Nâng cao tầm vóc giống nòi

Chiều cao trung bình của nam thanh niên Việt Nam 18 tuổi năm 2020 đạt 168,1cm, tăng 3,7cm sau 10 năm, trong khi của nữ là 156,2cm tăng 2,6cm. Đây là thành tựu kết đọng của những nỗ lực phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam, với mục tiêu nâng cao chất lượng sức khỏe nguồn nhân lực, giống nòi, cũng như khả năng hội nhập và vị thế quốc tế.
0:00 / 0:00
0:00
Chiều cao trung bình của Đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam là 1m80. Ảnh: AVC
Chiều cao trung bình của Đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam là 1m80. Ảnh: AVC

Năm 1975, nam giới Việt Nam có chiều cao trung bình mới chỉ đạt 159cm, còn với nữ là 149cm. Sau hơn bốn thập niên, tiêu chí quan trọng hàng đầu về tầm vóc này với nam tăng lên 5,4cm lên 164,4cm và với nữ là 4,6cm lên 153,6cm. Thực tế, chiều cao trung bình này thấp hơn chuẩn quốc tế tới cả 10cm, và thấp hơn hầu hết các nước trong khu vực châu Á, điển hình như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Trong khu vực Đông Nam Á, con số này cũng đứng sau Thái Lan, Malaysia, Singapore và Brunei.

Điều quan trọng, chiều cao của người Việt tăng rất ít và chậm so mặt bằng chung thế giới (trung bình chỉ 1,1cm sau mỗi thập niên), đặc biệt nếu xét đến tiềm năng “phát triển bù” rất lớn sau khoảng thời gian chiến tranh. Bên cạnh đó, các tố chất thể lực (sức mạnh, sức bền) cũng bị xếp vào loại kém và rất kém so chuẩn quốc tế, gắn liền với tình trạng thiếu vận động.

Nguyên Viện trưởng Khoa học Thể dục-Thể thao Dương Nghiệp Chí, người có nhiều công trình nghiên cứu riêng từ những năm 2000, lúc sinh thời từng đúc kết: Ngoài hệ quả của chiến tranh kéo dài cũng như các vấn đề như nền kinh tế còn khó khăn hay nhận thức của người dân, sự tăng trưởng thấp về tầm vóc của người Việt Nam so thế giới có nguyên nhân trực tiếp từ việc dinh dưỡng còn hạn chế và sự thiếu vận động, đặc biệt ở độ tuổi thanh thiếu niên.

Tuy nhiên, tầm vóc của thanh thiếu niên nước ta đã tăng nhanh hơn qua các thế hệ, với bước đột phá thực thụ trong hơn 10 năm trở lại đây. Cụ thể, chiều cao trung bình của nam tăng 3,7cm, tương ứng 0,37cm/năm, trong khi nữ thanh niên tăng 2,6cm, tương ứng 0,26cm/năm. Mức tăng này, phần nào đó, còn cao hơn dự tính của các chuyên gia.

Theo Phó Tổng Cục trưởng Thể dục-Thể thao Trần Đức Phấn, mặt bằng chung các chỉ số thể lực của thanh thiếu niên đã tăng lên đáng kể. Điều này được thể hiện qua chất lượng của các cuộc tuyển chọn vận động viên năng khiếu hằng năm, hay chính tại các giải thể thao của học sinh, sinh viên, giải trẻ, giải phong trào các cấp. Nền tảng thể lực của thế hệ trẻ trong khoảng 5 năm gần đây đã vượt xa đàn anh, đàn chị.

Đặc biệt, Đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam giành tấm Huy chương đồng cúp châu Á 2022 với chiều cao trung bình 180cm cùng sức chiến đấu phần nào ngang ngửa với Trung Quốc, Nhật Bản. Chiều cao ấy không chỉ đứng đầu khu vực Đông Nam Á (hơn Thái Lan khoảng 5cm), mà còn áp sát nhóm dẫn đầu châu lục. Các nữ cầu thủ hiện tại đã vượt các lứa đàn chị thời 10 năm trước từ 7cm đến 10cm. Hay với đội hình các cầu thủ bóng đá nam tham dự vòng chung kết U23 châu Á năm 2020, chiều cao trung bình của họ đạt 177,7cm, cao hơn các lứa đàn anh ngay ở Đội tuyển quốc gia của thời 10 năm trước từ 3cm đến 6cm.

