Những “bóng hồng” trong thủy quân Nhật Bản

Các nữ thành viên thuộc Lữ đoàn Đổ bộ triển khai nhanh (ARDB) trên tàu chiến Osumi của Nhật Bản đang nỗ lực chứng minh bản thân trong một môi trường vốn trước đây chỉ dành cho nam giới.
0:00 / 0:00
0:00
Chị Runa Kurosawa (giữa) tham gia huấn luyện trên tàu vận chuyển của JSDF. Ảnh: REUTERS
Chị Runa Kurosawa (giữa) tham gia huấn luyện trên tàu vận chuyển của JSDF. Ảnh: REUTERS

Theo Reuters, Trung sĩ Hikari Maruyama, Sawaka Nakano và Hạ sĩ Runa Kurosawa, là ba trong số khoảng 40 phụ nữ trong đơn vị gồm 2.400 thành viên của ARDB tại “xứ hoa anh đào”. Đây là lữ đoàn thuộc Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (JSDF), được thành lập vào năm 2018 trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở vùng biển thuộc khu vực Bắc Á. ARDB đóng vai trò quan trọng trong quân đội Nhật Bản, có nhiệm vụ tiên phong trong các cuộc tấn công từ biển có thể xảy ra trong tương lai.

Hạ sĩ Runa Kurosawa hiện đảm nhận vai trò thợ cơ khí bảo trì trên tàu Osumi. Chia sẻ về lý do gia nhập ARDB, cô cho biết: “Tôi đã bị cuốn hút khi xem đoạn video ghi lại toàn bộ quá trình bảo vệ một hòn đảo của ARDB từ biển đến đất liền. Tôi nghĩ lữ đoàn này không giống một đơn vị bình thường. Thật đáng ngưỡng mộ khi được nhìn thấy họ làm việc ở tuyến đầu và đó là lý do tại sao tôi muốn gia nhập lực lượng này”.

Trong bối cảnh Nhật Bản đang đối mặt tình trạng già hóa dân số ngày một nghiêm trọng, JSDF đang cố gắng thu hút thêm phụ nữ để bảo đảm quân số. Năm 2018, Bộ Quốc phòng Nhật Bản triển khai sáng kiến trao quyền cho nữ quân nhân, mục tiêu chính là tăng cường nguồn nhân lực nữ có năng lực, khuyến khích phụ nữ tham gia mọi nhiệm vụ và cho phép phụ nữ đảm nhận tất cả vị trí trước đây chỉ dành cho nam giới.

Tướng Shingo Nashinoki, Chỉ huy lực lượng ARDB cho biết: “Với tỷ lệ sinh thấp kỷ lục mà đất nước phải đối mặt, điều đặc biệt quan trọng là khuyến khích ngày càng nhiều phụ nữ hơn tham gia mọi lĩnh vực để bảo đảm nguồn cung nhân tài cho tương lai”.

Theo Al-Jazeera, mặc dù số lượng nữ quân nhân Nhật Bản đã tăng gấp hai lần trong thập kỷ qua, con số này vẫn ít hơn nhiều so tỷ lệ của nước đồng minh là Mỹ. Cụ thể, phụ nữ chỉ chiếm 8,7% trong số 230.000 thành viên JSDF, bằng một nửa tỷ lệ của quân đội Mỹ. Con số này thậm chí còn thấp hơn trong ARDB, ở mức dưới 2%. Sự chênh lệch giới trong quân đội thể hiện rõ trên tàu chiến Osumi, khi con tàu này trước đây không được thiết kế phòng ở cho nữ quân nhân. Điều này khiến các nữ quân nhân hiện phải chịu cảnh xếp chung giường, trong khi các đồng nghiệp nam được chỉ định phân giường từng người theo cấp bậc hay đơn vị.

Trung sĩ Hikari Maruyama, 38 tuổi, đã phục vụ nhiều năm trong JSDF. Cô đang đảm nhận nhiệm vụ cung cấp các bữa ăn cho quân nhân trên tàu. Chồng cô hiện cũng phục vụ trong lực lượng JSDF. Chia sẻ với Reuters, Maruyama cho biết, vì xã hội đặt kỳ vọng cao hơn vào phụ nữ trong việc nuôi dạy trẻ em, do đó cách để thu hút nhiều phụ nữ tham gia quân đội là mở rộng các dịch vụ chăm sóc trẻ em của các gia đình thuộc ARDB hoặc các lực lượng quân đội khác.

Maruyama thừa nhận, ban đầu cô đã dè dặt về việc gia nhập ARDB, nhưng cô đang thay đổi nhận thức, đây không phải là nơi chỉ có nam giới mới có thể thành công. “Mọi người, ngay cả trong JSDF, đều nghĩ rằng ARDB là nơi chỉ dành cho những người đàn ông có thể lực tốt, thiện chiến, giàu kinh nghiệm, làm việc ở tiền tuyến. Tôi thấy nhiều phụ nữ lo lắng về việc liệu họ có thể đảm nhận được việc đó hay không. Tôi cũng từng lo lắng về điều đó nhưng tôi đang học hỏi từ những người chung quanh và cải thiện kỹ năng của mình từng ngày”, Trung sĩ 38 tuổi chia sẻ. Trong khi đó, Trung sĩ Nakano cũng cho rằng, ARDB là lực lượng đòi hỏi khắt khe về thể chất, tinh thần, kỹ thuật… song đây cũng là cơ hội để phụ nữ có thể chứng minh năng lực của mình không hề thua kém nam giới trong xã hội hiện đại.

Những phụ nữ như Hikari Maruyama, Sawaka Nakano và Runa Kurosawa đang cho thấy vai trò của họ trong môi trường nghiêm khắc như quân đội. Tuy nhiên, nỗ lực của họ sẽ góp phần thúc đẩy bình đẳng giới tại “đất nước mặt trời mọc”.