Những mùa xuân lênh đênh

Đón chồng từ cầu cảng, chị Nguyễn Thị Bích Hải rơm rớm nước mắt. Mười mấy năm lấy nhau, lần đầu tiên, chồng chị về đón Tết với gia đình. Về nhà, việc đầu tiên, như chị bảo, là đi sửa cái ổ điện ở nhà. Việc ấy, chị làm cũng được, nhưng lần này, có chồng làm.
0:00 / 0:00
0:00
Niềm vui mừng khi gặp lại gia đình của người lính nhà giàn sau thời gian làm nhiệm vụ trên biển.
Niềm vui mừng khi gặp lại gia đình của người lính nhà giàn sau thời gian làm nhiệm vụ trên biển.

1/18 năm lấy nhau, chị Hải nói chưa bao giờ chồng ăn Tết ở nhà. Tết năm nào, chồng chị, Đại úy chuyên nghiệp Phạm Tiến Dũng (Tiểu đoàn DK1, Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân), cũng đang làm nhiệm vụ trên biển. Mùa xuân thứ 18, anh về phép, đầy bất ngờ. Anh đi mua xe đạp cho cô con gái, rửa bát cho vợ, đi chợ mua đào, quất, dọn dẹp nhà cửa, sửa sang lại ổ điện - tất cả những việc bình thường của người đàn ông mỗi dịp năm hết Tết đến, bây giờ anh mới làm cho vợ con. Chị Hải bảo thế là vui lắm. Lúc nhận được tin báo, hai mẹ con ra cầu cảng mà còn tưởng mình nằm mơ. Anh về, cái Tết đầu tiên, vợ chồng con cái đi thăm đầy đủ bố mẹ hai bên, nắm tay song thân phụ mẫu mà mắt rưng rưng. Mà anh Dũng, cũng cười rạng rỡ, khác hẳn cái lúc đăm chiêu trên tàu trở về.

Trung úy chuyên nghiệp Bùi Văn Thọ, quân y nhà giàn 1/10 bãi cạn Cà Mau, cười cười trong cái gió ào ào giữa biển, nói anh đã 8 cái Tết trên biển.

8 năm, chưa từng đón giao thừa ở nhà. Anh Thọ gói bánh chưng rất khéo. Thậm chí ngay cả khi không có vị trí bằng phẳng, chỉ là một không gian ngay bên giàn ngoài sân, anh cũng gói vội được hai chiếc bánh vuông vức. Nhưng anh bảo, số lần anh gói bánh chưng ở nhà chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Bên cạnh anh, Đại úy Nguyễn Đình Đức, Chỉ huy trưởng nhà giàn DK1/10, phụ họa: “Em kém anh 2 năm thôi”. Đức sinh năm 1990, thuộc thế hệ 9X, tính tuổi đời thì cũng vẫn là trẻ. Đại úy Nguyễn Công Hiệu, Phó Chỉ huy trưởng nhà giàn DK1/10, cũng chỉ gặp con khi con đã hơn một tuổi. Hôm đoàn chúng tôi lên nhà giàn, Hiệu gọi về cho vợ, tiện thể khoe chúng tôi hai mẹ con, mắt cười tít. Ở trên giàn này, ai nấy đều đếm mùa xuân bằng những mùa biển động. Bấy nhiêu mùa biển động, là bấy nhiêu lần vắng nhà.

Trung úy Đoàn Thanh Liêm, Phó Chỉ huy trưởng nhà giàn DK1/15 - bãi cạn Phúc Nguyên, năm nay mới lần đầu ăn Tết xa nhà. Người lính, nhiệm vụ đôi khi đến bất ngờ, nên kế hoạch làm lễ ăn hỏi Liêm đành gác lại. Hành trang của Liêm ra nhà giàn cũng đơn giản, nhưng không quên để trong ví mấy tấm hình vợ chưa cưới, để cho đỡ nhớ. Thượng úy chuyên nghiệp Nguyễn Phùng Hải, hiện đang công tác tại nhà giàn DK1/10, kể đời binh nghiệp kinh qua 11 cái nhà giàn, suốt 15 năm. Mỗi lần về phép, niềm vui lớn nhất của anh là nấu cơm cho vợ.

Mà cái niềm vui ấy, anh ít có dịp thực hiện lắm.

