1 Không phải ai cũng “ưa” khi chứng kiến thư pháp “hòa nhịp” cùng với graffiti trong cùng một tác phẩm như Trung tâm Hoạt động Văn hóa-khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám triển khai trong dự án “Đối thoại” cách đây ít lâu. Dù chỉ là một nhánh hậu sinh của thư pháp xuất hiện trong cuộc chơi ấy (thư pháp chữ Việt), thì gốc gác, thư pháp vẫn được coi là thú chơi bác học lâu đời của phương Đông, gắn với những bậc quân tử túc Nho.
Việc “chung mâm” với một trào lưu nghệ thuật từ đường phố phương Tây, mới hình thành dăm chục năm nay vẫn khiến nhiều người “chạnh lòng”. Nhưng ở một khía cạnh khác, trong một thế giới phẳng, giao lưu văn hóa ngày một mạnh mẽ, hai lối “chơi chữ” của Đông và Tây tương tác là chuyện không nay thì mai... Thư pháp và graffiti có thể cùng nhau “đi tiếp”. Cũng có thể không bao giờ. Song không thể phủ nhận, đó là kết quả của sáng tạo, tìm tòi.
Công chúng cũng từng có phản ứng gần tương tự như vậy khi cách đây hơn chục năm, nhóm “Tiền vệ” (xuất phát từ trào lưu nghệ thuật ở Nhật, “tiền vệ” được hiểu là “tiên phong”, gồm các chuyên gia Hán-Nôm: Lê Quốc Việt, Nguyễn Quang Thắng, Trần Trọng Dương, Nguyễn Đức Dũng, Phạm Văn Tuấn) cho ra mắt những triển lãm thư pháp đương đại đầu tiên. Thậm chí, có nhiều người coi đó là những kẻ “phá hoại”, là thư pháp “rác”. Vốn là thú chơi chữ, mà xem tác phẩm của họ, có khi người ta còn không đọc được chữ.
Những tác giả cũng phá bỏ quy tắc vốn là “rường cột” của Hán-Nôm là viết từ trên xuống dưới, từ phải sang trái, hay “giải cấu trúc” của các bộ chữ Hán. Thay vì viết trên giấy dó, bồi biểu đóng khung, họ sáng tác trên nhiều chất liệu, có thể viết tràn cả khung... Những bức thư pháp trong triển lãm có thể treo ngược lên trần nhà thay vì nghiêm ngắn treo trên tường như thường lệ…
Nhưng cũng ngay trong những năm đầu tiên ấy, nhóm Tiền vệ đã khiến mọi người thay đổi cái nhìn về thư pháp đương đại. Triển lãm “Chữ” được tổ chức trong một không gian sang trọng trên phố Hàng Buồm. Không giống những “ông đồ” bán chữ trên vỉa hè dịp Tết đến, cũng không phải chữ Hán-Nôm thường thấy treo trong di tích, thư pháp đi vào các gallery, studio. Cũng không giống như việc xin-cho, một bức thư pháp của Lê Quốc Việt đã bán được đến 4.000USD. Vào năm 2007, đó là một khoản tiền khá lớn.
Khi tách, khi nhập, nhóm Tiền vệ còn có nhiều triển lãm thư pháp khác sau này. Có một nghịch lý xảy ra với thư pháp Tiền vệ. Trong khi nhiều người trong nước chưa thật sự đánh giá cao thì tác phẩm của họ được các nhà sưu tập phương Tây mua về. Các thành viên của Tiền vệ như Lê Quốc Việt, Nguyễn Quang Thắng… có những triển lãm ở nước ngoài. Hẳn nhiên, những bức thư pháp được người nước ngoài sưu tầm phải có lý do…
2 Song hành cùng văn minh Đại Việt suốt hàng nghìn năm lịch sử, cho nên dù có những quãng bị đứt đoạn, chữ Hán, chữ Nôm gần gũi, gắn bó với mọi người. Trong lịch sử, Việt Nam cũng có không ít bậc “tiên nho” mà mỗi nét chữ viết ra đều có “thần”. Chữ Hán, chữ Nôm rồi nghệ thuật thư pháp được khôi phục. Giao lưu quốc tế khiến những thư pháp gia trẻ được tiếp xúc với nhiều trường phái thư pháp cổ kim của các nước đồng văn: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Trong cuộc giao lưu ấy, người ta mới nhận ra, thư pháp không đứng yên. Thư pháp tiền vệ của Nhật Bản đã ra đời từ những năm 50 của thế kỷ trước và lan tỏa mạnh mẽ ra khắp thế giới.
