Nửa thế kỷ giữ gìn sách cũ

“Không có nhiều nơi trên thế giới mà cứ 59 cư dân thì có một hiệu sách”, đó là lời giới thiệu đầy tự hào của thị trấn Hay nằm ven sông Wye (Hay-on-Wye), thuộc Xứ Wales của Vương quốc Anh. Từ cách đây hơn 50 năm, Hay-on-Wye đã mở màn cho phong trào lập “làng sách” đầu tiên trên thế giới với hàng triệu đầu sách cả mới lẫn cũ lưu giữ trong những hiệu sách cổ kính.
0:00 / 0:00
0:00
Trưng bày sách ở Hay-on-Wye. Ảnh: GETTY
Trưng bày sách ở Hay-on-Wye. Ảnh: GETTY

Từ cuối những năm 70 của thế kỷ trước, ước tính các chủ hiệu sách làng Hay-on-Wye đã nắm giữ hơn một triệu cuốn sách cũ và tiếp tục lưu giữ những “kho báu tri thức” vượt thời gian. “Thị trấn sẽ luôn là thánh địa của sách. Có thể bạn đã từng nghe câu “Mọi con đường đều dẫn đến Rome”, thì ở đây “tất cả các cuốn sách đều dẫn đến Hay-on-Wye”, ông Derek Addyman, chủ một hiệu sách địa phương chia sẻ.

Theo CNN, ông Richard Booth đã được ghi nhận là người xây dựng nền tảng cho sự thành công của Hay-on-Wye. Năm 1962, ông mở cửa hàng sách cũ đầu tiên ở thị trấn, sau đó tiếp tục mua thêm sách và chuyển nhượng, cũng như mời thêm nhiều người khác tham gia mở rộng số cửa hàng sách trong vùng. Những năm đó, thị trấn đang đối mặt nguy cơ bị quên lãng khi không còn mấy khách du lịch tìm đến và các hoạt động thu hút khách cũng nghèo nàn, nhàm chán. Booth đã đặt mục tiêu làm cho thị trấn trở nên nổi bật bằng cách lấy sách làm “kim chỉ nam”.

Hiện nay, nhiều chủ cửa hàng sách cũ trong thị trấn là những người đã từng làm việc trong hiệu sách của Richard Booth năm xưa. Cửa hàng đầu tiên của ông có địa chỉ tại số 44 phố Lion ở Hay-on-Wye, không chỉ là hiệu sách lớn nhất trong thị trấn mà còn lớn hàng đầu châu Âu. Theo lời giới thiệu trên trang du lịch của thị trấn, thì cửa hàng này “bán nhiều sách cũ hơn bất kỳ hiệu sách nào khác trên thế giới”.

Du khách đến thị trấn có thể mua và đọc sách ở hầu như mọi nơi, khi mọi không gian đều được tận dụng để trưng bày hay đặt các tủ sách. Ngay cả chung quanh khuôn viên của các lâu đài cổ, người ta cũng đặt những cuốn sách trong các tủ gỗ nhỏ, nhiều chiếc tủ thậm chí đã cũ kỹ, được dựng kèm với một “chiếc hộp trung thực” để du khách trả tiền tùy ý cho mỗi cuốn sách mà họ yêu thích và muốn mua. Trong các con phố nhỏ, ngõ hẻm của thị trấn hay các lối đi bộ cũng đầy ắp những giá sách và hộp sách đủ mọi tiêu đề, chủng loại.

Bà Anne Brichto, một người bán sách ở Hay-on-Wye cho biết: “Giờ đây không còn nhiều người đến hiệu sách, họ mua sắm trên những ứng dụng trực tuyến. Các doanh nghiệp lớn đang khiến những người làm ăn nhỏ như chúng tôi khó khăn. Tuy nhiên, tầm nhìn của mỗi người làng Hay-on-Wye là cố gắng giữ lại những thú vui chậm rãi khi lật giở từng trang giấy và đọc trên các cuốn sách in”.

Hơn 30 cửa hàng sách cổ kính và rộng rãi của làng có đủ mọi loại sách, từ sách văn học cho đến truyện thiếu nhi…, thường xuyên thu hút người đọc đến mua và tham quan. Đáng chú ý là hiệu sách The Sensible, nơi những người chuyên săn sách cổ và các nhà sưu tầm ấn bản đầu tiên thường xuyên lui tới để tìm kiếm các cuốn sách đã được lưu giữ vượt thời gian. Dù vậy, hiện nay không có nhiều người trẻ kinh doanh ở thị trấn nữa. “Chúng tôi muốn giữ cho mọi hoạt động của thị trấn tiếp tục phát triển. Chúng tôi muốn mở thêm các hiệu sách. Tất cả các thị trấn miền quê khác ở Wales đều đẹp nhưng họ không được ghé thăm nhiều như ở Hay, vì chúng tôi có sách”, bà Anne Brichto nói.

Hay-on-Wye đã chứng minh rằng một thị trấn nhỏ ở nông thôn có thể duy trì phát triển kinh tế nhờ chuyên bán sách. Đã có nhiều thị trấn trên khắp thế giới thực hiện “chiến lược” tương tự, trong đó có làng sách Redu ở Bỉ, Montolieu tại Pháp… Ngoài khai thác những thế mạnh sẵn có về cảnh quan, thời tiết hay văn hóa địa phương, những làng sách hay phố sách này đã tự gây dựng “thương hiệu”, không những góp phần bảo tồn nét đẹp cổ kính mà còn phát triển nền kinh tế địa phương.