Nâng cao tầm vóc giống nòi ảnh 1

Tất cả các trường hợp trên cho thấy cơ sở khoa học và thực tiễn, cùng những bước tiến rõ rệt về sự tăng trưởng tầm vóc, thể lực của thanh thiếu niên Việt Nam. Thành tựu ấy chứng tỏ Việt Nam đã triển khai đúng và trúng trên hành trình nâng cao tầm vóc con người, từng bước đạt các mục tiêu của đất nước về nâng cao nguồn nhân lực, chất lượng giống nòi, khả năng hội nhập và vị thế quốc tế, cải thiện sức khỏe và tăng tuổi thọ bền vững.

Hiện tại, việc nhận thức và chú trọng đầu tư của xã hội, mỗi gia đình cũng như từng cá nhân trong việc nâng cao tầm vóc đã thay đổi đáng kể, được thể hiện rõ rệt nhất về dinh dưỡng và hoạt động thể dục-thể thao. Để đạt được thành công này, các chiến lược, chính sách, nguồn lực từ Nhà nước mang tính quyết định. Trong đó, dấu ấn và đóng góp quan trọng có thể kể tới Đề án tổng thể phát triển thể lực và tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030, được Chính phủ phê duyệt ngày 28/4/2011.

Đây là đề án quốc gia đặc biệt nhằm giải quyết vấn đề chiến lược quốc gia, cấp thiết và lâu dài. Đề án gồm bốn chương trình thành phần nghiên cứu tác động lên gien, dinh dưỡng, tập luyện thể dục-thể thao cho trẻ em đến 18 tuổi, đồng thời tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức để làm thay đổi hành động của toàn xã hội. Mục tiêu tới năm 2030, tầm vóc và thể lực người Việt Nam phải tăng gấp ba lần so việc phát triển tự nhiên.

Sau 11 năm, dù còn gặp nhiều khó khăn, đề án đã dần đi vào cuộc sống thông qua hàng loạt chương trình chuyên biệt và lồng ghép mang tính liên ngành, đa lĩnh vực. Có thể kể tới chương trình sữa học đường, chương trình nghiên cứu về gien, chương trình giáo dục thể chất mới trong nhà trường…

Theo chuyên gia Lâm Quang Thành, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Thể dục-Thể thao, dù tiến độ trong những năm đầu bị chậm so kế hoạch, song đề án vẫn hoàn toàn có thể đạt được cơ bản các chỉ tiêu đặt ra. Thậm chí, với những điều kiện thuận lợi mới, một số chỉ tiêu như chiều cao hoàn toàn có thể vượt. Tuy vậy, để có thể thực hiện thành công đề án với khối lượng công việc lớn, phức tạp, kéo dài nhiều năm, cần sự chung sức vào cuộc của toàn xã hội.

Ngoài đề án nâng cao thể lực và tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030, hiện tại còn có hàng loạt đề án, chương trình quốc gia khác cũng có nhiều mục tiêu lồng ghép, như dinh dưỡng quốc gia, dân số, bảo vệ trẻ em hay xóa đói, giảm nghèo… Nếu tất cả được khai triển đồng bộ, hiệu quả, có sự gắn kết và phối hợp tốt, chắc chắn sẽ mang tới cú huých toàn diện cho sứ mệnh vì một tầm vóc, thế và lực mới của con người Việt Nam.

Đề án nâng cao thể lực và tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030 đã đưa ra các chỉ tiêu rất cụ thể. Đối với nam thanh niên 18 tuổi, chiều cao trung bình năm 2020 và năm 2030 cần đạt lần lượt là 167cm và 168,5cm; con số tương tự ở nữ là 156cm và 157,5cm. Về thể lực, chỉ tiêu đề ra cho nam là chạy tùy sức năm phút đạt trung bình 1.050m năm 2020 và 1.150m năm 2030; lực bóp tay thuận đạt trung bình 45kg năm 2020 và 48kg năm 2030. Còn đối với nữ, các con số tương ứng là chạy năm phút đạt 850m năm 2020 và 1.000m năm 2030; lực bóp tay thuận đạt 30kg năm 2020 và 34kg năm 2030.