Hoa tay người thợ

Hai tấm huy chương bạc giành được tại kỳ thi Kỹ năng nghề thế giới lần thứ 46 (tháng 10/2022) là thành tích tốt nhất mà các thí sinh Việt Nam từng đạt được qua tám lần tham dự.
0:00 / 0:00
0:00
Nguyễn Thanh Tùng thực hiện bài thi nghề phay CNC tại Đức.
Nguyễn Thanh Tùng thực hiện bài thi nghề phay CNC tại Đức.

Theo các chuyên gia giàu kinh nghiệm, thành tích đó đã phản ánh thực lực trình độ kỹ năng nghề của nguồn nhân lực Việt Nam.

1 Hai thí sinh xuất sắc giành huy chương bạc kỳ thi Kỹ năng nghề thế giới 2022 là Nguyễn Thanh Tùng, nghề phay CNC, và Nguyễn Xuân Thái, nghề tiện CNC hết sức vui mừng với thành tích mình đạt được. Điều đáng nói, Tùng và Thái đều được hướng dẫn bởi các chuyên gia Trương Thế Diệu, Phan Văn Quốc - vốn là hai thí sinh dự thi kỹ năng nghề thế giới 2019, lần lượt đoạt huy chương bạc và thành tích Best of Nation (điểm cao nhất quốc gia), đang công tác tại Viện Đào tạo Kỹ năng nghề DENSO Hà Nội.

Nguyễn Xuân Thái cho biết: Để đạt thành tích, mỗi thí sinh phải có tay nghề cao, thích nghi với sự thay đổi của máy móc theo từng năm, nhờ chuẩn bị tốt nên kết quả của chúng em đã phản ánh thực lực trình độ nghề của Việt Nam. Còn Nguyễn Thanh Tùng chia sẻ, lần đầu ra nước ngoài, vượt qua áp lực tâm lý để hoàn thành tốt bài thi, giành được Huy chương bạc trong cuộc cạnh tranh với thí sinh của 22 nước tham gia là cả một hành trình gian nan. “Ngoài nỗ lực rèn luyện, em đã nhận được sự hỗ trợ đắc lực từ các chuyên gia, từ Viện Đào tạo Kỹ năng nghề DENSO Hà Nội”, Thanh Tùng nhấn mạnh.

Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), đoàn Việt Nam có 11 thí sinh, dự thi 10 nghề, bao gồm cơ điện tử, điện toán đám mây, lắp cáp mạng thông tin, công nghệ nước, lắp đặt điện, phay CNC, tiện CNC, thiết kế kỹ thuật cơ khí CAD, giải pháp phần mềm công nghệ thông tin, thiết kế các kiểu tóc. Kỳ thi năm nay ghi nhận sự quan tâm đặc biệt từ các doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp cử chuyên gia đến các cơ sở giáo dục huấn luyện thí sinh, trang bị các công nghệ mới. Thậm chí, có đơn vị sẵn sàng lo tài chính cho thí sinh ra nước ngoài tập huấn để cọ xát.

Là người trực tiếp hướng dẫn hai thí sinh đạt thành tích cao, anh Trương Thế Diệu chia sẻ: “Để đạt được kết quả tốt tại kỳ thi, các thí sinh cần chuẩn bị tốt ba vấn đề: kỹ năng, tinh thần và chiến thuật. Các thí sinh cần được luyện tập với máy móc thường xuyên trước khi thi. Khi thao tác với máy móc hiện đại và lập trình chi tiết, nếu thường xuyên được thực hành sẽ có phương án khắc phục các lỗi”. Cũng theo anh Diệu, thí sinh Việt Nam có kỹ năng, có đam mê công việc, để chinh phục được các kỳ thi tiếp theo, công tác dạy nghề cần tiếp thu kinh nghiệm từ các nước phát triển, khuyến khích nhiều hơn nữa các doanh nghiệp tham gia vào đào tạo thực tế, nâng cao kỹ năng làm chủ máy móc, công nghệ hiện đại.

2 Nỗ lực cho chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp, từ năm 2020, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) đã tổ chức bổ nhiệm Đại sứ Kỹ năng nghề Việt Nam (theo từng năm) để vinh danh, lan tỏa giá trị, niềm tự hào về các thí sinh Việt Nam đoạt huy chương tại các kỳ thi Kỹ năng nghề ASEAN và Chứng chỉ Kỹ năng nghề xuất sắc trở lên tại các kỳ thi Kỹ năng nghề thế giới. Qua ba lần, đã có 28 thí sinh được vinh danh, trong đó nhiều người đã trở thành giám đốc doanh nghiệp, giảng viên trong các trường nghề hoặc làm việc tại các doanh nghiệp uy tín với mức lương cao.

TS Phạm Xuân Khánh, Chủ tịch Hội đồng Trường cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội, chia sẻ, kết quả tích cực từ các kỳ thi khẳng định thực tế công tác phát triển kỹ năng nghề của Việt Nam đang đi đúng hướng, đó là: xã hội hóa các kỳ thi, đặc biệt là kêu gọi, thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp lớn về công nghệ nhằm giúp nâng tầm kỹ năng cho học viên.

“Việc vinh danh những tấm gương đoạt giải, các Đại sứ Kỹ năng nghề Việt Nam cho thấy công tác giáo dục nghề nghiệp đang ngày càng được coi trọng và cũng chứng tỏ khả năng của người Việt Nam trong việc tiếp cận nghề nghiệp, công nghệ trong kỷ nguyên hội nhập quốc tế”, TS Phạm Xuân Khánh nhấn mạnh. Đồng quan điểm ấy, Tổng cục trưởng Giáo dục nghề nghiệp Trương Anh Dũng chia sẻ thêm: “Thời gian tới cần đẩy nhanh chuyển đổi số, đổi mới phương thức đào tạo trong giáo dục nghề nghiệp. Theo đó, đưa hệ thống giáo dục nghề nghiệp tiếp cận với tri thức, kỹ năng, mô hình quản lý giáo dục mới. Hệ thống giáo dục nghề nghiệp Việt Nam cũng cần tranh thủ sự hỗ trợ, hợp tác của các tổ chức giáo dục quốc tế, nâng cao năng lực của hệ thống giáo dục nghề nghiệp Việt Nam.”