Nỗi day dứt khôn nguôi của thuyền trưởng tàu 41

Giao thừa năm 1965, giữa lúc khói lửa chiến tranh vẫn còn leo thang ác liệt, chuyến tàu không số chở vũ khí từ miền bắc chi viện cho miền nam đã an toàn cập bến Vũng Rô (Phú Yên). Đúng 0 giờ, pháo sáng nổ rung trời, Đài Tiếng nói Việt Nam phát đi lời chúc Tết của Bác Hồ… Sinh ra và lớn lên ở xóm chài ven biển Tuy Hòa, đó là lần đầu tiên sau bao năm xa cách, thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh được đón Giao thừa trên mảnh đất quê hương.
0:00 / 0:00
0:00
Anh hùng Hồ Đắc Thạnh còn trăn trở những nỗi niềm với đồng đội năm xưa.
Anh hùng Hồ Đắc Thạnh còn trăn trở những nỗi niềm với đồng đội năm xưa.

Mở tuyến Vũng Rô

Cuối năm 1964, phong trào đấu tranh vũ trang và đấu tranh chính trị phát triển rầm rộ ở chiến trường khu V khiến nhu cầu chi viện vũ khí ngày càng trở nên bức thiết. Bộ Quốc phòng khi đó đã ra chỉ thị nghiên cứu mở thêm bến mới ở đây và Vũng Rô là điểm được chọn. Nhiệm vụ mở đường giao thuyền trưởng tàu 41, thuộc Đoàn 759 (Đoàn tàu không số, đơn vị tiền thân của Lữ đoàn vận tải quân sự trên biển 125) Hồ Đắc Thạnh.

Vậy là chỉ trong hai tháng cuối năm 1964 đến đầu năm 1965, tàu 41 do thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh chỉ huy đã ba lần cập bến Vũng Rô an toàn, kịp thời đưa hàng trăm tấn vũ khí giúp quân dân chiến trường khu V mở rộng vùng giải phóng.

“Vũng Rô là nơi có vũng nước sâu, tàu ra vào không phụ thuộc thủy triều, lại nằm sát đường sắt và quốc lộ 1, nơi địch rất sơ hở. Nếu biết lợi dụng yếu tố bí mật, bất ngờ thì nơi nguy hiểm sẽ thành nơi an toàn. Sau khi nhận nhiệm vụ, Ban chỉ huy tàu 41 đã bắt tay ngay vào nghiên cứu hải đồ, tính toán thủy triều, tìm hướng tránh radar và chuẩn bị cho chuyến đi”, Anh hùng Lực lượng vũ trang Hồ Đắc Thạnh nhớ lại.

Ngày 16/11/1964, chuyến tàu đầu tiên chở vũ khí đến Vũng Rô bắt đầu xuất phát. Sau 12 ngày đêm lênh đênh trên biển, đối mặt với muôn vàn khó khăn, gian khổ khi vừa tìm cách tránh bão, vừa khéo léo đối phó với kẻ thù, ông Thạnh đã đưa tàu vào bến an toàn.

Cập bến Vũng Rô, cảm giác hoàn thành nhiệm vụ đan xen với sự bồi hồi bởi đã quá lâu rồi mới được trở về quê hương. Bất ngờ hơn nữa khi người bến trưởng được giao nhiệm vụ đón tàu lại là anh Trần Suyền, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên. Thuở còn nhỏ ở gần nhà, nay gặp lại, cả hai cùng xúc động ôm nhau khóc. Lúc bấy giờ thuyền trưởng Thạnh mới báo cáo tàu chở 63 tấn vũ khí, nhiệm vụ ở đây đến 3 giờ sáng, đề nghị anh Suyền chuẩn bị lực lượng bốc hàng cho tàu ra.

“Bỗng anh Suyền thay đổi nét mặt trầm tư bởi cứ ngỡ Trung ương điều tàu nhỏ chở 3-5 tấn vũ khí, giờ thành 63 tấn, lấy đâu người bốc dỡ trong đêm?”, những ký ức còn vẹn nguyên trong tâm trí thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh.

