Ổn định, phát triển các thị trường lao động ngoài nước

Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cho biết, để thực hiện mục tiêu đưa từ 125.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, cùng với ổn định, duy trì các thị trường hiện có, Bộ sẽ phát triển, mở rộng thị trường có thu nhập cao, phù hợp với trình độ, kỹ năng của người lao động Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
Trong hai tháng đầu năm 2024, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 23.195 lao động. Ảnh: NAM HẢI
Trong hai tháng đầu năm 2024, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 23.195 lao động. Ảnh: NAM HẢI

Hai tháng, hơn 23 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài

Trong tháng 2/2024, theo số liệu báo cáo từ các doanh nghiệp, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 10.553 lao động, trong đó có 2.789 lao động nữ bao gồm các thị trường: Nhật Bản 8.212 lao động (2.217 lao động nữ), tiếp đến là Đài Loan (Trung Quốc) 1.443 lao động (514 lao động nữ), Hàn Quốc 253 lao động, Thailand 109 lao động, Trung Quốc 100 lao động, Singapore 80 lao động, Hungary 70 lao động (8 lao động nữ) và các thị trường khác.

Tính chung trong hai tháng đầu năm nay, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 23.195 lao động (7.272 lao động nữ), đạt 18,56% kế hoạch năm 2024. Nhật Bản tiếp tục dẫn đầu trong số các thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc, với 17.067 lao động (5.714 lao động nữ). Theo sau là Đài Loan (Trung Quốc) với 4.294 lao động (1.407 lao động nữ), Hàn Quốc 419 lao động.

Ba thị trường trên đều là các thị trường xuất khẩu lao động truyền thống, trọng điểm, chiếm hơn 90% số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài mỗi năm. Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, sang năm 2024, các thị trường này cũng có thêm đà mới. Thí dụ, với nhiều thay đổi trong chính sách nhập cư lao động của Chính phủ Hàn Quốc, “xứ sở kim chi” dự kiến sẽ thu hút mạnh mẽ người lao động (NLĐ) Việt Nam. Ông Phạm Minh Đức, Trưởng Văn phòng EPS Việt Nam tại Hàn Quốc cho biết, so với các thị trường truyền thống khác như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), mức lương NLĐ nước ngoài nhận được tại Hàn Quốc cao hơn đáng kể.

Bắt đầu từ năm nay, Hàn Quốc sẽ thí điểm mở rộng một số ngành nghề mới được tiếp nhận lao động nước ngoài. Tỷ lệ lao động nước ngoài trong một số doanh nghiệp Hàn Quốc cũng tăng. Điều kiện về môi trường làm việc, nơi ăn ở cho NLĐ nước ngoài cũng sẽ được cải thiện, nhất là các ngành xây dựng, đóng tàu. “Tuy rất thiếu nhân công nhưng Hàn Quốc vẫn đòi hỏi NLĐ nước ngoài phải cải thiện nhiều hơn về trình độ ngoại ngữ, tay nghề, nhất là ý thức kỷ luật, tuân thủ đúng hợp đồng, hạn chế chuyển việc. Nhưng vẫn còn một số lao động người Việt có ý thức kỷ luật chưa tốt, hay nhảy việc... nên cần lưu ý thêm để giữ được thị trường khá tốt này”, ông Đức nói.

Bên cạnh đó, một số thị trường tiếp nhận lao động đi làm việc khác cũng tăng là Trung Quốc với 229 lao động, Singapore 154 lao động nam, Hungary 93 lao động (15 lao động nữ), Romani 165 lao động (2 lao động nữ) và các thị trường khác.

Mới đây, Bộ LĐ-TB&XH vừa ban hành Thông tư 02/2024/TT-BLĐTBXH sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 21/2021/TT-BLĐTBXH quy định chi tiết một số điều của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Quy định sẽ chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/5 tới đây. Một trong những nội dung đáng chú ý là đã sửa đổi Điều 7 Thông tư 21/2021 về mức trần giá dịch vụ theo hợp đồng môi giới xuất khẩu lao động.