Những mùa xuân lênh đênh ảnh 1

Trung úy Đoàn Thanh Liêm phải xa vợ sắp cưới Tết này.

2/“Người yêu mình bảo hậu phương người lính là anh hùng cả, mình thấy cũng đúng”, Đoàn Thanh Liêm cười. Chấp nhận gác lại đám cưới, cũng là một sự cảm thông sâu sắc của cô gái trẻ. Ngày gọi điện báo tin sắp xa người yêu, Liêm bảo cô ấy lặng đi một lúc. Nhưng rồi mọi việc ổn thỏa, cô ấy vẫn mỉm cười tiễn anh đi. Bộ đội thời bình, nhưng nhiệm vụ lúc nào cũng phải sẵn sàng. Cả hai đều không cảm thấy có gì bất ngờ cả.

Chị Nguyễn Thị Bích Hải, đón chồng mắt đỏ hoe vậy thôi, chứ từng ấy năm, mình chị vừa làm vợ vừa làm chồng, chẳng kêu than câu nào. Hai lần đều sinh trước ngày dự sinh, người thân chưa kịp có mặt, một mình chị xách giỏ tới bệnh viện. “Hôn nhân thì mình động viên cùng nhau vượt qua”, chị bảo. Mỗi bận xem đài báo biển động, gió mạnh, chị bảo cũng chỉ biết động viên chồng. Lại tự dặn mình phải cố gắng hơn, để anh ở xa yên tâm làm nhiệm vụ: “Mình phải thật mạnh mẽ. Có chồng là bộ đội bảo vệ biển đảo, mình tự hào chứ”. Niềm tự hào của chị lây sang cả cho hai đứa con. Cô con gái 17 tuổi, lúc nào cũng khoe bố là bộ đội thật oai phong. Dù đâu đó, đôi lúc chị cũng thở dài, rằng “Anh đầu sóng ngọn gió chứ vợ cũng vất vả chẳng kém”. Đàn bà vượt cạn một mình, nếu không phải tinh thần thép, mấy ai mà vượt qua gần 20 năm như thế.

Anh Phùng Hải thì bảo vợ người lính rất hiểu chuyện, bao nhiêu vất vả đều cố gắng một mình giải quyết, chứ không để anh ngoài khơi xa phải lo nghĩ bao giờ. Là nhân viên báo vụ, chịu trách nhiệm thông suốt thông tin liên lạc, nhưng vợ bầu bí, rồi con đi viện cấp cứu, anh luôn là người biết sau cùng. Con gái sinh được 7 tháng, biết bò anh mới về. Anh vẫn nhớ ngày anh trở lại đơn vị nhận nhiệm vụ, con bé xoay bố cả đêm. Hôm sau ai đến hỏi, con anh lại bò quanh nhà, tìm đúng tấm hình của bố để chỉ. Năm 2021, nhờ một đoàn công tác, anh bất ngờ nhận được thư của con. Thời buổi điện thoại, internet, vậy mà nhận lá thư tay của con gái anh cứ rưng rưng. Cô bé mới thêm một tuổi, trong thư còn cẩn thận giới thiệu lại bản thân, như sợ bố đi lâu quá lại quên.

Những mùa xuân lênh đênh ảnh 2

Niềm vui của thượng úy chuyên nghiệp Nguyễn Phùng Hải khi nhận được lá thư của con gái.

Hôm lên tới nhà giàn DK1/10, nghe ai nấy kể, đều thấy giữa câu chuyện hài hước, giữa nỗi nhớ nhà còn bóng dáng của bao nhiêu người phụ nữ đằng sau. “Khi Tổ quốc cần họ biết sống xa nhau” là vậy. Hồi cuối năm, trên những chuyến tàu đi thăm và chúc Tết ở thềm lục địa phía Nam, chúng tôi thấy bóng dáng cô gái trẻ bịn rịn với người yêu bên cầu cảng, thấy cảnh người mẹ ôm con tất bật gửi ít đồ cho chồng đang làm nhiệm vụ ngoài xa. Những câu chuyện chia xa đơn giản đến bất ngờ. Không có bi lụy nào cả. Lựa chọn và vượt qua nó, dường như là tâm thế đã sẵn có của những người đã chọn cho mình cái nghiệp bảo vệ quê hương.