Giá điện hai thành phần

Sau giai đoạn triển khai thí điểm, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có thể sẽ áp dụng mở rộng triển khai giá điện hai thành phần sớm nhất là vào đầu năm tới (1/1/2025).
0:00 / 0:00
0:00
Kiểm tra, sửa chữa hệ thống điện tại khu dân cư. Ảnh: BẮC SƠN
Kiểm tra, sửa chữa hệ thống điện tại khu dân cư. Ảnh: BẮC SƠN

Giá điện hai thành phần được hiểu là cơ cấu giá phải trả cho công suất đăng ký sử dụng và phần trả cho điện năng tiêu dùng. Đây là điểm khác biệt so với cơ chế giá hiện nay là giá bán theo một thành phần điện năng tiêu dùng, tức là tính theo lượng điện năng thực tế sử dụng.

Đủ điều kiện triển khai giá điện hai thành phần

Cách đây 10 năm, tại Quyết định số 28, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công thương nghiên cứu, xây dựng và trình Thủ tướng xem xét phê duyệt Cơ chế giá bán điện hai thành phần. Nhưng phải đến thời điểm này, khi các điều kiện kỹ thuật đã cho phép, Bộ Công thương mới bắt đầu chính thức triển khai xây dựng cơ chế giá bán điện 2 thành phần.

Đầu năm nay, Bộ Công thương đã chỉ đạo EVN thuê tư vấn tính toán, xây dựng Đề án "Nghiên cứu, xây dựng lộ trình áp dụng giá điện hai thành phần (giá công suất, giá điện năng) cho các nhóm khách hàng sản xuất và kinh doanh". Đến thời điểm hiện tại, Bộ Công thương cho biết, nội dung đề án đã được hoàn thiện.

Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, cơ chế giá điện hai thành phần là cơ chế bắt buộc phải ban hành đồng thời với cơ chế DPPA (cơ chế bán điện trực tiếp từ nhà sản xuất điện đến trực tiếp người tiêu dùng thông qua hệ thống truyền tải quốc gia) hoặc cơ chế điện mặt trời mái nhà.

EVN đề xuất phương án cơ sở là hệ thống giá thuần túy phản ánh chi phí cung cấp điện và có xét tới đặc điểm tiêu dùng điện của các nhóm khách hàng. Đồng thời phân loại theo nhóm khách hàng gồm khách hàng ngoài sinh hoạt; khách hàng sinh hoạt có sản lượng tới 2.000 kWh/tháng; khách hàng có sản lượng hơn 2.000 kWh/tháng; phân loại theo cấp điện áp gồm 4 cấp là siêu cao áp, cao áp, trung áp và hạ áp.

Với nhóm khách hàng ngoài sinh hoạt, EVN đề xuất chung một biểu giá điện hai thành phần theo dạng giá công suất (đồng/kW) và giá điện năng cao thấp điểm (đồng/kWh). Đây là ba nhóm gồm sản xuất, kinh doanh và hành chính sự nghiệp trong hệ thống giá hiện hành.

Khách hàng sinh hoạt có quy mô, sản lượng tiêu dùng lớn hơn 2.000 kWh/tháng, giống như khách hàng ngoài sinh hoạt nhưng tiêu dùng ở cấp điện áp hạ áp. Thống kê cho thấy nhóm này lên tới 56.000 khách hàng, việc trang bị hệ thống đo đếm hai thành phần là chưa thể thực hiện ở giai đoạn trước mắt.

Vì vậy, giai đoạn đầu chưa đề xuất áp dụng mà có thể xem xét phương án giá hai thành phần theo cách thức áp dụng với hộ có sản lượng dưới 2.000 kWh/tháng, tức là thu giá cố định theo gói và giá điện năng không đổi.

Với nhóm khách hàng có sản lượng tiêu dùng thấp (dưới 2.000 kWh/tháng), biểu giá sinh hoạt hai thành phần sẽ bao gồm giá cố định theo quy mô tiêu dùng và giá điện năng đồng giá (mức 1.598 đồng/kWh).

