Đi qua miền mơ tưởng Tây Nguyên

Chiều cuối năm, vùng biên giới Bờ Y mưa như trút nước. Núi rừng sẫm một màu ướt sũng và cái lạnh tê tái, cơn gió lạnh nơi này cũng có gì khang khác như sắc màu riêng của miền biên ải.
0:00 / 0:00
0:00
Người Cơ Ho trên cao nguyên Djiring.
Người Cơ Ho trên cao nguyên Djiring.

Lựa bước chân theo những bậc cấp bám đầy rêu trơn, tôi leo lên đỉnh núi, nơi đặt cột mốc phân định chủ quyền biên giới ba quốc gia, điểm mốc mà chúng ta quen gọi là Ngã ba Đông Dương...

1 Cột mốc trên điểm cao 1.086 mét so với mực nước biển, góc phương vị phóng chiếu hơn hai cây số về hướng ba quốc gia chỉ hiện hữu những núi non trùng điệp. Phía nước mình thuộc tỉnh Kon Tum, nước bạn Lào là tỉnh Attapeu và nước bạn Campuchia là tỉnh Ratanakiri. Khó có nơi nào như ở nơi này, chỉ xoay người một vòng quanh trụ đá là đã đặt chân lên lãnh thổ ba nước. Cỏ cây dù cách nhau không xa mà như cũng ngả màu khác biệt.

Nhắc đến Tây Nguyên là nghĩ tới những đỉnh núi ở xứ sở thượng ngàn. Nơi tôi đang đứng trong chiều mưa này, không phải là một ngọn núi cao có tiếng mà chỉ là đỉnh đồi vừa phải, nhưng đây là một góc thiêng liêng. Từ cột mốc biên cương, nơi ghi dấu liệt oanh từ những cuộc chiến tranh giữ nước và hành trình mở cõi, những hình dung về chiều kích và vóc dáng Tây Nguyên như được người du hành nắm bắt dễ dàng hơn.

Trên đỉnh núi, mưa dày hạt thêm, lan tỏa màn khói sóng mênh mang đại ngàn. Không gian ẩn hiện trong tầm mắt, phía này thì núi mình mà hai phía kia đã là rừng bạn. Cảnh sắc như càng tăng thêm nỗi tịch liêu chất chứa dòng hoài ức giữa một vùng sơn khê miên viễn. Từ Ngã ba Đông Dương, tôi phóng tầm mắt theo hướng mặt trời ngược về Tây Nguyên. Trong dòng cảm thức ấy, như hiển hiện một miền suy tưởng miên man về xứ sở của mình; một vùng đất Tổ quốc vừa bí ẩn, ảo huyền vừa thân thương, gần gũi…

Núi non, sông suối nơi này là sản phẩm triệu năm của tạo hóa. Trong quan niệm của đồng bào Tây Nguyên, ngọn núi càng cao, dòng sông càng sâu và lắm thác ghềnh thì thần linh càng nhiệm màu, huyền bí. Đồng bào bản địa hành xử theo tiếng vọng sông núi; hồn núi non, sông suối cũng hòa vào huyết quản của cư dân miền thượng và tạo nên những hệ minh triết. Những đỉnh núi cao, những dòng sông sâu là không gian của tín ngưỡng và cả những chuyện tình lãng mạn. Núi sông Tây Nguyên không chỉ tồn tại như những chỉ dấu địa lý, mà là một phần hồn cốt thiêng liêng của đất nước mình.

Ba dãy đại sơn Chư Yăng Sin, Bidoúp và Ngok Linh sừng sững như ba nóc nhà giữa đại ngàn hùng vĩ, tạo nên một thế đứng vững chãi, biểu tượng của tinh thần kiên trung và kiêu hãnh. Những dòng sông lớn như Krông Nô, Krông Ana, Sêrêpốk, Sê San, Đồng Nai bắt nguồn từ núi cao, len lỏi qua những cánh rừng, những buôn làng như những dải hoa văn đa sắc, chở trên mình những trầm tích, những giá trị lịch sử, văn hóa.

