BÀI VIẾT THAM DỰ CUỘC THI TÁC PHẨM BÁO CHÍ VỀ ĐỀ TÀI “HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH” GIAI ĐOẠN 2022-2025

Nồi cháo thiện nguyện của người lính Cụ Hồ

Tại Bệnh viện đa khoa Sơn Tây (Hà Nội), suốt gần chục năm nay, các y, bác sĩ và bệnh nhân đã quen thuộc với hình ảnh vợ chồng ông Phạm Anh Tuấn hằng tuần lại tổ chức phát cháo miễn phí. Những bát cháo nóng hổi, chan chứa tình yêu thương đã phần nào làm ấm lòng người bệnh, giúp họ kiên cường chiến đấu với bệnh tật.
0:00 / 0:00
0:00
Nồi cháo của ông Tuấn đến với người bệnh khó khăn tại Bệnh viện đa khoa Sơn Tây.
Nồi cháo của ông Tuấn đến với người bệnh khó khăn tại Bệnh viện đa khoa Sơn Tây.

Nồi cháo nghĩa tình

Tôi tìm đến nhà ông Phạm Anh Tuấn sau một chiều mưa nặng hạt. Đến phường Lê Lợi (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) hỏi thăm về người đàn ông này ai cũng chỉ dẫn nhiệt tình. Đặc biệt, ở quanh khu vực Bệnh viện đa khoa Sơn Tây nếu hỏi về ông, ngoài dẫn đến thăm tận nhà, người ta còn có thể kể vanh vách những việc thiện nguyện ông làm.

Biết tôi có ý định viết về mình, ông Tuấn bảo, những việc ông làm chỉ nhỏ bé, ngoài kia còn vô vàn những người tốt và làm những việc lớn lao hơn. Làm từ thiện là làm từ tâm, cần sự kiên trì, bởi vậy ông đã, đang và sẽ tiếp tục với hành trình giúp đời, giúp người mà bản thân đã chọn.

Ông Tuấn kể, tháng 8/1980 ông nhập ngũ và được biên chế vào Tiểu đoàn 274, Trung đoàn 43, Sư đoàn 323, đặc khu Quảng Ninh. Làm nhiệm vụ giữ gìn biên cương Tổ quốc đến tháng 5/1985 ông ra quân với hàm Trung sĩ. Về địa phương, phát huy tinh thần của người lính Cụ Hồ, ông Tuấn năng nổ tham gia các phong trào của địa phương. Ông tham gia công tác ở HĐND phường Lê Lợi (2004-2011). Trong giai đoạn từ năm 1998-2012 và 2013-2017 ông đảm nhiệm cương vị Tổ phó Tổ dân phố Hồng Hà (phường Lê Lợi).

Nhắc đến cơ duyên nảy sinh ý định nấu cháo từ thiện, ông chia sẻ, năm 2015 một người thân chẳng may bị ung thư, phải vào điều trị dài ngày trong bệnh viện. Trông cảnh người thân và những người chung quanh quay cuồng trong bệnh tật và muôn vàn những khó khăn về cơm áo khiến ông không thể cầm lòng. Ông bảo, có những người bệnh, vì hoàn cảnh khó khăn mà chỉ ăn uống cho qua bữa, rất tội nghiệp. Nếu có sự hỗ trợ, dù chỉ là một bát cháo giàu dinh dưỡng nhưng chứa đựng nguồn động viên lớn thì không chỉ giúp họ bớt khó khăn về vật chất mà còn tiếp thêm năng lượng tích cực để họ chiến thắng bệnh tật.

Nghĩ là làm, ông về bàn với vợ là bà Nguyễn Thị Thành về ý định nấu cháo từ thiện. Chẳng đắn đo, vợ ông Tuấn ủng hộ chồng hết mực. Ngày đầu tiên “khai trương” nồi cháo từ thiện, vợ chồng ông Tuấn dậy từ 4 giờ sáng. Để nồi cháo thơm ngon, ông bà đã tất tả dậy sớm đi chợ, chuẩn bị rau củ, thịt và nổi lửa ninh cháo. Tất cả nguyên liệu nấu phải sạch sẽ và ngon. Bà Thành bảo, mình ăn như thế nào thì phải nấu ngon như vậy. Người bệnh đã khổ, đã đớn đau trong người, nếu thức ăn không ngon thì cũng khó nuốt.

Theo tìm hiểu, mỗi nồi cháo vợ chồng ông Tuấn chuẩn bị, nếu tính giá trị thì khoảng 650 nghìn đồng, chia ra được khoảng 250 suất. Ngoài ra, để người bệnh có thêm lựa chọn, vợ chồng ông Tuấn bàn nhau làm thêm 50 suất cơm, trị giá 30 nghìn đồng mỗi suất. Lúc đầu, nhiều người bệnh cứ nghĩ cháo và cơm không ngon, cho nên khi vợ chồng ông vào mời, họ tỏ ra rất dè dặt. Nhưng khi ăn cháo, ăn cơm rồi, nhiều người đã khóc vì xúc động.

Dần dà làm nhiều cũng thành quen. Nồi cháo và những suất cơm của vợ chồng ông Tuấn nấu ra bao nhiêu hết bấy nhiêu. Việc thiện của vợ chồng ông Tuấn nổi tiếng khắp xa gần. Người biết truyền đạt cho người chưa biết, cứ thế ai cũng cảm nhận được sự sẻ chia, hướng về cộng đồng của vợ chồng ông Tuấn.

Nồi cháo thiện nguyện của người lính Cụ Hồ ảnh 1

Ông Phạm Anh Tuấn tặng quà cho các bệnh nhi.

Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình

Làm từ thiện tưởng dễ mà không hề dễ. Ông Tuấn chia sẻ, bản thân ông và gia đình, dù tự bỏ tiền túi, bỏ thời gian và công sức để làm thiện nguyện nhưng không phải lúc nào cũng được hiểu đúng và được trân trọng công sức của mình. Ông kể, giai đoạn đầu khi mới bắt tay vào nấu cháo, nấu cơm miễn phí cho người bệnh, cứ đều đặn tuần hai buổi (thứ 4 và thứ 6), khi đẩy xe ra bệnh viện là có những người xấu miệng lại chỉ trỏ. Có người còn chỉ thẳng vào ông và nói những điều sỗ sàng. Họ bô bô giữa chợ rằng, ông bà cứ phát đồ ăn thức uống như vậy là đạp đổ chén cơm của người khác, người bệnh ăn cháo, ăn cơm từ thiện rồi thì ai đi ra ngoài mua thực phẩm nữa. Người khác lại quả quyết, ông bà làm việc thiện cốt yếu chỉ để nhằm đánh bóng tên tuổi, để lôi kéo nhà hảo tâm và hướng đến việc trục lợi.

Bỏ ngoài tai tất thảy những lời không hay đó, ông Tuấn và vợ vẫn kiên trì làm những việc thiện tâm. Ông bảo, bản thân có ít tiền thì ông sẽ từ thiện ít, có nhiều sẽ từ thiện nhiều. Bởi vậy, suốt nhiều năm nay, dù nhiều người có tấm lòng thơm thảo tìm đến mong được quyên góp tiền để mở rộng quy mô nồi cháo từ thiện nhưng ông cũng đành khước từ. Ông trân trọng những tấm lòng ấy nhưng chỉ có cách khước từ như vậy ông mới an yên. Dần dà, thời gian đã chứng minh tất cả. Những lời gièm pha, những toan tính xấu xí hướng đến việc làm thiện nguyện của ông Tuấn cũng dần bị đẩy lùi. Tấm lòng thơm thảo của ông Tuấn được chứng minh là trong sáng và vô tư.

Kể về một kỷ niệm vui về chuyện này, ông Phạm Anh Tuấn bộc bạch: “Có lần người con dâu đi xe bus từ Hà Nội về Sơn Tây, khi phụ xe hỏi và biết điểm xuống là nhà bố Tuấn Thành thì họ nói ngay rằng cho đi miễn phí. Họ bảo với con dâu tôi, ông Tuấn Thành nấu cháo từ thiện là người rất tốt, mong cô chuyển lời hỏi thăm sức khỏe. Đến nhà, cô con dâu ôm chầm lấy bố mẹ rồi thủ thỉ, con tự hào về bố mẹ. Đấy là niềm vui sướng tôi nhận được. Có những thứ hạnh phúc không thể mua được bằng tiền…”.

Những việc làm ý nghĩa của ông Phạm Anh Tuấn đã tô thắm thêm hình ảnh người lính Cụ Hồ trong cuộc sống thời bình, là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ học tập, noi theo. Với việc làm thiện nguyện thầm lặng suốt nhiều năm qua, ông Phạm Anh Tuấn đã được Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” năm 2023; ông cũng là một trong những cá nhân điển hình trong phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt” của UBND thị xã Sơn Tây.

Không chỉ bó hẹp trong việc thiện nguyện những suất ăn, từ năm 2017, mỗi dịp Tết Nguyên đán, Trung thu, ngày 1/6…, ông Tuấn đều cùng những người thân trong gia đình góp tiền, tặng quà các bệnh nhân và người nhà bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa Sơn Tây. Những suất quà đôi khi chỉ là chiếc bánh, đèn lồng cùng vài trăm nghìn đồng nhưng chan chứa tình cảm của một người giàu lòng nhân ái. Ông bảo, nhìn những người bệnh vui vẻ, những nụ cười tươi rói nở trên môi những đứa trẻ là ông thấy vui, thấy đời mình sống có ý nghĩa.

Ngoài ra, để người nhà bệnh nhân có thêm điều kiện và sức lực trông nom người bệnh, ông Tuấn sắm 20 chiếc giường gấp để cho họ mượn miễn phí. Nhắc chuyện này, bà Nguyễn Thị Thành vợ ông Tuấn chia sẻ, khi trông người bệnh, nếu người nhà muốn thuê giường sẽ phải bỏ ra số tiền 30 nghìn đồng mỗi đêm. Số tiền thuê giường không lớn nhưng nếu bệnh nhân phải điều trị dài ngày thì áp lực kinh tế sẽ rất nặng nề. Bà Thành bảo, đi viện là điều chẳng ai mong muốn, bởi thế nếu đỡ đần được những phận người kém may đồng nào thì càng quý đồng đấy.

Nhắc về tấm lòng thiện nguyện suốt nhiều năm nay của ông Phạm Anh Tuấn dành cho những bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện, đồng chí Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND phường Lê Lợi cho biết: Ông Tuấn là trường hợp điển hình trong công tác làm từ thiện tại địa phương. Là tấm gương sáng xây dựng tình đoàn kết, yêu thương trong cộng đồng. Hằng năm, hằng tháng ông Tuấn đều làm các chương trình từ thiện. Mỗi tuần đều làm từ thiện tại bệnh viện Sơn Tây. Ông Tuấn cũng là nhân tố tích cực quyên góp kinh phí để dòng họ Phạm tại địa phương phát triển công tác khuyến học khuyến tài. Việc làm của ông Tuấn có sức lan tỏa, thu hút được nhiều người cùng chung tay làm từ thiện, xây dựng tình đoàn kết, yêu thương trong cộng đồng.