Từ văn hóa và bằng văn hóa

Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 là một dấu mốc đặc biệt đối với sự phát triển văn hóa Việt Nam. Điều này không chỉ nằm ở dấu ấn để kỷ niệm 75 năm Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 1946 với thông điệp truyền cảm hứng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, mà còn ở tinh thần quan trọng của hội nghị trong việc chấn hưng văn hóa dân tộc.
0:00 / 0:00
0:00
Đầu tư mạnh mẽ cho văn hóa giúp lan tỏa những giá trị tích cực.Ảnh: Nguyễn Đăng
Đầu tư mạnh mẽ cho văn hóa giúp lan tỏa những giá trị tích cực.Ảnh: Nguyễn Đăng

Trong bối cảnh có nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít thách thức, văn hóa cần phải đồng hành với sự phát triển đất nước trong giai đoạn mới, phải được đặt ở vị trí trung tâm và là hệ điều tiết sự phát triển bền vững, tạo nên sự tự tin cho dân tộc trong quá trình hội nhập quốc tế.

Những kết quả đầu tiên, dễ nhận thấy nhất, đó chính là chuyển biến về nhận thức của các cấp, các ngành về vị trí, vai trò và ý nghĩa của văn hóa. Nếu như tại Hội nghị, Tổng Bí thư đã nêu rõ nguyên nhân: “Hạn chế, yếu kém nổi bật được nhắc lại nhiều lần lâu nay là văn hóa chưa được các cấp, các ngành nhận thức một cách sâu sắc và chưa được quan tâm một cách đầy đủ, tương xứng với kinh tế và chính trị” thì ngay trước, trong và sau Hội nghị, việc thông tin, tuyên truyền về văn hóa đã có những chuyển biến tích cực.

Văn hóa ngày càng được nhìn nhận rõ ràng hơn với tư cách “là tinh hoa, tinh túy nhất, được chưng cất, kết tinh, hun đúc thành những giá trị tốt đẹp, cao thượng, đặc sắc nhất, rất nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, nhân tình, tiến bộ (một con người có văn hóa, một gia đình có văn hóa, một dân tộc có văn hóa; lối sống văn hóa, nếp sống văn hóa, cách ứng xử có văn hóa...)”.

“Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn”. Những thông điệp vững chắc về văn hóa như vậy đã giúp hình thành nhận thức tốt hơn về văn hóa như nền tảng tinh thần, vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước nói chung, từng địa phương nói riêng.

Điều đáng mừng là, Chính phủ đã triển khai ban hành Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030, ngày 12/11/2021. Đây được xem là khung chính sách rất quan trọng để định hướng các chương trình, đề án và hành động cụ thể cho phát triển văn hóa.

Những đề án được nêu trong chiến lược đã bao quát nhiều vấn đề về văn hóa, từ xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật đến những chính sách quan trọng để xây dựng đội ngũ cán bộ văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, chuyển đổi số, phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng các chương trình nghệ thuật đỉnh cao hay các thiết chế văn hóa xứng tầm Thời đại Hồ Chí Minh... Những kế hoạch lớn này, khi được thực hiện thành công, sẽ tạo điều kiện tốt cho không chỉ sự phát triển văn hóa, mà còn cho sự phát triển bền vững đất nước trong thời gian sắp tới.

Những chuyển biến còn được thể hiện ở cả các cơ quan trung ương và địa phương. Những người làm văn hóa rất cảm kích khi lãnh đạo Đảng và Nhà nước, trong các cuộc họp quan trọng của quốc gia, đều nhắc đến việc triển khai thực hiện thành công kết luận của Tổng Bí thư trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc. Quyết tâm chính trị này chắc chắn xuất phát từ nhận thức về tầm quan trọng của văn hóa.

Từ văn hóa và bằng văn hóa ảnh 1

Biểu diễn nhạc cụ dân tộc.Ảnh: Thanh Lâm

Trong các kỳ họp Quốc hội, những ý kiến tâm huyết cho phát triển văn hóa đang ngày càng thể hiện rõ ràng hơn. Những lo ngại về đầu tư cho văn hóa chưa xứng tầm, sự xuống cấp đạo đức trong xã hội, vấn đề giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, hay di sản văn hóa... từ các đại biểu Quốc hội phản ánh nguyện vọng lớn của cử tri cả nước đối với việc cần tạo điều kiện cho phát triển văn hóa. Trong bối cảnh đó, lần đầu trong báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội Khóa XV, tại Kỳ họp thứ 4, những vấn đề về văn hóa được dành một phần xứng đáng với 27 dòng (so với số lượng không nhiều dòng trong những báo cáo trước đó), đủ để chúng ta thấy sự quan tâm và quyết tâm của Chính phủ trong phát triển văn hóa.