Được giao toàn quyền xử lý tình huống, ông Thạnh cùng cấp ủy Chi bộ tàu 41 quyết định phương án huy động bộ đội, dân công địa phương chặt cây rừng phủ lên những tấm lưới giăng từ chân núi ra Bãi Chính, phủ kín thân tàu hóa thành… “mỏm núi”. Đêm sau, ông cho tàu cặp Bãi Chính sớm hơn và đến 3 giờ sáng, toàn bộ 63 tấn vũ khí, đạn dược của hậu phương miền bắc đã được bốc dỡ giao cho quân và dân Phú Yên. Rồi ông nhanh chóng cho tàu quay ra hải phận quốc tế trước khi trời sáng. Chuyến hàng đầu tiên an toàn tạo sự tin tưởng cho cấp trên về một con đường vận chuyển vũ khí đến Phú Yên.

Giao thừa trên đất quê hương

Trở ra bắc chỉ kịp nghỉ ngơi ít ngày, tàu 41 lại nhận lệnh đi chuyến tiếp theo, thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh có dịp trở lại Vũng Rô ngày 25/12/1964. Chuyến đi này, ngoài hơn 60 tấn vũ khí, đạn dược, tàu còn chở bốn đồng chí cán bộ và 3 tấn gạo cho đơn vị bến. Những tưởng đã hoàn thành nhiệm vụ với Vũng Rô thì ngay khi vừa về Hải Phòng, ông Thạnh lại nhận lệnh tranh thủ sơ hở của địch tiếp tục chở vũ khí vào chiến trường miền trung. Đặc biệt, chỉ thị nêu rất rõ, tàu phải cập bến Vũng Rô đúng đêm Giao thừa.

“Mình chỉ ao ước đưa được vũ khí về Phú Yên cho quân và dân đánh giặc nhưng không ngờ còn có đặc ân được ăn Tết ở quê hương… Xúc động lắm! Nhận nhiệm vụ, anh em thủy thủ trên tàu bàn nhau góp tiền chuẩn bị bánh chưng, bánh tét, kẹo, thuốc lá, chè và cả một cành đào Nhật Tân đặc trưng của Tết miền bắc… Tất cả những thứ này đều tuyệt đối bí mật, không có tên, không có địa chỉ như chính con tàu của mình”, ông Thạnh bồi hồi nhớ lại.

Đúng Giao thừa năm 1965, tàu vào vịnh Vũng Rô, qua Đài Tiếng nói Việt Nam mở nhỏ, các chiến sĩ xúc động nghe Bác Hồ chúc Tết. Tàu 41 phải neo lại hai đêm mới bốc dỡ hết hàng. Trong lúc đang liên hoan đón Tết, nữ giải phóng quân tên là Nguyễn Thị Tản đã đưa cho thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh một nắm đất bọc trong chiếc khăn mùi xoa.

Gặp lại người nữ dân quân năm xưa, nay tuổi đã ngoài 70 trong căn nhà nhỏ ở Phú Yên, bà chia sẻ: Lúc đó vô cùng khó khăn, gian khổ, bến Vũng Rô chẳng có gì đáng giá để tặng cho các thủy thủ “tàu không số”. Mình chỉ suy nghĩ rằng, con người sinh ra, lớn lên rồi mất đi gắn liền với đất; bao nhiêu đồng chí, đồng đội chiến đấu, hy sinh cũng để bảo vệ từng tấc đất quê hương. Từ đó, mình quyết định tặng thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh và thủy thủ trên tàu nắm đất Vũng Rô. Mong các anh luôn nhớ mãi quê hương và đó cũng là tình cảm của nhân dân miền nam gửi ra miền bắc.

Chiến tranh đã lùi xa vào quá khứ, ký ức người thuyền trưởng năm xưa đầy ắp những kỷ niệm buồn vui nhưng đêm Giao thừa trên con tàu không số nghe Bác Hồ chúc Tết Ất Tỵ giữa vùng địch ở bến Vũng Rô mãi mãi là kỷ niệm sâu sắc nhất. Nắm đất Vũng Rô gói trong chiếc khăn tay thêu đôi chim hòa bình sau đó được ông Thạnh cùng 20 thuyền viên nâng niu chuyền qua tay nhau mang về bắc an toàn và hiện đang được lưu giữ ở Bảo tàng Hải quân. Hình ảnh nữ giải phóng quân Nguyễn Thị Tản trao nắm đất quê hương cho thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh đã được tái hiện bằng bức điêu khắc đồng đặt tại Nhà truyền thống Lữ đoàn 125 anh hùng.

