Ổn định thị trường trái phiếu doanh nghiệp (Kỳ 1)

Kỳ 1: Sự vào cuộc của các cơ quan chức năng
0:00 / 0:00
0:00
Khách hàng tham quan mô hình giới thiệu một dự án bất động sản. Ảnh: SONG ANH
Khách hàng tham quan mô hình giới thiệu một dự án bất động sản. Ảnh: SONG ANH

Trước những bất ổn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) thời gian qua, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có những hành động rất quyết liệt qua Công điện số 8857/CĐ-VPCP ngày 3/12/2021 chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra việc phát hành TPDN. Thị trường TPDN sau đó đã có những chuyển biến tương đối tích cực.

Quyết sách từ Chính phủ và các cơ quan quản lý

Sau sự việc Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh và các tổ chức, đơn vị có liên quan, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có Công điện số 304/CĐ-TTg ngày 7/4/2022 chấn chỉnh hoạt động thị trường TPDN và đấu giá quyền sử dụng đất.

Sau động thái mạnh mẽ từ Chính phủ, nhằm kiểm soát rủi ro trong việc đầu tư TPDN của các tổ chức tín dụng (TCTD), ngày 10/11/2021, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành Thông tư 16/2021/TT-NHNN (Thông tư 16) thay thế Thông tư số 22/2016/TT-NHNN và Thông tư số 15/2018/TT-NHNN quy định việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua TPDN. Thông tư 16 thể hiện quan điểm nhất quán của NHNN trong việc bảo đảm an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng, tăng cường kiểm soát rủi ro, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống quản trị và nâng cao chất lượng tín dụng. Thông tư 16 quy định cụ thể các trường hợp TCTD không được mua TPDN có mục đích phát hành để: (i) cơ cấu lại các khoản nợ của chính doanh nghiệp phát hành; (ii) góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác; (iii) tăng quy mô vốn hoạt động. Về phía nhà phát hành, Thông tư 16 cũng quy định doanh nghiệp phát hành không có nợ xấu tại các TCTD trong vòng 12 tháng gần nhất trước thời điểm TCTD mua TPDN; phải cam kết mua lại trái phiếu trước hạn trong một số trường hợp nhất định; phải có phương án khả thi và khả năng tài chính để bảo đảm thanh toán đủ gốc và lãi trái phiếu đúng hạn...

Về phía Bộ Tài chính, nhận định việc phát hành TPDN riêng lẻ đã xuất hiện các dấu hiệu rủi ro cho nhà đầu tư và có nguy cơ gây mất an ninh, an toàn nền tài chính quốc gia, Bộ Tài chính đã liên tục phát đi các thông tin cảnh báo về những rủi ro đối với nhà đầu tư khi tham gia thị trường TPDN. Đồng thời, Bộ Tài chính cũng chỉ đạo các cơ quan liên quan trong việc tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc phát hành TPDN. Cụ thể, tại Văn bản số 13838/BTC-VP ngày 3/12/2021, Bộ trưởng Tài chính giao Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Vụ Tài chính ngân hàng, Thanh tra Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam đẩy mạnh việc thanh tra, kiểm tra, giám sát việc phát hành TPDN để bảo đảm thị trường TPDN trở thành một kênh huy động vốn quan trọng, hiệu quả cho doanh nghiệp và hạn chế tối đa rủi ro cho nhà đầu tư.

Ngày 25/4/2022, Bộ trưởng Tài chính đã có Chỉ thị số 01/CT-BTC chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát và chấn chỉnh hoạt động phát hành, đầu tư, cung cấp dịch vụ trên thị trường TPDN riêng lẻ.

Tháng 9/2022, Bộ Tài chính cũng đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 153/2020/NĐ-CP về phát hành TPDN riêng lẻ theo hướng chặt chẽ hơn, trong đó, bổ sung thêm một số điều kiện phát hành trái phiếu, xếp hạng tín nhiệm theo các trường hợp và lộ trình thực hiện như quy định đối với chào bán trái phiếu ra công chúng; nâng cao trách nhiệm của tổ chức phát hành; bổ sung quy định về tài sản bảo đảm; bổ sung quy định về tăng tính chuyên nghiệp của nhà đầu tư khi mua TPDN riêng lẻ; tăng cường tính minh bạch của các tổ chức cung cấp dịch vụ; thiết lập thị trường giao dịch TPDN có tổ chức...

Những quy định mới nêu trên được kỳ vọng sẽ thúc đẩy thị trường TPDN phát triển minh bạch và bền vững hơn.

Về phía Bộ Công an, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an đã khẩn trương phối hợp với các cơ quan liên quan điều tra, xác minh những vi phạm trong lĩnh vực phát hành TPDN để xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật.