Theo đó, mức trần giá dịch vụ theo hợp đồng môi giới theo thỏa thuận giữa doanh nghiệp dịch vụ với tổ chức, cá nhân trung gian, nhưng không được vượt quá 0,5 tháng tiền lương theo hợp đồng của NLĐ cho mỗi 12 tháng làm việc. Trường hợp hợp đồng lao động có thời hạn làm việc từ 36 tháng trở lên thì mức trần giá dịch vụ theo hợp đồng môi giới không quá 1,5 tháng tiền lương theo hợp đồng của NLĐ.

Mức trần giá dịch vụ theo hợp đồng môi giới cũng được quy định rõ ràng đối với một số thị trường, ngành, nghề cụ thể. Theo đó, mức trần giá dịch vụ theo hợp đồng môi giới là 0 đồng, áp dụng cho mọi ngành nghề đối với các thị trường Nhật Bản và Thailand; áp dụng cho nghề thuyền viên tàu cá xa bờ, tàu vận tải tại thị trường Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc; nghề lao động giúp việc gia đình tại các thị trường Malaysia, Brunei và các nước Tây Á; nghề lao động nông nghiệp tại Australia.

Dành cho NLĐ có tay nghề

Cùng với ổn định, duy trì các thị trường hiện có, Bộ LĐ-TB&XH hướng tới phát triển, mở rộng thị trường có thu nhập cao, phù hợp trình độ, kỹ năng của NLĐ Việt Nam.

Tháng 12/2023, Chính phủ Australia đã công bố chiến lược nhập cư giai đoạn 2024 - 2025. Trong đó, tập trung thu hút nhân lực có tay nghề để giải quyết sự thiếu hụt nhân lực có chuyên môn, tạo sự linh hoạt cho NLĐ nhập cư thay đổi công việc phù hợp. Chính phủ Australia dự kiến ban hành visa mới có tên gọi “Skill in Demand” với ba diện chính, gồm: diện Specialist Skills - dành cho những người di cư có tay nghề cao và có tiềm năng đóng góp lớn cho quốc gia; diện Core Skills - dành cho những đương đơn có nghề nghiệp nằm trong danh sách nghề nghiệp kỹ năng cốt lõi mới; và diện Essential Skills - dành cho những NLĐ có kỹ năng thiết yếu. Điểm nổi bật của loại visa này là cho phép NLĐ thay đổi công việc trong thời gian visa của họ còn hiệu lực. Chính phủ Australia cũng sẽ điều chỉnh các visa của khu vực chỉ định và chương trình “Working Holiday Maker” để hỗ trợ các địa phương và NLĐ ở khu vực này.

Châu Âu tiếp tục là thị trường được NLĐ quan tâm và thực tế trong năm 2023, hàng nghìn lao động đã chọn Hungary, Romania, Ba Lan, Đức... để đến làm việc và học nghề. Bà Nguyễn Hoàng Minh Nhựt, Giám đốc Công ty TNHH Tổ chức Tư vấn giáo dục quốc tế IECS cho biết, nếu khai thác tốt, Đức là thị trường việc làm chất lượng cao tốt cho NLĐ Việt Nam thông qua con đường du học nghề.

Với những điểm nổi bật như miễn học phí, người học nghề được trả lương và cơ hội 100% có việc làm sau khi tốt nghiệp sẽ giúp những lao động trẻ chưa có tay nghề có sự nghiệp vững chắc tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Từ đó, mở ra cánh cửa cho NLĐ vươn ra nhiều nước phát triển trong khối châu Âu hay những nước khác trên thế giới.

“Điều dưỡng, nhà hàng - khách sạn, xây dựng, công nghệ thông tin, lái tàu... là những nhóm công việc rất phù hợp với lao động trẻ Việt Nam tại Đức. Nước này có hệ thống an sinh xã hội được đánh giá tốt nên cơ hội để NLĐ định cư, ổn định phát triển sự nghiệp là rất cao”, bà Nhựt cho biết thêm.

Ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Quản lý lao động ngoài nước, khuyên NLĐ khi có nguyện vọng ra nước ngoài làm việc thì cần tìm hiểu thật kỹ các chương trình Việt Nam ký kết với các quốc gia và vùng lãnh thổ - từ tiêu chí tuyển dụng, ngành nghề đến chi phí và phải chọn những doanh nghiệp dịch vụ được cấp phép. Đối với những nước mà Việt Nam chưa ký kết hợp tác lao động, NLĐ hết sức cẩn thận, tham khảo nhiều nguồn tin chính thống để phòng tránh rủi ro.