Điểm đến của du lịch quốc tế trong năm mới

Nỗ lực vực dậy sau khi bị đại dịch Covid-19 trả về vạch xuất phát, du lịch Việt Nam đã thắp lên ngọn lửa hy vọng mới cho sự trở lại “lợi hại” hơn, xứng tầm là điểm đến hấp dẫn của du lịch toàn cầu trong năm mới Quý Mão.
0:00 / 0:00
0:00
Khám phá Hà Nội, điểm đến hàng đầu được vinh danh tại Giải thưởng Du lịch thế giới (WTA). Ảnh: Hồ Hạ
Khám phá Hà Nội, điểm đến hàng đầu được vinh danh tại Giải thưởng Du lịch thế giới (WTA). Ảnh: Hồ Hạ

Những “cơn mưa” giải thưởng quốc tế

Nếu so với lượng khách quốc tế đạt mức kỷ lục trước đại dịch, hoặc so sự bùng nổ của thị trường khách nội địa những tháng qua thì rõ ràng, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2022 chưa được như kỳ vọng. Song sự ấm dần lên của thị trường khách quốc tế qua từng ngày đang mang đến nhiều kỳ vọng. Đặc biệt, thông tin từ dữ liệu Google Destination Insights về sự tăng lên liên tục lượng tìm kiếm quốc tế đối với du lịch Việt Nam những tháng gần đây (tháng 10/2022 tăng hơn 20% so tháng 9/2022 và cao gấp 11 lần so với tháng 3/2022 - thời điểm Việt Nam bắt đầu mở cửa du lịch hoàn toàn) là dấu hiệu tích cực cho thấy triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ lượng khách quốc tế.

Những tháng cuối năm 2022, du lịch Việt Nam liên tiếp đón nhận tin vui khi được gọi tên ở hàng loạt hạng mục quan trọng tại Giải thưởng Du lịch thế giới (WTA) 2022, một sân chơi uy tín được ví như “Giải Oscar của ngành du lịch thế giới”. Cùng với giải thưởng cấp quốc gia “Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới”, còn có bốn địa phương, khu, điểm du lịch là Hà Nội, Phú Quốc, Tam Đảo, Mộc Châu được vinh danh điểm đến hàng đầu thế giới. Bên cạnh đó là 11 vị trí quán quân thế giới được trao cho các thương hiệu nổi tiếng trong lĩnh vực khách sạn, khu nghỉ dưỡng, hãng hàng không, lữ hành của Việt Nam.

Trước đó, tại WTA khu vực châu Á-châu Đại Dương 2022, Việt Nam cũng đã ghi dấu với gần 50 giải thưởng, trong đó có nhiều hạng mục danh giá như: “Điểm đến hàng đầu châu Á”, “Điểm đến thiên nhiên hàng đầu châu Á”… “Cơn mưa” giải thưởng đến với du lịch nước nhà trong bối cảnh khó khăn chung của du lịch toàn cầu đã tiếp tục khẳng định giá trị, sức hút của du lịch Việt Nam, góp phần nâng tầm vị thế, thương hiệu du lịch quốc gia trên bản đồ du lịch thế giới.

Theo Phó Tổng Cục trưởng Du lịch Hà Văn Siêu, sự tôn vinh này là động lực cho những người làm du lịch, nhưng cũng đặt ra trọng trách làm thế nào để giữ vững và phát huy được giá trị của các giải thưởng. Trước hết, đây là cơ hội tốt để đẩy mạnh truyền thông, quảng bá về một Việt Nam tươi đẹp, an toàn, thân thiện, mến khách, đưa hình ảnh Việt Nam đến gần hơn với bạn bè quốc tế.

Nhưng để biến tiềm năng thành hiện thực, đón đầu dòng khách quốc tế được dự báo sẽ tăng mạnh thời gian tới, thì bên cạnh việc tích cực tổ chức, tham gia xúc tiến, quảng bá trực tiếp tại các sự kiện, hội chợ du lịch quốc tế lớn, cần đẩy mạnh truyền thông về du lịch Việt Nam và các giải thưởng qua nền tảng số gắn liền thông điệp “Live fully in Việt Nam” (Sống trọn vẹn tại Việt Nam) mà ngành du lịch tập trung quảng bá thời gian qua, nhằm tăng độ nhận diện thương hiệu và khả năng tiếp cận thông tin của đông đảo du khách toàn cầu.

Điểm đến của du lịch quốc tế trong năm mới ảnh 1

Các đoàn nghệ thuật từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ đã góp mặt tại Festival Huế. Ảnh: Công Hậu

Sẵn sàng đón những luồng khách lớn

Là một trong những quốc gia Đông Nam Á mở cửa du lịch đầu tiên sau đại dịch, Việt Nam đã nhanh chóng có những bước đi chủ động, nhằm khơi thông thị trường khách. Ông Phạm Duy Nghĩa, Giám đốc Công ty Vietfoot Travel nhận định: “Ở thời điểm hiện tại, mọi thành phần tham gia chuỗi cung ứng du lịch tại Việt Nam nhìn chung đều đã sẵn sàng cả về tâm thế và nguồn lực để phục vụ du khách quốc tế, kể cả dòng khách cao cấp.

