Hình thành các chuẩn mực văn hóa mới trên môi trường số

Cùng với tốc độ chuyển đổi số nhanh chóng trên tất cả mọi lĩnh vực, việc hình thành các chuẩn mực văn hóa số đang được đặt ra bức thiết và cấp bách.
0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng.
Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng.

Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên trung ương đảng, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch, xoay quanh vấn đề có ý nghĩa hết sức quan trọng tới sự phát triển của đời sống xã hội này.

Phóng viên (PV): Kính thưa Bộ trưởng, các số liệu thống kê cho thấy, hiện có hơn 70 triệu người, tương đương hơn 70% dân số Việt Nam đang tham gia môi trường số, trong đó, người trẻ chiếm số lượng lớn. Thực tế đó đặt ra yêu cầu về sự hình thành các chuẩn mực văn hóa số. Xin Bộ trưởng chia sẻ quan điểm về vấn đề này?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Thực tế cho thấy, tình trạng lệch chuẩn xã hội trên môi trường số đã và đang diễn ra. Các video phản cảm, bài viết sai sự thật, hiện tượng bôi nhọ, bêu riếu, xúc phạm nhau, thậm chí cả lừa đảo, v.v. còn phổ biến trên không gian mạng, tốc độ lan truyền tin nhanh và nguy hiểm, làm tổn hại đến uy tín của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân. “Thông tin rác” nếu không được ngăn chặn bằng những chế tài từ luật pháp, đến ý thức hành động của chính những người tham gia môi trường số, có thể sẽ làm méo mó các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, xóa nhòa ranh giới giữa cái đẹp và cái xấu, sự nhảm nhí, gây nên nhiều hệ lụy tiêu cực cho xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Để điều chỉnh các hành vi trên môi trường số, ở mức cao nhất, chúng ta đã có Luật An ninh mạng với các Nghị định, Thông tư hướng dẫn. Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành “Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội” nhằm hướng dẫn, khuyến khích những hành vi đúng trên mạng xã hội; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành “Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật”, là bản quy tắc điều chỉnh hành vi của người làm nghệ thuật theo tinh thần “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, lấy cái tích cực đẩy lùi cái tiêu cực. Bộ cũng đã đề xuất xây dựng “Bộ quy tắc ứng xử trong từng lĩnh vực, ngành nghề của đời sống xã hội” và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại “Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030”.

Đó chính là những văn bản quản lý nhà nước rất quan trọng nhằm định hình chuẩn mực văn hóa mới trên môi trường số của nước ta. Bên cạnh đó, chúng ta cần đẩy mạnh các biện pháp quản lý bằng khoa học-kỹ thuật, “dùng công nghệ để quản lý công nghệ”; tăng cường kiện toàn bộ máy quản lý, đội ngũ nhân lực quản trị mạng; chú trọng công tác cấp phép, thanh tra, kiểm tra, v.v.; khi phát hiện sai phạm, cần có chế tài mạnh đủ sức răn đe, xử phạt nghiêm minh những vi phạm pháp luật trên môi trường mạng.

Vừa qua, có không ít các hành vi lệch chuẩn trên không gian mạng đã được các cơ quan quản lý nhà nước xử lý; tiếng nói của cộng đồng (tẩy chay các hành vi lệch chuẩn) cũng sẽ góp phần quan trọng làm cho các chuẩn mực văn hóa ngày càng được phổ biến rộng rãi trong đời sống xã hội, được toàn thể xã hội chấp nhận và tuân thủ, giảm bớt các hành vi lệch chuẩn.

PV: Để hình thành các chuẩn mực văn hóa mới trên môi trường số phù hợp với đặc tính và truyền thống dân tộc, chúng ta cần phải làm gì, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Trên môi trường số, do tính chất ẩn danh, khó kiểm soát, khó quản lý, nên đây là không gian thuận lợi cho các biểu hiện lệch chuẩn, phản cảm, thiếu văn minh.

Do vậy, việc hình thành các chuẩn mực văn hóa mới trên môi trường số phù hợp với đặc tính và truyền thống dân tộc là hết sức cấp thiết. Tuy nhiên, với tính chất một “không gian ảo”, “xã hội ảo”, “cộng đồng ảo”, việc xây dựng các chuẩn mực này đặc biệt khó khăn. Do vậy, chúng ta cần kết hợp giữa các biện pháp quản lý bằng luật pháp, bằng hành chính, bằng công nghệ với những biện pháp tuyên truyền, giáo dục, nâng cao tinh thần tự giác, tự ý thức của mỗi tổ chức, cá nhân.

