Những quán cà-phê lịch sử

Các quán cà-phê có tuổi đời lên đến hơn 100 năm ở Thủ đô Buenos Aires (Argentina) thường là nơi lui tới của các nghệ sĩ, được các nhà văn, nhà thơ đưa vào thi ca, văn học hay nhắc đến trong nhiều ca khúc. Vừa mang giá trị kiến trúc, vừa lưu giữ những kỷ niệm của thành phố, các quán cà-phê cổ dần trở thành một phần văn hóa của Buenos Aires.
0:00 / 0:00
0:00
Những quán cà-phê lâu đời được lưu giữ như một phần lịch sử thành phố. Ảnh: GETTY IMAGES
Những quán cà-phê lâu đời được lưu giữ như một phần lịch sử thành phố. Ảnh: GETTY IMAGES

Một trong những quán lâu đời nhất còn tồn tại có tên là Café Tortoni, nổi tiếng với khách du lịch gần xa. Được mở từ năm 1858, địa điểm này cũng là một công trình kiến trúc cổ độc đáo ở Buenos Aires. Xây dựng theo phong cách Pháp, quán có nhiều phòng lớn với cửa sổ kính mầu, đồ nội thất bằng đá cẩm thạch và gỗ sồi nguyên bản. Năm ngoái, quán vừa kỷ niệm 165 năm hoạt động. “Chúng tôi cố gắng bảo tồn không chỉ di sản kiến ​​trúc mà còn cả truyền thống. Những người phục vụ mặc đồng phục truyền thống, họ nhẩm đếm và ghi nhớ các đơn đặt hàng chứ không ghi chép lại. Đây là một phần văn hóa của Buenos Aires”, chủ sở hữu hiện tại của quán cà-phê, ông Nicolás Prado cho biết.

Theo The Guardian, Tortoni là một trong bốn địa điểm du lịch được ghé thăm nhiều nhất ở Buenos Aires. Những bức tranh và ảnh trang trí trên tường cũng như thể muốn “khoe” sự nổi tiếng đó. Trong số đó có bức chân dung lớn của nhà văn, đại thi hào Argentina Jorge Luis Borges. Ông thường uống cà-phê và gặp gỡ bạn bè ở đó. Nhà soạn nhạc Eladia Blasquez đã viết một bản tango cùng tên "Tortoni", dành tặng cho quán cà-phê này. Đây được xem là quán cà-phê mang tính biểu tượng và đã chứng kiến ​​sự chuyển mình của Buenos Aires từ một ngôi làng khiêm tốn thành một thành phố rộng lớn.

Ngoài giá trị lịch sử, kiến ​​trúc, một số quán còn tạo nên danh tiếng và truyền thống riêng của mình. Quán Barbaro mở cửa từ những thập niên 70 của thế kỷ trước được xem là “nơi gặp gỡ của những nghệ sĩ tiên phong”; hay quán Paulín, nổi tiếng với quầy bánh kẹp thịt (sandwich) được ví là “ngon nhất Buenos Aires”. Một số nơi có quầy chế biến đồ uống đặc biệt, một số tuyển thợ làm bánh thủ công để bán cho khách mang về, hoặc tổ chức những buổi tiệc khiêu vũ và là nơi mọi người gặp nhau nhảy tango…

“Đó chính xác là những điều đưa mọi người đến với các tiệm cà-phê này, họ có những quầy hàng truyền thống, phong cách riêng của người phục vụ khi trao cho khách hàng chiếc bánh, đồ uống… từ thế kỷ trước và vẫn lưu giữ đến ngày nay. Mỗi quán bar đều có một truyền thống khiến nó khác biệt với những quán khác”, Emiliano Michelena, Giám đốc chương trình "Đêm nghệ thuật" ở Buenos Aires cho biết.

Những quán cà-phê, quán bar mang bản sắc địa phương còn là không gian cộng đồng, là nơi gắn kết, biểu diễn, phô bày những ý tưởng nghệ thuật và góp phần lớn vào việc hình thành bản sắc của thành phố. Theo số liệu chính thức của Sở Văn hóa Buenos Aires, có 77 quán bar và cà-phê được đưa vào danh sách với bề dày lịch sử và các hoạt động văn hóa hấp dẫn. Những địa điểm này “chiếm một vị trí nổi bật và mang tính biểu tượng cho văn hóa của thành phố”.

Ở Buenos Aires, một đơn vị được thành lập gọi là Văn phòng các quán bar và cà-phê trực thuộc Sở Văn hóa, với sự tham gia của nhà quản lý và đại diện các chủ sở hữu, có trách nhiệm bảo tồn và phát huy giá trị của “di sản” đặc biệt này. Tổ chức này thường xuyên công bố danh sách các quán bar, cà-phê được công nhận là “nổi bật và có đóng góp trong việc bảo tồn”, đồng thời trao danh hiệu “Quán bar đáng chú ý”.

Được công bố từ năm 1998, danh hiệu “Quán bar đáng chú ý” vinh danh những địa điểm từng chứng kiến những mốc son của thành phố, nơi tụ hội của giới nhạc sĩ, nhà văn, nghệ sĩ…, đồng thời “đặt ra nghĩa vụ phải bảo tồn tinh thần của địa điểm, cũng như quảng bá lịch sử và văn hóa của thành phố”. Ngoài ra, các cơ sở có thể nộp đơn xin hỗ trợ tài chính để bảo vệ di sản và thúc đẩy các hoạt động văn hóa, du lịch.