Nhóm khách hàng tiêu dùng dưới 50 kWh/tháng vẫn đang được hưởng sự hỗ trợ từ Chính phủ. Vì vậy quy mô tiêu dùng để tính giá cố định đang được xây dựng theo dạng bậc thang hiện hành.

Liệu có tạo minh bạch và công bằng?

Trong suốt 30 năm qua, cách tính giá bán lẻ điện sau khi đã thay đổi rất nhiều lần, từ 2 bậc lên 3 bậc năm 1994, rồi 4 bậc năm 1995, 5 bậc, 6 bậc, 7 bậc rồi lại quay về 6 bậc cho đến nay.

Theo các chuyên gia, cách tính giá bán lẻ điện theo 6 bậc thang hiện nay mới chỉ phản ánh lượng điện năng tiêu thụ là chính. Còn cách tính giá điện hai thành phần có ưu điểm bên cạnh điện năng tiêu thụ sẽ phản ánh rõ hơn về công suất. Hay nói cách khác, cách tính giá điện hai thành phần sẽ phản ánh rõ và tách biệt chi phí đầu tư và chi phí vận hành để cấp điện đến từng hộ tiêu thụ.

Đơn cử, với 2 hộ cùng dùng 24 kwh/ngày. Nếu như hộ thứ nhất dùng điện chia đều công suất 1kw cho 24 giờ trong ngày, hộ thứ 2 dùng tất cả 24 kw chỉ trong 1 giờ đồng hồ thì với cách tính hiện nay cả 2 hộ có cùng mức chi trả như nhau. Nhưng với cách tính giá 2 thành phần, hộ thứ 2 sẽ phải chi trả nhiều hơn, bởi việc đầu tư cấp điện cho hộ thứ 2 nhiều hơn so với hộ thứ nhất.

TS Đoàn Văn Bình, nguyên Viện trưởng Khoa học năng lượng đánh giá, những người sử dụng yêu cầu lượng công suất lớn sẽ khác với những người sử dụng công suất nhỏ hơn với cùng điều kiện sử dụng năng lượng như nhau.

Không chỉ các hộ tiêu dùng, việc tính giá điện hai thành phần sẽ tác động không nhỏ đến hoạt động cung ứng điện của các nhà máy.

Còn theo TS Nguyễn Anh Tuấn, một dự án nguồn điện khi đầu tư sẽ tính toán chi phí đầu tư dựa trên giá điện và sản lượng điện bán cho EVN mỗi năm. Với sự tham gia ngày càng nhiều của các nguồn điện mới, đặc biệt là điện năng lượng tái tạo thì các nhà máy điện cũ phải giảm hoặc thậm chí dừng phát điện lên lưới, hay nói cách khác là giảm sản lượng điện bán cho EVN. Điều này cũng sẽ diễn ra tương tự với các nhà máy điện chạy nền mới như điện khí, điện LNG.

Như vậy, nếu áp dụng giá điện hai thành phần mà quan trọng là bổ sung thêm thành phần giá công suất sẽ mang lại sự công bằng hơn cho cả hai đầu trong chuỗi cung ứng điện, gồm đầu sản xuất và đầu tiêu dùng điện. Đối với đầu sản xuất điện là sự bảo đảm thu hồi vốn đối với nhà máy điện đã đầu tư, nâng cao độ an toàn, hấp dẫn đối với dự án đầu tư nguồn điện mới. Còn đối với đầu tiêu dùng điện, giá hai thành phần sẽ bảo đảm công bằng hơn về đầu tư cấp điện cho mỗi hộ dùng điện.

Theo TS Đoàn Văn Bình, nguyên Viện trưởng Khoa học năng lượng: “Cơ chế tính giá điện hai thành phần sẽ công bằng hơn và tránh được việc bù chéo giữa người sử dụng cơ sở hạ tầng năng lượng cao và những người sử dụng cơ sở điện lực ở mức vừa phải, hợp lý”.