Giải vô địch bóng bàn quốc gia Báo Nhân Dân lần thứ 42 tranh Cúp PetroVietnam-PVCFC

“Muốn phát triển phải thi đấu nhiều hơn”

Là người thầy dìu dắt biết bao thế hệ vận động viên tài năng tại Trung tâm Thể dục-thể Thao Hoa Lư (Thành phố Hồ Chí Minh), huấn luyện viên Nguyễn Mai Thy đã có cuộc trò chuyện với Nhân Dân cuối tuần, chia sẻ những trăn trở cũng như mong muốn thúc đẩy các tay vợt chuyên nghiệp bứt phá.
0:00 / 0:00
0:00
Huấn luyện viên Nguyễn Mai Thy (bên phải) trao đổi chiến thuật với Nguyễn Khoa Diệu Khánh trong quãng nghỉ giữa giờ. Ảnh: Đăng Khoa
Huấn luyện viên Nguyễn Mai Thy (bên phải) trao đổi chiến thuật với Nguyễn Khoa Diệu Khánh trong quãng nghỉ giữa giờ. Ảnh: Đăng Khoa

- Vừa qua, Nguyễn Khoa Diệu Khánh đã lọt tới chung kết vòng loại Olympic Paris 2024 đầu tháng 5 và suýt giành vé Olympic. Điều này thể hiện tiềm năng rất lớn của vận động viên bóng bàn nước ta?

- Đúng vậy. Các vận động viên Việt Nam có xuất phát điểm tài năng không thua kém các đối thủ trong khu vực. Song, việc được đi thi đấu nhiều, được cọ xát liên tục đang tạo ra lợi thế và khoảng cách rất lớn.

Bước vào mỗi giải đấu quốc tế, các vận động viên cần thời gian bắt nhịp, làm quen, thích nghi với môi trường và cả tốc độ thi đấu. Trong khi đó, nhờ được tham gia cọ xát liên tục, các vận động viên nước ngoài ra sân chẳng khác gì những cuộc tập huấn thông thường.

Như Khánh trong trận chung kết phải mất đến hai ván đấu mới bắt nhịp kịp và thích nghi được với đối thủ. Như thế là quá muộn và trận đấu không còn nhiều thời gian để xoay chuyển tình thế. Dĩ nhiên, vận động viên nước bạn cũng có phần nhỉnh hơn nhưng nếu chúng ta thích nghi nhanh hơn, Khánh chắc chắn sẽ có cơ hội chiến thắng đối thủ.

- Chúng ta cần rút ra bài học kinh nghiệm gì trong quá trình đào tạo vận động viên chuyên nghiệp?

- Muốn bắt nhịp và thích nghi nhanh cần phải đi thi đấu quốc tế liên tục mỗi tháng. Nhìn quanh các nước trong khu vực (như Thái Lan, Singapore hay Malaysia), vận động viên được tạo điều kiện tham dự rất nhiều sự kiện, điển hình như WTT (World Table Tennis) có tour đấu ở nhiều nước. Việc được cọ xát và thi đấu thường xuyên là vô cùng quan trọng.

Muốn vậy, Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam cũng cần bố trí nhân sự chăm lo vấn đề hậu cần, xây dựng kế hoạch dài hơi, tìm hiểu cặn kẽ thời gian và lịch trình của từng giải để có sự sắp xếp tính toán phù hợp. Chuyện tìm kiếm kinh phí, nhà tài trợ cũng là thách thức.

Bên cạnh đó, khi phát triển theo mô hình chuyên nghiệp, cần xây dựng ê-kíp chăm lo chuyên môn cho các em (như huấn luyện viên chính, các thầy phụ hay huấn luyện viên thể lực). Hiện tại, chúng ta chỉ có hai huấn luyện viên chăm lo cho cả đội tuyển quốc gia nam lẫn nữ.

Như giải đấu gần đây ở Thái Lan, hai người thầy mới vừa chỉ đạo cho các vận động viên nam thi đấu lúc ba giờ, đã phải nhanh chóng chạy qua tổ nữ vì các em thi đấu sau đó ít phút. Muốn bứt phá về thành tích, cần có người sâu sát, lên kế hoạch, chỉ đạo riêng, ngay như các bài tập cũng cần phải phân bổ sao cho phù hợp điểm mạnh và điểm yếu của từng người.

- Những khó khăn trên liệu sẽ ảnh hưởng như thế nào tới câu chuyện đào tạo và phát triển tài năng trẻ?

- Thực tế, chúng ta vẫn chưa thu hút được nhiều vận động viên trẻ theo đuổi bộ môn này, tiến lên chuyên nghiệp và coi đây như một nghề đích thực. Phần lớn gia đình các em có năng khiếu vẫn hướng con cái theo học văn hóa, sau đó ra trường có việc làm ổn định.

Muốn thúc đẩy các tài năng trẻ tiến lên chuyên nghiệp, cần phải xây dựng chiến lược rõ ràng để các vị phụ huynh ủng hộ, tin tưởng. Các em nhỏ cũng cần có khoản thu nhập xứng đáng để sống được với đam mê. Cuộc sống hiện tại có quá nhiều thứ để lựa chọn nên phải thật sự đam mê các em mới quyết tâm hy sinh để theo đuổi con đường thể thao chuyên nghiệp.

- Trở lại với sự kiện, Giải vô địch bóng bàn quốc gia Báo Nhân Dân có vai trò và tầm quan trọng như thế nào với sự phát triển của đội ngũ vận động viên?

- Đối với các vận động viên đam mê và chuyên nghiệp, Giải vô địch bóng bàn quốc gia Báo Nhân Dân là giải đấu quan trọng nhất trong năm. Đây là mục tiêu để các tay vợt phấn đấu đạt thứ hạng cao nhất, qua đó ghi tên mình vào bản đồ thành tích Việt Nam. Hơn thế nữa, kết quả giành được sẽ giúp các em lọt vào danh sách tập trung của đội tuyển quốc gia, mở ra cơ hội thi đấu và cọ xát ở những giải đấu quốc tế lớn.

Từng tham dự giải đấu từ khi còn nhỏ, cho tới giờ trên cương vị huấn luyện viên, mỗi mùa giải mang đến với tôi cảm xúc, trải nghiệm và nhiều kỷ niệm khác nhau. Tôi ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực phối hợp tổ chức của Báo Nhân Dân với Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam. Sau 42 năm, giải đấu ngày càng phát triển về quy mô, liên tục nâng cao về chất lượng chuyên môn lẫn giá trị giải thưởng. Đây là tín hiệu đáng mừng cho sự phát triển của bóng bàn nước nhà.

- Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!