Từ hoang liêu sơn dã, từ những làng buôn tựa lưng vào núi, hướng mặt về sông mà trường ca Đam San, Xing Nhã, Khinh Dú, Dyông Dư, Đăm Noi… ra đời. Từ đá núi, tre rừng mà những nhạc cụ như cồng, ching, lúrgòong, tingning, klôngpút, t’rưng… đã cất lên thanh âm huyền diệu. Những câu ca dao Nrĩ, Nrìng; những khúc dân ca Ayray, Kưứt, Lảhlông, Yalyău; những nhịp điệu dân vũ cũng hòa quyện hồn người bên bếp lửa trong đêm rừng huyễn hoặc, không gian như thực như mơ…

Đi qua miền mơ tưởng Tây Nguyên ảnh 1

2 Bao tháng năm ngang dọc vùng đất đại ngàn, tôi luôn tự hỏi, chiều kích Tây Nguyên được định vị, đo lường bằng những tượng hình gì cụ thể? Bằng núi cao, sông sâu, những cánh rừng huyền bí, những thảo nguyên mênh mông, những giá trị văn hóa thẳm sâu hay trầm tích hàng triệu năm kiến tạo? Quả thật, khó để định lượng bằng hình ảnh hiện hữu. Núi cao hay thấp, sông lớn hay nhỏ đều có chung một mạch nguồn từ đâu đó thượng nguồn. Những buôn làng trên miền núi cao này hầu như có chung cội rễ anh em.

Tôi gặp ở làng Stơr của Anh hùng Núp, làng Salúk mà G.Condominas tìm ra đàn đá và viết bộ khảo cứu “Chúng tôi ăn rừng”, vùng Bờxaluxiêng của tộc người Xtiêng kiên trung, buôn Kotam nơi người Ê Đê tôn thờ giọt nước đầu nguồn hay xứ Đắk Mế của người Brâu… đều có chung sắc thái giản dị, thân thương giống nhau.

Những buôn làng tôi qua đều có những ngọn núi cánh rừng chở che, những dòng sông đắp bồi sự sống và con người hòa điệu vào thế núi dáng sông mà tạo nên hệ giá trị văn hóa trường tồn. Những dân tộc trên miền thượng du này dù rất ít người như Brâu, Rơ Măm hay đông dân như Ê Đê, Ba Na thì cũng chung ngôn ngữ hoặc không gian cư trú, chung nhịp điệu cộng đồng, chung ngọn lửa thiêng ấm tình cao nguyên…

Tây Nguyên, mãi mãi là một miền mơ tưởng. Bên chân dãy Trường Sơn hùng vĩ, những tộc người anh em cùng chung sức dựng nên lịch sử của vùng đất kiêu hãnh. Đó là dòng ký ức chói sáng qua hàng nghìn năm kiến tạo, xây đắp. Đó là sự bền gan, vững chí như núi, như nước trong những cuộc trường chinh giữ nước. Từ trong hoang dã, từ trong máu lửa, người Tây Nguyên bao đời nay chống chọi với muôn vàn gian nan, muôn vàn kẻ thù nhưng họ đã vượt lên, đã chiến thắng và xác lập vị trí chủ nhân của đại ngàn…

3 Đã hiểu gì về Tây Nguyên chưa? Mỗi khi tự vấn lòng mình với câu hỏi đó, tôi lại nghĩ về nhà dân tộc học người Pháp nổi tiếng Jacques Dournes, người đã nói câu “nếu phải hiểu để mà có thể yêu, thì lại phải yêu để mà có thể hiểu” khi ông trầm mình gần cả cuộc đời cùng văn hóa Tây Nguyên.

Lần thứ nhất J.Dournes đến Tây Nguyên sống gần mười năm, với vai trò là nhà truyền giáo, nhưng lại mê khảo cứu văn hóa mà “sao lãng mục vụ” nên bị triệu hồi về Pháp năm 1954. Lần thứ hai ông trở lại nơi này hơn mười năm nữa, nhưng đã là một nhà dân tộc học đúng nghĩa cho đến khi bị buộc phải rời Việt Nam vào năm 1970. J.Dournes đã sống một phần tư thế kỷ của cuộc đời mình với người Cơ Ho trên cao nguyên Djiring và người Gia Rai vùng hạ nguồn sông Ba.

