Những giá trị thẩm mỹ vượt thời gian

Cho đến nay, những bức tranh vẽ mèo đặc sắc nhất trong mỹ thuật Việt Nam vẫn là của Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm. Trải theo thời gian, sức hút của những sáng tạo ấy càng trở nên thấm đượm, giúp ta thấy rõ hơn giá trị của chúng.
0:00 / 0:00
0:00
Bức tranh sơn mài Mèo của họa sĩ Nguyễn Sáng, vẽ năm 1983, thuộc một bộ sưu tập tư nhân tại TP Hồ Chí Minh.
Bức tranh sơn mài Mèo của họa sĩ Nguyễn Sáng, vẽ năm 1983, thuộc một bộ sưu tập tư nhân tại TP Hồ Chí Minh.

Sau khi hòa bình lập lại, họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm (1922-2016) đã có nhiều năm tháng đi ghi chép thực tế dọc theo tuyến đường sắt gần biên giới phía bắc và rồi hầu khắp các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Ông bị thu hút bởi chạm khắc đình làng vì rất nhiều nguyên do.

Trong một cuốn phim tư liệu do họa sĩ người Mỹ David Thomas thực hiện từ 30 năm trước, Nguyễn Tư Nghiêm đã kể lại khung cảnh gặp được bức chạm mèo ngậm cá trên vì kèo một ngôi đình làng ở Bình Lục (Đông Triều, Quảng Ninh): Trời nóng quá, ông ghé chân nghỉ ở đó và trong lúc thư thái hưởng vẻ mát rượi nhờ kiến trúc và khung cảnh ngôi đình, ông mới có tâm trạng nhìn ngắm chung quanh để rồi bị bất ngờ trước bức chạm khắc ấy; ông thấy nó không khác là bao (“na ná” là từ mà ông sử dụng-PV) nếu so những bức tranh của Picasso mà ông từng được xem dù chỉ qua ảnh, nhưng vẫn nguyên vẻ dung dị, mộc mạc, gần gũi vô cùng.

Ông hào hứng ghi chép lại cẩn thận rồi về vẽ luôn lên sơn mài, sơn dầu, đĩa gốm, tranh giấy... Vẽ đi vẽ lại, đến độ có người hỏi ông vì sao, ông lại kể đầu đuôi câu chuyện, rồi bảo, ông chỉ thêm bớt một chút thôi, còn lại tạo hình gần như nguyên vẹn là “của các cụ”...

Có thể, đó là một diễn giải khiêm tốn của người tài nhưng chính câu chuyện cũng đã phần nào kiến giải nguyên do Nguyễn Tư Nghiêm bị thu hút bởi những vẻ đẹp tạo hình vượt thời gian của người Việt xưa... Không chỉ là mèo, các con giáp khác, chủ đề điệu múa cổ hay hình tượng Gióng trong tranh của Nguyễn Tư Nghiêm cũng được khởi nguồn và nối dài cơn hào hứng sáng tác từ chạm khắc đình làng. Ở đó có sự thuần khiết của mong ước về cuộc sống tươi đẹp, về sự tự do vui sống của người Việt xưa, nay...

Khác với khởi nguồn tranh mèo và con giáp của Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng (1923-1988) vẽ mèo bắt đầu từ tình bạn giữa ông với con vật này. Nuôi mèo, quan sát mèo, suy ngẫm về tính cách của mèo... Nguyễn Sáng đã dường như mượn hình ảnh mèo để thể hiện nhân sinh quan và trong đó có cả lồng ghép viễn ảnh đời sống cá nhân của ông. Ông thường vẽ mèo theo đôi, hoặc gia đình.

Đôi mèo trên bức sơn mài vẽ năm 1983 này là một thí dụ khá điển hình. Tạo hình hai con mèo choán gần hết bề mặt bức tranh nhưng vẫn còn những khoảng thở của sơn son đầm ấm trên nền vóc đen. Đen cũng là mầu chủ đạo của hai “nhân vật chính”, mảng khối chắc khỏe, tràn đầy sinh lực. Bố cục ngược-xuôi của thế dáng, từ cái đuôi đến ánh nhìn, vừa tạo cân bằng mà vẫn rất sống động do sự thể hiện tài tình tương tác của hai “nhân vật”.

Điểm xuyết các mảng vàng, trắng, chìm nổi trong giữa các lớp và mầu sơn đem tới ánh sáng trên tranh song cũng dường như làm cho các sắc độ đỏ-đen thêm huyền bí. Mầu, hình và bố cục trên tranh mèo của Nguyễn Sáng đều được ông cân nhắc kỹ lưỡng bởi chúng chuyên chở suy cảm chất chứa trong ông về đời mình, đời người...

Mỗi người một vẻ nhưng những bức tranh mèo đặc sắc của các bậc danh họa của mỹ thuật Việt Nam đã minh chứng, rằng giá trị của hội họa không nằm ở sự thức thời mà chính là ở quan niệm thẩm mỹ và phong cách sáng tạo; ở nỗi đồng cảm và sự trân trọng của người nghệ sĩ với nhân vật và với cội nguồn cảm hứng sáng tạo của mình.