Nỗi niềm trăn trở

Hơn 30 năm can trường bám biển, Anh hùng Lực lượng vũ trang Hồ Đắc Thạnh từng chỉ huy 12 chuyến tàu không số vận chuyển vũ khí chi viện cho chiến trường miền nam. Lần đầu ông Thạnh làm thuyền phó tàu 54 rời Hải Phòng ngày 12/9/1963, chở 60 tấn vũ khí vào Cà Mau. Thêm một chuyến làm thuyền phó tàu 56 vào Bến Tre ngày 6/12/1963. Ông Thạnh sau đó làm Thuyền trưởng tàu 41, chỉ huy 10 chuyến tàu vận chuyển hàng trăm tấn vũ khí vào Bến Tre, Cà Mau, Trà Vinh, Phú Yên, Quảng Ngãi.

“Gọi là tàu không số, nhưng thực ra tàu nào cũng có số hiệu. Để vượt qua tầm kiểm soát của địch với các đội hải thuyền, tàu chiến trên biển, máy bay trên không và hệ thống radar dọc tuyến…, những con tàu vận chuyển vũ khí đều giấu số hiệu, mang theo cờ một số nước và lắm khi vươn ra hải phận quốc tế rồi mới ngược về Cà Mau. Có lúc tàu giả làm tàu đánh cá, đôi khi lại hóa trang thành tàu chở dầu… để che mắt địch”, ông Thạnh kể.

Ở tuổi ngoài 80, mái tóc Anh hùng Hồ Đắc Thạnh đã bạc màu thời gian nhưng phong thái vẫn đậm chất lính biển, bình dị mà hào sảng. Sau ngày đất nước thống nhất, Trung tá Hồ Đắc Thạnh làm Phó Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân, đến năm 1984 nghỉ hưu về cư trú ở quê hương Tuy Hòa. Mấy lần ông chủ động rút tên khỏi danh sách anh hùng chỉ vì nguyện ý dành lại phần thưởng cao quý này cho những đồng đội đã hy sinh. Cho đến nay, tất cả những nỗi niềm của ông vẫn chỉ dành cho đồng đội.

Người thuyền trưởng năm xưa chia sẻ, đến giờ ông vẫn còn day dứt khi chưa đưa được hài cốt của một người đồng đội trở về quê hương. Bên cạnh đó, từ Bến K15 (Đồ Sơn, Hải Phòng) - nơi “cột mốc số 0” của Đường Hồ Chí Minh trên biển đã có hàng trăm chuyến tàu xuất phát, chở vũ khí, phương tiện và người chi viện cho chiến trường miền nam. Tuy nhiên đến nay, nơi đây vẫn chưa có nhà tưởng niệm tàu không số để thờ các anh hùng liệt sĩ và những người đã chiến đấu hy sinh. Bên cạnh đó, Đức Phổ (Quảng Ngãi) là một bến có bốn tàu vào chiến đấu, hy sinh nhưng đến nay, dù đã được công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh vẫn chưa có bia tưởng niệm. Rồi trong cuộc Tổng tiến công nổi dậy mùa xuân 1968, có bốn tàu không số vào Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Cà Mau. Đau thương nhất là tàu 165 khi toàn bộ cán bộ, chiến sĩ đều anh dũng chiến đấu hy sinh. Có điều cho đến nay mới chỉ có thuyền trưởng được tuyên dương anh hùng, còn 20 thủy thủ khác vẫn chưa được công nhận!? Đó là những điều trong suốt 60 năm qua vẫn luôn làm người thuyền trưởng anh hùng của con tàu không số day dứt khôn nguôi...

“Em xin gửi nắm đất Phú Yên theo tàu các anh đi ra bắc. Mảnh đất Phú Yên kiên trinh bất khuất, giặc cày đi xéo lại nhiều lần nhưng hôm nay nhận được vũ khí miền bắc, chúng em xin hứa sẽ anh dũng bảo vệ quê hương, giữ vững niềm tin chiến thắng”, bà Nguyễn Thị Tản nhắn nhủ khi trao tặng nắm đất Vũng Rô.