Say chống ma túy đến “mất ngủ, quên ăn”
Khi chúng tôi đến, ông Bùi Đức Hải, Chủ tịch Hội CCB phường Cát Dài (quận Lê Chân, Hải Phòng) đang phối hợp công an tìm hiểu nhân thân một đối tượng trên địa bàn nghi ngờ sử dụng ma túy tổng hợp. Phường Cát Dài khá rộng, dân cư đông đúc, thế mà nhắc đến thanh niên đó, người lính già kể vanh vách về nơi ở, hoàn cảnh gia đình. Rồi họ nhanh chóng bàn bạc, ra phương án xử lý...
Một thời kỳ dài, khu vực dọc đường tàu, mà người dân gọi xóm Đường Tàu là tụ điểm ma túy nhức nhối, trở thành nỗi ghê sợ của người dân mỗi lần nghe tên. Đoạn đường tàu chỉ dài hơn hai cây số mà thuộc địa bàn quản lý của bảy phường, nên khó tránh khỏi tình trạng “cha chung không ai khóc”. Không thể để “cái chết trắng” lộng hành, con nghiện ùn ùn kéo đến ngang nhiên chích hút, trộm cắp, cãi nhau ầm ĩ suốt ngày đêm, Hội CCB phường Cát Dài trực tiếp nhận nhiệm vụ phối hợp công an thành phố đẩy lùi tệ nạn, trả lại bình yên cho khu phố. Hội cắt cử nhau tuần tra, chốt trực mỗi ngày hai ca vào giờ cao điểm, sáng từ 4 giờ 30 phút đến 6 giờ, tối từ 18 giờ 30 phút đến 21 giờ.
Cũng từ ấy, người dân phường Cát Dài lại thấy hình bóng người CCB bất kể nắng mưa mẫn cán tuần tra. Những lần tham gia cùng công an “phục kích” bắt giữ các đối tượng nghiện mò về “dạt vòm” hay trộm đồ của bà con, ông Hải càng dày dạn kinh nghiệm. Vốn trước đây “vào sinh ra tử” nên những lời cạnh khóe, đe nẹt, hăm dọa của dân nghiện chẳng làm ông sợ hãi, chùn bước. Ông Hải còn nức tiếng “mát tay” giúp nhiều người nghiện giã từ vòng vây của “ả phù dung”. Mới 38 tuổi nhưng Nguyễn Văn Mạnh đã có “thâm niên” nghiện hơn 15 năm. Gia đình đưa Mạnh đi cai hết lần này đến lần khác đều thất bại. Biết Mạnh có những ẩn ức trong lòng, người thân vì quá chán nản cũng bỏ mặc, bản thân Mạnh không đủ tự tin, quyết tâm để vượt qua, năm 2008, hội CCB phường chính thức vào cuộc. Bà Trịnh Thị Phương, người trực tiếp được hội phân công giúp đỡ Mạnh, luôn “thường trực” ở bên, còn ông Hải ngày nào cũng qua nhà khuyên giải, động viên, kèm cặp anh quyết tâm đoạn tuyệt ma túy. Khi anh Mạnh cắt cơn, không còn thèm thuốc, cả nhà rất đỗi mừng vui, nhưng là người có kinh nghiệm, ông Hải, bà Phương biết đây là giai đoạn rất “nhạy cảm”. “Nhàn cư vi bất thiện”, nếu không có việc làm, tất yếu rơi vào chán nản bi quan, rồi lại “ngựa quen đường cũ”... Bà Phương đề xuất hội hỗ trợ vốn và tìm việc để Mạnh lập nghiệp. Giờ đây, Mạnh đã làm chủ một sạp kính có thu nhập tương đối ổn định và thật sự tìm thấy niềm vui sống.
Cảm hóa, giúp đỡ những người nghiện từ bỏ ma túy thành công phải luôn xuất phát từ tình thương và tinh thần trách nhiệm. Đến nay, Hội CCB phường đã cảm hóa thành công 27 người nghiện, trong đó 11 trường hợp hoàn toàn tái hòa nhập cộng đồng. Nhiều năm là “người trong cuộc”, ông Hải chia sẻ, nhiều người quan niệm sai lầm, chỉ cần khoảng hai năm dứt cơn là ổn. Với mỗi trường hợp mắc nghiện, phải thường xuyên kèm cặp năm đến bảy năm mới tạm yên tâm.
Hỏi, hơn mười năm phòng chống ma túy, hội đã “bó tay” trường hợp nào chưa? Vẫn tác phong rất lính, ông Hải khoát tay: Chúng tôi đã nhận thì quyết làm cho bằng được. Thực tế chưa có trường hợp nào dân gõ cửa nhờ mà chúng tôi từ chối cả!
Để mái ấm thêm bình yên
Trong khi đó, cách “xóm đường tàu” chừng mấy chục cây số, nhiều cựu chiến binh ở thị trấn Kinh Môn (Hải Dương) lại rất hăng say với công tác “hòa giải”. Ông Phan Huy Vân, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thị trấn Kinh Môn (Hải Dương), một “bao công” dày dạn kinh nghiệm bộc bạch, công tác hòa giải khó nhất ở khâu tiếp cận. Người dân sống ở phố thị, nhưng nạn bạo lực gia đình vẫn âm thầm diễn ra trong nhiều gia đình trẻ. Người vợ, vì nhiều lý do đành âm thầm cắn răng chịu đựng. Với trường hợp chị N bị “bạo hành”, hội nhận được phản ánh nhiều lần từ hàng xóm, tổ dân phố, tổ hòa giải yêu cầu xử lý, nhưng khi gặp trực tiếp cả chồng cả vợ đều chối, rằng không có chuyện chị N bị chồng đánh. Nhiều lần liên tiếp bị chồng đánh sưng tím mặt, nhưng chị N vẫn một mực nói, do không cẩn thận nên té ngã. Tổ hòa giải và đích thân ông Vân mời anh chồng lên văn phòng hội để gặp gỡ. Bằng lời lẽ thuyết phục, khuyên giải hợp tình hợp lý, anh chồng thú nhận đã có những lúc “quá tay” với vợ và hứa sẽ không tái phạm.
“Giữ gìn an ninh trật tự khu dân cư, nghe thoáng qua tưởng chẳng mấy phức tạp, nhưng bắt tay vào việc không đơn giản, rất cần sự sâu sát, mẫn cán. Chúng tôi vẫn nhắc nhở nhau, không chỉ tích cực tham gia các phong trào cho khu phố bình yên, ngay từ gia đình mình, mỗi hội viên phải luôn mẫu mực nêu gương để con cháu noi theo”, ông Vân trải lòng.
Trong nhịp sống hối hả hôm nay, không thể phủ nhận những đóng góp của lực lượng cựu chiến binh, những người lính Cụ Hồ năm xưa. Họ vẫn giữ tác phong người lính, nhanh nhẹn, xông xáo, nói đi đôi với làm, được bà con tin yêu, cảm phục. Nói như ông Nguyễn Đức Xóm, Phó Chủ tịch Hội CCB thành phố Hải Phòng: Chính sự tin yêu, quý mến của nhân dân đã truyền cho chúng tôi thêm sức mạnh, sự tự tin để tiếp tục cống hiến sức mình vì cuộc sống bình yên của nhân dân...
Chính sự tin yêu, quý mến của nhân dân đã truyền cho chúng tôi thêm sức mạnh, sự tự tin để tiếp tục cống hiến sức mình vì cuộc sống bình yên của nhân dân... |