Với sự phát triển mạnh của phân khúc 5 sao, sự đa dạng về bản sắc văn hóa, các loại hình du lịch…, tôi nhận thấy điều kiện, tiềm năng du lịch của Việt Nam hiện nay không thua kém bất kỳ một quốc gia nào trong khu vực. Các địa phương, doanh nghiệp đều đang kỳ vọng vào sự bứt phá của du lịch trong năm tới. Vấn đề còn lại chủ yếu là đẩy mạnh kích cầu, truyền thông”. Theo ông Nghĩa, Việt Nam cũng nên có chính sách thu hút người có sức ảnh hưởng (KOL) đến từ các thị trường trọng điểm để tranh thủ sức ảnh hưởng của họ quảng bá cho du lịch Việt Nam. Bên cạnh đó, cần mở rộng cửa đón khách thông qua xây dựng chính sách thông thoáng, cởi mở hơn về visa.

Tổng cục Du lịch xác định, cùng với đẩy mạnh khai thác các thị trường đã có kết nối tốt về hàng không, cần chuyển hướng khai thác những thị trường mới, có khả năng tăng trưởng cao như Ấn Ðộ, Mỹ, Trung Ðông…

Tổng Cục trưởng Du lịch Nguyễn Trùng Khánh nhìn nhận, thời gian tới, khi các quốc gia cùng mở cửa đón khách, cạnh tranh điểm đến sẽ trở thành thách thức lớn nhất. Các yếu tố như tâm lý e ngại sau dịch bệnh, xung đột, suy giảm kinh tế… cũng có thể làm giảm nhu cầu du lịch, khiến mức độ cạnh tranh để hút khách quốc tế khốc liệt hơn. Sau đại dịch, yếu tố “bền vững” của du lịch đang được du khách coi trọng. Quan điểm “bền vững” không chỉ dừng ở chú trọng phát triển cân bằng, khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên du lịch mà còn là ứng phó nhanh, linh hoạt với khủng hoảng.

Để thúc đẩy phát triển du lịch bền vững, ngành du lịch sẽ cùng các địa phương xây dựng, phát triển sản phẩm theo hướng mỗi địa phương một sản phẩm du lịch đặc sắc để tạo dấu ấn cho các điểm đến. Về định hướng sản phẩm, bên cạnh tập trung làm mới các dòng sản phẩm chủ đạo như du lịch biển, du lịch tự nhiên, du lịch văn hóa, du lịch thành phố…, ngành du lịch khuyến khích phát triển những sản phẩm bổ trợ để tăng sức hấp dẫn như du lịch ẩm thực, du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch MICE, du lịch golf… trên cơ sở thúc đẩy liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp, địa phương, vùng miền trong cả nước, từ đó tận dụng, phát huy lợi thế mỗi bên.

Nhìn vào cơ cấu khách quốc tế đến nước ta thời gian gần đây, bên cạnh những thị trường gần đang tăng trưởng khá tốt như Hàn Quốc, Thái Lan, Lào, Campuchia, Singapore, Malaysia, Indonesia, Philippines…, khách đến từ Ấn Độ, Trung Á, Bắc Âu… cũng đã tấp nập hơn, hứa hẹn trở thành những thị trường mới đầy tiềm năng của du lịch Việt Nam. Theo các hãng lữ hành, thị trường quốc tế đang sôi động hơn hẳn với xu hướng gia tăng của dòng khách lẻ, trẻ tuổi, đi du lịch tự túc thông qua đặt mua các dịch vụ trực tuyến.

Ông Phạm Duy Nghĩa cho biết, Vietfoot Travel vừa thống nhất được hợp đồng với đoàn vài trăm khách chủ yếu đến từ Anh, Mỹ, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất, Mông Cổ… sẽ tới Việt Nam trong quý II/2023. Công ty đang nỗ lực tiếp cận, đa dạng hóa nhiều nguồn khách để chuẩn bị cho sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong năm tới. Đại diện Saigontourist cũng chia sẻ, lượng khách công ty đón được từ thị trường châu Âu đang khá đều và ổn định. Đặc biệt, du lịch tàu biển là sản phẩm được công ty đặt nhiều kỳ vọng và chú trọng khai thác để thu hút dòng khách có chi tiêu cao. Hãng lữ hành này đang sẵn sàng đón các du thuyền quốc tế lớn sẽ đến Việt Nam nhộn nhịp hơn trong năm mới.

Nổi lên là một trong những điểm đến có tốc độ phục hồi khách quốc tế nhanh nhất cả nước, Đà Nẵng đã hoàn thành vượt xa chỉ tiêu năm, đóng góp đáng kể vào lượng khách quốc tế cả nước. Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Cao Trí Dũng cho biết, Đà Nẵng đặt mục tiêu trong năm 2023 sẽ vượt năm 2019 về lượng khách nội địa và đón khoảng 2,3-2,5 triệu khách quốc tế dựa trên năm trụ cột sản phẩm: nghỉ dưỡng biển gắn với bất động sản cao cấp; du lịch văn hóa lịch sử gắn với các di sản; du lịch MICE; du lịch đô thị; du lịch sinh thái xanh.

“Nếu mọi việc diễn ra như dự tính, trong năm tới, Đà Nẵng và một số điểm đến của Việt Nam sẽ phục hồi được khoảng 70-80% về lượng khách quốc tế so trước dịch để tiến tới phục hồi hoàn toàn vào năm 2024. Các tổ chức du lịch thế giới dự báo đến năm 2025 thị trường du lịch toàn cầu mới sôi động trở lại như trước đại dịch. Điều này có nghĩa, nếu quyết tâm và thuận lợi, du lịch Việt Nam sẽ cán đích trước một năm so với du lịch thế giới” - ông Cao Trí Dũng nhận định.

Những tháng qua, Việt Nam liên tục nằm trong top các điểm đến có tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới. Tất cả đang tạo đà, hứa hẹn cho những bước đi bứt phá, bội thu của du lịch Việt Nam trên hành trình khẳng định là điểm sáng nổi bật của du lịch toàn cầu trong năm Quý Mão.