Tín hiệu vui của điện ảnh

Luật Điện ảnh năm 2022 được thông qua với nhiều điểm mới; một số phim đạt doanh thu trăm tỷ đồng, Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội lần thứ sáu mang lại không khí sôi nổi, hào hứng cho giới làm nghề và công chúng...
0:00 / 0:00
0:00
Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ sáu- HANIF 2022 là một điểm nhấn quan trọng của ngành điện ảnh trong năm qua. Trong ảnh: Một tiết mục nghệ thuật trong chương trình khai mạc Liên hoan. Ảnh: Khiếu Minh
Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ sáu- HANIF 2022 là một điểm nhấn quan trọng của ngành điện ảnh trong năm qua. Trong ảnh: Một tiết mục nghệ thuật trong chương trình khai mạc Liên hoan. Ảnh: Khiếu Minh

Dù số lượng phim được sản xuất chưa nhiều, giải thưởng chưa thật sự vào mùa bội thu, song, với bước chuyển khá linh hoạt, điện ảnh Việt vẫn mang lại niềm hy vọng “lùi một bước để tiến hai bước”.

Những bước chạy đà

Năm 2022, phim Việt đã trở lại rạp với sự đa dạng về đề tài, thể loại. Các đạo diễn, nhà sản xuất có uy tín trong nghề, như: Lương Đình Dũng, Bùi Tuấn Dũng, Phan Gia Nhật Linh, Ngô Thanh Vân, Lê Văn Kiệt... đã cho ra mắt nhiều bộ phim kịch bản thuần Việt, không có phim làm lại (remake). Các chuyên gia nhận định, tuy gặp nhiều khó khăn, song giai đoạn sau đại dịch Covid-19 là thời điểm vàng cho điện ảnh phát triển. Sự nung nấu suốt quá trình dài của đơn vị sản xuất; sự chờ đợi và nhu cầu thưởng thức, giải trí của khán giả tăng; chiến lược dài hơi cho điện ảnh từ phía nhà đầu tư… là động lực thôi thúc bứt phá.

Theo thống kê từ chuyên trang phòng vé độc lập Box Office Vietnam, nhiều bộ phim được đầu tư kinh phí lớn. 578 - Phát đạn của kẻ điên (đạo diễn Lương Đình Dũng) mức đầu tư lên tới 60 tỷ đồng; phim Kẻ thứ ba (đạo diễn Park Hee Jun, nhà sản xuất Lý Nhã Kỳ) đầu tư khoảng 33 tỷ đồng; Maika: Cô bé đến từ hành tinh khác (đạo diễn Hàm Trần) đầu tư gần 30 tỷ đồng... Phim đạt doanh thu cao có thể kể tới Em và Trịnh vượt mốc doanh thu 100 tỷ đồng. Tiếp đến là các phim: Bẫy ngọt ngào (gần 90 tỷ đồng), Nghề siêu dễ (72 tỷ đồng)…

Ở dòng phim đề tài lịch sử, không thể không kể tới bộ phim truyền hình “Bình minh phía trước” của đạo diễn-NSƯT Bùi Tuấn Dũng khắc họa hình ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ từ nhỏ đến tuổi thanh niên, trưởng thành và giác ngộ lý tưởng. Đoàn làm phim đã khảo sát gần 20 tỉnh và thành phố trên toàn quốc, chọn được 13 tỉnh, thành phố để dựng và quay phim. Phim được đầu tư công phu từ kịch bản đến bối cảnh, phục trang, đạo cụ, việc tuyển chọn diễn viên chặt chẽ, kỹ lưỡng với mong muốn đem lại cho khán giả những thước phim chân thực, hấp dẫn và truyền cảm hứng.

Một điểm nhấn quan trọng của ngành điện ảnh năm 2022 là Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội lần thứ 6 với chủ đề “Điện ảnh-nhân văn, thích ứng và phát triển” được tổ chức từ ngày 8/11 đến ngày 12/11. Sự kiện thu hút hơn 800 đại biểu trong nước và quốc tế tham dự cùng 123 bộ phim của 56 quốc gia, vùng lãnh thổ được chiếu trong năm ngày diễn ra Liên hoan phim và nhiều hoạt động khác phong phú: Ban Tổ chức đã trao 12 giải thưởng cho các bộ phim, diễn viên, đạo diễn xuất sắc.

Trong đó, giải Phim Việt Nam đuợc khán giả yêu thích nhất trong Chương trình Phim Việt Nam được trao cho bộ phim Bố già của đạo diễn Trấn Thành và Vũ Ngọc Đãng; Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội trao tặng Bằng khen “Phim có nội dung đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển thành phố” cho NSND Đặng Nhật Minh - đạo diễn bộ phim Hoa nhài, phim dài duy nhất của Việt Nam tham dự Liên hoan.

