Cảnh giác với hình thức góp vốn đầu tư siêu lợi nhuận

Lợi dụng sự thiếu hiểu biết và tâm lý ham lợi nhuận cao của khách hàng, nhiều công ty đã đưa ra các gói sản phẩm đầu tư với mức lãi suất cao vượt trội so với thị trường. Điều đáng nói, những chiêu trò này liên tục được các chuyên gia, cơ quan công an cảnh báo nhưng nhiều người vẫn mất trắng số tiền lớn vì nhẹ dạ cả tin.
0:00 / 0:00
0:00
Trụ sở Công ty TNHH MTV Tư vấn đầu tư GFDI trong sáng 6/11. Ảnh: VIẾT NIỆM
Trụ sở Công ty TNHH MTV Tư vấn đầu tư GFDI trong sáng 6/11. Ảnh: VIẾT NIỆM

Công an TP Đà Nẵng vừa công bố kết quả điều tra ban đầu về Công ty TNHH một thành viên Tư vấn đầu tư GFDI, đặt trụ sở tại phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ. Theo thông tin từ cơ quan công an, đến đầu tháng 11/2024, GFDI đã mất khả năng chi trả cho 7.541 khách hàng, với tổng số tiền dư nợ gốc hơn 3.700 tỷ đồng. Sự việc này không chỉ gây chấn động trong giới đầu tư mà còn đặt ra nhiều câu hỏi về mô hình huy động vốn lãi suất cao đang nở rộ trong thời gian gần đây.

Thủ đoạn không mới

Công ty GFDI được thành lập vào ngày 17/5/2018, với trụ sở chính ban đầu tại số 16 Lê Văn Long, phường Thanh Bình, quận Hải Châu, Đà Nẵng. Khi mới thành lập, doanh nghiệp này chỉ đăng ký một ngành nghề kinh doanh chính là tư vấn đầu tư, ngoại trừ tư vấn pháp luật, tài chính và kế toán.

Vốn điều lệ ban đầu của GFDI chỉ 1 tỷ đồng, do ông Nguyễn Quang Hoàng, sinh năm 1988, làm chủ sở hữu và người đại diện pháp luật. Trong những năm tiếp theo, GFDI đã tăng vốn điều lệ lên 20 tỷ đồng, mở rộng hàng chục ngành nghề kinh doanh khác, nhưng hoạt động tư vấn đầu tư vẫn là lĩnh vực chính. Đến cuối năm 2022, công ty của ông Nguyễn Quang Hoàng tăng vốn lên 80 tỷ đồng và giữ nguyên số vốn này đến nay.

Quy mô hoạt động của GFDI trải dài trên nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, với việc thành lập hàng loạt chi nhánh ở Đắk Lắk, Nha Trang, Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu, Nghệ An, Huế, TP Hồ Chí Minh, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Nội... Sự mở rộng nhanh chóng và mạnh mẽ này đã thu hút sự chú ý của nhiều nhà đầu tư.

Trước khi gặp vấn đề về tài chính, GFDI từng nổi tiếng với các chiến dịch truyền thông rầm rộ, tổ chức các hội thảo hoành tráng với sự tham gia của hàng trăm khách hàng. Để lôi kéo người tham dự, công ty áp dụng chính sách ưu đãi bằng cách tặng các phần quà có giá trị như tiền mặt, vàng, điện thoại iPhone.

Tuy nhiên, hiện nay, địa chỉ website và fanpage mạng xã hội của GFDI đều không thể truy cập được. Trong số hàng trăm khách hàng kéo đến trụ sở công ty vừa qua, nhiều người cho biết họ đã ký hợp đồng cho vay với lãi suất 3% mỗi tháng. Đặc biệt, những khách hàng giới thiệu thêm người tham gia còn nhận được lãi suất lên tới 3,5% mỗi tháng, tức hơn 50% mỗi năm.

Sự việc của GFDI diễn ra trong bối cảnh, khoảng 2 năm gần đây, nhiều vụ lừa đảo dưới hình thức huy động lãi suất cao đã được “phát lộ” và cơ quan công an cảnh bảo nhiều lần. Tuy nhiên, vì nhẹ dạ cả tin và thiếu kiến thức đầu tư, nhiều người vẫn sập bẫy, mất trắng số tiền lớn lên đến hàng tỷ đồng.

Thực tế, trong thời gian qua, đã có nhiều vụ lừa đảo với chiêu trò huy động lãi suất cao bị phanh phui. Gần nhất là sự việc tại Công ty CP Tập đoàn Tâm Lộc Phát kêu gọi đầu tư với mức lãi suất gần 3%/tháng. Một trường hợp khác là Vũ Thị Thúy, CEO Công ty Bất động sản Nhật Nam, với chiêu trò huy động vốn trả lãi suất lên tới 34-64%/năm; Công ty CP Tập đoàn Bankland hứa hẹn hưởng lãi suất kỳ hạn từ 6-72 tháng với mức 43,2%/năm.

