Những nỗ lực cứu hộ không mệt mỏi

Trận động đất xảy ra tại tỉnh Ishikawa và khu vực lân cận miền trung Nhật Bản ngày 1/1 vừa qua đã gây tổn thất lớn về người và tài sản. Chính phủ Nhật Bản đã điều động gấp đôi nhân lực của Lực lượng Phòng vệ tham gia các hoạt động cứu hộ, với hy vọng cứu được càng nhiều người càng tốt.
Lực lượng cứu hộ tại tỉnh Ishikawa. Ảnh: CNN
Lực lượng cứu hộ tại tỉnh Ishikawa. Ảnh: CNN

Hiện, khoảng 4.600 nhân viên thuộc lực lượng cứu hộ vẫn nỗ lực tìm kiếm những người sống sót sau trận động đất trên bán đảo Noto ngày đầu năm mới. Số nạn nhân thiệt mạng đã tăng lên hơn 92 người và hơn 240 người vẫn mất tích. 72 giờ đầu sau thảm họa thiên nhiên cũng đã trôi qua, khoảng thời gian là “giai đoạn vàng” để tìm kiếm người sống sót vì tình trạng của những người bị mắc kẹt và bị thương có thể xấu đi nhanh chóng sau đó.

Tính tới ngày 5/1, ngày thứ năm từ sau khi xảy ra động đất, các nhân viên đã giải cứu một cụ bà khoảng 80 tuổi ở thành phố ven biển Wajima thuộc tỉnh Ishikawa. Choáng váng nhưng vẫn tỉnh táo, cụ bà đã cảm ơn những người lính cứu hỏa khi họ kéo bà ra khỏi đống đổ nát của ngôi nhà bị sập. Trước đó, tại thành phố Suzu cách Wajima khoảng 50 km, lực lượng cứu hộ đào qua một ngôi nhà sập và đưa ra một cụ ông 79 tuổi.

Theo CNN, dọc các thị trấn và khu dân cư trên bán đảo Noto, ô-tô nằm ngổn ngang trên những con đường đầy vết nứt sâu, những tòa nhà nhiều tầng đã đổ nghiêng giữa những đống mảnh vỡ của các ngôi nhà bị sập. Loạt trận động đất mạnh ngày đầu năm mới, trong đó trận đầu tiên gây ra rung chuyển lên tới cấp độ cao nhất là cấp 7 trong thang cường độ địa chấn của Nhật Bản. Lở đất và dư chấn sau trận động đất mạnh đã khiến hạ tầng thiệt hại trên diện rộng. Lực lượng cứu hộ phải vượt qua đống đổ nát và những tuyến đường sạt lở để tiếp cận những khu có báo cáo nạn nhân mất tích.

Trong 5 năm qua, vùng Noto đã phải hứng chịu các trận động đất với tần suất và cường độ ngày càng tăng. Những thiệt hại về con người và vật chất cũng ảnh hưởng sâu sắc đến sinh kế người dân trên bán đảo. Chị Kyoko Izumi, chủ một cửa hàng bán lẻ ở Wajima cho biết: “Các dư chấn vẫn xảy ra nhiều lần suốt đêm, tôi có cảm giác như toàn bộ mặt đất bị đẩy lên bên dưới”. Izumi hy vọng rằng tất cả bạn bè của mình còn sống, vì đường dây điện thoại bị hỏng nên không có cách nào để liên lạc với họ. Trong khi đó, cửa hàng của cô đã bị phá hủy, khiến tương lai trở nên bấp bênh. “Chúng tôi không thể quên những hình ảnh này trong ký ức của mình. Nhưng rồi sau đó sẽ bắt đầu quá trình khôi phục. Đó là tất cả những gì chúng tôi có thể làm”, Izumi chia sẻ.

Chính quyền tỉnh Ishikawa cho hay, đường bộ hư hại đang đặt ra thách thức đối với các hoạt động cứu trợ. Khoảng 33.000 người vẫn phải sơ tán tại 370 nơi trú ẩn ở tỉnh này. Ít nhất 700 người vẫn chịu cảnh cô lập do đường sá bị chia cắt, trong khi khoảng 30.000 ngôi nhà bị mất điện và 89.800 ngôi nhà ở tỉnh này và hai vùng giáp ranh không có nước sinh hoạt. Việc thiếu thông tin liên lạc cũng làm cản trở khả năng tính toán mức độ thiệt hại và số lượng viện trợ cần thiết trong một số vùng bị chia cắt.

Là một trong những quốc gia nằm trong “vành đai lửa” Thái Bình Dương, Nhật Bản hứng chịu hàng trăm trận động đất mỗi năm, song thiệt hại được giảm thiểu đáng kể nhờ các quy định xây dựng nghiêm ngặt nhằm thích nghi với động đất, được áp dụng trong hơn 40 năm qua. Tuy nhiên, theo GS Takuya Nishimura tại Viện Nghiên cứu phòng chống thiên tai tại Đại học Kyoto, tình trạng dân số già và người cao tuổi không có khả năng gia cố những ngôi nhà cổ của họ, khiến thiệt hại do động đất có nguy cơ tăng lên. Ông cho biết: “Nhiều ngôi nhà đã hơn 50 năm tuổi và không được bảo trì đúng cách. Khu vực Noto đang trải qua tình trạng giảm dân số, giống như những vùng nông thôn ở Nhật Bản, đặc biệt là khi những người trẻ tuổi rời đi”.

Ở các cộng đồng già hóa dân số, việc sơ tán khỏi vùng khi có cảnh báo động đất và sóng thần có thể mất nhiều thời gian hơn, thường gây ra hậu quả bi thảm. Năm 2011, thảm họa động đất gây sóng thần ở Nhật Bản khiến khoảng 18.500 người thiệt mạng và mất tích, đồng thời dẫn tới sự cố rò rỉ phóng xạ tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1, là một trong những thảm họa hạt nhân nghiêm trọng nhất trong lịch sử. Hơn 56% nạn nhân của thảm họa năm 2011 từ 65 tuổi trở lên. Còn trong thảm họa ở Noto, một số lượng lớn người chết và mất tích là cư dân lớn tuổi.