Các bộ, ban, ngành, địa phương, trong chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình cũng nắm bắt thông tin, kịp thời phối hợp với các cấp thẩm quyền để xử lý những nhiệm vụ phát sinh liên quan đến TPDN thuộc lĩnh vực, ngành, địa phương mình quản lý.

Phản ứng của thị trường

Sau động thái quyết liệt của Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước nhằm chấn chỉnh hoạt động của thị trường TPDN, thị trường TPDN đã có những biến chuyển tương đối tích cực.

Theo số liệu của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), tổng giá trị TPDN phát hành trong chín tháng đầu năm 2022 chỉ đạt mức 243 nghìn tỷ đồng, giảm 40% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, phát hành trái phiếu riêng lẻ khoảng 233 nghìn tỷ đồng và phát hành ra công chúng khoảng 10 nghìn tỷ đồng. Nếu như quý I/2022, tổng giá trị TPDN khoảng 69 nghìn tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2021 thì sang quý II/2022, tổng giá trị TPDN chỉ còn 112 nghìn tỷ đồng, giảm 45% so với cùng kỳ năm 2021 và đến quý III/2022, giá trị phát hành chỉ còn 61 nghìn tỷ đồng, giảm 68% so với cùng kỳ năm 2021. Các doanh nghiệp bất động sản phát hành khoảng 44 nghìn tỷ đồng, giảm khoảng hơn 3,6 lần, tương đương 72% so với cùng kỳ năm 2021 (tổng giá trị 162 nghìn tỷ đồng); các ngân hàng phát hành khoảng 132 nghìn tỷ đồng, giảm 7,2% so với cùng kỳ năm 2021 (tổng giá trị 143 nghìn tỷ đồng).

Không chỉ giảm quy mô phát hành mới, các doanh nghiệp còn tích cực mua lại trước hạn TPDN đã phát hành. Quý I/2022, khối lượng TPDN mua lại khoảng 17 nghìn tỷ đồng, sang đến quý II/2022, con số này là 58 nghìn tỷ đồng và đến quý III/2022 là 57 nghìn tỷ đồng. Tổng cộng chín tháng năm 2022, các tổ chức phát hành đã mua lại khoảng 142 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 11,8% dư nợ thị trường TPDN cuối năm 2021. Hoạt động mua lại trái phiếu của khối doanh nghiệp phi ngân hàng tăng 2,34 lần so với cùng kỳ năm 2021 và đạt khoảng 75 nghìn tỷ đồng.

Tuy việc mua lại TPDN đã phát hành góp phần giảm áp lực thanh toán trái phiếu khi đến hạn nhưng thị trường trái phiếu vẫn còn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, trong đó, nguy cơ lớn nhất chính là việc mất khả năng thanh toán của doanh nghiệp phát hành.

Tháng 10/2022, việc Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến trái phiếu tại Công ty CP tập đoàn đầu tư An Đông, một thành viên của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cũng gây tác động tiêu cực đối với thị trường TPDN.

Việc tìm những giải pháp để giải quyết vấn đề trên một cách căn cơ sẽ giúp ổn định tâm lý khách hàng, ngăn chặn kịp thời phạm vi bất ổn có thể lan rộng, bảo đảm an toàn, ổn định của hệ thống tài chính.

Theo báo cáo về thị trường TPDN của Công ty CP chứng khoán Vietcombank (VCBS), trong quý IV/2022 có khoảng 85 nghìn tỷ đồng trái phiếu do các ngân hàng, doanh nghiệp bất động sản phát hành phải đáo hạn, đồng thời khối lượng TPDN đáo hạn trong năm 2023 khoảng 317 nghìn tỷ đồng và 2024 ước tính khoảng 363 nghìn tỷ đồng (nguồn: Bộ Tài chính). Các TCTD hiện nay đang nắm giữ danh mục TPDN ước tính khoảng 284 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 2,37% trên tổng tài sản sinh lời của các TCTD. Trong 317 nghìn tỷ đồng TPDN đáo hạn năm 2023, có khoảng 30% từ nhóm ngân hàng nhưng khả năng tái phát hành khá cao, mặc dù tỷ lệ hấp thụ của thị trường có thể giảm trong bối cảnh thanh khoản yếu và niềm tin bị giảm sút. Riêng ngành bất động sản, ước tính trong năm 2023 có khoảng 130 nghìn tỷ đồng trái phiếu đáo hạn (sau khi loại trừ phần đã mua lại tính đến tháng 10/2022), chiếm khoảng 36% giá trị đáo hạn năm 2023.

(Còn nữa)