Đến Tây Nguyên với trọng trách là một nhà truyền giáo, nhưng văn hóa Tây Nguyên đã chinh phục ngược ông. Vị linh mục đã cải đạo của mình để theo tín ngưỡng đồng bào, buông giáo lý mà lần tìm những mạch nguồn văn hóa. Từ rừng rẫy và bếp lửa nhà sàn, J.Dournes đã tạo nên những công trình khảo cứu tầm cỡ, làm nền cho những ai tìm kiếm dân tộc học Tây Nguyên. Những tác phẩm của J.Dournes là những mẫu mực về khảo cứu mà nhà nhân học này đã để lại trong quá trình chinh phục Tây Nguyên, hay đúng hơn là chính Tây Nguyên đã chinh phục ông. Nhắc chuyện về J.Dournes để hiểu, Tây Nguyên là vùng đất có sức hút lạ lùng như vậy.

Không dám so với J.Dournes, tôi chỉ là một người bình thường có cơ hội “đi qua miền mơ tưởng Tây Nguyên” mà đã thấy yêu mảnh đất này vô cùng, và cứ tưởng đã yêu là hiểu nhưng mà không phải vậy. Cho đến một đêm trong ngôi nhà dài giữa rừng Lộc Bắc, già làng K’Diệp của buôn làng người Mạ kéo tôi lại bên bếp lửa, bôi những giọt máu gà tươi lên trán tôi và khấn Yàng chứng giám cho buôn làng nhận đứa trai người Kinh làm con. Trong một cảm xúc khó tả, tôi vỡ lẽ, bản thân mình chưa hiểu chút gì về Tây Nguyên cả. Được nhận làm con của đại ngàn là một niềm vinh hạnh, nhưng tất cả như mới bắt đầu. Người lữ hành lại mò mẫm kiếm tìm từ “a,b,c…” cho một tình yêu!...

Chiều kích Tây Nguyên sẽ được đo bằng tượng hình gì? Lại trở về với chiều mưa ở góc rừng ba biên giới. Trò chuyện cùng tôi trong chốt tiền tiêu là Đại úy A Hùng, người dân tộc Giẻ-Triêng (Kon Tum) và Binh nhất Vi Văn Nghiêu, người dân tộc Mường nhập ngũ từ Thanh Hóa.

Lúc này tôi cảm nhận, chiều kích Tây Nguyên được đo bằng tình yêu đất nước của người lính biên phòng khi chúng tôi cùng nói về sứ mệnh thiêng liêng của những người giữ đất và ký ức về con thuyền độc mộc đưa đoàn quân ra trận ngày xưa của Anh hùng A Sanh trên dòng Pô Cô lững lờ trôi trước mặt. Cũng chiều nay, tôi ngồi với nữ già làng Y Pan hơn chín mươi mùa rẫy, nữ già làng của tộc người Brâu ở buôn Đắk Mế.

Già Y Pan kể cho tôi nghe về dân tộc bà, câu chuyện sinh tồn và văn hóa của một tộc người chỉ có 322 nhân khẩu, ít hơn cả số lượng những chiếc lá trên một cây rừng. Hóa ra, chiều kích Tây Nguyên là những gì cụ thể, giản dị nhưng thiêng liêng nhất. Là cột mốc biên cương, là dáng cổ thụ bên rừng, là hòn đá cheo leo trên nền núi quốc thổ; là những con người bền bỉ giữ gìn văn hóa tộc người, là người lính hiên ngang làm cột mốc sống bảo vệ từng tấc đất quê hương…

Tôi cũng hiểu ra, miền mơ tưởng Tây Nguyên, xa thật là xa như hàng triệu năm kiến tạo núi cao, sông sâu, làm nên những bộ sử thi kỳ vĩ, kể về quá khứ oai hùng xứ sở. Và, miền mơ tưởng Tây Nguyên cũng thật gần gũi và thân thuộc như những con người mà tôi vẫn gặp trên miền đất đại ngàn này mỗi ngày thường như thế.