Đứng trước quầy hàng đồ gia dụng tại một siêu thị lớn, chị Dung (ở quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) nâng lên đặt xuống rất nhiều lần chiếc chảo chống dính. Chị nhanh chóng mở điện thoại ra tìm kiếm mã hàng trên mạng.
Chị chỉ thật sự yên tâm cho chiếc chảo vào giỏ hàng khi thấy nhờ “khuyến mãi khủng”, giá trong siêu thị đã rẻ hơn rất nhiều so với trên các trang thương mại điện tử. “Dạo này mỗi khi đi mua hàng siêu thị tôi đều tìm kiếm các sản phẩm khuyến mãi với giá tốt nhất. Thu nhập không tăng mà giá cả mọi thứ đều tăng nên cũng chắt lọc chi tiêu hiệu quả hơn”, chị Dung chia sẻ.
Ngại chi tiêu, chờ khuyến mãi
Tâm lý chi tiêu tiết kiệm, chú trọng vào các mặt hàng thiết yếu của người tiêu dùng tương đối phổ biến. “Lương cơ bản tăng, giá điện tăng, hàng hóa cứ thế rục rịch tăng theo, còn tăng cao hơn cả lương. Người đi chợ cũng vì thế phải cơ cấu lại chi tiêu chứ không thì khó đáp ứng được nhu cầu của cả gia đình”, bà Oanh, một cư dân ở quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội nói.
Ghi nhận tại nhiều siêu thị lớn cũng cho thấy, chưa có nhiều đột phá trong chi tiêu của người dân từ đầu năm đến nay. Mặc dù đơn hàng không giảm nhưng giá trị giỏ hàng chủ yếu... đi ngang.
Chẳng hạn, đại diện Siêu thị Go!Thăng Long cho biết, cơ cấu giỏ hàng năm nay người tiêu dùng tập trung vào các sản phẩm tươi sống, rau củ quả, thịt cá và các sản phẩm thiết yếu khác bao gồm đường, sữa, trứng và các loại đồ khô. Trong khi đó, tỷ trọng đối với các ngành hàng gia dụng, may mặc thời trang và điện máy có xu hướng giảm khoảng 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Còn tại MM Mega Market, 9 tháng đầu năm, nhu cầu tiêu dùng tăng khoảng 5-6% so với cùng kỳ năm trước. Dù lượng hóa đơn mua sắm tăng 9%, nhưng giá trị mỗi giỏ hàng vẫn duy trì ở mức khoảng 800.000 đồng với các sản phẩm chủ yếu là nhu yếu phẩm.
Tương tự, Saigon Co.op cũng cho biết, doanh số tăng nhờ các chương trình khuyến mãi hằng tuần. Mỗi hóa đơn trung bình tại Co.opmart đạt từ 400.000-500.000 đồng, không thay đổi so với năm ngoái, khách hàng tập trung vào các mặt hàng có khuyến mãi.
Khảo sát của Vietnam Report tháng 9 vừa qua cho thấy, khoảng 40% số người được hỏi trả lời chưa cảm thấy tình hình tài chính của bản thân tốt hơn trong những tháng cuối năm.
Thực tế này đã phản ánh rõ nét qua số liệu mới công bố của Tổng cục Thống kê. Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10/2024 ước tăng 2,4% so với tháng trước và tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung mười tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 12,5% và doanh thu du lịch lữ hành tăng 14,2%.
Theo bà Đinh Thị Thúy Phương, Vụ trưởng Thống kê thương mại và dịch vụ, Tổng cục Thống kê, mặc dù tốc độ tăng trưởng thương mại hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 10 tháng năm nay ước tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2023, chỉ tăng cao hơn cùng kỳ các năm 2020 và năm 2021 (những năm có dịch) trong giai đoạn 2014-2024. Tuy nhiên, mức tăng này chưa bằng thời kỳ trước dịch Covid-19 (tăng hơn 10%).
“Điều này phản ánh tiêu dùng của người dân, chi tiêu tiết kiệm hơn (sau dịch), mặc dù nhu cầu tiêu dùng hồi phục, nhưng chưa cao so với thời điểm trước dịch và trong dịch; cơ cấu tiêu dùng cho các dịch vụ xã hội có xu hướng giảm dần. Bên cạnh đó, trong cơ cấu bán lẻ hàng hóa, các nhóm hàng thiết yếu (lương thực, thực phẩm...) chiếm tỷ trọng lớn, tăng trưởng khá. Tuy nhiên, các nhóm hàng như ô-tô, phương tiện đi lại, vật phẩm văn hóa tăng khá chậm, phản ánh sức mua mặc dù hồi phục, nhưng chưa cao so với thời kỳ trước dịch”, bà Phương cho biết.
Áp lực kích cầu cuối năm
Để chuẩn bị cho mùa tiêu dùng cuối năm, đại diện các siêu thị cho biết, nhiều chương trình khuyến mãi sẽ triển khai trên toàn quốc đối với giai đoạn trước và sau Tết Nguyên đán. Trên bình diện cả nước, Tổng cục Thống kê cho rằng, cần có nhiều giải pháp để kích cầu tiêu dùng một cách hiệu quả nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế từ nay đến cuối năm. Bởi đây là thời điểm rất thuận lợi khi gắn với kỳ nghỉ lễ kéo dài.
Theo đó, cần triển khai các biện pháp, có hiệu quả các chính sách kích cầu tiêu dùng thông qua chính sách thuế và an sinh xã hội, các chính sách tài khóa và tiền tệ, nhằm hỗ trợ giảm chi phí đầu vào sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp, góp phần giảm chi phí tiêu dùng của người dân. Đồng thời thực hiện các chính sách giảm sự tác động tăng giá hàng hóa từ việc tăng lương cơ sở.
Các bộ, ngành cũng cần tăng cường phối hợp để đẩy mạnh tiêu dùng, tập trung phát triển thị trường trong nước, thúc đẩy sản xuất, bảo đảm cung ứng đầy đủ nhu cầu của người dân, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu. Thực hiện có hiệu quả các nền tảng thương mại đang hoạt động, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, mở rộng tiêu dùng nội địa, qua đó thúc đẩy sản xuất, bảo đảm nguồn cung hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp lễ, Tết cuối năm. Đặc biệt, cần khuyến khích người Việt Nam ưu tiên tiêu dùng hàng Việt Nam nhằm tận dụng thị trường hơn 100 triệu dân.
Bên cạnh đó, cần thúc đẩy hoạt động kích cầu du lịch nội địa tại các địa phương có lợi thế, thu hút khách quốc tế đến Việt Nam. Đây chính là giải pháp tốt, góp phần thúc đẩy và tác động lan tỏa đến các ngành dịch vụ trong nước, như: lưu trú, ăn uống; du lịch lữ hành; vận tải; bán lẻ hàng hóa... của Việt Nam trong những tháng cuối năm 2024.
Nhiều đơn vị bán lẻ đã xây dựng chương trình kích cầu. Các hoạt động sẽ được triển khai tích cực ngay từ tháng 11 này, như Chương trình tháng khuyến mãi tập trung và "Hà Nội đêm không ngủ - HaNoi Midnight Sale" với mức khuyến mãi lên tới 70%.