Cũng trong năm 2022, Quốc hội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các cơ quan liên quan đã tổ chức nhiều sự kiện, hội nghị, hội thảo nhằm tạo diễn đàn để các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý trong và ngoài nước báo cáo, trao đổi, thảo luận làm rõ các căn cứ lý luận, thực tiễn, làm cơ sở kiến nghị, đề xuất các cơ quan có thẩm quyền về thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa.

Sự chuyển biến ở các bộ, ngành cũng rất đáng lưu ý. Bên cạnh nỗ lực của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đang rất quyết tâm triển khai Chương trình “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021-2030” và Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học”; Bộ Quốc phòng ban hành Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 trong Quân đội; Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, Báo Nhân Dân phối hợp tổ chức Lễ phát động phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí”...

Với sự tham gia chủ động, đồng bộ này, chúng ta có quyền hy vọng những giải pháp quan trọng nhất về cơ chế, chính sách lớn về văn hóa, khi được thảo luận tại cơ quan quyền lực tối cao của đất nước, sẽ tạo điều kiện mới, xung lực mới cho sự phát triển văn hóa. Đối với các địa phương, đó là những hành động cụ thể như ban hành nghị quyết riêng về văn hóa, tổ chức hội nghị văn hóa toàn tỉnh, hay ban hành chính sách, tăng đầu tư cho văn hóa.

Với đặc điểm là Thủ đô, nơi hội tụ và lan tỏa giá trị văn hóa tốt đẹp của cả đất nước, Hà Nội luôn là thành phố tiên phong trong phát triển văn hóa, con người. Bên cạnh chủ trương xuyên suốt trong xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, ngày 22/2/2022, Hà Nội đã ban hành Nghị quyết 09-NQ/TU về việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Hà Nội cũng dự kiến phân bổ 27.687 tỷ đồng cho 1.287 dự án tôn tạo di tích. Bắc Ninh và Hà Tĩnh đã tiến hành tổ chức hội nghị văn hóa toàn tỉnh để lắng nghe ý kiến của đội ngũ văn nghệ sĩ, những người thực hành văn hóa, tạo tinh thần phấn khởi cho nhân dân trong phát triển văn hóa, trong đó, Bắc Ninh đã ban hành Nghị quyết chuyên đề, xác định phấn đấu nâng mức đầu tư tối thiểu lên 4% tổng chi ngân sách nhà nước cho văn hóa.

Đây là những tín hiệu đáng mừng khi những chuyển biến nhận thức đã biến thành những hành động trên thực tiễn, khắc phục tình trạng “Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý văn hóa còn lúng túng, chậm trễ, nhất là trong việc thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về văn hóa. Đầu tư cho văn hóa chưa đúng mức, còn dàn trải, hiệu quả chưa cao” đã được nêu trong bài phát biểu của Tổng Bí thư.

Chính sự quan tâm, đầu tư mạnh mẽ cho văn hóa trong thời gian vừa qua, đã lan tỏa tinh thần tích cực trong đời sống nhân dân. Chính từ niềm tin và sự chung tay, góp sức của toàn thể nhân dân, những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc đã thật sự tỏa sáng để chúng ta cảm nhận rõ hơn về tinh thần yêu nước, đoàn kết, nghĩa tình mà dân tộc ta đã hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử.

Đời sống văn hóa-nghệ thuật có rất nhiều khởi sắc với nhiều sự kiện nổi bật như các lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh Nghệ thuật Xòe Thái, Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; các liên hoan phim trong nước và quốc tế, hội diễn, triển lãm nghệ thuật, hay các sản phẩm nghệ thuật như những bài hát, bộ phim,... đã góp phần giúp chúng ta xóa tan không khí u ám của hai năm dịch Covid-19, hình thành nên tinh thần phấn khởi để thực hiện thành công khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Dù vẫn còn rất nhiều việc phải làm để văn hóa thật sự trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, xứng tầm với sự phát triển kinh tế, chính trị, xã hội, nhưng những gì đã làm được kể từ sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 giúp chúng ta có niềm tin về sự phát triển bền vững đất nước từ văn hóa và bằng văn hóa.

BÙI HOÀI SƠN, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa,
Giáo dục của Quốc hội