Con đường mới để giới thiệu đất nước

Có một sự thật thú vị và đáng tự hào: Free Fire, Meta Squad, Hoa,… và nhiều cái tên nổi tiếng khác nữa, đều là những tựa game được sản xuất tại Việt Nam, bởi người Việt Nam. Những năm trở lại đây, ngày càng có nhiều start-up trẻ tạo ra các tựa game mới lạ, không chỉ chú trọng vào đồ họa bắt mắt, mà còn lồng ghép nhiều yếu tố mang bản sắc văn hóa Việt.
0:00 / 0:00
0:00
Con đường mới để giới thiệu đất nước

Tháng 11/2021, cộng đồng game Việt cũng như thế giới đặc biệt chú ý đến sự kiện ra mắt Mytheria - không chỉ là trò chơi trực tuyến chiến thuật với nội dung hấp dẫn, mà còn là một thế giới thần thoại mang đậm nét văn hóa Việt.

Mytheria được họa sĩ trẻ Lê Mạnh Cương phác thảo từ năm 2018. Trong game, hình ảnh các vị thần đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau được mô phỏng sinh động và bắt mắt. Mỗi vị thần đều có đặc điểm, sức mạnh riêng. Người chơi chọn các vị thần yêu thích xây dựng liên minh hùng mạnh cho các chế độ trò chơi khác nhau để phát huy hết tiềm năng của đội quân.

Họa sĩ Lê Mạnh Cương đặc biệt chú trọng tạo hình các vị thần đại diện của Việt Nam như: Sơn Tinh, Thủy Tinh, Lạc Long Quân hay Âu Cơ,... đưa vào làm các nhân vật chính. Đặc biệt, ông chọn Thánh Gióng là “vị thần” mạnh nhất trong thế giới Mytheria ở phiên bản đầu tiên. Ông chia sẻ: “Từ thuở bé, tôi cũng như bao đứa trẻ khác ở Việt Nam đã lớn lên với hàng loạt các câu chuyện về những vị thần hay các vị anh hùng lưu danh sử sách. Nhưng Thánh Gióng là nhân vật rất đặc biệt đã để lại cho cá nhân tôi sự ngưỡng mộ lẫn kính trọng bởi tinh thần bất khuất cùng ý chí chống giặc, quyết bảo vệ nhân dân. Vì vậy mà tôi đã dành trọn thời gian một năm trong tổng ba năm xây dựng Mytheria để phác họa, vẽ nên hình tượng cho riêng nhân vật này”.

Thống kê của Công ty Phân tích dữ liệu di động App Annie, năm 2020, nhấn mạnh: “Cứ 25 game được tải về thì có một game sản xuất tại studio Việt Nam”.

Con đường mới để giới thiệu đất nước ảnh 1

Hình tượng Thánh Gióng và Sơn Tinh trong Mytheria.

Nhưng chúng ta cũng phải thừa nhận một sự thật, loạt game do người Việt sản xuất gây được tiếng vang phần lớn được phát triển bởi các start-up hoặc studio thuộc quyền quản lý của các công ty nước ngoài. Các tựa game thật sự “thuần Việt” vẫn còn rất ít. Anh Yamate Lê Thiên Hà - quản lý đội eSports Saigon Phantom - từng nhận xét: “Ngành lập trình game đang có tình trạng thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao trầm trọng, vì ngành phát triển game nói chung được đánh giá là khá khô khan, và khối lượng công việc khá nặng. Hiện tại, nguồn nhân lực lập trình game Việt Nam chỉ đang hỗ trợ cho studio nước ngoài, chưa đủ khả năng để phát triển các tựa game riêng cho mình”.

Tuy vậy, nhân lực ngành game tại thị trường Việt Nam sẽ có bước phát triển vượt bậc trong tương lai. Khác với thế hệ trước, hiện nay các bạn trẻ sở hữu lợi thế rất lớn khi có nhiều lựa chọn môi trường đào tạo. Ai cũng dễ dàng tìm kiếm cho bản thân chương trình đào tạo chuyên nghiệp ngay tại Việt Nam với mức chi phí hợp lý.

Khi đủ khả năng và kỹ năng, các bạn trẻ ngày càng có xu hướng muốn đưa các giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam vào các sản phẩm sáng tạo của mình, như một cách để tạo sự khác biệt. Đây chính là cơ hội để giới thiệu văn hóa và lịch sử Việt Nam với một tệp khán giả mới nhưng rất lớn - game thủ.

Hơn nữa, bà Lynn Hoàng, Giám đốc Binance khu vực Đông Nam Á cho biết, thời gian gần đây, Việt Nam có rất nhiều dự án game ra đời và được các nhà đầu tư cá nhân và các quỹ khắp nơi trên thế giới quan tâm, mong muốn đầu tư. Đây là một cơ hội tốt để game Việt có thể đưa nội dung quảng bá văn hóa Việt Nam với thế giới.

Không chỉ là cơ hội của các cá nhân, đó đồng thời còn là một con đường tiềm năng để quảng bá hình ảnh, văn hóa đất nước ra với thế giới.