Thư pháp đương đại có sự kết hợp của nhiều yếu tố nghệ thuật phương Tây, các thủ pháp tạo hình hiện đại. Soi lại chính mình, thì không ít người thấy rằng, nếu cứ viết đúng theo phong cách của những nhà thư pháp nổi tiếng, “thuật nhi bất tác” (chỉ thuật lại mà không sáng tác) thì mãi mãi, vẫn chỉ là những “bản sao”. Như thư pháp gia Lê Quốc Việt, thủ lĩnh tinh thần của nhóm Tiền vệ - từng chia sẻ, viết mãi cũng không hơn được cổ nhân. Chính quan niệm ấy, đã mở ra một lối đi trong thư pháp Việt - thư pháp đương đại.
Thư pháp đương đại không phải là “đoạn tuyệt” với quá khứ, mà là một cách tân. Bản thân trong quá trình phát triển của thư pháp, thư họa đã song hành. Ở thư pháp hiện đại, các thư pháp gia đề cao yếu tố hiệu ứng thị giác. Không chỉ các con chữ, các thư pháp gia còn sử dụng cả những biểu trưng từ văn hóa cổ truyền, kết hợp với nghệ thuật đương đại: giải cấu trúc, biểu hiện, trừu tượng, yếu tố triết học hậu hiện đại, hiện sinh… tạo nên điểm nhấn cho tác phẩm. Nếu thư pháp cổ điển, chữ-nghĩa song hành thì thư pháp hiện đại lại sử dụng một “ngôn ngữ khác”.
Thư pháp gia Nguyễn Quang Thắng chia sẻ: “Thư pháp đương đại sử dụng “ngôn ngữ quốc tế”. Nếu một người phương Tây nghe một bài hát tiếng Việt, họ sẽ không hiểu ca từ mà chỉ hiểu giai điệu, tiết tấu, hòa thanh. Nhưng nhạc không lời lại là có “ngôn ngữ xuyên quốc tế”. Bất kỳ ai cũng có thể cảm nhận. Đó chính là thư pháp đương đại. Thư pháp đương đại gần với tranh trừu tượng. Người ta nhìn và cảm nhận được nhờ “ngôn ngữ quốc tế”, dù người ta không hiểu chữ Hán, chữ Nôm viết trên bức thư pháp”.
Chịu ảnh hưởng của thư pháp Nhật Bản và những trào lưu nghệ thuật đương đại, nhưng thư pháp đương đại của Tiền vệ vẫn mang chất Việt. Ngoài sử dụng vật liệu, họ còn sử dụng chữ Nôm - chữ viết mà người Việt sáng tạo ra. Sự kết hợp giữa “chất liệu Việt” và “ngôn ngữ quốc tế”, giúp tác phẩm của nhiều thư pháp gia nhóm Tiền vệ có thể xuất ngoại, với những mức giá không hề rẻ.
3 Di sản văn hóa sẽ trở nên khô cứng nếu không có sự dẫn dắt, kết nối sáng tạo mang hơi thở của thời đại. Những sáng tạo bắt đầu từ những thử nghiệm, tìm tòi, và không thiếu những chông gai. Năm thành viên sáng lập nhóm Tiền vệ đã lâu không có triển lãm chung, khi có người tách ra hoạt động riêng. Nhưng họ đã mở ra một lối đi mới cho thư pháp Việt. Con đường của họ chính là bài học về sáng tạo từ truyền thống, trên một nền tảng văn hóa vững vàng, để có thể “bước ra” thế giới.