Thời điểm vàng cho điện ảnh tiến bước

Những điểm mới trong Luật Điện ảnh năm 2022, có hiệu lực từ ngày 1/1/2023 cho thấy sự hòa nhịp của điện ảnh trong đà phát triển chung của kinh tế, xã hội. Luật Điện ảnh năm 2022 có 10 điểm mới cơ bản phù hợp yêu cầu của thực tiễn. Trong đó, có thể điểm ra những nội dung quan trọng: Luật đã thể hiện rõ hơn cơ chế, biện pháp của Nhà nước huy động mọi nguồn lực đầu tư, phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh; chế độ ưu đãi đối với tổ chức nước ngoài sử dụng dịch vụ sản xuất phim Việt Nam; Luật không quy định phát hành phim là ngành nghề kinh doanh có điều kiện nhằm tạo thuận lợi cho việc đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực phát hành phim; phổ biến trên không gian mạng; lưu chiểu, lưu trữ phim, định dạng kỹ thuật của phim thay đổi từ chất liệu phim nhựa sang phim kỹ thuật số; nâng cao tính khả thi của Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh so với Luật Điện ảnh năm 2006…

Đạo diễn, diễn viên Hồng Ánh chia sẻ, việc sửa đổi Luật Điện ảnh mang lại tín hiệu tích cực đối với giới làm nghề nói riêng và sự phát triển của điện ảnh Việt Nam nói chung. Tuy nhiên, nếu đã xác định điện ảnh là ngành công nghiệp thì cần bám sát thực tế để từng đơn vị có chính sách cụ thể và phù hợp cho sự phát triển. Thí dụ, cần có đánh giá tác động của điện ảnh đối với kinh tế, từ đó có sự quan tâm đặc biệt, dành cho nó sự hỗ trợ tương xứng về chính sách cũng như nguồn lực.

Đại diện Công ty Thaole Entertainment Lê Thị Phương Thảo cho biết, là đơn vị có kinh nghiệm hơn 20 năm đưa phim Hollywood và các dự án hợp tác điện ảnh, chương trình quốc tế tới Việt Nam, tham dự nhiều liên hoan phim, hội chợ phim quốc tế, chứng kiến các làn sóng Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc… bà nhận thấy Việt Nam có nhiều câu chuyện hay, nhiều diễn viên tài năng, nền văn hóa hấp dẫn, phong phú, thắng cảnh đẹp nhưng sự tiếp cận của quốc tế với những điều kiện sẵn có này còn rất hạn chế. Trong năm tới, khi Luật Điện ảnh sửa đổi được triển khai với tinh thần đã thông thoáng hơn sẽ thu hút các đoàn làm phim nước ngoài để tạo ra môi trường thuận lợi phát triển nền công nghiệp điện ảnh.

PGS, TS Đỗ Lệnh Hùng Tú, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam nhấn mạnh, Luật Điện ảnh 2022 đã cập nhật các nội dung liên quan tới chuyển đổi số và đây là một điểm quan trọng. Năm 2023, ngành điện ảnh sẽ tập trung chuyển các tác phẩm điện ảnh hoặc tư liệu hình ảnh động và chuyển các dữ liệu thông tin về các tác phẩm và tư liệu hình ảnh động thành tín hiệu số.

Bức tranh toàn cảnh điện ảnh năm 2023 được dự đoán sẽ tươi sáng, sôi nổi hơn nhờ các dự án lớn đang chờ ra rạp. Nữ đạo diễn Luk Vân tiếp tục sở trường dòng phim thanh xuân, tình cảm với dự án Khi ta hai lăm. Dự án phim Công tử Bạc Liêu của đạo diễn Lý Minh Thắng là phim điện ảnh đầu tiên được UBND tỉnh Bạc Liêu cấp phép quay hình, nhằm góp phần quảng bá những dấu ấn văn hóa đặc sắc của địa phương lên màn ảnh rộng. Bên cạnh đó, 9 giờ bão lửa do

V Pictures (thuộc CJ CGV Việt Nam) sản xuất cũng dự kiến ra rạp năm 2023. Phim khai thác chủ đề thảm họa cháy nổ vừa mang tính cảnh tỉnh, vừa gửi tới thông điệp “Mỗi kết thúc đều là tái sinh của một khởi đầu mới”. Đạo diễn Lý Hải cũng khiến khán giả trông đợi khi công bố phần 6 của Lật mặt với tên gọi Tấm vé định mệnh sẽ ra rạp dịp 30/4/2023. Phim sẽ được quay lấy bối cảnh miền Tây tại một làng nghề làm chiếu, với những sản phẩm tinh xảo nhưng có nguy cơ thất truyền đến 90%. Một số dự án khác cũng được được trông đợi gồm: Thanh Sói của nhà sản xuất Ngô Thanh Vân, Quỳnh hoa nhất dạ của đạo diễn Lý Minh Thắng, Chị chị em em 2 của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng…

Tín hiệu đáng mừng là nhiều công ty tư nhân đã công bố chuỗi dự án phim sẽ nối tiếp nhau ra mắt từ năm 2023. Nổi bật là V Pictures, đơn vị mới thành lập hơn hai năm, ngay trong thời kỳ đại dịch Covid-19 đã có tới sáu dự án phim: 9 giờ bão lửa, Huyền thoại bánh Tết, Nghe vẻ nghe ve, Người viết thư tay, Người đẹp Tây Đô, Hoàng hậu cuối cùng.

Để tạo hiệu ứng chân thực về phần nhìn, hầu hết các nhà sản xuất đã đầu tư khá mạnh tay cho hình ảnh, kỹ xảo, đặc biệt là công nghệ CGI - mô phỏng hình ảnh bằng máy tính. Điều đó mang đến cho công chúng những trải nghiệm điện ảnh mãn nhãn, chân thực, kịch tính nhưng cũng tràn đầy cảm xúc. Giới chuyên môn nhận định, nhiều đơn vị điện ảnh tư nhân được thành lập với bốn hoạt động chính, gồm: Sản xuất nội dung (phim điện ảnh và phim serie); dịch vụ sáng tạo; phát triển tài sản kịch bản (IP) và đầu tư phim Việt sẽ mang tới sự vận động tích cực cho điện ảnh năm 2023, tạo đà cho bước tiến mới khởi sắc và mạnh mẽ.