Để hình thành các chuẩn mực văn hóa mới trên môi trường số phù hợp với đặc tính và truyền thống dân tộc, trong thời gian tới, chúng ta cần tập trung thực hiện có hiệu quả một số nội dung sau:

Thứ nhất, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về văn hóa. Tạo lập hành lang pháp lý về doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo, sở hữu trí tuệ, thương mại, đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực văn hóa để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số quốc gia và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh tế mới dựa trên nền tảng công nghệ số, internet và không gian mạng. Trong đó, tập trung rà soát, sửa đổi các quy định liên quan đến văn hóa trên môi trường số.

Thứ hai, kịp thời ban hành, hoàn thiện chính sách thúc đẩy sáng tạo và hưởng thụ văn hóa phù hợp với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, xử lý kịp thời các thách thức đặt ra đối với phát triển văn hóa-xã hội.

Hình thành các chuẩn mực văn hóa mới trên môi trường số  ảnh 1

Nền tảng nhận thức góp phần định hình chuẩn mực văn hóa trên môi trường số. Ảnh: Viết Chung

Thứ ba, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, ý nghĩa của văn hóa số trong sự phát triển văn hóa, con người Việt Nam; ý thức của người dân khi tham gia vào môi trường số; xây dựng và thực hiện các Bộ quy tắc ứng xử cho các thành phần khác nhau trong xã hội.

Thứ tư, chú trọng công tác quản lý thông tin trên internet, mạng xã hội để định hướng tư tưởng và thẩm mỹ cho nhân dân, nhất là cho thanh niên, thiếu niên.

Thứ năm, phát huy vai trò của dư luận xã hội trên môi trường số, dùng ý kiến đúng đắn của số đông để điều chỉnh, uốn nắn kịp thời, đấu tranh với những biểu hiện sai trái, lệch chuẩn, vô văn hóa. Nêu cao trách nhiệm của mỗi tổ chức, cá nhân trong môi trường số.

Thứ sáu, phát huy vai trò, sức mạnh của văn học, nghệ thuật, báo chí trong việc phê phán những biểu hiện lệch lạc, định hướng các chuẩn mực văn hóa mới trên môi trường số phù hợp đặc tính và truyền thống dân tộc góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và tinh thần Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021.

PV: Nền tảng số cũng tạo nên nhiều cơ hội (về phương thức sáng tạo, cơ hội lan tỏa) và cả thách thức (như vấn đề bản quyền, cơ hội hưởng thụ sản phẩm văn hóa nước ngoài, v.v.) cho hoạt động sáng tạo các sản phẩm văn hóa. Xin Bộ trưởng chia sẻ quan điểm về vấn đề này?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Chuyển đổi số là một xu hướng tất yếu ở quy mô toàn cầu, sẽ làm tăng cơ hội sáng tạo và hưởng thụ văn hóa cho người dân. Mỗi cá nhân hay nghệ sĩ giờ đây có thể sáng tạo và đưa tác phẩm của mình tới công chúng trên không gian số, mà không có bất cứ rào cản địa lý nào. Công chúng cũng như vậy, họ có thể tiếp cận đến những sản phẩm, dịch vụ văn hóa rất đa dạng và phong phú nhờ môi trường số.

Tuy nhiên, môi trường số tạo ra một cơ hội chưa từng có trong việc phân phối sản phẩm văn hóa nghệ thuật, với chi phí thấp, phổ biến tới lượng công chúng gần như không giới hạn, thì song hành với nó, cũng tạo cơ hội chưa từng có trong việc tái sản xuất và phân phối các sản phẩm này một cách bất hợp pháp. Từ nhiều năm nay, vi phạm bản quyền nội dung số là một tệ nạn không chỉ tại Việt Nam mà cả trên thế giới.

Tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường số ở Việt Nam khá phổ biến và điều này gây ra những khó khăn và bất lợi cho các nghệ sĩ, cho các doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị văn hóa nghệ thuật, làm ảnh hưởng đến thị trường và sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa trong tương lai. Để giải quyết vấn đề này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ động đề ra một số giải pháp khắc phục tình trạng này theo hướng:

- Rà soát, hoàn thiện bổ sung các quy định pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan đáp ứng yêu cầu bảo hộ và thực thi quyền trong nước và hội nhập quốc tế; hoàn thiện các khung khổ pháp lý thúc đẩy phát triển văn hóa và các ngành công nghiệp văn hóa.

- Tăng cường thực thi hiệu quả Luật Sở hữu trí tuệ, đặc biệt chú trọng đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn nghiệp vụ đối với đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác quản lý và thực thi pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan từ trung ương đến địa phương.

- Ngăn chặn, xử lý các hoạt động sáng tác, truyền bá tác phẩm văn học, nghệ thuật có tác động tiêu cực tới đời sống xã hội.

- Phát triển hạ tầng công nghệ đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đầu tư xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về văn hóa nghệ thuật, bảo đảm kết nối, tích hợp đồng bộ với hệ cơ sở dữ liệu quốc gia.

- PV: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng.