, La Ngà có thể xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn cục bộ nếu việc vận hành không bảo đảm. Do đó, các địa phương cần thực hiện nghiêm túc việc cảnh báo sớm cho người dân vùng hạ du trước khi hồ chứa xả lũ và khi có nguy cơ xảy ra sự cố. Các hồ chứa còn khả năng trữ nước cần điều tiết hợp lý để hỗ trợ giảm ngập lụt hạ du, tăng lượng nước trữ phục vụ sản xuất và dân sinh mùa khô tới.... Về lâu dài, các đơn vị, địa phương cần chú trọng nâng cấp công cụ hỗ trợ dự báo trên nền tảng khoa học, kỹ thuật hiện đại. Áp dụng phương pháp quản lý nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn bằng các công cụ viễn thám.
Ông Lê Thanh Tùng đề nghị, các địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình khí tượng thủy văn, diễn biến nguồn nước để chủ động bảo vệ sản xuất, hạn chế thiệt hại xảy ra. Bên cạnh đó, tăng cường dự tính, dự báo và phòng trừ sâu bệnh kịp thời các đối tượng dịch hại như chuột, rầy nâu bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá trên lúa; sâu keo mùa thu trên bắp; sâu bệnh hại trên cây công nghiệp như điều, hồ tiêu, cà-phê, cao-su…