Hay như hàng loạt trường hợp huy động vốn với dấu hiệu lừa đảo mà cơ quan công an đã và đang tiến hành xác minh làm rõ, như việc huy động vốn cho dự án trồng Sâm Ngọc Linh của Công ty CP Tập đoàn Mỹ Hạnh; trường hợp huy động hàng nghìn tỷ đồng của Công ty CP Tập đoàn Sen Tài Thu Việt Nam...

Cẩn trọng với "bẫy" lợi nhuận cao

Theo luật sư Nguyễn Đức Biên, Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại La, hoạt động đầu tư và tìm kiếm lợi nhuận là nhu cầu của mỗi cá nhân, và việc góp vốn vào bất kỳ ngành nghề hoặc lĩnh vực nào không bị pháp luật nghiêm cấm là quyền lựa chọn của nhà đầu tư. Tuy nhiên, để tránh rơi vào những "cạm bẫy" đã được giăng sẵn, ông khuyến cáo nhà đầu tư cần tỉnh táo, thận trọng và cân nhắc kỹ càng trước khi quyết định góp vốn vào bất kỳ doanh nghiệp hoặc tổ chức nào.

Theo vị luật sư này, nhà đầu tư đặc biệt cần lưu ý ba vấn đề quan trọng. Thứ nhất, trước khi tham gia góp vốn, cần tìm hiểu kỹ thông tin về các dự án đầu tư, các tổ chức huy động vốn, cũng như các giấy tờ pháp lý như giấy phép thành lập và hoạt động, ngành nghề kinh doanh... Nhà đầu tư nên nhờ chuyên gia kiểm tra pháp lý và đánh giá những rủi ro để đưa ra quyết định đúng đắn.

Thứ hai, cần kiểm chứng thông tin mà công ty quảng cáo và đặc biệt cảnh giác trước mọi lời cam kết trả lợi nhuận "siêu cao" hoặc trả thưởng "khủng" so với thị trường. Thứ ba, cần có các biện pháp theo dõi, giám sát và kiểm chứng mục đích sử dụng của nguồn tiền đã góp vốn. Điều này giúp bảo đảm rằng số tiền đầu tư được sử dụng đúng mục đích và giảm bớt rủi ro mất mát.

Đồng tình, một giảng viên đại học chuyên ngành kinh tế ở Đà Nẵng cảnh báo rằng, các hình thức như "hợp đồng góp vốn đầu tư", "hợp đồng cho vay", "hợp đồng đầu tư cam kết lợi nhuận" có thể là hoạt động huy động vốn được ngụy trang tinh vi với nhiều rủi ro.

Ở góc nhìn cẩn trọng, luật sư Nguyễn Công Tín (Đoàn Luật sư Đà Nẵng) cho biết, khi cho vay lãi suất cao, nhiều khách hàng rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan: mất tiền nhưng không dám tố cáo vì lo sợ bị truy cứu về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.

Theo ông Tín, Điều 201 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định tội này được cấu thành bởi hai yếu tố đặc trưng: cho vay với lãi suất từ 100%/năm trở lên, tức gấp 5 lần mức lãi suất cao nhất theo Bộ luật Dân sự hiện hành là 20%/năm; thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng trở lên, hoặc dưới 30 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt hành chính hoặc kết án về tội này mà chưa được xóa án tích.

Luật sư Thu Hà (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, những vụ việc liên quan đến Công ty GFDI và các doanh nghiệp tương tự đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự cần thiết phải loại bỏ các doanh nghiệp lừa đảo khỏi thị trường. Để đạt được mục tiêu này, cần có một chiến lược toàn diện, bao gồm việc thắt chặt khung pháp lý, tăng cường giám sát và nâng cao nhận thức của cộng đồng.

Trong đó, cơ quan chức năng cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát hoạt động của các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp có dấu hiệu bất thường như tăng vốn đột biến, hứa hẹn lãi suất cao bất thường, hoặc thay đổi trụ sở liên tục. Việc áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý và giám sát cũng sẽ giúp phát hiện sớm các hành vi vi phạm.

Người cho vay hoặc góp vốn cần hiểu nguyên tắc lợi nhuận đi kèm với rủi ro; lãi suất càng cao thì rủi ro càng lớn. Khi gặp lãi suất cao hơn ngân hàng, cần đặt nghi vấn và tìm hiểu kỹ về hoạt động kinh doanh của công ty huy động vốn, đặc biệt với các hợp đồng lãi suất cao bất thường.